Indonesia – con đường từ nô lệ tới độc lập.

Indonesia – con đường từ nô lệ tới độc lập.

Vào đầu thế kỷ 16, tại quần đảo Nam Dương, giữa lúc đế quốc Majapahit đang tự sụp đổ và sự phân ly đang làm suy yếu toàn thể khu vực thì người Âu lũ lượt kéo sang và đã tạo được ảnh hưởng một cách dễ dàng. Bồ Đào Nha đã xây dựng được cơ sở thương mại trên quần đảo hương liệu Moluccas trước tiên. Tiếp theo là Hoà Lan với những tàu buôn xuất hiện vào năm 1596 ở vùng đảo Bantan tây Java.
Trong cuộc ganh đua kiếm thị trường, Hoà cũng bắt chước Anh thành lập công ty Đông Ấn tung vào Indonesia hoạt động, Suốt thế kỷ 17, Hoà đã lần lượt thắng các công ty Âu Châu khác và dần dần hiện diện khắp vùng biển này. Hoạt động thương mại được kèm theo hoạt động quân sự rồi chính trị. Công ty Hoà không những chỉ củng cố các đảo Moluccas với những pháo thành kiên cố rải trên các điểm trọng yếu của thương lộ trong vùng, mà đồng thời cũng còn kiểm soát luôn cả các eo biển Moluccas và Sunda, và làm cho các tiểu quốc Indonesia suy yếu dần vì sự khống chế về kinh tế và chính trị.
Sang thế kỷ 18, công ty Đông Ấn của Hòa đã đạt được nền tảng hoạt động sâu rộng trên các đảo lớn nhỏ. Lợi tức ngày càng nhiều tràn lan trên những diện tích đất đai ngày càng lớn làm cho Hòa phải lo bảo vệ những quyền lợi bất chính đã thâu đoạt được. Cuộc xâm lược của Hòa được ghi dấu bằng những nét đậm nhất trong 20 năm đánh chiếm Java, một hải đảo quan trọng bậc nhất trong quần đảo. Trước hết là tây Java lọt vào tay công ty Hòa năm 1752, trung Java năm 1755 sau khi các toán kháng chiến cuối cùng của tiểu quốc Mataram bị dẹp tan, và đông Java vào năm 1772. Các công ty Hòa đã triệt để khai thác tài nguyên thiên nhiên nhiên và nhân lực Indonesia, còn quyền chính trị địa phương vẫn được duy trì bằng cách đặt các tiểu vương bù nhìn để trấn an dân chúng.
Sang đầu thế kỷ 19, vì ảnh hưởng trận Âu chiến do Napoléon gây nên, Hòa đã bị Anh thế quyền thống trị ở Java từ 1811 đến 1816. Khi Anh trao trả lại cựu thuộc địa cho Hòa theo hiệp ước hậu chiến giữa hai nước, thì công ty Đông Ấn mất hẳn quyền hành, việc cai trị được chuyển qua chính phủ Hoàng gia.
Cũng ngay thời đó, Java đã trải qua 5 năm (1825-1830) đấu tranh mưu đồ lật đổ chế độ thuộc địa do Diponegoro, hoàng thân đất Jogjakarta cầm đầu. Dân chúng đã nổi dậy vì bị bóc lột quá sức, nên khi chiếm được vùng nào quân khởi nghĩa bèn tàn sát tức khắc những kẻ thâu thuế tàn bạo gồm người Âu và người Tàu [3] tại địa phương. Về sau, người Hòa mưu bắt Diponegoro trong một cuộc điều đình và đem đày ông ta ở nam Sulawesi.
Indonesia tiếp tục sống im lìm trong nô lệ, mãi tới đầu thế kỷ 20 ảnh hưởng bởi các phong trào quốc gia Á Châu, nhất là cuộc nổi dậy chống Tây Ban Nha của dân Phi do Aguinaldo lãnh đạo, những phần tử trí thức trong nước mới bắt đầu tụ tập lại thành đoàn thể để hoạt động cứu quốc. Tuy nhiên những phong trào đầu tiên mới chỉ thâu hẹp trong phạm vi văn hóa và kẻ tiền phong phải được kể đến trước hết là công chúa Raden Adjeng Kartini xứ Jepara. Bà đã hô hào cải tổ nền giáo dục bản xứ theo Tây phương, và nhất là đã đẩy mạnh công việc giáo dục phụ nữ. Theo chân bà, bác sĩ Wahidin Soedirohoesodo cũng đứng ra thành lập hội Budi Utomo năm 1908 nhằm chấn hưng tinh thần quốc gia qua tổ chức học đường.
Bốn năm sau, một chính đảng đầu tiên đã được thành lập: đảng Hồi-giáo Sarekat Islam. Đảng chủ trương tranh đấu ôn hòa và công khai để đòi hỏi cho Indonesia được tự trị trong đế quốc Hòa Lan. Trên đường phát triển, đảng đã tuyên truyền chủ trương chống người Hòa, người Tàu và cả giới phong kiến Indonesia, nên đã thu hút được khá nhiều đảng viên. Năm 1919 số đảng viên đã lên tới hai triệu rưỡi. 1919 cũng ghi dấu cao điểm bành trướng tột cùng của đảng này, vì ngay sau đó đảng dần dần bị tan rã do sự bất hòa của các khuynh hướng tôn giáo, quốc gia và cộng sản trong nội bộ.
Năm 1920, nhóm Mác xít trong đảng Hồi Giáo tách ra thành lập đảng Cộng Sản, cộng đảng đầu tiên ở Á châu. Cộng Sản hoạt động khá sôi nổi trong các cuộc sách động biểu tình, đình công. Nhưng tới năm 1926, trong một cuộc nổi dậy vội vã với hai trăm chiến sĩ tại Batavia, đảng này đã bị chính quyền thống trị dẹp tan, rồi ruồng bố khắp nơi và đem đi đầy ở tây Irian 1.300 đảng viên.
Năm 1927, Sukarno, một kỹ sư trẻ tuổi, đã đứng ra thành lập đảng Quốc Gia. Chủ trương của đảng là tranh thủ độc lập bằng cách bất hợp tác với người Hòa trong tinh thần tự tín, không bạo động. Hoạt động vỏn vẹn được hai năm, khi số đảng viên mới lên tới 10 ngàn thì đảng Quốc Gia cũng bị giải tán. Chính quyền Hòa Lan đã bắt Sukarno và nhiều lãnh tụ khác rồi cũng đem đầy sang tây Irian.
Trong thế chiến 2, quân Nhật đã tấn công Indonesia vào tháng 3 năm 1942 và đã chiến thắng mau chóng khắp các đảo. Tùy theo các cuộc điều động đơn vị hành quân, bộ tư lệnh Nhật đã giao cho lục quân quản trị đảo Java, hải quân đảo Kalimantan, Sulawesi và các đảo nhỏ, còn Sumatra thì được ghép chung với Mã Lai trong vai điều hành cai trị. Người Nhật đã đưa Sukarno về Java và đặt ông ta vào chức Chủ Tịch Hội Đồng Cố Vấn Trung ương thiết lập hồi tháng 9 năm 1943. Ngày 17 tháng 7 năm 1945 Hội Đồng Tối Cao Chỉ Đạo Chiến Tranh của Nhật quyết định trao trả độc lập cho Indonesia và một Uỷ Ban Dự Bị Độc Lập cũng được tổ chức. Tuy nhiên chưa đầy một tháng sau thì Nhật đầu hàng (ngày 15 tháng 8 năm 1945). Uỷ Ban Dự Bị Độc Lập bèn vội vã tuyên cáo nền độc lập của Tân Cộng Hoà Indonesia trước quốc dân và thế giới (ngày 17 tháng 8 năm 1945).
Sau khi công bố độc lập, Uỷ Ban Dự Bị Độc Lập đã bầu Sukarno làm tổng thống và Hatta phó tổng thống; đồng thời một hiến pháp cũng đã được ban hành. Sukarno đã thành lập nội các và Hội Đồng Quốc Gia Trung Ương với 135 hội viên. Nền Cộng Hòa Indonesia được tô điểm thêm bằng Ngũ Niệm Pantja Sila, nền tảng ý thức chính trị của Sukarno: Thượng Đế, Tổ Quốc, Nhân Bản, Tự Do và Công Lý.
Lợi dụng thời gian sáu tuần lễ từ khi Indonesia tuyên bố độc lập tới lúc quân Anh nhân danh Đồng Minh đến chấp nhận sự đầu hàng và tước khí giới quân đội Nhật, chính phủ Sukarno đã cố gắng vô bờ bến trong việc tổ chức cơ quan hành chánh từ trung ương xuống thôn ấp. Chính phủ cũng thành lập một đạo quân trang bị nhẹ bằng chính vũ khí của Nhật lén chuyển giao. Tuy nhiên, để tránh tiếng về việc Đồng Minh cho là những nhân vật cầm quyền đều là những phần tử cộng tác với Nhật, Sukarno cũng tức thời mở cửa cho giới thanh niên chống Nhật thuộc khuynh hướng xã hội tham dự vào guồng máy chính trị. Hội Đồng Quốc Gia Trung Ương nguyên chỉ đóng vai trò tư vấn đã được mở rộng và đổi thành cơ quan lập pháp. Chính phủ tổng thống chế do chính Sukano cầm đầu bị giải tán và Sjahrir thuộc đảng Xã Hội được đề cử đứng ra thành lập nội các trách nhiệm trước lập pháp. Bốn chính đảng đã được tái lập và hoạt động hợp pháp trong thời kỳ này là đảng Hồi Giáo Masjumi, đảng Quốc Gia, đảng Xã Hội, đảng Cộng Sản.
Cũng tương tự như tình trạng miền Nam Việt Nam sau thế chiến, quân Anh đã mang theo quân Hòa Lan tới Indonesia ngay ít lâu sau những đợt đổ bộ đầu tiên. Anh đã trở lại Miến và Mã, nên cũng muốn giúp Pháp và Hòa trở lại cựu thuộc địa để cùng nương tựa nhau mà tạo lại thời vàng son của thực dân ở Đông Nam Á. Đứng trước sự trở lại của người Hòa, dù có nhiều áp lực nội bộ (nhất là của quân đội) đòi giải quyết bằng quân sự, nhưng chính phủ Sjahrir và các chính phủ kế tiếp vẫn thương thuyết để tìm một lối thoát đỡ đổ vỡ hơn. Về vùng kiểm soát, lúc ấy Hòa đã chiếm được một số thành phố trên hai đảo Java và Sumatra, nhưng chính phủ Cộng Hòa vẫn nắm trọn được hầu hết dân chúng trên hai đảo chính này. Tại các nơi khác, Hòa đã chiếm cứ dễ dàng hơn và chiếm đến đâu Hòa lập tiểu bang và vùng tự trị đến đó.
Tới tháng 3 năm 1947 sau nhiều lần gặp gỡ, các nhà lãnh đạo Indonesia và đại diện Hòa đã ký thỏa ước Lingadjati với nhau. Theo đó, Hòa công nhận Cộng Hòa Indonesia gồm đảo Java và Sumatra, nhưng ngược lại, chính phủ Cộng Hòa phải công nhận sự khai sinh của một Liên Hiệp Indonesia gồm thành phần Cộng Hoà Indonesia, Kalimantan và Đại Đông (từ Sulawesi tới tây Irian). Và sau hết, Liên Hiệp Indonesia phải nằm trong Khối Thịnh Vượng Hòa Lan cùng với Tây Ấn thuộc Hòa. Bên cạnh hệ thống chính trị ba tầng “Công Hòa – Liên Hiệp – Khối Thịnh Vượng”, thỏa ước còn có điều khoản “nỗ lực quân sự của cả hai bên đều phải giảm để duy trì hòa bình”.
Thỏa ước được ký kết nhưng không có ai thi hành; bốn tháng sau mặc nhiên coi như bị xé bỏ. Lực lượng Hòa thay vì được sút giảm thì lại tăng viện liên tục. Tới tháng 7 năm 1947, lực lượng này đã lên tới 150.000 người. Thấy đã đủ mạnh, Hòa liền ra quân tấn công. Tuy nhiên Ấn và Úc đã tức khắc kêu gọi Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc can thiệp, nên cuộc chiến đã bị chận lại. Dù sao, sau một thời gian hành quân ngắn ngủi, Hòa cũng đã chiếm được nhiều vùng đồn điền và hầm mỏ giàu có ở Java và Sumatra. Phái đoàn Liên Hiệp Quốc đã mặc nhiên cho Hòa giữ lại những vùng đất ấy. Tháng giêng 1948, hai bên ký một thỏa ước mới, thỏa ước tự nó biểu lộ rõ rệt sự yếu thế về quân sự của Indonesia. Nhưng chưa đầy một năm sau (tháng 12 năm 1948), Hòa lại tung quân tấn công lần thứ nhì. Với chiến thuật chớp nhoáng, sử dụng vũ khí nặng và không yểm, Hòa đã chiếm được thủ đô Indonesia, bắt giữ hầu hết các lãnh tụ trong đó có cả tổng thống Sukarno và thủ tướng Hatta, và đem đầy họ ra đảo Bangka ngoài khơi Sumatra.
Hành động của Hòa đã bị cả thế giới lên án. Chính quốc Hòa bị rung động vì áp lực ngoại giao ở khắp nơi. Hơn nữa, quân đội Indonesia đã phân tán và áp dụng chiến thuật du kích làm cho quân Hòa không thể tổ chức guồng máy hành chánh ở những nơi mới chiếm được. Hòa tự thấy mình bi sa lầy, sa lầy giữa công luận quốc tế và ngay cả giữa đất thuộc địa cũ, nay là đất thù nghịch. Nên, sau cùng, Hòa lại phải đưa các lãnh tụ Indonesia về Java và điều đình. Một hội nghị bàn tròn đã được tổ chức tại Hòa Lan giữa chính phủ Hòa, đại diện Cộng Hòa Indonesia và các tiểu bang do Hòa thành lập để giải quyết cho xong vấn đề.
Kết quả của hội nghị bàn tròn là việc thành lập Cộng Hòa Liên Hiệp Indonesia gồm 15 tiểu bang do Hòa đỡ đầu kết hợp với Cộng Hòa Indonesia cũ. Như vậy, ngoài trừ phần đất tây Irian Hòa vẫn ngoan cố giữ lại [4]còn tất cả lãnh thổ Indonesia đã được qui về một mối, dù dưới hình thức liên hợp lỏng lẻo. Căn cứ vào kết quả trên, Cộng Hòa Liên Hiệp Indonesia đã được công bố thành lập ngày 27 tháng 12 năm 1949, vẫn với Sukarno, tổng thống, và Hatta, thủ tướng. Bảy tháng sau, nội bộ Liên Hiệp nảy sinh ra nhu cầu thống nhất thực sự, do đó các tiểu bang đã họp lại, cùng đồng ý hủy bỏ hình thức liên hiệp và đổi lại danh hiệu là Cộng Hòa Indonesia như xưa.
Trích: Trăm Việt Trên Vùng Định Mệnh – Phạm Việt Châu.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *