Sắc lệnh này ta cho các tướng Ðại Tư Mã, Ðại Ðốc (tức Ngô Văn Sở và Phan Văn Lân) cùng các tướng lĩnh khác và toàn thể binh sĩ được biết.
Từ trước tới nay các bậc quân vương nước ta đều lấy luật pháp để cai trị thần dân và duy trì hoà bình, nên ta cũng noi gương các vị tiền nhân mà đánh dấu ngày khởi đầu triều đại bằng cách soạn ra một bộ luật để dân chúng sống trên mảnh đất này nghiêm ngặt tuân theo.
Ta đã giao cho các quan tư pháp và tham chính viện nhiệm vụ hoàn tất bộ luật đó trong một đến hai tháng tới. Trong khi chờ đợi, ta ban bố vài pháp quy yêu cầu mỗi người trong các ngươi đều phải nghiêm khắc thi hành. Nội dung điều luật đó như sau:
1. Nếu một quan chỉ huy hay binh lính nào phạm tội gì, bá quan văn võ sẽ cùng định luận để xử họ và nếu họ đáng bị xử tử họ sẽ bị kết án tử hình.
2. Trong thời khắc chiến tranh, mỗi lần một vị tướng lĩnh lệnh bộ hạ mình đi đánh địch, bộ hạ đó phải tuyệt đối tuân theo, người nào tử trận một cách can đảm sẽ được vinh danh. Trái lại ai vì sợ chết mà bỏ trốn sẽ bị sỉ nhục. Bởi vậy ta cho phép xử tử tức thì những kẻ trốn bổn phận cũng như những kẻ cho địch có thì giờ dưỡng sức lại vì hèn nhát, chậm chạp và kháng mệnh; các tướng lãnh cũng phải báo cáo hành động của họ trong trường hợp đó.
3. Khi chiến tranh chấm dứt, quân đội trở về kinh đô và được trả lại cho triều đình, không một quan chỉ huy nào được tự tiện xử tử người đồng cấp vị, ai vi phạm luật này sẽ không có hi vọng được khoan thứ.
4. Mỗi lần xảy ra chuyện gì liên quan đến chính sự, mọi người đều phải lưu ý ngay đến việc đó bởi vì một sự chậm trễ nhỏ nhặt cũng có thể gây trở ngại cho đại sự. Thời bình, sự mau lẹ đó cũng cần thiết rồi, huống chi tại Bắc Thành nơi cuộc chiến đang ngày càng ác liệt.
Mỗi một cuộc chiến bất kể nhỏ hay lớn các ngươi đều phải coi như việc trọng yếu, mỗi giây phút đều có thể mang lại nhiều thay đổi bất ngờ liên tiếp theo nhau và những biến chuyển đó lúc thì thuận, khi thì nghịch thành thử không thể căn cứ trên cái gì chắc chắn được.
Bởi vậy mỗi khi phát sinh chính sự hay tình hình chiến tranh bắt phải họp để định luận về những việc phải làm và mỗi khi ngày giờ họp được ấn định, các quan văn võ sẽ phải họp ngay lập tức vào ngày giờ đó để bàn bạc và quyết định với nhau. Nếu bất đồ có người vì sơ xuất mà không tới nơi đúng giờ, ta cho phép Tư Mã và Ðại Ðô Ðốc phạt họ tuỳ theo lỗi nặng hay nhẹ.
5. Nếu mỗi khi tướng sĩ chi đội hay thuộc hạ của các ngươi đi đuổi bắt kẻ gian, đáng lẽ phải bảo vệ và che chở cho người dân hiền lành vô tội thì có kẻ lại cưỡng đoạt của cải của dân chúng, mang đến cho bách tính sự đau khổ và thất vọng, khiến họ phải chịu nhiều tai vạ hơn cả dưới tay Nhậm và Tiết chế.
Các ngươi hành xử như vậy thì làm sao dân chúng yên lành được? Làm sao có thể gọi hành động đó là cứu rỗi dân chúng và làm sao các ngươi có tư cách nghiêm phạt thủ phạm cho được?
Vì vậy ta ra lệnh cho các tướng sĩ phải công bố trong đội hay binh đoàn mình điều nghiêm cấm này, không được lấy bất cứ vật gì của người dân dù chỉ là một ngọn cỏ, như ta đã không ngớt tuyên cáo trước đây. Các sĩ quan bắt buộc phải hết sức thi hành điều nghiêm cấm đó theo đúng sở ý của ta.
Những người cư xử như vậy có thể tin rằng sau khi chia sẻ cùng ta những nỗi khổ nhọc và những hiểm nguy của thời chiến này, họ cũng sẽ chia sẻ thanh danh và cùng vui hưởng niềm an lạc thời bình cùng ta.
Một điều nữa, không ai có quyền dựa vào sự vắng mặt của ta để phiền nhiễu cướp bóc dân chúng và uy hiếp đàn bà con gái. Chỉ khi nào dẹp được những bạo hành đó, các ngươi mới có thể giữ được chức vụ và bảo đảm an ninh cho cá nhân cùng người thân của mình.
Nhược bằng không, đừng mong rằng ta sẽ dung thứ cho các ngươi.
Ðó là những điều ta muốn các ngươi phải biết.
Quang Trung – Nguyễn Huệ – Ngày 3 tháng Mười (âm lịch) năm Thái Ðức thứ 11 – 1788
===================================
Đây là bản quân lệnh dịch theo bản dịch tiếng Pháp của các giáo sĩ, bản Hán văn đã thất lạc
Nguồn: Tập san sử địa số 9-10. Có chỉnh một chút về văn phong cho thuần Việt, bản dịch tiếng Pháp toàn để là: sĩ quan, tiểu đội, quân đoàn.
Trong lần đầu ra Bắc, dân Bắc Hà tuy khinh miệt gọi quân Tây Sơn là “Cuồng Chiêm” “Man binh”, “Hắc tử” nhưng đều phải công nhận rằng quân lệnh của Nguyễn Huệ rất nghiêm, “lính không dám lấy một mảy của dân”.