Cuộc diệt chủng người Chuẩn Cát Nhĩ thế kỷ 18 dưới thời nhà Thanh

Cuộc diệt chủng người Chuẩn Cát Nhĩ thế kỷ 18 dưới thời nhà Thanh

Hãn quốc Chuẩn Cát Nhĩ (Zunghar) là một đế quốc du mục từng tồn tại trên thảo nguyên Trung Á từ đầu thế kỷ 17 cho đến giữa thế kỷ 18 và được xem là đế quốc du mục lớn cuối cùng trong lịch sử thế giới. Người Zunghar là một liên minh được cấu nên từ một số bộ lạc Oirat Mông Cổ theo Phật giáo Tây Tạng, sinh sống trên khu vực trải dài từ cực tây của Vạn Lý Trường Thành ở phía đông, tới miền đông Kazakhstan ngày nay ở phía tây.
Dưới thời Khang Hi, sau khi hoàn tất công cuộc chinh phục toàn bộ Trung Quốc bản thổ từ tay người Hán, vị hoàng đế này đã bắt đầu để ý tới người hàng xóm ở phía tây của đế chế mình. Kể từ những năm thập niên 1680, nhà Thanh đã phát động nhiều chiến dịch chống lại người Zunghar. Tuy nhiên phải hơn 70 năm sau, dưới thời cháu nội Khang Hi là Càn Long, người Mãn mới có thể khuất phục được Zunghar. Ban đầu, Càn Long dự định sẽ phân chia lãnh thổ của người Zunghar thành bốn bộ lạc do bốn vị Hãn đứng đầu. Trong đó có bộ lạc Khoit do Amursana nắm quyền lãnh đạo. Cuối năm 1755, nhà Thanh đã cho triều Amursana vào triều để đưa một yêu cầu đòi hỏi một vùng đất lớn của người Zunghar cho các di dân người Hán. Không hài lòng với yêu sách của triều đình Bắc Kinh và cùng với mong muốn lãnh đạo một nhà nước Zunghar thống nhất, Amursana đã đứng lên chống lại người Mãn.
Càn Long tức giận đã hạ lệnh hủy diệt toàn bộ dân tộc Zunghar, ra lệnh cho các tướng giết tất cả trai tráng và chỉ chừa lại phụ nữ, trẻ em và người già chia cho binh lính Bát kỳ làm nô lệ. Trong hai năm tiếp theo, quân Mãn và quân Mông Cổ của nhà Thanh đã phá hủy các tàn dư của Hãn quốc Zunghar, gần như triệt hạ mọi dấu tích của dân tộc này. Càn Long không cảm thấy bất kỳ sự mâu thuẫn giữa mệnh lệnh diệt chủng một dân tộc của mình và việc duy trì các nguyên tắc hòa bình của Nho giáo. Ông ủng hộ lập trường của mình bằng cách miêu tả người Zunghar là dân “di địch” và là “người hạ đẳng”. Hoàng đế Càn Long tuyên bố rằng “quét sạch mọi rợ là cách để mang lại sự ổn định quốc nội”, rằng người Zunghar “quay lưng lại với sự văn minh” và hành động của ông chỉ là “thế thiên hành đạo” mà thôi.
Học giả thời nhà Thanh Ngụy Nguyên ước tính rằng tổng dân số Hãn quốc Zunghar trước khi sụp đổ là 600.000 người, hay 200.000 hộ. Theo một trích dẫn, Ngụy Nguyên viết rằng 40% số hộ Zunghar bị chết do bệnh đậu mùa, 20% chạy trốn đến Nga hay các bộ lạc người Kazakh, và 30% bị quân lính giết chết, sau này không còn một yurt (lều du mục) nào trong một khu vực rộng hàng nghìn lý ngoại trừ của những kẻ đầu hàng. Dựa trên số liệu này, Chu Văn Trường viết rằng 80% trong tổng số 600.000 hoặc hơn người Zunghar bị tiêu diệt do sự kết hợp của bệnh tật và chiến tranh, Michael Clarke mô tả điều này “sự tiêu diệt hoàn toàn không chỉ với nhà nước Zunghar mà còn với người Zunghar với vị thế là một dân tộc.” Sử gia Peter Perdue quy việc sát hại người Zunghar là một chính sách hủy diệt rõ ràng, một “cuộc diệt chủng có chủ đích”, do Càn Long đưa ra song ông cũng nhận thấy một chính sach khoan dung hơn sau giữa năm 1757. Mark Levene, một sử gia gần đây quan tâm nghiên cứu về vấn đề diệt chủng, phát biểu rằng việc tiêu diệt người Zunghar là “Người ta có thể cho đây là tội diệt chủng đặc biệt ở thế kỷ 18”. Tác phẩm tham khảo đa ngành có thẩm quyền là cuốn “Bách khoa toàn thư về những cuộc diệt chủng và tội ác chống lại loài người” (Encyclopedia of Genocide and Crimes Against Humanity) đã xếp những hành động của Càn Long với người Zunghar vào diện diệt chủng theo định nghĩa được đưa ra bởi Công ước Liên hợp quốc về ngăn chặn và trừng phạt tội ác diệt chủng. Càn Long đã trực tiếp ra lệnh thảm sát phần lớn dân số Zunghar và nô dịch hoặc trục xuất phần còn lại, dẫn đến sự hủy diệt hoàn toàn của người Zunghar với tư cách là một nhóm văn hóa và dân tộc.
Hành động của Càn Long là chỉ nhằm làm cho biên giới phía bắc và phía tây của Thanh quốc được bảo đảm và loại bỏ sự cạnh tranh cũng như sự ảnh hưởng của người Mông Cổ về vấn đề kiểm soát Đạt-lại Lạt-ma ở Tây Tạng, tạo tiền đề cho tham vọng của Thanh triều mở rộng ra vùng đất của người Hồi, hình thành nên vùng Tân Cương sau này. Cuộc diệt chủng người Zunghar của nhà Thanh đã khiến vùng đất Dzungaria ở phía tây bắc Tân Cương sụt giảm dân số nghiêm trọng. Tuy nhiên chính điều này đã tạo điều kiện cho chính sách di cư hàng triệu người Hán, Hồi, Duy Ngô Nhĩ và Bát kỳ Mãn Châu tới Dzungaria của triều đình Mãn Thanh trở thành hiện thực. Giáo sư Stanley W. Toops lưu ý rằng tình hình nhân khẩu học của Tân Cương ngày nay tương tự như giai đoạn đầu dưới thời nhà Thanh. Ở phía bắc, sau khi diệt chủng gần như toàn bộ người Zunghar Oirat, người Mãn đã di chuyển người Hán, Hồi, Duy Ngỗ Nhĩ và Kazakh đến đây định cư. Một phần ba dân số Tân Cương là người Hán, Hồi, sinh sống ở Dzungaria, còn hai phần ba dân số còn lại là người Duy Ngỗ Nhĩ, sinh sống chủ yếu ở lòng chảo Tarim.
Tham khảo
  • Wikipedia
  • Peter Lorge. War, Politics and Society in Early Modern China, 900–1795.
  • Peter C Perdue. China Marches West: The Qing Conquest of Central Eurasia.
  • Tyler, Christian (2004). Wild West China: The Taming of Xinjiang

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *