“MÙI KHAI KHÔNG CON TRAI?”
Những mẩu truyện về Hoàng đế La Mã Vespasianus (9 – 79) – cái ổ shitpost di động thời cổ đại.
————————————————————————-
Sau khi thống nhất lại Đế chế La Mã từ cuộc nội chiến năm 69, để lấp đầy quốc khố, Hoàng đế La Mã Vespasianus áp dụng lại “thuế nước tiểu”, thu thuế những người mua nước tiểu từ nhà xí công cộng, như dưới thời Nero.
Con trai ông là Titus tỏ vẻ bất bình, cho rằng việc làm của cha mình là không trong sạch.
Một ngày nọ, Vespasianus đang đứng cạnh đống tiền thuế mới thu về, thấy con trai đi qua, bèn nhặt một đồng xu, dí vào mũi Titus mà hỏi:
“Có thấy khai không con trai?”
“Dạ, không” – Titus đáp
“Lấy từ nước tiểu đấy con ạ.”
————————————————————————-
Xuất thân từ tầng lớp thường dân (plebeian), nên cách ăn nói của Vespasian không giống tầng lớp quý tộc.
Một nguyên chấp chính quan tên Mestrius Florus có lần bắt bẻ Hoàng để rằng “xe kéo” phải được phát âm là “plaustra” (style kinh kỳ 800 năm văn vở) chứ không phải “plostra” (dân tỉnh lẻ, chân đất mắt toét). Ngay ngày hôm sau, Hoàng đế bắt đầu gọi tên ông Florus này thành “Flaurus”.
Lần khác, Mucianus – công thần và đồng minh của Vespasianus, nổi tiếng hoang dâm và đồng tính – tỏ thái độ bất kính, nói rằng Vespasianus lên ngôi là nhờ gã. Vespasianus nhỏ nhẹ đáp:
“Ít nhất tớ vẫn là đàn ông”.
————————————————————————-
Hoàng đế Vespasianus chúa ghét các triết gia – những kẻ suốt ngày đả kích nền quân chủ mới của La Mã và thương nhớ những năm tháng cộng hòa trước kia.
Trong số các triết gia bị Hoàng đế cho đi đày, có một người tên Demetrius, bị tống cổ khỏi kinh đô rồi mà vẫn không ngớt lời đả kích Hoàng đế và tán dương những ngày tháng xưa cũ.
Nghe được tin, Vespasianus bèn hồi âm lại:
“Ngươi đang cố gắng khiến ta giết ngươi, nhưng ta không giết chó chỉ vì nó sủa bậy”.
————————————————————————-
“Bị” một người đàn bà gạ tình, vốn chẳng phải một công dân gương mẫu gì nên Hoàng đế chén luôn, trả cho người đàn bà kia 400,000 sestertius (bằng tiền lương một năm của cả một tiểu đoàn lính lê dương La Mã).
Khi thư ký hỏi ông muốn ghi khoản chi phí này vào sổ sách như thế nào, Vespasianus đáp:
“Tình phí của Vespasianus”.
Lúc khác, trông thấy một người đàn ông to lớn và có cái của quý cũng to không kém, Vespasianus bình phẩm bằng cách “trích” luôn sử thi Iliad:
“Chân sải bước hiên ngang, ngoe nguẩy cây thương dài.”
————————————————————————-
Vespasianus chưa bao giờ là một Hoàng đế “thanh liêm” – và ông còn không thèm có chút nỗ lực nào để giấu giếm điều đó.
Phát hiện phụ tá của mình ăn hối lộ để tiến cử một “người nhà”, ông cho gọi “người nhà” kia đến, đòi toàn bộ số tiền hối lộ, sau đó bổ nhiệm anh ta vào đúng vị trí yêu cầu.
Khi người phụ tá dò hỏi lần tiếp theo, Vespasianus trả lời:
“Kiếm thằng anh khác đi, gã đấy là anh tôi mà”.
Lần khác, nghi ngờ rằng người lái xe cố tình dừng lại thay móng cho những con la để người quen có thể gặp Hoàng đế mà kiện cáo, Vespasianus khăng khăng rằng người lái xe đã được trả tiền và đòi chia lợi nhuận.
————————————————————————-
Ngay cả những lúc nguy hiểm dường như cận kề, vị Hoàng đế này vẫn mỉa mai được.
Khi điềm xấu xuất hiện ở lăng mộ Augustus và sao chổi bay vụt qua bầu trời thành phố, Vespasianus nói rằng ông chẳng có lí do gì để lo nghĩ, vì điềm xấu ấy là của gia tộc nhà Augustus và sao chổi chỉ đáng sợ với lũ Parthian tóc dài (nam giới La Mã thường để tóc ngắn)
————————————————————————-
Khi sắp cán mốc “thất thập cổ lai hy”, Vespasianus đổ bệnh, nằm liệt giường vì mất sức và tiêu chảy. Vị Hoàng đế vẫn cố gắng tiếp tục công việc của mình, nhưng không quên than thở:
“Khốn khổ thân tôi, sắp được phong thánh rồi.”
Ngày 24/6/79, cơn tiêu chảy vắt kiệt chút sức lực cuối cùng của Hoàng đế Vespasianus. Miệng lẩm bẩm “một vị Hoàng đế phải chết hiên ngang”, ông gượng đứng dậy, nhưng gục xuống trong tay người hầu và tắt thở.
————————————————————————-
[nguồn:
Suetonius, Vespasianus, các chương 13, 22, 23, 24]
P/S: Nhờ quả thuế nước tiểu kia nên ngày nay trong tiếng Pháp và tiếng Ý, tên của Vespasianus được dùng để chỉ nhà xí công cộng (“vespasienne” / “vespasiano”).