Về vấn đề này, Lê Quý Đôn từng than thở:
“Về thời toàn thịnh dưới triều Trần, văn học cực thịnh luật lệ giấy tờ rất đầy đủ. Hồi đầu đời Nghệ Tông (1370 – 1372), Chiêm Thành đem quân đánh ta, đốt phá cướp bóc hầu hết.
Sau đó các sách vở giấy tờ dần dần thu thập lại. Đến đời Nhuận Hồ mất nước, tướng nhà Minh là Trương Phụ lấy hết sách vở cổ kim của ta gửi theo đường sông về Kim Lăng.
Triều ta dẹp loạn, lập lại trị bình, các bậc danh nho như Nguyễn Trãi, Lý Tử Tấn, Phan Phu Tiên cùng nhau sưu tầm sách vở, giấy tờ, nhặt nhạnh từng tờ giấy còn sót lại; nhưng sau cuộc binh hỏa, mười phần chỉ còn được bốn năm. Vua Thánh Tông ham thích sách vở, đầu năm Quang Thuận hạ chiếu tìm tòi các dã sử (Sử tư nhân viết), thu thập truyện ký cổ kim còn chứa ở nhà riêng, hạ lệnh cho đem dâng lên tất cả. Đến năm Hồng Đức (1470 – 1497), nhà vua lại hạ chiếu cầu những sách còn sót lại đem cất chứa ở bí các. Trong dịp này có người đem dâng những sách lạ, sách bí truyền đều được khen thưởng nhiều. Do đó sách đời trước cũng dần dần được đưa ra.
Đến thời rối loạn do Trần Cảo gây ra, kinh thành bị mất sĩ dân tranh nhau kéo vào nơi cung cung cấm lấy vàng, lấy lụa; giấy tờ sách vở rắc bỏ đầy đường.
Đến thời Ngụy Mạc dần dần các sách được thu thập biên chép lại, nhưng khi đến triều đình Trung Hưng (Lê, Trịnh) lấy lại được kinh thành, các sách vở lại bị lửa cháy. Những sách do các quan và dân cất chứa cũng rất ít còn giữ được. Tan nát đến thế, đáng tiếc lắm thay.” – ĐVTS Tr 123-125
======================================
Cứ thế thì thấy thủ phạm tàn phá sách vở văn vật nước ta có vài “thủ phạm” chính: Chiêm Thành, quân Minh, loạn Trần Cảo, rồi tới quân nhà Trịnh, nói chung cứ lần nào chiếm được Thăng Long, cũng là một lần Thăng Long bị cày phá, triều mới lên gầy dựng lại được chút rồi lại tan nát trong tay triều sau. Cho nên sách vở tư liệu còn tồn tới nay, đã ít lại càng thêm ít.