LỊCH SỬ NHỮNG Ý TƯỞNG TÔN GIÁO (37)Ấn Độ trước thời Phật Cồ Đàm: Từ Hiến Tế Vũ Trụ đ…

LỊCH SỬ NHỮNG Ý TƯỞNG TÔN GIÁO (37)

LỊCH SỬ NHỮNG Ý TƯỞNG TÔN GIÁO (37)

Ấn Độ trước thời Phật Cồ Đàm: Từ Hiến Tế Vũ Trụ đến Danh Tính Tối Hậu Tiểu Ngã – Đại Ngã (phần cuối)
Định danh tiểu ngã – đại ngã và trải nghiệm “ánh sáng bên trong”
Vấn đề trung tâm của những bản kinh dù rõ ràng hay hàm ý đó là việc nắm bắt được và hiểu được Thực Thể đầu tiên, kẻ Duy Nhất/Tất Cả có khả năng giải thích thế giới, sự sống và vận mệnh của con người. Trong Rig Vệ Đà nó được xác định trong tad ekam – “Kẻ Đó” (trung lập). Brahmanas gọi nó là Prajapati hay Đại ngã (Brahman).
Thực Thể đầu tiên này rõ ràng là không thể nghĩ được, vô hạn, vĩnh hằng; nó cùng lúc là Duy Nhất và Tất Cả. Trong Chandogya Upanishad, Đại ngã được mô tả là “cả thế giới”; “cuộc sống là cơ thể ông, thể dạng của ông là ánh sáng, linh hồn ông là không gian.,” và ông bao quanh mình mọi hành động, khao khát, hương, vị, v.v. Nhưng ông đồng thời cũng là “tiểu ngã của tôi trong trái tim, nhỏ hơn một hạt lúa, một hạt cải,” và cũng “lớn hơn trái đất, lớn hơn bầu trời, lớn hơn những thế giới này…,” “Chứa đựng mọi hành động, khao khát…, chứa đựng cả thế giới …, đây là tiểu ngã của tôi trong trái tim; đây là đại ngã. Khi tôi tời bỏ cuộc sống này, tôi sẽ nhập vào ngài.”
Cũng giống Purusa, Đại ngã vừa nội tại vừa siêu việt, tách biệt khỏi vũ trụ nhưng cũng có mặt khắp nơi trong thực tại vũ trụ. Ông trú ngụ trong trái tim con người như tiểu ngã,tiểu ngã của “người mà đã biết” sẽ hợp nhất với Đại ngã khi chết, còn linh hồn của những người chưa được khai sáng sẽ tuân theo quy luật luân hồi.
Nắm bắt được Tự ngã đi cùng với trải nghiệm về “ánh sáng bên trong” (antah-jyoti), và ánh sáng là hình ảnh tuyệt diệu của cả tiểu ngãĐại ngã. Theo Rig Vệ Đà thì mặt trời là sự sống hay tiểu ngã – Tự Ngã – của mọi vật. Brhadaranyaka Upanishad cũng định danh tiểu ngã với nhân vật trong trái tim của một người, trong hình dạng của một “ánh sáng trong trái tim.” “Thực thể bình thản đó, vươn lên từ cơ thể nó và đạt được ánh sáng tối cao, hiện diện trong hình dạng đúng đắn của nó. Thực thể đó là tiểu ngã. Thứ đó là bất tử, không sợ hãi. Thứ đó là Đại ngã (Chandogya Upanishad).
Hai thể dạng của Đại ngã và bí ẩn về tiểu ngã“nhốt” trong vật chất
Bởi vì rsi biết rằng con người là tù nhân của karman nhưng vẫn sở hữu một Tự ngã bất tử, nên ông ta nhận ra được một tình huống tương tự với Đại ngã. Ông ta nhận ra hai trạng thái có vẻ mâu thuẫn trong Đại ngã: “tuyệt đối” và “tương đối,” “tinh thần” và “vật chất,” “cá nhân” và “phi cá nhân,” v.v.
Những hệ tương đồng mới này ám chỉ việc tái diễn giải sự tương tự trước đây giữa vĩ mô và vi mô. Vũ trụ và sự sống đại diện cho những hoạt động chung của hai thể dạng của Bản thể nguyên thủy.
Giải thoát bao gồm việc hiểu “bí ẩn” này: một khi hóa hiện trái nghịch của Tất Cả/Duy Nhất được tiết lộ, một người sẽ có khả năng giải thoát khỏi vòng quay của vũ trụ. Từ một góc nhìn khác, quá trình vũ trụ này có thể được coi là một “ảo ảnh” (maya) do thiếu hiểu biết, một “cuộc chơi” (lila) thần thánh, hay một “phép thử” để buộc con người tìm kiếm tự do tuyệt đối (moksa). Điều quan trọng đầu tiên là sự đồng tồn tại hai thể dạng đối nghịch trong Bản thể nguyên thủy làm cho sự tồn tại của con người có ý nghĩa và mở ra khả năng được giải thoát. Bằng việc hiểu được sự tương tự giữa Đại ngã và hóa hiện của ông, thế giới vật chất, và tiểu ngã bị giam giữ trong vòng luân hồi, một người khám phá ra đặc tính vô thường và biến hoại của sự xoay vần khủng khiếp avidya-karman-samsara.
Upanishads ở thời kỳ giữa khai thác những khám phá mới này theo một cách khác. Hai thể dạng của Đại ngã đôi khi được diễn giải như đại diện cho một vị thần cá nhân, vượt trên vật chất. Svetasvatar còn cụ thể hơn khi liên kết suy cứu về Bản thể tuyệt đối (Đại ngã) với sự sùng bái Rudra-Siva. “Phạm thiên ba mặt,” thần tính nội tại trong tạo hóa và mọi dạng sự sống, được xác định là Rudra, kẻ sáng tạo cũng là kẻ hủy diệt các thế giới. Chính maya của Thần (Rudra-Siva), “phép thuật” sáng tạo đã bó buộc mọi sinh vật. Sự sáng tạo vũ trụ có thể hiểu hoặc là do phát xạ thần thánh hoặc là “cuộc chơi” trong đó con người – bị che phủ bởi vô minh – đã để mình vị vướng mắc. Giải thoát đạt được nhờ Samkhya và Yoga, nghĩa là bằng hiểu biết triết học và những kỹ thuật tâm sinh lý của thiền.
Chúng ta đã thấy những nghiên cứu và khám phá trong Upanishads phát triển thế nào. Một mặt, có một nỗ lực để tách biệt nguồn gốc tâm linh (tiểu ngã)khỏi đời sống tâm thần và hữu cơ. Chỉ có Tự ngã được tịnh hóa khỏi những kinh nghiệm tâm thầm mới định danh với Đại ngã và được coi là bất tử. Mặt khác, có một nỗ lực khác để giải mã và phân tích mối liên hệ giữa Bản thể tổng hợp (Đại ngã) và tự nhiên. Những kỹ thuật tu khổ hạnh và những phương pháp thiền định đều hướng đến việc tách rời Tự ngã khỏi trải nghiệm tâm thần sẽ được soạn thảo và lưu truyền trong những chuyên luận Yoga sớm nhất. Phân tích sâu sắc về trạng thái của Tự ngã và những cấu trúc và động lực của tự nhiên là mục tiêu của triết học Samkhya.
(còn nữa)
—————————————–
Link các phần khác (ở cuối bài):
https://www.facebook.com/groups/NghienCuuLichSu/permalink/1180792385605396/

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *