#NhàNguyễn #BảoHộ #NgườiPháp

HÒA ƯỚC GIÁP THÂN 1884, CÒN GỌI LÀ HÒA ƯỚC PATENÔTRE HAY HÒA ƯỚC BẢO HỘ

HÒA ƯỚC GIÁP THÂN 1884, CÒN GỌI LÀ HÒA ƯỚC PATENÔTRE HAY HÒA ƯỚC BẢO HỘ

Đây là hòa ước cuối cùng nhà Nguyễn ký với thực dân Pháp vào ngày 6 tháng 6 năm 1884 tại kinh đô Huế, là hoà ước “nhục nhã” nhất của nước ta, vì với nó, nước ta chính thức mất chủ quyền.

Việt Nam hoàn toàn chịu sự bảo hộ hay đô hộ của người Pháp. Nguyễn Văn Tường, lúc đó là phụ chính đại thần, đảm trách việc ký hòa ước này, dư luận lúc đó cho rằng ông đã theo Pháp mà ký một hiệp ước “bán nước”.

Chưa đầy một tháng sau khi vua Tự Đức mất, vua Hiệp Hoà, dưới áp lực của Toàn quyền Harmand và Khâm sứ De Champeaux, sai Trần Đình Túc và Nguyễn Trọng Hiệp ký hoà ước Quí Mùi ngày 25/8/1883, Pháp gọi là hoà ước Harmand. Hoà ước Harmand chưa được chính phủ Pháp phê chuẩn và bị phe chống Pháp do Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết cầm đầu quyết liệt phản đối.

Vua Hiệp Hòa đi với Pháp, định diệt hai ông Tường và Thuyết đã bị buộc phải uống thuốc độc chết ngày 29/11/1883.

Vua Kiến Phúc lên ngôi. Pháp điều đình với Tàu, ký hòa ước Thiên Tân 11/5/1884, để Tàu công nhận quyền bảo hộ của Pháp ở Việt Nam.

Patenôtre trên đường đi Bắc Kinh nhận chức đại sứ, ghé Huế, ký một hiệp ước mới, thay thế hiệp ước Harmand bị coi là quá khắt khe. Không ngờ hòa ước Patenôtre còn tệ hơn hòa ước Harmand. Vì vậy mà Nguyễn Văn Tường, là người chủ chốt ký hoà ước này, đã bị coi là phản bội.

Chữ protectorat (bảo hộ) xuất hiện lần đầu trong hòa ước Harmand, nguyên văn tiếng Pháp:

Article Premier: L’Annam reconnait et accepte le protectorat de la France avec les conséquences de ce mode de rapports au point de vue du droit diplomatique européen, c’est-à-dire que la France présidera aux relations de toutes les puissances étrangères, y compris la Chine, avec le gouvernement annamite, qui ne pourra communiquer diplomatiquement avec lesdites puissances que par l’intermédiaire de la France seulement.

(Điều Một: Nước Nam nhìn nhận và chấp nhận sự bảo hộ của nước Pháp, với những hậu quả của thể thức này theo luật ngoại giao Âu châu, nghiã là nước Pháp sẽ điều khiển các mối giao thiệp của nước Nam với tất cả các cường quốc bên ngoài, kể cả nước Tầu, chính phủ An Nam chỉ được quan hệ ngoại giao với những cường quốc ấy qua trung gian của nước Pháp mà thôi).

Chữ protectorat (bảo hộ) trong hòa ước Harmand chỉ bao hàm ý nghĩa ngoại giao.

Hòa ước Giáp Thân, ký ngày 6/6/1884, giữa Patenôtre và Nguyễn Văn Tường, Phạm Thận Duật, Tôn Thất Phan, bản chính viết tay, như sau:

Article I

L’Annam reconnait et accepte le protectorat de la France.

La France représentera l’Annam dans toutes ses relations extérieures.

Les Annamites à l’étranger seront placés sous la protection de la France.

(Điều I

Nước Nam nhìn nhận và chấp nhận sự bảo hộ của nước Pháp.

Nước Pháp sẽ đại diện cho nước Nam trong tất cả các mối bang giao bên ngoài.

Người An Nam ở nước ngoài sẽ được đặt dưới sự bảo hộ của nước Pháp).

Điều I của hòa ước Harmand và hoà ước Patenôtre hoàn toàn khác biệt:

Hòa ước Harmand viết điều I thành một câu hoàn chỉnh với nghĩa: Việt Nam công nhận sự bảo hộ của Pháp về mặt ngoại giao.

Điều I của hòa ước Patenôtre, có vẻ “bao dung” hơn, chiếu cố đến cả người Việt ở nước ngoài, được chia làm 3 câu độc lập, mỗi câu một ý nghiã:

1- Nước Nam chấp nhận sự bảo hộ của Pháp (ngụ ý cả nội trị và ngoại giao).

2- Nước Pháp sẽ đại diện cho nước Nam ở bên ngoài (ngụ ý về mặt ngoại giao không còn nước Nam nữa mà nước Pháp đã thay thế).

3- Người Việt ở nước ngoài sẽ được đặt dưới quyền bảo hộ của Pháp (ngụ ý người Việt ở nước ngoài cũng trở thành công dân bảo hộ).

Với mục đích thành lập một hòa ước mới, bớt khắt khe hơn, để bên Việt chấp thuận, thì quả là hòa ước Patenôtre đã đi ngược lại: Từ sự bảo hộ về ngoại giao, đã tiến sang, bảo hộ cả nội trị lẫn ngoại giao và người Việt ở nước ngoài sẽ trở thành thuộc dân của Pháp.

Tại sao Nguyễn Văn Tường lại chịu ký một hòa ước như vậy? Bởi trong bản Bản Hán được dịch trong Đại Nam Thực Lục, thì điều I này được viết như sau:

“Khoản thứ 1: Nước Đại Nam tự nhận nước Đại Pháp giúp đỡ, nghiã là nước Đại Nam có giao thông với nước nào, thì nước Đại Pháp giúp đỡ công việc và nhân dân nước Đại Nam có ở nước ngoài thì Đại Pháp cũng giúp đỡ.”.

Khoản thứ 1 này hoàn toàn không có nghĩa như điều I trong bản tiếng Pháp.

Ngoài ra, bản tiếng Pháp, trong điều số 19, còn ghi thêm:

“En cas de constestations, le texte français fera seul foi” (Trong trường hợp tranh chấp, chỉ bản tiếng Pháp là có giá trị).

Nguyễn Quốc Trị giả thích:

1- Nguyễn Văn Tường và các quan nhất quyết đòi thay chữ bảo hộ bằng chữ bảo trợ hay bang trợ, tức là giúp đỡ chứ không nhận sự thống trị của Pháp trên nước Nam. Điều này được xác định trong một văn kiện của triều đình Huế, dịch ra tiếng Pháp mang tên Projet de la Cour de Huế, (Dự án của triều đình Huế) lưu trữ ở văn khố Bộ ngoại giao Pháp.

2- Cuộc tranh luận về từ ngữ đưa đến bế tắc, không bên nào chịu nhượng bộ. Patenôtre đánh điện xin chỉ thị của Paris, Jules Ferry trả lời trong một điện văn mật (codé) gửi ngày 3/8/1884: “Le texte français faisant foi, vous pouvez accepter le mot baluttro [bảo trợ] si vous jugez nécessaire, Ferry” (Chỉ bản tiếng Pháp là có giá trị, ông có thể chấp nhận chữ bảo trợ nếu cần, Ferry).

Như vậy, hòa ước này có hai bản, chỉ bản tiếng Pháp là có giá trị mà thôi. Bản chữ Hán viết sao cũng được, miễn làm vừa lòng phiá Việt.

Jules Ferry dùng thủ đoạn này, vì ông dự trù rằng khi thi hành hoà ước thì Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết sẽ không còn ở ghế phụ chánh nữa. Với một ông vua thân Pháp, thì sẽ không gặp trở ngại gì. Quả đúng như vậy, đầu năm 1886, khi Nguyễn Văn Tường bị đầy đi Tahiti, Pháp mới đưa bản hòa ước cho vua Đồng Khánh chuẩn y. Sau đó không ai nêu lại vấn đề khác biệt giữa hai bản Pháp-Việt nữa.

3- Nguyễn Văn Tường có thể đã biết rõ âm mưu về sự khác biệt giữa hai văn bản, nhưng đành phải ký, vì cũng như với hòa ước Harmand, lần này Pháp cũng đem chiến thuyền vào uy hiếp Huế. Pháp đưa tối hậu thư bắt buộc phải ký trong vòng 24 tiếng đồng hồ, nếu không họ sẽ dùng biện pháp quân lực. Tại trung tâm văn khố hải ngoại Aix-en-Provence, Nguyễn Quốc Trị tìm được tờ trình về bộ Hải Quân của viên đại tá, dưới quyền đề đốc Courbet, cho biết: “Hòa ước Patenôtre chỉ được Nguyễn Văn Tường ký một cách miễn cưỡng sau khi nhận được tối hậu thư 24 giờ của phía Pháp”.

Jules Ferry gửi cho Patenôtre:

– Cứ cho viết bản chữ Nho, theo đúng ý của triều đình Huế. Tức là Việt Nam chỉ nhận sự bang trợ ngoại giao của Pháp.

– Còn bản tiếng Pháp ghi điều gian trá: Việt Nam chấp nhận nền bảo hộ của Pháp. Và chua thêm trong điều 19 câu: khi có tranh chấp, chỉ bản tiếng Pháp là có giá trị mà thôi.

– Dùng tối hậu thư đe dọa, để ép buộc triều đình phải ký ngay, nếu không quân Pháp sẽ tấn công kinh thành: Ngoài 2 đại đội tháp tùng Patenôtre, còn có quân Pháp đóng ở Thuận An và hạm đội của tổng tư lệnh Courbet đóng ở ngoài khơi cửa Thuận.

Chỉ vài tháng sau khi hiệp ước Patenôtre 6/6/1884 được ký kết, Tổng trú sứ Rheinat dựa vào quyền “bảo hộ” đòi truất phế vua Hàm Nghi, vì lên ngôi không được Pháp cho phép, rồi người kế nhiệm Lemaire đòi thêm rằng sự bổ nhiệm Phụ chánh và Thượng thư cũng phải có sự chấp thuận của Tổng trú sứ. Tất cả những uất ức này, dẫn Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết đến quyết định chống Pháp: Tôn Thất Thuyết đi kháng chiến, Nguyễn Văn Tường ở lại để nghị hoà.

Sau biến cố Mang Cá, 4-5/7/1885, kinh thành thất thủ, vua Hàm Nghi xuất bôn kháng chiến trong ba năm, đến khi vua bị bắt năm 1888, thì Việt Nam mới hoàn toàn mất quyền tự chủ, nhận sự bảo hộ của Pháp, theo bản Pháp văn của hoà ước Patenôtre.

__

Hòa ước này chính thức đánh dấu việc chế độ phong kiến Việt Nam với ý nghĩa là một vương triều độc lập đã sụp đổ. Việt Nam đã trở thành thuộc địa. Các triều vua Nguyễn tồn tại sau đó chủ yếu do Pháp lập nên như một con bài cần thiết cho sự vận hành guồng máy thống trị mượn danh người bản xứ mà thôi. Chính sự của Việt Nam đã do hòa ước này chi phối cho tới cuộc Đảo chính 9/3/1945 của Nhật Bản tại Đông Dương.

Ấn bạc mạ vàng nặng 5,9kg có khắc chữ “Việt Nam Quốc vương chi ấn” của vua Gia Long xin nhà Thanh cấp năm 1803, bị đem nấu chảy ra trước sự chứng kiến của các quan chức cao cấp thực dân Pháp.

Nguồn tham khảo:

Nguyễn Văn Tường (1824-1886) và cuộc chiến chống đô hộ Pháp của nhà Nguyễn, tác giả Nguyễn Quốc Trị đươc nhà nghiên cứu Thụy Khuê biên khảo trong sách “Vua Gia Long và người Pháp”. NXB Hồng Đức, 2015

Ảnh:

Chiếc ấn bị đem nấu chảy. (Nguồn: “Chiếc Bảo ấn cuối cùng”, Lê Văn Lân, 1998).

Chân dung Nguyễn Văn Tường và một đoạn trong Hòa ước Giáp Thân 1884. Đại diện phía triều đình nhà Nguyễn có Phạm Thận Duật (Toàn quyền đại thần); Tôn Thất Phan (Phó toàn quyền đại thần); Nguyễn Văn Tường (Phụ chính đại thần). Tên ba vị này được viết bằng chữ quốc ngữ trong bản tiếng Pháp (được quy định là bản có hiệu lực khi tranh chấp, còn bản chữ Hán của nhà Nguyễn thì ký lưu không có giá trị).



Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *