#39 #medium #mthNghịch lí thay đổi hành viChuyên mục: Personal Growth | Mar 28, 2018…

Nghịch lí thay đổi hành vi

Nghịch lí thay đổi hành vi

Chuyên mục: Personal Growth | Mar 28, 2018 | 6 min read
Tác giả: James Clear
————————–
Xu hướng tự nhiên của cuộc sống là tìm kiếm sự ổn định. Trong sinh học, chúng ta gọi quá trình này là cân bằng hay cân bằng nội môi.
Huyết áp là một ví dụ. Khi huyết áp xuống quá thấp, nhịp tim sẽ tăng lên và đưa huyết áp trở lại trạng thái an toàn. Khi huyết áp tăng quá cao, thận sẽ bài tiết nước tiểu để giảm lượng chất lỏng trong cơ thể. Cùng với đó, các mạch máu cũng góp phần duy trì sự cân bằng thông qua cơ chế co và giãn khi cần thiết.
Cơ thể con người dùng tới hàng trăm vòng liên hệ ngược để duy trì tính ổn định của huyết áp, thân nhiệt, nồng độ glucose, nồng độ canxi và vô số các quá trình khác.
Trong cuốn Mastery, bậc thầy võ thuật George Leonard đã chỉ ra rằng, cuộc sống thường nhật của chúng ta cũng tự phát triển cho mình một mức độ cân bằng nội môi của riêng nó. Chúng ta tự tạo lập cho mình một mô hình tần suất tập (hoặc không tập) thể dục, rửa (hoặc không rửa) bát đĩa, gọi (hoặc không gọi) cho bố mẹ và mọi việc tương tự. Qua thời gian, chúng ta sẽ dần làm quen với phiên bản cân bằng của riêng mình.
Giống như cơ thể, có rất nhiều lực lượng và vòng liên hệ ngược có chức năng điều hòa tính cân bằng của các thói quen. Những thói quen thường nhật của bạn bị chi phối bởi sự cân bằng tinh vi giữa môi trường sống, tiềm năng di truyền, phương thức theo dõi của bạn và rất nhiều lực lượng khác. Qua thời gian, trạng thái cân bằng này trở nên bình thường đến mức vô hình. Những lực lượng trên vẫn tương tác với nhau, nhưng chúng ta rất ít khi chú ý tới cách mà chúng định hình hành vi của chúng ta.
Cho tới khi chúng ta muốn tạo ra thay đổi.
Huyền thoại về sự thay đổi tận gốc và thành công sau một đêm đã và đang thâm nhập vào mọi ngóc ngách trong nền văn hóa của chúng ta. Các chuyên gia cứ giở mấy cái giọng kiểu như, “Lỗi lầm lớn nhất của con người chính là không có cho mình một cái đích đủ lớn lao.” Hoặc các ngài ấy nói với chúng ta rằng, “Nếu các người mong đợi một thành tựu tầm cỡ, thì các người phải bắt tay vào làm những việc tầm cỡ đi thôi.”
Nếu chỉ xét bề nổi thì mấy câu kiểu ấy nghe có vẻ truyền cảm hứng đấy. Nhưng chúng ta đã không nhận ra một điều: bất kì hành động kiếm tìm sự tăng trưởng thần tốc nào cũng đều mâu thuẫn với mọi lực lượng ổn định trong cuộc sống của chúng ta. Xin hãy nhớ cho: xu hướng tự nhiên của cuộc sống là tìm kiếm sự ổn định. Một khi tính cân bằng mất đi, hệ thống sẽ được thúc đẩy để tái tạo nó.
Nếu bạn bước quá xa khỏi ranh giới của các hành vi thông thường, thì gần như mọi lực lượng trong cuộc sống của bạn sẽ thét lên để kéo bạn về trạng thái cân bằng. Nếu bạn càng cố tạo nên những hành vi tầm cỡ, rào cản bạn gặp phải sẽ càng khó vượt qua.
Gần như tất cả những người từng cố tạo ra một thay đổi lớn đều đã phải trải qua vài biểu hiện của rào cản. Cuối cùng thì bạn cũng có động lực gắn bó với chế độ ăn kiêng của mình, nhưng rồi bạn gặp được một người đồng nghiệp giảo hoạt, người sẽ phá hoại mọi nỗ lực của bạn. Bạn tự hứa sẽ chạy bộ mỗi tối, nhưng trong chưa đầy một tuần, bạn lại bị yêu cầu ở lại làm việc đến khuya. Bạn bắt đầu rèn cho mình thói quen thiền định, nhưng mấy đứa con của bạn cứ liên tục lao vào phòng. [1]
Các lực lượng trong cuộc sống của chúng ta đã thiết lập trạng thái cân bằng hiện tại, thứ kéo chúng ta về mỗi khi chúng ta cố muốn thay đổi, bất kể sự thay đổi ấy là tốt hay xấu. Theo như cách nói của George Leonard, “Lực cản tỉ lệ thuận với quy mô và tốc độ thay đổi, bất kể thay đổi ấy có đi theo chiều hướng có lợi hay không.”
Nói cách khác, bạn càng muốn gia tăng tốc độ thay đổi, bạn càng dễ bị giật ngược lại. Khao khát thay đổi chóng vánh đã tạo ra hàng loạt các lực cản, thứ kéo bạn về lại lối sống trước đây. Bạn có thể đánh bại sự cân bằng trong chốc lát, nhưng năng lượng của bạn sẽ biến mất rất nhanh, và công cuộc giật lùi bắt đầu.
Dĩ nhiên, thay đổi là điều chắc chắn có thể, nhưng nó chỉ có thể chống đỡ được trong một không gian hẹp hợp lí. Nếu một vận động viên tập luyện quá sức, cô ấy cuối cùng cũng sẽ bị ốm hoặc bị thương. Nếu một công ty thay đổi hướng đi quá vội, văn hóa công ty sẽ bị phá vỡ, còn các nhân viên thì kiệt sức. Nếu một nhà lãnh đạo đẩy chương trình nghị sự của mình đến mức cực đoan, các cuộc bạo loạn trong nước sẽ nổ ra, và người dân sẽ tái thiết lập cán cân quyền lực. Các hệ thống sống không mặn mà gì với những điều kiện khắc nghiệt đâu.
May thay, có một con đường tươi sáng hơn.
Hãy xem xét đến câu nói của chuyên gia hệ thống Peter Senge, “Hầu hết các hệ thống tự nhiên, từ hệ sinh thái cho đến động vật và các tổ chức, thực chất đều có tốc độ tăng trưởng tối ưu. Tốc độ tối ưu thấp hơn rất nhiều so với tốc độ tăng trưởng cực đại. Khi tăng trưởng vượt quá phạm vi cho phép — chẳng hạn như ung thư — hệ thống sẽ tự tìm cách bù đắp thông qua việc làm chậm quá trình đó lại; quá trình này có thể tạo ra rủi ro đối với sự sống còn của một tổ chức. [3]
Ngược lại, khi bạn tích lũy những thắng lợi nhỏ và chỉ tập trung vào một phần trăm cải thiện, bạn sẽ đẩy trạng thái cân bằng về phía trước. Quá trình này cũng giống việc lên cơ vậy. Nếu tạ quá nhẹ, cơ của bạn sẽ teo đi. Nếu tạ quá nặng, bạn sẽ bị thương. Nhưng nếu khối lượng tạ chỉ nhỉnh hơn một chút so với trạng thái bình thường của bạn, cơ bắp của bạn sẽ thích nghi với kích thích mới này, và trạng thái cân bằng sẽ tiến một bước nhỏ về phía trước.
Để duy trì sự thay đổi, chúng ta cần hợp tác với các lực lượng cơ bản trong cuộc sống, chứ không phải chống lại chúng. Gần như mọi thứ cấu thành nên cuộc sống thường nhật của bạn đều có một trạng thái cân bằng của riêng chúng — một điểm đặt tự nhiên, một tốc độ bình thường, và một nhịp điệu đặc thù. Nếu chúng ta bước quá xa khỏi trạng thái cân bằng này, bản thân chúng ta sẽ bị giật ngược về vạch cũ.
Chính bởi vậy, cách tốt nhất để đạt được một cấp độ cân bằng mới không phải thay đổi triệt để, mà là thông qua những thắng lợi nhỏ mỗi ngày.
Đây chính là nghịch lí lớn nhất trong thay đổi hành vi. Nếu bạn muốn một bước đổi đời, bạn sẽ nhanh chóng bị kéo trở lại những khuôn mẫu trước đây. Nhưng nếu bạn chỉ đơn thuần tập trung vào việc thay đổi mỗi ngày, những thay đổi sẽ đến với bạn như một hệ lụy tự nhiên.
Chú thích cuối bài:
1. Cần lưu ý rằng thay đổi tận gốc là thứ có thể xảy ra, nhưng chỉ trong những trường hợp cực kì đặc trưng. Đặc biệt là, những thay đổi tận gốc chỉ có hiệu lực một khi bạn bị buộc phải chấp nhận nó vĩnh viễn. Ví dụ, mọi người thường thay đổi tận gốc hành vi của mình sau những sự kiện lớn trong đời như tốt nghiệp đại học, chuyển đến một thành phố mới, bắt đầu một công việc mới, kết hôn, sinh con (mẹo xịn nè: đừng có làm mấy cái vừa kể cùng một lúc). Những thay đổi lớn lao này dẫn tới những thói quen mới, thứ sẽ tồn tại suốt nhiều năm về sau. Tại sao lại thế? Bởi nói chung thì, việc bỏ đi một đứa trẻ, li hôn, tìm một công việc mới, chuyển đến một thành phố mới,… đều không phải chuyện dễ dàng gì. Lối sống mới này là vĩnh cửu, do đó những thay đổi tận gốc cũng cứ thế mà đến theo.
2. Trong cuốn Mastery của mình, George Leonard chia sẻ một cách nhìn thú vị về thay đổi và cân bằng nội môi. Leonard chỉ ra rằng sự ổn định được mặc định là thoải mái, còn thay đổi là không thoải mái. Do đó, cảm giác đau đớn, không thoải mái hay vô định của bạn khi thử một thứ gì đó mới (có lí do) không phải lúc nào cũng xấu, bởi những cảm giác này có thể được xem là một dấu hiệu tốt, chứ không phải một dấu hiệu của sai lầm. Bạn đang phải trải qua cảm giác không thoải mái vì bạn đang thay đổi.
3. The Fifth Discipline của Peter Senge, trang 62.
————————–
The Paradox of Behavior Change by @JamesClear https://link.medium.com/oRzqVRDMC8

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *