r/todayilearned

Người Hy Lạp cổ đại có 6 từ riêng biệt để chỉ tình yêu

TIL rằng người Hy Lạp cổ đại có 6 từ riêng biệt để chỉ tình yêu:

Eros – Dục vọng và ham muốn tình dục
Philia – Tình bạn thân thiết
Ludus – Tình yêu không ràng buộc
Agape – Tình yêu vị tha
Pragma – Tình yêu vững bền
Philautia – Yêu bản thân
_____________________
Link Reddit: https://redd.it/belyhd
_____________________

BÀI BÁO GỐC: https://www.yesmagazine.org/…/the-ancient-greeks-6-words-f…/

Người Hy Lạp cổ đại rất thông thạo việc diễn giải tình yêu và phân chúng làm sáu loại tình cảm khác nhau. Họ hẳn sẽ rất bất ngờ bởi sự đơn giản của con người ngày nay khi chúng ta chỉ dùng cùng một từ love trong việc thổ lộ “anh yêu em” hay “em yêu anh” ở một bữa hẹn lung linh ánh nến hay trong cụm từ “thân ái” (lots of love) cuối một bức thư điện tử.

Vậy sáu loại tình cảm đó là gì? Và bằng cách nào chúng có thể thúc đẩy chúng ta vượt qua nỗi khao khát được yêu, điều mà 94% dân số tìm kiếm – nhưng thường thất bại khi tìm kiếm một người tình với tâm hồn đồng điệu để thỏa mãn được những nhu cầu cảm xúc của mình?

1. Eros – đam mê thể xác

Loại tình cảm đầu tiên chính là Eros, được đặt tên theo vị thần sinh đẻ của Hy Lạp, đại diện cho sự khao khát, ham muốn tình dục. Người Hy Lạp cổ đại không phải lúc nào cũng xem nó là tích cực như chúng ta ngày nay. Trên thực tế, Eros được cho là một thứ cảm xúc nguy hiểm, dữ dội và phi lý, có thể chiếm đoạt và điều khiển chúng ta – một quan điểm thường được các nhà tư tưởng tâm linh về sau này nói đến, như nhà văn C. S. Lewis.

Tình yêu kiểu Eros bao gồm việc mất tự chủ bản thân, điều mà người Hy Lạp luôn sợ hãi tránh xa. Lạ lùng thay, việc thiếu tự chủ chính là thứ mà nhiều người ngày nay tìm kiếm trong tình yêu. Chẳng phải chúng ta đều muốn yêu đến điên cuồng hay sao?

2. Philia – tình bạn sâu sắc

Loại tình yêu thứ hai là Philia hay còn gọi là tình bạn, người Hy Lạp đánh giá cao loại tình cảm này hơn nhiều so với Eros là tình dục đơn thuần. Philia bao gồm tình bằng hữu nảy nở giữa những người đồng đội sát cánh bên nhau trên chiến trường. Nó còn bao gồm việc trung thành với bạn bè, hy sinh vì họ, cũng như chia sẻ tâm tư với họ (Có một biến thể khác của loại tình yêu này, thường gọi là Storge, là tình cảm giữa cha mẹ và con cái)

Ta có thể tự hỏi: trong cuộc sống mình có bao nhiêu mối quan hệ như thế? Đây là một câu hỏi quan trọng trong kỷ nguyên mà con người ta cố gắng “kết bạn” càng nhiều trên Facebook hay được “follow” càng nhiều trên Twitter càng tốt – những điều không mấy gì gây được ấn tượng với người Hy Lạp cổ cho lắm.

3. Ludus – tình yêu không ràng buộc

Trong khi Philia là tình cảm nghiêm túc, loại tình yêu thứ ba, được đề cao bởi người Hy Lạp cổ lại là Ludus – yêu không ràng buộc, Nối bước nhà thơ La Mã Ovid, các học giả (như nhà triết học A. C. Grayling) thường dùng từ gốc Latin là Ludus để miêu tả thứ tình yêu này, nó như tình cảm vui đùa giữa trẻ con với nhau hay giữa các cặp đôi yêu không nghiêm túc. Chúng ta đều ít nhiều như thế như khi thả thính và trêu ghẹo trong những ngày đầu mới yêu. Ludus cũng tồn tại khi ta ngồi ở quầy bar tán gẫu và cười đùa cùng bạn bè, hay khi khiêu vũ.

Khiêu vũ với người lạ có lẽ là việc làm mang tính Ludus nhất, bản thân nó còn có nét tương đồng với tình dục. Các chuẩn mực xã hội có thể sẽ không chấp nhận thứ tình yêu phù phiếm này, nhưng một chút Ludus là những gì cần có để làm cho đời sống tình cảm của chúng ta thêm mặn mà.

4. Agape – Tình yêu mọi người

Loại tình yêu thứ tư, có lẽ là thứ tình cảm mang tính nguyên sơ nhất, là Agape hoặc tình yêu vị tha. Đây chính là thứ tình yêu mà chúng ta trao cho tất cả mọi người, dù là người thân trong gia đình hay những người không quen biết. Agape được dịch thành “Caritas” trong tiếng Latin, căn nguyên của từ “charity” – từ thiện.

C.S. Lewis gọi thứ tình cảm này là “món quà tình yêu”, loại tình yêu cao quý nhất trong Kitô giáo. Nhưng nó cũng xuất hiện trong các truyền thống tôn giáo khác, như khái niệm metta hay “tâm từ” trong Phật giáo.

Ngày nay càng có nhiều bằng chứng cho thấy rằng đức tính vị tha đang bị suy giảm một cách đáng lo ngại ở nhiều quốc gia. Khả năng đồng cảm của người dân ở Hoa Kỳ đã giảm thiểu rõ rệt trong suốt 40 năm qua, với lần giảm sâu nhất trong thập kỷ trước. Chúng ta phải đi tìm lại bản năng quan tâm đến mọi người xung quanh..

5. Pragma – hay tình yêu lâu dài

Việc dùng từ Pragma, vốn có nguồn gốc từ Hy Lạp cổ, để chỉ về một loại tình yêu đã trở nên phổ biến nhờ nhà xã hội học người Canadia John Allen Lee vào những năm 1970, ông miêu tả đó là một loại tình cảm chính chắn, thực tế và thường thấy ở những cặp đôi đã ở bên nhau một thời gian dài. Pragma coi trọng việc xác định sự đồng điệu tâm hồn để giữ cho mối quan hệ vững bền với thời gian, cũng như lòng nhẫn nại và sự khoan dung. Thật ra, có rất ít bằng chứng cho thấy rằng người Hy Lạp cổ có sử dụng thuật ngữ này, nên chúng ta thường coi nó như một từ mới bổ sung cho những cái còn lại.

Nhà phân tâm học Erich Fromm từng nói rằng chúng ta dành quá nhiều năng lượng cho việc yêu và chúng ta cần phải học cách duy trì tình yêu ấy. Chung quy lại Pragma là về việc duy trì tình yêu dài lâu – nỗ lực để cho đi hơn là chỉ nhận lại. Với gần một phần ba các cuộc hôn nhân ở Hoa Kỳ kết thúc bằng ly dị hoặc ly thân sau mười năm đầu, chúng ta chắc chắc nên cân nhắc đến việc áp dụng Pragma một cách nghiêm túc vào các mối quan hệ tình cảm.

6. Philautia – yêu bản thân

Thứ tình cảm thứ sáu của người Hy Lạp đó là Philautia hay tự yêu bản thân. Những người uyên bác như Aristole còn nhận ra rằng có hai loại yêu bản thân. Một là dạng yêu bản thân một cách không lành mạnh liên quan đến chứng ái kỷ, khi con người ta trở nên tự ám ảnh về chính mình cũng như về danh vọng và tiền tài. Còn loại yêu bản thân lành mạnh hơn thì giúp mở rộng tấm lòng yêu thương của chúng ta.

Tư tưởng đó chỉ ra rằng nếu bạn biết yêu chính mình và cảm thấy an toàn nơi bản thân, bạn sẽ có rất nhiều tình yêu để trao cho những người khác (được thể hiện qua khái niệm “Biết tha thứ cho chính mình” lấy cảm hứng từ Phật Giáo). Hay, như Aristole phát biểu: “Những cảm xúc tích cực chúng ta dành cho người khác thực chất chính là những gì chúng ta nghĩ về bản thân mình, nhưng ở một mức độ rộng hơn”

Người cổ đại đã tìm ra các loại tình yêu khác nhau trong đủ các mối quan hệ giữa người với người – bạn bè, gia đình, vợ chồng, người không quen biết, và cả chính bản thân mình. Điều này trái ngược lại với quan niệm của chúng ta về tình yêu với chỉ một người duy nhất mà chúng ta đòi hỏi tất cả các màu sắc tình yêu nơi con người họ. Người Hy Lạp cổ đại muốn nhắn nhủ chúng ta hãy biết nuôi dưỡng tất cả các dạng tình yêu và tìm kiếm chúng từ nhiều thứ khác nhau. Đừng chỉ tìm kiếm tình dục, nhưng hãy biết phát triển tình bạn bằng cách dành nhiều thời gian hơn với những người bạn cũ của mình, hay tận hưởng tình cảm Ludus khi khiêu vũ vào ban đêm.

Hơn nữa, chúng ta nên ngừng việc theo đuổi sự hoàn hảo. Đừng mong đợi nửa kia sẽ cho mình tất cả các loại tình yêu mọi lúc mọi nơi (khi đó rất có thể bạn sẽ đánh mất họ chỉ vì họ không thỏa mãn được sự khao khát của mình). Nên biết rằng một mối quan hệ có thể bắt đầu bằng Eros (nhục dục) và Ludus (vui thú), để rồi phát triển thành Pragma (bền vững) hay Agape (vị tha).

Hệ thống phân loại tình yêu của Hy Lạp phần nào cũng an ủi được chúng ta. Bằng việc nhận thức được sáu loại tình yêu tồn tại ở những mặt nào trong đời sống của mình, bạn có thể nhận ra rằng bản thân mình chứa đựng nhiều tình yêu hơn bạn nghĩ, kể cả khi không có một người tình thật sự kề bên.

Đã đến lúc chúng ta áp dụng sáu dạng tình yêu này vào lối giao tiếp và suy nghĩ hằng ngày. Nếu nghệ thuật cà phê có cả một hệ thống từ vựng chuyên môn, thì tại sao tình yêu lại không?
_____________________

u/binger5 (469 points)
Thì ra đó là lý do vì sao Philadelphia được mệnh danh là thành phố của tình huynh đệ.

>u/kekistani_ambasador (34 points)
Là một người Hy Lạp tôi có thể xác nhận điều này: Adelfia = huynh đệ nên Philadelphia = Tình huynh đệ.
_____________________

u/Killianti (242 points)
Từ tiếng Anh “love” hơi bị dỏm đấy. Nó được dùng trong cả đống nghĩa khác nhau, và đôi khi ngữ cảnh cũng không giúp ích được gì nhiều.
_____________________

u/unsanctionedhero (107 points)
Tôi không nghĩ Ludus mang nghĩa tình yêu trong tiếng Hy Lạp đâu. Trong tiếng Latin nó có nghĩa là vui đùa hoặc thể thao. Nó còn là từ để chỉ nơi tập luyện của các võ sĩ giác đấu. Bởi không gì vui thú hơn việc giam cầm ai đó trong một cái lưới và thọc họ liên tục bằng đinh ba trước mặt hàng trăm người.
À ở trên quên nhắc từ “Stroge”, tình yêu gia đình.

>u/osomysterioso (36 points)
Ludus là từ để chỉ các hoạt động vui chơi, thể thao, board games, trường tiểu học, nơi huấn luyện võ sĩ giác đấu, và cả tình yêu không ràng buộc nữa. Khi dùng với nghĩa như “yêu”, tình yêu đó không mang tính gắn bó cho lắm, như khi một chàng trai táo tợn thì thầm “anh yêu em, cưng ạ” với cô bồ đang ghen. Nó không đúng nghĩa tình yêu cho lắm, giống kiểu “tình một đêm và hôm sau mình không còn quen nhau nữa” hơn.

Storge có thể mang nghĩa rộng hơn cả tình yêu gia đình. Ví dụ, hai người bạn yêu nhau và vẫn quan tâm chăm sóc cho nhau một thời gian dài sau khi đã không còn chăn gối với nhau có thể được coi là tình yêu Storge. “Anh yêu em như một người em gái vậy” (nghiêm túc nhé) cũng là một ví dụ khác. Ex của tôi có một người “dì” mà về sau tôi mới biết rằng cổ không có liên hệ gì tới gia đình em ấy nhưng họ vẫn chào đón cổ như thể cổ là thành viên gia đình vậy. Cổ tham gia vào các hoạt động của gia đình và không ai đối xử với cổ như người lạ cả. Tôi chưa bao giờ biết được mọi chuyện bắt đầu như nào, dù bản thân cũng có vài suy đoán riêng, lol

>u/———II——— (22 points)
Yup, Ludus không phải tiếng Hy Lạp. Nó là từ Latin với nghĩa chính là “trò chơi”/”thể thao”. Và tôi không nghĩ rằng nghĩa rộng hơn của nó chỉ đến trường luyện võ sĩ giác đấu đâu. Tôi nghĩ rằng đó chỉ là từ để nói đến phòng thể dục/ nơi tập luyện.

– Eros – Dục vọng và ham muốn tình dục
Cách giải nghĩa này ít nhiều cũng đúng, nhưng dịch thành “khao khát” thì chính xác hơn là “yêu”. Từ này thông thường chỉ đến một việc gì đó thiên về xác thịt hơn là cảm xúc.
Khi các tác giả Hy Lạp muốn chỉ trích các hành vi / ham muốn tình dục, họ thường dùng từ nguyên gốc “Eros”.
Ví dụ, trong tác phẩm viết về Candaules, nữ hoàng của ông ta và Gyges; sử gia Herodtous nói rằng Candaules thèm khát chính vợ của mình, và, bởi vì thế, ông ta nghĩ rằng nàng chính là người phụ nữ xinh đẹp nhất trần đời.
οὗτος δὴ ὦν ὁ Κανδαύλης ἠράσθη τῆς ἑωυτοῦ γυναικός, ἐρασθεὶς δὲ ἐνόμιζέ οἱ εἶναι γυναῖκα πολλὸν πασέων καλλίστην
Trên thực tế, tay Candaules này ham muốn chính vợ của mình, và, vì bị lu mờ bởi dục vọng, ông ta nghĩ rằng nàng là người phụ nữ đẹp nhất trần gian.
(ἠράσθη, phát âm “eirasthei”, và ἐρασθεὶς, phát âm “erastheiss,” đều có nguồn gốc từ động từ eramai)
Lời nhận xét này ngụ ý rằng chính dục vọng xác thịt của ông ta đối với vợ mình và lòng kiêu hãnh của ông ta về sức hút tình dục của nàng là vô độ ; bởi vậy mới có những từ liên quan đến chữ “Eros”

– Philia, tình bạn sâu sắc
Không hẳn lắm. Philia bắt nguồn từ tính từ “Filos” (đã được chuyển ngữ), mang nghĩa giống với từ “thân ái” hơn, liên hệ đến nghĩa cổ của nó là “của riêng một người”. Nó có thể dùng để chỉ rất nhiều kiểu tình cảm hay các mối quan hệ khác nhau, từ tình bằng hữu đến tình cảm nam nữ — hoặc chỉ mang nghĩa “của riêng một người” mà thôi. Nó là tính từ mà chúng ta dùng khi nói đến bạn bè, nhưng không chỉ có thế, và không hề nói đến một loại tình bạn cụ thể nào cả.
Nếu tôi là một thanh niên Hy Lạp sống vào thế kỷ V TCN, thì Filoi nghĩa là thằng bạn, thằng anh em, thằng đồng đảng của tôi. Họ là những đứa mà tôi hay đi gây rối, nhậu nhẹt, và đi chơi cùng. Nó không mang nghĩa sâu sắc hay tâm linh gì cả. Nếu tôi là Hector trong sử thi Iliad, vợ tôi có thể sẽ mắng tôi vì bỏ rơi con trai, đứa nhỏ đã không còn cha:
νῦν δ᾽ ἂν πολλὰ πάθῃσι φίλου ἀπὸ πατρὸς ἁμαρτὼν Ἀστυάναξ
Và trong tương lai thằng bé có thể phải chịu đựng nhiều điều, bởi cha của nó đã mất rồi.
φίλου ἀπὸ πατρὸ được phát âm thành “filoo ap-oh patros.”. Từ “của nó” – (“his” trong tiếng Anh) không xuất hiện trong câu ; từ filou (φίλου) đã thay thế vai trò đó. Đó là một cách nhấn mạnh hơn để nói “của nó”, nhấn mạnh mối quan hệ chứ không phải sở hữu cách, như trong tính từ “của nó” – “his”)

– Ludus – tình yêu không ràng buộc
Là tiếng Latin và không liên quan gì với tình yêu cả.

– Agape – tình yêu vị tha
Không, chắc chắn là không. Không đúng chút nào cả, trừ khi ta đang nói đến các đoạn trích từ sách Công giáo. Trong đoạn trích mà tôi biết, từ gốc “Agape” có nguồn gốc chủ yếu từ động từ “Agapao”, nghĩa là “nhiều thứ khác nhau” (danh từ của nó thì ít phổ biến hơn). “Thích” mới là nghĩa bao quát nhất của từ này. Nghĩa của nó có thể chỉ đến gia đình hoặc tình dục. Nó không mang nghĩa tình bạn đâu. Đối với tôi thì nghĩa gốc của nó là “tình cảm mãnh liệt”. Bản thân từ này nhấn mạnh sự sâu sắc của tình cảm được nói tới chứ không nhấn mạnh nó là loại tình cảm gì.

– Pragma – tình yêu vững bền
Hoàn toàn không. Pragma nghĩa là “sự vật”, như là một vật thể, hành động hoặc sự kiện nào đó. Nó có liên hệ đến từ “Pragmatic” (thực dụng), “Pratice” (thực hành) và “Praxis” (phong tục) trong tiếng Anh. Không có liên quan gì tới tình yêu cả.

– Philautia – yêu bản thân
Tôi tin rằng từ này chưa xuất hiện ở các nguồn nào khác ngoại trừ các tài liệu triết học thời hậu kỳ La Mã. Nên thành thật mà nói, đây còn chẳng phải tiếng Hy Lạp.

Những bài viết kiểu “Người Hy Lạp cổ có cả một từ dùng để chỉ (một thứ gì đó)” hầu như luôn mang thông tin sai lệch, và kể cả khi chúng không bị sai lệch đi nữa thì họ không phải lúc nào cũng dùng những từ đó theo đúng nghĩa gốc. Những ngữ nghĩa mà họ gán ghép cho các từ ngữ đó chắc hẳn đều đến từ một đoạn tài liệu triết học/chuyên môn nào đó có dùng từ này với một nghĩa đặc biệt, chính xác hơn nhưng không tồn tại ngoài ngữ cảnh ấy (hay thậm chí là trong tác phẩm khác của cùng tác giả)

Nhân tiện, đây chính là lý do thầy cô yêu cầu các bạn đừng tra Internet khi viết văn. Mạng Internet đầy rẫy những thứ rác rưởi như này.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *