LÃNH ĐẠO NHƯ THẾ NÀO THÌ NHIẾP PHỤC VÀ KHÍCH LỆ ĐƯỢC TINH THẦN CỐNG HIẾN CỦA NHÂN VIÊN
Tôi làm việc trong một công ty mà nhân viên đều nhẫn nhịn và chịu thiệt. Đúng ra nên cảm thấy vui mừng, vì biểu hiện của tinh thần cống hiến. Nhưng rồi tôi nhận ra, mọi người âm thầm chịu thiệt vì sợ…
Có người tự bỏ tiền túi ra đền khách hàng vì sản phẩm lỗi.
Có người âm thầm đền hợp đồng mà sếp chẳng biết.
Có người tự bỏ tiền ra chịu thuế VAT…
Tất cả vì sợ cái trận lôi đình của một vị sếp tính toán chi li đến từng hào.
Kinh doanh, đương nhiên ai chẳng tính toán. Nhưng đây lại là hẳn một vấn đề: Sếp luôn trong tâm thế sợ mình thiệt. Làm kinh doanh mà sợ thiệt, rồi để nhân viên âm thầm chịu thiệt, chuyện gì đang diễn ra ở đây?
Nên tôi nhìn lại, công ty chúng tôi không có nhân viên cốt cán lâu năm. Người trẻ không có kinh nghiệm cứ vào rồi ra. Người có kinh nghiệm không chấp nhận được cách làm việc không có đạo lí ấy, cũng không chấp nhận mức lương không tương xứng, lại còn trừ lên trừ xuống, nên không ai muốn vào làm.
Lũ nhân viên dật dờ không có ý chí phấn đấu như chúng tôi cứ làm việc vật vỡ qua ngày như thế. Âm thầm chịu thiệt trong ấm ức, nhưng lại chẳng đủ tài cán và năng lực, bản lĩnh để nói ra, cũng vì mưu sinh chẳng dám ra đi. Con người cứ vì thế cùn mòn đi.
Sếp luôn kêu gào vì sao công ty không phát triển?
Chẳng phải vì nhân viên làm việc không chăm chỉ đâu, mà vì họ thiếu mất tinh thần cống hiến – cái không chỉ giúp họ chăm chỉ mà còn sáng tạo, năng động, biết nói gì cần nói, biết làm gì cần làm. Chứ không phải cun cút như đám rùa rụt cổ.
Hôm rồi tôi có bắt gặp cuốn sách “Nhà lãnh đạo vạn người mê”. Tính tôi thích đọc cái gì nó triết lí một tí, nhìn thấy sách có tranh vừa thấy tò mò, vừa thấy hơi nghi nghi.
Nhưng đọc vài dòng đầu, tôi nhận ra chí lí quá. Đây không phải sách dịch, nên không có cái hơi hướng xa lạ, dù câu chuyện là chuyện cổ trang. Đúng là tinh thần lãnh đạo phương Đông ẩn giấu trong từng triết lí.
Và nó trả lời cho câu hỏi hằng làm tôi day dứt bấy lâu: Lãnh đạo như thế nào thì nhiếp phục được nhân viên và khích lệ được tinh thần cống hiến của nhân viên?
Tôi tin rằng đó là câu trả lời mà lãnh đạo rất nhiều công ty đang thiếu:
(i) Đừng ham mời người giỏi ở nơi khác về. Nhân viên do chính mình đào tạo là người sẽ gắn bó với mình dài lâu. Vì năng lực họ được bồi dưỡng và vị trí họ có được là do mình tạo điều kiện, cho phép họ có môi trường phát triển tài năng.
(ii) Hãy tin tưởng vào năng lực của nhân viên. Một khi đã nhận họ về làm, đừng bao giờ tỏ ý hoài nghi. Điểm chưa tốt có thể khắc phục, khó khăn có thể tháo gỡ. Hơi một tí đem nhân viên ra dọa trừ lương, giảm thưởng đó là điều tối kị. Tính toán nhau bằng lợi ích, vậy sẽ ra đi vì lợi ích và sự phản bội không hơn.
(iii) Kinh doanh có thể tính toán từng đồng, nhưng đừng toan tính chi li với nhân viên của mình. Trong tinh thần phương Đông, thì người làm chính là người thân, người trong nhà (theo đúng nghĩa đen), đồng cam cộng khổ. Người phương Đông trọng ân tình, bạn bỏ ra cho họ một đồng, họ biết ơn bạn cả đời.
Tiếc vài đồng lẻ, tính toán đến từng chuyện với nhân viên, là sếp dại. Vì sự nhỏ mọn hèn kém chẳng bao chứa được cái lớn, cũng chẳng tạo ra cái vĩ đại bao giờ. Cũng như một lão nhà giàu keo kiệt, mãi mãi chỉ là phú ông trong làng, chứ chẳng bao giờ là đại thương gia được, phải không?
Tôi thực sự thấm câu chuyện này. Bài học đắt giá của phương Đông về dụng nhân.