Bị bao vây, quân Minh ở thế “cùng đường, dứt dậu”Giai đoạn nửa đầu thế kỷ 15, sau cu…

Bị bao vây, quân Minh ở thế “cùng đường, dứt dậu”Giai đoạn nửa đầu thế kỷ 15, sau cu…

Bị bao vây, quân Minh ở thế “cùng đường, dứt dậu”
Giai đoạn nửa đầu thế kỷ 15, sau cuộc chiến Minh – Đại Ngu vốn đang là thời kỳ các loại súng thần công đặt trên mặt thành phát triển rất mạnh mẽ, trong khi các loại dã pháo cơ động ngoài chiến trường vẫn còn chưa phát triển mạnh. Bởi vậy, thành trì của quân Minh có ưu thế về hỏa lực rất lớn. Ngoài lợi thế về hỏa lực, quân Minh vẫn còn trong tay trên 5 vạn quân. Điều nguy hiểm hơn nữa là chúng tự đặt mình vào thế cùng, sẵn sàng liều chết với quân Lam Sơn chứ không còn dễ dàng tan chạy như thuở nghĩa quân mới nổi lên chống giặc nữa.
Thực ra nếu quyết định công phá Đông Quan, quân Lam Sơn vẫn có cửa thắng cao, nhưng thương vong sẽ rất khó lường. Trong bối cảnh quân ta còn phải chờ đón đánh viện binh, việc hạ thành quả là hạ sách. Bình Định vương Lê Lợi sau khi cân nhắc đã quyết định củng cố vòng vây thành Đông Quan. Nhiệm vụ đặt ra là không chỉ uy hiếp Đông Quan từ một vài hướng, mà còn phải tổ chức bao vây thật kín kẽ, không cho Vương Thông có đường hành quân đào thoát hay phối hợp với các khối quân Minh khác.
Bình Định vương Lê Lợi đã chia quân làm 4 hướng, đóng doanh trại ngay trước 4 cửa thành Đông Quan để bao vây:
– Hướng cửa đông do Thiếu úy Trịnh Khả thống lĩnh
– Thái giám Lê Chửng (hay Lê Cực) cầm quân Thiết Đột giữ cửa tây
– Hướng cửa nam do Tư đồ Đinh Lễ chỉ huy
– Thiếu úy Lý Triện được giao trọng trách trấn giữ cửa bắc
Tuyến sau của bốn doanh này là ba doanh trại Cảo Động (Từ Liêm, Hà Nội ngày nay) nằm phía tây bắc, trại Sa Lôi (thuộc Từ Liêm, Hà Nội) nằm phía tây, Tây Phù Liệt (Thanh Trì, Hà Nội) nằm hướng nam thành Đông Quan.
Vòng vây hai lớp này đảm bảo quân Minh trong thành Đông Quan hoàn toàn bị cô lập. Để có thể bố trí thế trận này, Bình Định vương Lê Lợi đã phải dùng rất nhiều binh lực. Cùng với việc bố trí lực lượng vây Đông Quan, Lê Lợi cũng dời đại doanh đến đóng ở Bồ Đề (Phú Viên, Gia Lâm, Hà Nội ngày nay). Đại doanh nằm dọc theo dòng sông Hồng, trong doanh dựng một vọng lâu nhiều tầng, cao bằng tháp Báo Thiên (khoảng hơn 90 mét) để nhìn vào trong thành. Ngày ngày, Vương ngự trên tầng cao nhất quan sát động tĩnh quân Minh trong thành. Nguyễn Trãi lúc bấy giờ nhờ có nhiều công lao nơi màn trướng, được tiến phong Triều liệt đại phu, Nhập nội hành khiển, Lại bộ thượng thư kiêm hành Khu mật viện sự là chức quan cao nhất văn ban. Trãi được vinh dự cho ngồi tầng dưới, cùng Bình Định vương thảo luận kế sách và phụ trách soạn thư thảo hịch gởi ra ngoài doanh, phân tích thư từ các nơi gởi đến.
Sở dĩ Lê Lợi trọng dụng một văn nhân như thế, là vì giai đoạn này quân Lam Sơn đã cai quản một vùng lãnh thổ rộng lớn, và cần phải biết cách điều hành bài bản, hòng huy động tối đã nhân tài, vật lực cho trận chiến sinh tử. Nguyễn Trãi là người từng có kinh nghiệm làm quan cho nhà Hồ, lại là một danh sĩ trước khi tham gia vào hàng ngũ nghĩa quân Lam Sơn. Với việc tin dùng Nguyễn Trãi, Lê Lợi vừa phát huy được tài trí của nhân vật này, vừa được lòng hiền sĩ các nơi.
Tại dinh Bồ Đề, Lê Lợi đã xuống những chiếu thư cầu hiền, truyền hịch kêu gọi nhân dân càng chung sức hơn nữa. Một chiến lũy cao ngang mặt thành Đông Quan được dựng lên ở bờ bắc sông Nhị (sông Hồng chảy qua hướng bắc Hà Nội ngày nay), nhờ vào sự đóng góp to lớn về sức người và của cải của nhân dân các xứ gần Đông Quan. Những trại ngoài vây quanh thành Đông Quan cũng đều dựng lũy mà kiềm chế giặc. Chiến thuật lấy lũy vây thành càng làm quân Minh gần như hết đường đào thoát. Quân Lam Sơn đêm ngày tuyển mộ đội ngũ, tập dợt thủy chiến, rèn thêm chiến cụ …
Tuy nhiên Vương Thông cũng không phải là một tướng tay mơ. Mặc dù không có khả năng lật ngược tình thế, tướng giặc vẫn cố gắng điều quân đánh phá vòng vây của quân ta, tìm kiếm những chiến thắng cục bộ hòng khích lệ tinh thần binh sĩ.
Ngày 4.3.1427, quân Minh từ trong thành quan sát thấy cánh quân ở Cảo Động bố phòng sơ hở. Phương Chính bèn cầm quân tinh nhuệ ra đánh úp. Cảo Động là tuyến bao vây vòng ngoài, còn cách thành Đông Quan một vòng vây. Bởi thế mà một số tướng sinh chủ quan, cho rằng giặc kéo ra thành tất gặp phải quân vòng trong trước, rồi quân vòng ngoài mới điều động ứng cứu. Nhưng không ngờ tướng giặc bạo gan lựa chỗ khoảng hở giữa các khối quân ta, dẫn quân luồn sâu xuyên qua trận địa. Lý Triện, Đỗ Bí cùng quân dưới trướng bị đánh bất ngờ nên thương vong lớn. Lý Triện cố sức đánh trả rồi tử trận. Đỗ Bí bị giặc bắt sống làm con tin.
Ngày 13.3.1427, quân Minh vẫn theo chiến thuật luồn sâu thình lình đánh vào trại Sa Đôi. Lần này quân Lam Sơn đã có phòng bị, cố sức chống trả. Hết sạch tên đạn, quân ta dùng cả vò lọ, gạch nấu bếp liệng vào quân Minh. Giặc không tiến được, phóng hỏa đốt nhà dân làm kế hỏa công. Các quân đa phần sợ lửa, nhảy xuống sông bơi trốn, chết đuối rất nhiều. Chỉ có quân Thiên Quan nhiều người không biết bơi, ở lại tử chiến với quân Minh. Khí thế của những người lính cùng đường đã bất ngờ đánh lui được giặc.
Sau hai trận đột kích ra ngoài của quân Minh, Lê Lợi bèn chỉnh đốn các quân, tăng cường phòng bị hơn nữa. Trong cuộc duyệt binh ở Vĩnh Động (Kim Thi, Hưng Yên ngày nay), Vương đã lệnh chém đầu Chánh đốc Nguyễn Liên vì hàng ngũ chiêng trống trễ nải. Nhờ tăng cường nghiêm lệnh, các quân bớt chủ quan hơn với giặc.
Ngày 6.4.1427, Vương Thông đem quân tinh nhuệ đích thân đánh vào trại Tây Phù Liệt. Thái giám Lê Nguyễn cố sức dựa vào lũy mà cầm cự, quân Minh không công phá được. Đến lúc Đinh Lễ, Nguyễn Xí thấy động, liền tức tốc đem 500 quân Thiết đột và tượng binh đến cứu. Tinh binh gặp tinh binh, Vương Thông bỗng chốc trở nên thất thế vì bị hai hướng đánh kẹp lại. Thông liệu thế không chống nổi, bèn hạ lệnh thu quân. Đinh Lễ, Nguyễn Xí ham đánh quá, cứ cưỡi voi đuổi theo bất chấp việc quân của Vương Thông vẫn còn đông. Đuổi đến Mi Động, Thông ngoái lại thấy Lễ và Xí ít quân, liền hô quân đánh quật lại. Voi bị sa lầy, Đinh Lễ và Nguyễn Xí bị giặc bắt. Nơi trướng giặc, Đinh Lễ không ngớt lời mắng chửi. Vương Thông giận quá đem giết đi. Nguyễn Xí thì dù mưu mẹo lừa quân canh, vượt ngục trốn thoát được về.
Những trận tập kích của Vương Thông tuy không làm thay đổi được thế trận chung, nhưng đã khiến quân Minh hăng hái hơn, và làm quân ta tổn thất nhất định. Mỗi một nghĩa quân ngã xuống đều đáng tiếc thương. Trong số những tổn thất đặc biệt phải kể đến là hai danh tướng Lý Triện, Đinh Lễ. Hai ông đều là tướng tài ba, đặc biệt trong chiến cuộc Ninh Kiều đã cùng nhau lập công lao rất hiển hách. Sự hy sinh của hai ông là mất mát rất lớn đối với nghĩa quân.
Những tổn thất ở Cảo Động, Sa Đôi, Mi Động cho thấy rằng tâm lý kiêu binh đã lan truyền trong quân Lam Sơn, sau những ngày dài kinh qua quá nhiều chiến thắng. Bình Định vương Lê Lợi sau khi hay tin Đinh Lễ bị giặc giết rất đau xót, than rằng: “Lỗi tại Lễ quen thắng rồi khinh địch, ta đã nhiều lần răn bảo rồi, quả nhiên bị hại” (theo Đại Việt Thông Sử). Đinh Lễ vốn là cháu gọi Lê Lợi bằng cậu, ngoài nghĩa vua tôi còn có tình thân huyết nhục. Trước đây, Đinh Lễ đại phá quân Minh ở Tốt Động, oai danh lẫy lừng. Quân tướng các doanh đều ca tụng Lễ là giỏi. Duy chỉ có Lê Lợi là răn bảo: “Trăm trận đánh được cả trăm trận không phải là tốt đâu, hắn cậy lanh giỏi quen mùi được luôn, thất bại có thể đứng trông thấy ngay” (theo Đai Việt Sử Ký Toàn Thư). Có thể thấy tâm lý khich địch mà Bình Định vương răn bảo Đinh Lễ cũng là lời nên dành cho toàn quân Lam Sơn vào lúc này.
Một điều may mắn cũng nên kể đến là sự trở về của danh tướng Nguyễn Xí. Ông bị bắt cùng với Đinh Lễ, nhẫn nhịn tìm thời cơ. Cuối cùng dùng mưu lừa được quân canh mà trốn về doanh trại. Khi Xí về đến nơi, Lê Lợi đang dùng bữa, buông đũa chạy vội ra đón mừng. Vua tôi mừng rỡ khôn xiết, Lê Lợi reo lên: “Thực là sống lại!” (theo Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí). Kế đó, Bình Định vương Lê Lợi lại sai đi cầm quân.
Trong lần thứ ba dẫn quân xuất thành đột kích quân Lam Sơn, Vương Thông đã không còn giữ được yếu tố bất ngờ nữa. Việc bắt được tướng của ta chỉ là tận dụng sai lầm cá nhân. Sau trận Mi Động, quân Lam Sơn đã rành mưu của giặc, càng bố trí phòng bị chặt chẽ hơn. Khi các tướng Minh khuyên Vương Thông tiếp tục xuất thành giao chiến, hắn đã bác bỏ vì biết chiến thuật cũ đã không còn dùng được.
Quốc Huy

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *