Xưa nay, người ta luôn tìm cách đổ mọi bất ổn và đổ máu ở Trung Đông – Bắc Phi lên tài nguyên dầu mỏ, chia rẽ tôn giáo hay đến các yếu tố nước ngoài (điều này không đúng cho thời xa xưa trước kia). Tuy nhiên, người ta dễ bỏ qua một yếu tố rất quan trọng khác, thứ mà có thể không quan trọng ở nơi khác nhưng ở Trung Đông nó còn quý hơn dầu: nước. Có rất nhiều tranh chấp, xung đột diễn ra ở đây liên quan đến nguồn nước các sông hồ, nhưng ở đây đề cập đến 2 vụ tranh chấp lớn và nổi tiếng nhất: sông Euphrates và sông Nile.
Ảnh: tem bưu chính Syria in hình dự án đập Tabqa trên sông Euphrates – công trình quan trọng gắn với cuộc cải cách của Tổng thống Hafez al-Assad.
1/ Sông Euphrates – tại sao là ''anh em sinh đôi'' cùng một phe, Syria lại cực ghét Iraq?
Trước tiên, phân tích mối quan hệ ''song sinh'' của Syria và Iraq, thì điều đó thực chất là mối quan hệ song sinh giữa đảng Ba'ath cầm quyền ở 2 nước. Mối quan hệ này đã có từ lâu, nhưng đạt đỉnh vào năm 1963. Trước đó, Syria đã là ''thánh địa'' cho các thành viên đảng Ba'ath ở Iraq, trở thành hậu phương để chống phá Đảng Cộng sản Iraq cầm quyền. Riêng lãnh đạo Saddam Hussein từng bỏ trốn qua Syria năm 1959 sau khi bị kết án tử hình vì ám sát hụt thủ tướng Cộng sản Iraq. Năm 1963 – đảng Ba'ath ở cả 2 quốc gia đều tiến hành chính biến và thâu tóm quyền lực. Từ đó về sau, đảng Ba'ath ở Iraq cầm quyền đến 2003, còn ở Syria vẫn đang tiếp tục.
Ngoài việc chung đảng Ba'ath, cả 2 quốc gia Syria và Iraq cùng khối Arab, cùng phe Cộng hòa thế tục, cùng phe thân Liên Xô,… Thậm chí trước kia khác biệt duy nhất trên lá cờ hai nước là Iraq có 3 sao còn Syria chỉ có 2 sao, ngoài ra giống hệt. Tuy nhiên, bất chấp những sự tương đồng đó, Syria không lấy gì làm thân thiện với Iraq, đỉnh cao là trong chiến tranh vùng Vịnh 1991, Syria dù đang là kẻ thù của Mỹ vẫn gửi quân đánh Iraq. Một trong những yếu tố gây ra căng thẳng này, liên quan đến nguồn nước và đập thủy điện trên sông Euphrates (Ơ-phơ-rát).
2 con sông Euphrates và Tigris bắt nguồn ở Thổ Nhĩ Kỳ và chảy đến Iraq, xưa kia tạo nên văn minh Lưỡng Hà nổi tiếng. Trong 2 sông, chỉ có sông Euphrates chảy qua lãnh thổ Syria, và nó trở thành con sông lớn gần như duy nhất của đất nước khô cằn này. So với ''người anh em'' Iraq, Syria nghèo khó hơn nhiều. Trong khi Iraq sản xuất dầu thứ 4 thế giới, Syria không có mỏ dầu trữ lượng lớn nào. Nhưng không chỉ thế, họ còn thua kém về nguồn nước.
Với sự giàu có về tài nguyên, Iraq từ lâu trở thành ''con cưng'' của khối Arab và cả Liên Xô. Lợi dụng điều này, Iraq đã đòi hỏi những đặc quyền sử dụng nước sông Euphrates, trong đó có việc ngăn không cho Syria xây đập trên sông. Vì điều này mà dù người Pháp đã có ý định xây đập thủy điện cho Syria từ những năm 1920s, kế hoạch này chưa bao giờ được thực hiện do áp lực của các nước khác. Cho đến tận thời tổng thống Salah Jadid năm 1970, kế hoạch xây đập thủy điện của Syria vẫn nằm trên giấy dù không ít lần quyết tâm xây dựng. Lý do là cứ mỗi lần Syria có ý định khởi công, y như rằng phía Iraq sẽ dọa đánh bom đập và gửi quân đến biên giới. Chưa kể, Iraq cũng gây áp lực khiến Liên Xô và Arab Saudi buộc Syria phải nghe theo.
Sự dọa nạt đó khiến người dân Syria trong gần 50 năm không có đủ điện dùng, do Syria không có nguồn thay thế khác. Một nửa người dân Syria sống trong cảnh không có điện, số khác phải phụ thuộc vào năng lượng mua từ nước ngoài. Ngán ngẩm trước đời sống tăm tối của nhân dân và cảnh làm con rối cho nước ngoài, năm 1970 tướng Hafez al-Assad đã lật đổ Tổng thống thân Liên Xô Salah Jadid, nhốt vào ngục đến chết. Từ đây, Hafez al-Assad lên nắm quyền, mở ra thời đại gia tộc al-Assad ở Syria.
Việc đầu tiên al-Assad làm là dồn hết sức xây đập Tabqa trên sông Euphrates. Bất chấp sự đe dọa ngăn cản của Iraq và áp lực từ Liên Xô, Arab Saudi, tổng thống Hafez al-Assad bỏ ngoài tai và tuyên bố sẽ mời bất cứ nước nào, kể cả Pháp, Anh đến xây đập cho Syria nếu Liên Xô không giúp. Sự cứng rắn của al-Assad buộc Liên Xô phải lùi bước, chấp nhận giúp Syria xây đập. Năm 1974, dưới sự chủ trì của Liên Xô và Arab Saudi, Syria và Iraq đạt một thỏa thuận duy trì một mực nước tối thiểu cho Iraq, đổi lại Syria được phép hoàn thành đập Tabqa. Nhưng điều đó cũng không ngăn nổi sư căng thẳng giữa 2 quốc gia về sau, hậu quả là Syria đã hỗ trợ cho các nhóm đối lập chống Saddam Hussein, thậm chí trực tiếp gửi quân đánh Iraq trong chiến tranh vùng Vịnh. Syria cũng trở thành nơi tiếp nhận lượng lớn người tị nạn Iraq sau năm 1991.
Đập Tabqa và nhà máy điện hoàn thành năm 1978, đã thay đổi hoàn toàn bộ mặt đất nước Syria. Từ đây Syria thoát khỏi số phận làm con rối cho nước ngoài. Để ghi nhận công lao to lớn của Tổng thống Hafez al-Assad, con đập còn được gọi là ''Đậpk Al-Thawra'' (Đập Cách mạng) và hồ chứa nước của nó gọi là Hồ Assad. Ngày nay, đập Tabqa trở thành biểu tượng của Syria. Trong cuộc nội chiến Syria, phe đối lập đã chiếm được con đập này như một đòn đánh biểu tượng vào chế độ al-Assad
2/ Sông Nile – tại sao Ai Cập chống Ethiopia bằng mọi giá?
Sông Nile quá đỗi nổi tiếng, không cần phải nhắc lại. Vấn đề ở đây là từ lâu trong lịch sử, nguồn nước Sông Nile gần như bị thống trị bởi Ai Cập, mặc dù quốc gia này ở hạ nguồn. Điều này khiến người ta thường quên rằng sông Nile còn chảy qua Kenya, Uganda, Nam Sudan, Sudan, Ethiopia, Rwanda,…
Báo chí gần đây nhắc về sự căng thẳng quanh vấn đề Ethiopia định xây Đập “Đại Phục Hưng” trên sông Nile bị Ai Cập, Sudan phản đối. Nhưng bài này muốn nói sâu hơn về quá khứ, những lần Ai Cập quyết đâm sau lưng Ethiopia bằng mọi giá dù xét về ý thức hệ họ gần nhau. Có khá nhiều lần như vậy, nhưng có vài lần lớn hơn.
Đầu tiên có thể kể đến chiến tranh Ogaden năm 1979, cuộc chiến được coi là ''chặt đôi khối XHCN'' khi 2 nước XHCN châu Phi là Somali và Ethiopia đánh nhau để giành vùng đất Ogaden. Trong cuộc chiến này, Liên Xô và Cuba gửi hàng vạn quân đến giúp Ethiopia, kéo theo nhiều nước khác ủng hộ. Ngược lại, Trung Quốc, Romania, Albania,… đứng về Somali, bị coi là ''ngược dòng''. Trong bối cảnh đó, Ai Cập đã chọn phe ''ngược dòng'', hỗ trợ Somali dù ai cũng thấy tỷ lệ thắng của Somali vô cùng thấp, vì phải đánh trực tiếp với Liên Xô, Cuba. Nhưng người ta nhận định, Ai Cập không cần phải chiến thắng trong cuộc chiến này, chỉ cần phá hoại Ethiopia càng nhiều càng tốt là đủ. Do vậy, bất chấp khả năng chiến thắng không có, Ai Cập vẫn hào phóng tài trợ cho Somali hàng tấn vũ khí Liên Xô bỏ lại nước này, và thêm hàng chục triệu USD tài trợ. Cuộc chiến dù Somali thua nhưng đã kéo lùi Ethiopia hàng chục năm, đúng ý đồ của Ai Cập.
Tiếp đến có thể kể đến nội chiến Sudan, cái này thì liên quan trực tiếp đến Sudan nhiều hơn là Ethiopia. Nên nhớ rằng sông Nile cũng có một nhánh rất quan trọng chảy qua Nam Sudan, điều này khiến cả Sudan và Ai Cập không muốn cho Nam Sudan độc lập. Trong Nội chiến Sudan lần 2, Ethiopia đã hỗ trợ cho ''Quân đội giải phóng nhân dân Sudan'' (SPLA) chiến đấu chống lại chính phủ Sudan của người Arab. Để chống lại, Ai Cập đã hỗ trợ chính phủ độc tài Omar al-Bashir ở Sudan đàn áp phong trào độc lập Nam Sudan, cũng để hút cạn máu Ethiopia.
Không chỉ vậy, Ai Cập còn lôi kéo các nước châu Phi Hồi giáo khác vào liên minh chống Ethiopia – một quốc gia Chính thống giáo. Kết quả là đến năm 1991, chính quyền Cộng sản của Mengistu Mariam ở Ethiopia đã sụp đổ sau một màn ''hội đồng'' của các nước châu Phi. Từ 3 phía, Somalia, Sudan, Eritrea (lúc này còn thuộc Ethiopia) đã ập vào đánh Ethiopia, hợp với hàng loạt phe nổi dậy bên trong đất nước lật đổ chính quyền Mengistu, buộc ông phải chạy trốn. Kết quả đã buộc Ethiopia phải trao trả độc lập cho Eritrea, một trong những cuộc chiếm đóng dài nhất châu Phi (Eritrea bị Ethiopia chiếm đóng sau Thế chiến 2). Và tài trợ cho màn ''hội đồng'' này, không ai khác là ông anh cả Ai Cập.
Nhưng sau đó, Ethiopia và Eritrea vẫn tiếp tục chiến đấu một trong những cuộc xung đột biên giới dài và đẫm máu nhất lịch sử, làm hàng trăm nghìn người chết và hàng triệu người đi tị nạn. Ai Cập tiếp tục đứng sau hỗ trợ Eritrea, giúp họ giành thắng lợi chiến lược, giữ được độc lập và vùng biên giới. Năm 2019, nhờ công phân định xong biên giới với Eritrea để kết thúc cuộc xung đột đẫm máu, tổng thống Etthiopia Abiy Ahmed nhận giải Nobel hòa bình.
Còn không ít lần Ai Cập chọc phá Ethiopia nữa, như hàng chục lần chặn bắn tàu Ethiopia trên biển Đỏ trước kia, nhưng hiện nay nổi lên việc Ai Cập lo Ethiopia xây đập “Đại Phục Hưng''. Việc này có từ lâu, nhưng lý do phải đến gần đây Ai Cập mới ''quan ngại'' là vì đồng minh của họ – Omar al-Bashir ở Sudan đã bị hạ bệ. Trước kia al-Bashir ủng hộ Ai Cập, tuyên bố ''san bằng Đại Phục Hưng bất cứ lúc nào'' nếu Ethiopia dám động tay xây đập. Nhưng giờ thì al-Bashir đã bị lật đổ, Ai Cập lo chính phủ Sudan mới sẽ ủng hộ Ethiopia.