[CÂU CHUYỆN MẶT TRẬN THÁI BÌNH DƯƠNG VÀ NHỮNG CĂN BỆNH]

[CÂU CHUYỆN MẶT TRẬN THÁI BÌNH DƯƠNG VÀ NHỮNG CĂN BỆNH]

(Chuyên mục đăng lại mấy bài acc cũ để không bị đồn là toàn đăng Ottoman).

Trong Thế chiến 2, cuộc chiến tại Mặt trận Thái Bình Dương rất khác biệt so với ở châu Âu, không phải về mức độ khốc liệt mà là về địa hình, thời tiết và đặc biệt là số lượng thương vong của quân lính do mắc bệnh.

Trong khi địa hình ở Đông và Tây Âu đa số là đồng bằng thích hợp cho việc thao diển quân đội, địa hình trên các đảo ở Thái Bình Dương đa phần là núi đồi khiến việc điều động quân đội trở nên khó khăn hơn. Trong khi khí hậu ở châu Âu có thể nói là khá ôn hoà, khí hậu ở Thái Bình Dương lại là khí hậu nhiệt đới ẩm kinh khủng khiếp gây thiệt hại nặng về cả thể chất lẫn tinh thần cho binh lính hai bên.

Và đặc biệt là ở châu Âu thì phần lớn thương vong là do chiến đấu, nhưng ở Thái Bình Dương lại có một lượng lớn thương vong không phải là từ chiến đấu là do kiệt sức hoặc dịch bệnh. Thực tế thì là một thứ cực kỳ đặc biệt trong Chiến tranh Thái Bình Dương – có một lượng thương vong do bệnh tật cao hơn nhiều so với những nơi khác. Trong khi dịch bệnh cũng có ảnh hưởng đến binh lính tại châu Âu, ảnh hưởng của nó thường bị giảm thiểu nhờ sự phát triển của các vùng đất tại đây. Đô thị hoá thường đi đôi với việc xây dựng hệ thống xử lý nước thải để làm sạch vi khuẩn khỏi nguồn nước. Bệnh viện, phòng y tế ở khu vực đô thị cũng giúp các binh lính bị bệnh được cách ly và chữa trị để ngăn dịch phát tán. Cho dù không có bệnh viện ở đó thì hệ thống đường xá, giao thông vận tải cũng giúp đưa những người bị bệnh đi nơi khác chữa trị và hồi phục.

Tất cả những tiện nghi mà châu Âu có được hoàn toàn không tồn tại ở Thái Bình Dương – đặc biệt là trên các hòn đảo mà quân Mỹ chiến đấu chống lại Nhật. Trái ngược với các khu đô thị tại châu Âu, các hòn đảo ở Thái Bình Dương được bao phủ bởi những thảm rừng nhiệt đới rậm rạp. Chính sự hoang sơ này kết hợp với khí hậu nóng ẩm tạo điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh khắp mọi ngóc ngách ở Thái Bình Dương gây ra thiệt hại lớn cho cả hai phe. Thật tế, một kẻ thù tàn hình luôn tiềm ẩn mà quân lính tại đây phải đối mặt là địa hình và dịch bệnh, như một lính Mỹ chiến đấu ở New Guinea nói:

“Ngay cả thiên nhiên cũng chiến đấu chống lại chúng tôi với tất cả những năng lực mà nó có. Chúng tôi lúc nào cũng phải cảnh giác cao độ trước một kẻ thù lặng lẽ là môi trường. Chúng cực kỳ đáng sợ.”

Căn bệnh lan rộng nhất tại Thái Bình Dương là sốt rét gây ra bởi muỗi Anopheles. Thật tế, tỷ lệ thương vong do sốt rét là rất cao tại Thái Bình Dương:

1/ Từ tháng 9 năm 1943 đến tháng 3 năm 1944, có đến 9,942 trong tổng số 28,059 bộ binh Mỹ chiến đấu ở New Guinea thương vong do sốt rét.

2/ Từ 1942 đến 1943, có đến 85-95% các đơn vị chiến đấu trên đảo Thái Bình Dương như Quần đảo Solomon và Papua New Guinea thương vong do sốt rét. Tỷ lệ lây nhiễm ở New Guinea vào tháng 2 năm 1943 là 962/1000!!!!

3/ Tỷ lệ nhiễm sốt rét trên toàn Mặt trận Thái Bình Dương năm 1944 theo nguồn y tế chính thức là 62.08/1000, nghĩa là có tới 33,475 ca mắc bệnh sốt rét.

Ngoài bệnh sốt rét, quân lính Đồng minh cũng trở thành nạn nhân của nhiều dạng phát ban da gọi chung là thối rừng, kiết lỵ, sốt phát ban, sốt xuất huyết, tiêu chảy và vô số các loại bệnh nhiệt đới khác, trong đó tệ nhất là bệnh giun chỉ bạch huyết. Căn bệnh quái ác này gây ra bởi muỗi, chúng nhiễm phải ấu trùng giun chỉ khi đốt người, ký sinh trùng khi đó sẽ xâm nhập vào trong da và từ đó chúng đi vào cơ thể con người, tiếp đó ấu trùng di chuyển vào hệ bạch huyết, ở đó chúng phát triển thành giun trưởng thành trong hệ thống bạch huyết của người, người là ký chủ vĩnh viễn. Nó gây ra phát ban da, nổi mề đay, đau bụng và đôi khi khiến người nhiễm mù vĩnh viễn. Trong một số trường hợp nó khiến nạn nhâm bị bệnh chân voi. Đối với nam giới bị nhiễm bệnh xung quanh vùng của bộ phận sinh dục, căn bệnh này có thể dẫn đến sưng bìu đến kích thước của một quả bóng rổ.

Quân đội Đồng minh đã chịu rất nhiều thương vong từ các căn bệnh này mà ra, ví dụ:

1/ Năm 1944, có 28,292 ca mắc bệnh sốt xuất huyết tại Thái Bình Dương, với tỷ lệ mỗi năm là 52.47/1000.

2/ Sau cuộc chiến tại Đường mòn Kokoda ở New Guinea, thương vong chiến đấu của quân Úc là 2,200. Nhưng nếu bao gồm cả thương vong do dịch bệnh trong thời gian trận đánh diễn ra thì con số này phải nhân lên cho 10, tức là 22,000.

3/ Trong chiến dịch ở New Guinea, Sư đoàn số 32 của quân Mỹ chịu thiệt hại hơn 9,688 binh lính, trong đó đến 7,125 thương vong là do dịch bệnh, số lượng quân lính ban đầu của sư đoàn này là 11,000.

4/ Cũng trong Chiến dịch New Guinea, tính đến năm 1942, có khoảng 15,575 ca mắc bệnh truyền nhiễm, trong số đó có 9,242 ca sốt rét, 3,643 ca kiết lỵ, 1,186 ca sốt xuất huyết, 186 ca sốt phát ban.

Cùng với những tác động của bệnh tật thì quân Đồng minh ở Thái Bình Dương còn phải chịu đựng với điều kiện sống và chiến đấu mất vệ sinh. Trong khi binh lính ở châu Âu được hưởng lợi từ điều kiện đô thị hoá tại đây, giúp cung cấp nơi tắm rửa và nước sạch, binh lính Đồng minh tại Thái Bình Dương lại không được hưởng những thứ này. Nước uống phải được mang đến các cánh đồng đựng trong các can trước đây được sử dụng để chứa nhiên liệu, mùi vị dầu và kim loại gỉ sét vẫn còn sót lại khiến những người uống chúng không thể chịu nổi. Không có nhà vệ sinh sạch, quân lính phải giải toả nỗi buồn gần nơi họ sống và chiến đấu. Phân người và xác người bị phân huỷ dưới sức nóng và độ ẩm “thích hợp” tạo ra một mùi hương không thể hôi thối hơn nồng nặc khắp chiến trường. Phần ăn nghèo nàn với chủ yếu là thực phẩm đóng hộp mất nước làm trầm trọng thêm điều kiện chiến đấu của binh lính. Nói chung, các tác động từ bệnh tật, mùi hôi thối, điều kiện thiếu vệ sinh, chế độ ăn uống kém, căng thẳng khi chiến đấu làm ảnh hưởng rất nhiều đến mặt thể chất lẫn tinh thần của lính Đồng minh.

Nhận thấy mối đe doạ từ những căn bệnh truyền nhiễm này, một số chỉ huy Đồng minh cẩn thận đã lập tức gọi tiếp tế thuốc men và dụng cụ y tế đến các hòn đảo, đặc biệt là Quinine và Atabrine để giảm thiểu mối đe doạ từ sốt xuất huyết. Các quy định về vệ sinh nghiêm ngặt đã được thực thi để giảm thiểu sự lây lan của dịch bệnh. Sĩ quan phải đảm bảo sức khoẻ của binh lính mình thật tốt, sẽ bị cách chức ngay lập tức nếu phát hiện có binh lính trong đơn vị mình bị suy tếu do nhiễm bệnh trong các kỳ kiểm tra sức khoẻ bất ngờ. Các binh sĩ được lệnh phải mặc quần áo và tất dài khi ngủ để ít lộ phần thịt ra ngoài cho muỗi nhất có thể. Các tiểu đoàn công binh được giao nhiệm vụ xây dựng sân bay và cơ sở ưuaan sự đồng thời được lệnh dọn sạch đầm lầy để phá nơi sinh sản của muỗi và các loại côn trùng mang mầm bệnh khác. Thức ăn tươi cũng được đưa đến để đảm bảo tinh thần và sức khoẻ cho binh lính. Nói chung thì những việc này cũng ít nhiều làm giảm thương vong do bệnh truyền nhiễm của phe Đồng minh.

Cuối cùng, thương vong do dịch bệnh của Nhật thậm chí còn tệ hơn so với quân Đồng minh. Không giống phe Đồng minh có hỗ trợ đáng kể từ hậu cần, quân Nhật phải chiến đấu trong điều kiện hậu cần gần như không có trong suốt cuộc chiến. Việc thiếu lương thực và trang thiết bị y tế khiến lực lượng quân Nhật suy yếu hẳn. Trong một số trường hợp, thương vong do đói và bệnh truyền nhiễm của Nhật còn cao hơn so với thương vong do chiến đấu.

Tham khảo thêm:

1/ Cuốn “Hirohito’s War” của Pikes

2/ Cuốn “The Conquering Tide” của Toll.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *