Sự thật hai vụ ném bom nguyên tử ở Nhật 1945

Sự thật hai vụ ném bom nguyên tử ở Nhật 1945

Nhân sự kiện 75 năm ngày Mỹ ném bom nguyên tử xuống Nhật Bản 1945, trang tin Grunge (GC) Mỹ đã cập nhật những thông tin mới.

Thông tin mới cho thấy, hai vụ ném bom nguyên tử này còn để lại những hệ lụy tệ hơn so với những gì đã biết.

Vài nét hai vụ ném bom nguyên tử tại Hiroshima và Nagasaki tháng 8-1945

Bách khoa toàn thư mở, vụ ném bom nguyên tử Hiroshima và Nagasaki là sự kiện Mỹ ném hai quả bom nguyên tử theo lệnh của Tổng thống Harry S. Truman vào những ngày cuối cùng trước khi Thế chiến II kết thúc.

Vào ngày 6 tháng 8 năm 1945, quả bom đầu mang tên Little Boy (Cậu bé) được ném xuống thành phố Hiroshima. Ba ngày sau, ngày 9 tháng 8 năm 1945, quả thứ hai mang tên Fat Man (Kẻ béo phì) phát nổ trên bầu trời thành phố Nagasaki.

Có nhiều nguyên nhân khiến con số chính xác người thiệt mạng không thống nhất. Các số liệu khác nhau bởi nó được thống kê vào các thời điểm khác nhau. Rất nhiều nạn nhân chết sau nhiều tháng, thậm chí nhiều năm bởi hậu quả phóng xạ.

Cũng có những áp lực làm con số bị phóng đại hoặc giảm thiểu vì lý do chính trị. Theo ước tính, 140.000 người dân Hiroshima đã chết bởi vụ nổ còn ở Nagasaki là 74.000, phần lớn là thường dân.

Vai trò của hai vụ nổ đối với việc nước Nhật đầu hàng, cũng như hậu quả và các giải thích cho việc thả bom vẫn là chủ đề hiện đang tranh cãi.

Ở Mỹ, quan điểm đa số cho rằng hai quả bom đã chấm dứt chiến tranh sớm hơn nhiều tháng và hạn chế thiệt hại sinh mạng các bên tham chiến. Ngược lại, với nước Nhật, dư luận cho rằng điều này là không cần thiết và vô đạo đức vì giết hại dân thường.

Giới sử học cũng có nhiều tranh cãi rằng việc thả bom nguyên tử có thực sự khiến Nhật Bản quyết định đầu hàng hay không bởi nhiều thành phố Nhật trước đó đã bị bom san phẳng mà Nhật vẫn không đầu hàng, hay là do quyết định tham chiến chống Nhật của Liên Xô khiến Nhật Bản v.v.

Ngày 15 tháng 8 năm 1945, Đế quốc Nhật Bản đầu hàng vô điều kiện Khối Đồng minh và ký vào văn kiện đầu hàng ngày 2 tháng 9 năm 1945, chính thức chấm dứt Chiến tranh thế giới thứ hai.

Thêm những tình tiết mới về vụ ném bom nguyên tử ở Nhật 1945

1. Thuật ngữ “Bom nguyên tử” chưa hề được nhắc đến cho đến khi nó được thả xuống Nhật Bản.

Quả bom nguyên tử đầu tiên được ném xuống Nhật Bản bởi một phi hành đoàn 11 thành viên thuộc máy bay B-29 có tên Enola Gay. Tên gọi này được đặt theo tên của mẹ phi công Paul Tibbets.

Tờ Guardian trích dẫn lời hoa tiêu Theodore Van Kirk, thì một khi không nằm trong phi hành đoàn ném bom thì không thể biết những chuyện kinh hoàng đã xảy ra.

“Trước khi mang bom đi thả, chúng tôi được thượng cấp thông báo, vũ khí sắp thả sẽ phá hủy toàn bộ thành phố, còn từ “bom nguyên tử” thì chưa hề được nhắc đến trước đó”, Kirk cho hay.

Xạ thủ đuôi hoặc xạ thủ phía sau của bom Enola Gay lúc bấy giờ là trung sĩ nhất George Robert Caron đã sử dụng chiếc máy ảnh được tặng chụp lại vụ nổ, và ghi lại những gì mà ông chứng kiến.

Hồi ức của Caron từ bình tĩnh đến sợ hãi bới đám mây hình nấm có màu trắng ở bên ngoài và đen bên trong, với lõi màu đỏ rực và cứ tiếp tục sôi lên.

“Tôi thể nhìn thấy thành phố, nó đang được bao phủ bởi khối bọt sủi khổng lồ như mật mía, lan dần rồi bao trùm phủ toàn thành phố”, Caron nhớ lại.

“Cảm giác kinh hoàng xuất hiện trong tôi, chết chóc đang xảy ra. Chúa ơi, chúng ta đã làm gì?”, phi công phụ Robert A. Lewis cũng đồng tình với Caron khi được phỏng vấn.

2. Từng có tờ đơn cảnh báo nhưng dân chúng phớt lờ

Theo Tổ chức Di sản nguyên tử (AHF), thông thường trước khi máy bay ném bom các thành phố, quân Đồng minh thường thả tờ rơi cảnh báo.

Đây là thông lệ phổ biến được quy định trong các cuộc chiến, và nó đã được áp dụng trước đó, ít nhất là trước vụ đánh bom ở Hiroshima.

Các tờ rơi được gọi chính xác hơn là Tờ rơi LeMay (LeMay Leaflets) có nội dung cảnh báo dân thường sống trong thành phố có các mục tiêu quân sự hoặc công nghiệp, và khuyên họ nên rời ngay trước khi bom được thả xuống.

Không rõ có bao nhiêu tờ rơi được phát ra, và hồ sơ lịch sử cũng không nói chi tiết điều này. Tuy nhiên, một trong số những người sống sót được phỏng vấn bởi tờ Time thì họ đã từng thấy có tờ rơi được rải.

Nạn nhân, bà Sachiko Matsuo, lúc đó đang ở cách xa “tâm bom” 1,3 km. “Máy bay ném bom B-29 Mỹ rải tờ rơi khắp thành phố, cảnh báo chúng tôi, rằng Nagasaki sẽ 'trở thành tro tàn' vào ngày 8 tháng 8.

Tờ rơi đã bị kenpei (Quân đội Hoàng gia Nhật Bản) tịch thu ngay lập tức. Riêng cha tôi đã nhanh chóng có được 1 tờ và tin vào thông tin ghi trong đó. Bố tôi đã cho xây dựng một nơi trú ẩn nhỏ trên dãy núi Iwayasan để ẩn náu.

Người thứ 8 đến cùng với gia đình tôi sau đó bỏ đi, bất chấp lời khuyên. Có nhiều người có được tờ rơi như cha tôi nhưng họ lại phớt lờ, và số người chết không thể đếm nổi, phần lớn những người trước khi chết đều xin được nước uống”, bà Sachiko Matsuo nhớ lại.

3. Người sống như thể bị dội nước sôi

Những câu chuyện của ông Shinji Mikamo được con gái Aikko ghi lại, sau được hãng tin Anh BBC chia sẻ: “Ngay sau khi bom phát nổ một quả cầu lửa khổng lồ. Nó sáng hơn 10 lần so với mặt trời tạo ra ngọn lửa mạnh màu vàng nhạt, đôi khi lai gần như màu trắng”, ông Shinji Mikamo kể.

Tiếp đến là âm thanh chói tai và người sống có cảm giác như đang bị dội nước sôi. Nhà cửa đổ nát kèm theo bão gió. Đây là những cơn bão lửa quét qua đống đổ nát và kéo dài hàng giờ.

Ngay sau đó, trời bắt đầu mưa nhưng không phải là mưa bình thường mà là mưa màu đen kèm theo phóng xạ. Mưa phóng xạ không phải rửa vết bỏng hay xoa dịu vết thương mà nó làm cho cơ thể nạn nhân tiếp tục phồng rộp và nóng rát.

Như trường hợp ông Sumiteru Taniguchi (16 tuổi khi bom thả xuống Nagasaki), đã mô tả như sau:

“Da tay trái tôi, từ vai đến đầu ngón tay, nát như giẻ rách, máu me đầm đìa và rỉ thành giọt. Khi tôi đặt tay lên lưng, thì không thấy mảnh vải nào, toàn thân như thể bị dội nước nóng”, Taniguchicho nhớ lại.

4. Nhiều người sống sót cùng kỷ lục và miệt thị

Theo thống kê, có khoảng 260.000 người sống sót sau vụ đánh bom nguyên tử ở cả hai thành phố Hiroshima và Nagasaki từ ngày 7 đến 9/8/1945.

Trong số này có ông Tsutomu Yamaguchi đã may mắn sống sót sau cả 2 vụ đánh bom nói trên. Lúc đó ông Yamaguchi 29 tuổi (1945), là nhân viên của Tập đoàn công nghiệp nặng Mitsubishi, may mắn sống sót vì ở cách xa tâm bom vài dặm.

Không chỉ thoát chết sau hai vụ đánh bom mà Tsutomu Yamaguchi còn ghi thêm kỷ lục “nạn nhân nguyên tử thọ nhất hành tinh xưa và nay” và là người đã chứng kiến cả hai vụ ném bom này.

Khi quả bom đầu được thả xuống, Tsutomu Yamaguchi đang đi công tác tới Hiroshima dưới tư cách nhân viên thuộc bộ phận kinh doanh của hãng Mitsubishi.

Sau đó, ông quay về nhà nhưng đáng buồn là quê hương ông lại chính là thành phố Nagasaki nơi hứng chịu quả bom thứ hai.

Tsutomu Yamaguchi lại may mắn sống sót sau quả bom thứ hai và chỉ bị bỏng nặng kèm theo rách màng nhĩ. Một số người khác sống sót qua đêm vì xuống hầm trú ẩn.

Người sống sót sau vụ đánh bom ở Hiroshima và Nagasaki được gọi là “nijyuu hibakusha”, có nghĩa “người hai lần bị ném bom”. Riêng Tsutomu Yamaguchi không chỉ sống sót, mà còn thọ “vắt qua hai thế kỷ” và qua đời ở tuổi 93 vì ung thư dạ dày vào năm 2010.

Hậu đánh bom, những hibakusha này đã phải đối mặt với sự phân biệt đối xử gần như không thể tưởng tượng được.

Thậm chí, để được công nhận hibakusha và nhận các khoản trợ cấp của chính phủ về chăm sóc sức khỏe, đương sự phải làm đơn, như trường hợp bà Hiroko Tanaka ở Hiroshima là một ví dụ. Sau khi nộp đơn bà Tanaka phải chờ 5 thập kỷ.

Chồng bà Tanaka tiết lộ lý do: “Bà ấy giấu kín tình trạng của mình, thậm chí còn khuyên đừng kết hôn với người ở Hiroshima, nếu không con cái sẽ bị ảnh hưởng”.

Theo tờ Thời báo Nhật Bản, tất cả mọi thứ, từ tìm kiếm việc làm cho đến hôn nhân, không ai muốn tiếp nhận một hibakusha vì sợ bị truyền phóng xạ.

Shoso Kawamoto là một trong số này, vào tuổi 23 khi gặp và yêu một cô gái với ý định kết hôn, nhưng là hibakusha nên gia đình hôn thê đã ngăn cấm. Bị đối xử phân biệt, Shoso Kawamoto rời khỏi thành phố và thề sẽ không bao giờ kết hôn nữa.

5. Cầu xin nước uống, nhưng chính nước lại là “đồng minh” của phóng xạ

Những người còn sống kể lại, hầu hết nạn nhân trước khi tắt thở đều khát nước và cầu xin nước uống, nhất là những người bị bỏng.

Tạp chí Time ghi lại lời ông Inosuke Hayasaki: “Tôi quyết định tìm nước để giúp họ, có tới gần 40 người đang cầu xin nước uống, trong đó có cả bạn tôi là Yamada, nhưng tất cả chỉ đợi được 5-10 phút sau đó đã tắt thở”.

Sau vụ đánh bom, không mất nhiều thời gian người ta đã truyền nhau lời cảnh báo, không nên cho các nạn nhân uống nước, vì có thể giúp họ nhanh chóng kiệt sức, tắt thở.

Theo bác sĩ Hiroo Dohy ở Bệnh viện Chữ thập đỏ bom nguyên tử Hiroshima, lý do nước có thể làm tăng lưu lượng máu, khiến máu chảy ra nhanh hơn và dễ gây tử vong. Đối với những người như Inosuke Hayasaki thường có quan niệm ngược lại, coi đây là cố gắng để giúp đỡ nạn nhân với hy vọng giúp họ sống sót.

“Tôi không nghĩ rằng mình đã làm những điều có hại cho các nạn nhân bị bỏng. Nếu tôi không cho họ uống nước thì lương tâm tôi cắn rứt. Nhiều người trong số họ có thể còn sống nếu tôi không đưa nước cho họ, điều này khiến tôi thấy suy nghĩ mỗi ngày”, Hayasaki nhớ lại.

6. Để lại nhiều trẻ mồ côi

Theo Newsweek, khoảng 2.000 trẻ em đã được sơ tán khỏi Hiroshima trước vụ đánh bom. Người di tản là nhóm trẻ từ 6 đến 11 tuổi và khi chúng trở về, hầu hết trở thành mồ côi. Một số, chết trong vòng vài tháng sau khi trở về thành phố đổ nát do không có ai chăm sóc, đói ăn, chúng ăn đủ mọi thứ khi tìm thấy.

Kawamoto, một trong những người may mắn trong số này do được một gia đình nuôi dưỡng. Kawamoto kể, những đứa trẻ bất hạnh cùng tuổi với ông đã bị bán cho Yakuza, bị buộc làm nghề nghề mại dâm. Những đứa kém may mắn hơn có hai lựa chọn: chết đói hoặc làm việc cho Yakuza, nhiều người đã làm những gì họ cần để sống sót.

7. Tuyên bố chiến tranh của Liên Xô chứ không phải bom nguyên tử khiến Nhật đầu hàng

Mặc dù đã 75 năm trôi qua nhưng điệp khúc Mỹ thả bom nguyên tử xuống Nhật Bản là lý do chính dẫn đến sự đầu hàng của Nhật Bản, nhưng theo một số nhà sử học thi điều này không đúng.

Theo Gregg Herken, giáo sư danh dự lịch sử ngoại giao Hoa Kỳ giảng dạy tại Đại học California, người có nhiều thời gian nghiên cứu về hồ sơ Mỹ ném bom Nhật Bản cho biết, điều này phức tạp hơn nhiều.

Vào ngày 8 tháng 8 năm 1945, Liên Xô đã tham gia cuộc chiến chống Nhật Bản. Trước đây, Liên Xô đã tôn trọng hiệp ước không xâm phạm nước này và Nhật Bản vẫn hy vọng Liên Xô sẽ hành động như một thứ trung gian giữa họ và Đồng minh.

Tuy nhiên, với một cuộc tấn công của Liên Xô, mọi thứ đã thay đổi… khiến Nhật Bản không trụ được và buộc phải đầu hàng.

Theo Hội đồng Đạo đức về các vấn đề quốc tế Carnegie (CCEIA), tổ chức từ thiện công cộng có trụ sở tại thành phố New York thì Hiroshima và Nagasaki là nơi minh chứng cho mối nguy hiểm của vũ khí nguyên tử, nhân loại cần cảnh giác.

Tuy nhiên theo CCEIA, Mỹ không chỉ ném bom 2 thành phố này mà còn ném bom 68 thành phố của Nhật Bản vào năm 1945.

Về con số thương vong, Hiroshima đứng thứ hai sau vụ đánh bom Tokyo ngày 10/3/1945, khi các máy bay ném bom thả bom chùm và bom napalm vào thành phố.

Khoảng 105.400 người đã thiệt mạng và một phần năm cơ sở hạ tầng thành phố đã bị hủy hoại. Vào cuối ngày, quả bom nguyên tử đã làm cho số người chết tăng vọt.

Theo CCEIA, tuyên bố chiến tranh của Liên Xô mới là yếu tố quyết định còn vụ đánh bom nguyên tử của Mỹ thì không. Nếu điều này là đúng thì lâu nay điều mà các nhà sử học lẫn dư luận tin là hoàn toàn sai sự thật.

Giả thiết này có cơ sở, bởi theo Bách khoa thư mở thì cho tới tận ngày 9 tháng 8, Hội đồng chiến tranh của Nhật vẫn giữ 4 điều kiện để đổi lấy việc đầu hàng. Cùng ngày, Thiên hoàng Hirohito ra lệnh cho cố vấn Kido Koichi “nhanh chóng kiểm soát tình hình, bởi Liên Xô đã tuyên chiến với chúng ta”.

Ông chủ trì cuộc họp trong đó ông ủy quyền cho Bộ trưởng Ngoại giao Togo Shigenori thông báo cho phe Đồng Minh rằng Nhật Bản chấp nhận những điều kiện của họ với điều kiện là việc tuyên bố đầu hàng “không có một yêu cầu nào xâm hại đến quyền của Thiên hoàng”.

Ngày 12 tháng 8, Thiên hoàng thông báo với hoàng gia về quyết định đầu hàng của ông. /.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *