Loạt bài: lính đánh thuê châu Âu trên lục địa châu Phi.
Phần 1: Lính đánh thuê Nam Tư ở Zaire (Congo).
Trước tiên, về bối cảnh lính đánh thuê châu Âu ở châu Phi. Đây là một xu hướng rất phổ biến nhưng chỉ trong một giai đoạn lịch sử khoảng những năm 60-70s, và một lần nữa trở lại những năm 1990s. Đây là thời điểm tập hợp nhiều yếu tố khiến lính đánh thuê châu Âu nở rộ. Đầu tiên là việc kết thúc Thế chiến 2, số lượng lớn binh lính châu Âu giải ngũ, thất nghiệp vật lộn với nền kinh tế mới phục hồi khó khăn, buộc phải bán mạng và dùng kỹ năng quân sự để kiếm sống. Trong bối cảnh đó, các nước châu Phi giành độc lập hàng loạt, chưa có quân đội quy củ, phải tính nước dựa vào quân lính nước ngoài để bảo vệ. Các yếu tố đó gặp nhau đã thúc đẩy nhiều người châu Âu đến châu Phi đánh thuê kiếm tiền dưới sự yêu cầu của các chính phủ (hoặc không phải chính phủ châu Phi).
Tình trạng này giảm bớt sau đó, khi kinh tế châu Âu phục hồi, còn châu Phi cũng xây dựng được quân đội. Nhưng đến năm 1990, tình hình tương tự trở lại đã khiến lính đánh thuê châu Âu tái xuất hiện. Đó là khi các nước Đông Âu khủng hoảng kinh tế khiến nhiều công dân Liên Xô, Nam Tư phải mang núi vũ khí dư thừa ở nước mình sang châu Phi chiến đấu, dĩ nhiên để kiếm tiền. Còn các nước châu Phi những năm 90s cũng đánh dấu giai đoạn bất ổn mới, khi các chính phủ ổn định thời Chiến tranh Lạnh kết thúc, nhường chỗ cho các phe phái tranh giành nhau. Bài đầu tiên là về xu hướng thứ 2 này.
1/ Mobutu Sese Seko và chiến tranh Congo lần 1
Sẽ còn gặp lại Mobutu Sese Seko nếu loạt bài này được tiếp tục. Ông này đi vào lịch sử với nhiều chuyện, nhưng trong đó được biết tới là tướng châu Phi duy nhất đánh bại được lính đánh thuê châu Âu. Nhưng đó là câu chuyện của những năm 60s. Còn vào những năm 90s, Mobutu Sese Seko đang cầm trong tay Zaire – một quốc gia hấp hối – phải dựa vào lính nước ngoài để duy trì chế độ. Ngoài ra, chỉ cần biết thêm Mobutu là một kẻ tham nhũng có lẽ là ghê gớm nhất thế giới, và là nhà độc tài cai trị Zaire trong 30 năm.
Vào cuối những năm 90s, sau hơn 30 năm cai trị của Mobutu Sese Seko, nước Zaire (CHDC Congo ngày nay) khủng hoảng trầm trọng. Bất chấp diện tích lớn và nguồn tài nguyên khổng lồ, Zaire vẫn là quốc gia nghèo đói bậc nhất thế giới. Nguyên nhân chính gây ra bởi tình trạng tham nhũng khủng khiếp dưới chế độ Mobutu, được mệnh danh ”người cắt đất nước ra bán lẻ”. Dưới thời Mobutu, ước tính hàng trăm tỷ USD tài nguyên của Zaire đã được tuồn ra nước ngoài với cái giá rẻ mạt.
Tận dụng bối cảnh đó, một số người Cộng sản cũ bị Mobutu đánh bại từ những năm 60s, đứng đầu bởi Laurent-Désiré Kabila, được các nước như Trung Quốc, Tanzania, Rwanda,.., hỗ trợ, đã nối lại cuộc nổi dậy ở miền Đông Zaire nhằm lật đổ Mobutu, mở đầu cho cuộc Chiến tranh Congo lần 1. Năm 1994, sự kiện diệt chủng Rwanda bùng nổ làm 2 triệu người tị nạn tràn vào lãnh thổ Zaire. Lợi dụng dòng người tị nạn, Kabila đã được quân đội các nước Uganda, Rwanda đưa vào miền Đông Zaire, từ đó tiến nhanh về phía Tây lật đổ Mobutu Sese Seko. Đến năm 1997, Kabila đã lật đổ được Mobutu, kết thúc chế độ độc tài và mở ra thời kỳ mới, đổi tên nước thành CHDC Congo như ngày nay.
2/ Lính đánh thuê Nam Tư
Đầu tiên khi đối đầu với cuộc nổi dậy của Kabila ở phía Đông, và đối mặt với thực tế rệu rã yếu kém của quân đội Zaire lúc đó, các chỉ huy quân đội Zaire đã khuyên Mobutu Sese Seko lúc này đang nằm trên giường bệnh rằng có lẽ nên thuê lính châu Âu thiện chiến để bảo vệ chính quyền của ông. Dù Mobutu có ác cảm với lính đánh thuê da trắng, nhưng sức khỏe kém và tình thế nguy ngập không cho phép ông có lựa chọn khác.
Đầu tiên, Mobutu đã yêu cầu sự giúp đỡ của Đồng minh lớn nhất – nước Pháp. Quân đội Pháp do đó đã triển khai quân liên tục ở Zaire từ những năm 90s. Tuy nhiên,nhiệm vụ của quân đội Pháp đã bị gián đoạn bởi sự kiện diệt chủng Rwanda, khi họ phải điều chuyển sang Rwanda để giúp đỡ người tị nạn. Hơn nữa, chính phủ Pháp ở Paris càng ngày càng mất niềm tin vào chế độ tham nhũng của Mobutu, nên sau cùng đã bỏ rơi ông.
Mobutu tiếp tục tìm đến sự giúp đỡ của lính đánh thuê Nam Phi – những đơn vị đang nổi tiếng khắp châu Phi lúc đó sau thành tích 3000 lính Nam Phi ”bình định” cả đất nước Sierra Leone trong 7 tuần. Tuy nhiên, khi nhận được yêu cầu của Mobutu, các lính đánh thuê Nam Phi này đã thét giá gần 200 triệu USD, khiến Mobutu bác bỏ.
Cuối cùng, các cố vấn của Mobutu đã kiếm cho ông một lựa chọn hợp lý. Họ đã liên hệ với những lính người Serb thất trận ở Croatia và Bosnia vùng Balkan – những người đang thất nghiệp và sẵn sàng chấp nhận một mức giá rẻ mạt để chiến đấu.
Thương vụ được chấp nhận, và cuối năm 1996 một đoàn quân đánh thuê hỗn hợp khoảng vài trăm người đã đến Zaire. Chỉ có vài trăm người nhưng họ đặt cái tên ”Quân đoàn Lê dương Trắng” (White Legion). Trên danh nghĩa, Mobutu tuyển mộ lính người Serb, nhưng họ lại mang đến một lực lượng pha trộn trên khắp Balkan, gồm người Serb, Bosnia, Croat, Hy Lạp,… Cộng thêm hàng chục lính Pháp, Bỉ và Ukraine, cuối cùng thêm vài phi đội chiến đấu người Nam Phi.
Nhiệm vụ được giao cho nhóm lính đánh thuê này là bảo vệ thành phố Kisangani – thành phố lớn nhất ở miền Đông Zaire mà Mobutu không muốn mất nó. Chỉ huy lính đánh thuê được bầu chọn là tướng Jugoslav Petrušić người Serb – lúc này đang bị truy nã vì phạm tội trong chiến tranh ở Bosnia. Có thông tin lực lượng Serb ở Zaire nhận lệnh trực tiếp từ Ratko Mladic, chỉ huy rất nổi tiếng của quân Serb trong chiến tranh Bosnia, từng phạm nhiều tội ác chiến tranh lớn như thảm sát Srebrenica.
Sự có mặt của lính đánh thuê Serb ở Kisangani giúp thành phố này không rơi vào tay quân nổi dậy mặc dù họ chiếm hầu hết miền Đông Zaire. Điều này có được bởi kỹ thuật chiến đấu vượt trội của lính Serb so với quân nổi dậy Zaire. Đơn cử là trong vài cuộc đụng độ đầu tiên, quân nổi dậy Zaire đã bỏ chạy ngay khi bị trực thăng Mi-24 của quân Serb tấn công, và từ đó không dám tấn công trở lại.
Nhưng điều đó cũng gây ra một số tác động không mong muốn. Khi cuộc chiến đấu quá thảnh thơi, lính đánh thuê ở Kisangani sinh ra phè phỡn và nhũng nhiễu dân chúng. Dù được giao nhiệm vụ huấn luyện quân đội Zaire, lính đánh thuê Serb phàn nàn rằng họ không biết tiếng địa phương và tránh nhiệm vụ. Trong khi đó, chỉ huy Jugoslav Petrušić có những hành động quấy rối dân địa phương. Jugoslav Petrušić được báo cáo thường xuyên lái xe say rượu trên đường phố, và thậm chí đã nhiều lần tra tấn người dân địa phương bằng bình ắc quy trong xe.
Điều này cuối cùng cũng dẫn đến kết cục không tốt đẹp cho nhóm lính đánh thuê. Vào tháng 3 năm 1997, chính quyền Mobutu phàn nàn cách đối xử của lính đánh thuê với dân địa phương và từ chối trả lương cho họ. Lính Pháp và Serb đổ lỗi cho nhau và lính Serb quyết định không hỗ trợ không quân cho lính Pháp trong các cuộc đối đầu với quân nổi dậy Zaire. Đến tháng 3 năm 1997, quân nổi dậy Zaire tấn công vào Kisangani. Do không có sự phối hợp không quân như lần trước, nhóm lính đánh thuê đã bị đẩy lùi. Trước khi rút lui, lính đánh thuê Serb đã cho nổ tung một khách sạn là căn cứ của họ để tài liệu và vũ khí không rơi vào tay quân nổi dậy Zaire. Sau đó họ rút lui thành công và không hứng chịu thương vong đáng kể.
Sau thất bại ở Kisangani, Mobutu Sese Seko đã nổi giận và đuổi lính đánh thuê Serb về nước, từ chối thanh toán lương cho họ. Những lính đánh thuê người Serb phải trở về quê nhà và đối mặt với cuộc sống khó khăn. Riêng chỉ huy Jugoslav Petrušić sau này vướng vào một vụ lùm xùm khi từng bị cáo buộc ám sát Tổng thống Milosevic nhưng sau đó thoát tội. Ông cũng nhận được quốc tịch Pháp như sự đền đáp của nước Pháp cho đóng góp của ông với các nhiệm vụ của quân đội Pháp ở nước ngoài.
Ảnh:chỉ huy quân Serb Jugoslav Petrušić chụp ảnh với một lính quân đội Zaire.
Tham khảo: Mercenaries in Asymmetric Conflicts (Scott Fitzsimmons)