Họ đã từng sát cánh với nhau trong thế chiến 2 như thế này, và 9 năm sau họ lại 1 lần sát cánh với nhau ở bán đảo Triều Tiên, và hiện tại họ đang tạm ngưng Đại Sứ Quán của nhau để tu sửa cho khang trang hơn. Mãi bên nhau bạn nhé.??????????
Nhóm phi công Mỹ từng làm người hùng ở Trung Quốc
Năm 1941, một nhóm phi công quân sự Mỹ được mời đến Trung Quốc thành lập phi đội Hổ bay để giúp nước này chống Nhật.
Theo lời mời, những người Mỹ này ký hợp đồng sống và làm việc tại Trung Quốc một năm, với nhiệm vụ điều khiển, sửa chữa và chế tạo máy bay với mức lương khoảng 13.700 USD một tháng, có 30 ngày nghỉ một năm, được cấp chỗ ở, nhận phụ cấp ăn 550 USD một tháng và được thưởng 9.000 USD cho mỗi máy bay Nhật bị tiêu diệt.
Đó là đãi ngộ với số tiền được điều chỉnh theo thời giá năm 2020 mà vài trăm người Mỹ đã nhận vào năm 1941 để trở thành những người hùng của Trung Quốc.
Những phi công, thợ máy và nhân viên hỗ trợ mặt đất người Mỹ đó trở thành thành viên của Nhóm Tình nguyện viên Mỹ (AVG), có biệt danh là Hổ bay. Họ điều khiển máy bay chiến đấu do Mỹ sản xuất có vẽ hình cá mập nhe răng ở mũi – biểu tượng vẫn được sử dụng trên các cường kích A-10 của không quân Mỹ ngày nay.
Các phi công Hổ bay được cho là đã tiêu diệt tới 497 máy bay Nhật, trong khi chỉ mất 73 chiếc. Ngày nay, ngay cả khi căng thẳng Mỹ – Trung gia tăng, những lính đánh thuê người Mỹ này vẫn được kính trọng ở Trung Quốc, nơi có những công viên tưởng niệm chiến tích của họ.
Vào cuối những năm 1930, Trung Quốc bị đế quốc Nhật tấn công và chật vật chống lại kẻ thù có trang bị tốt hơn. Nhật Bản gần như không vấp phải sự kháng cự nào trên bầu trời và dễ dàng triển khai máy bay đánh bom các thành phố Trung Quốc.
Để cải thiện khả năng chiến đấu, chính quyền Tưởng Giới Thạch thuê đại úy Mỹ về hưu Claire Chennault thành lập lực lượng không quân cho họ. Chennault dành vài năm đầu để xây dựng mạng lưới cảnh báo không kích và xây dựng các căn cứ không quân trên khắp Trung Quốc. Năm 1940, ông được phái đến Mỹ, khi đó vẫn là bên trung lập trong Thế chiến II, để tìm phi công và máy bay có thể bảo vệ Trung Quốc chống lại không quân Nhật Bản.
Mỹ đang chế tạo tiêm kích với số lượng lớn nhưng họ định bàn giao cho Anh để chống lại Đức hoặc để lực lượng Mỹ sử dụng, trong bối cảnh nhiều người lo ngại Mỹ sẽ bị cuốn vào cuộc chiến ở châu Âu. Chính quyền Tưởng Giới Thạch khi đó đạt thỏa thuận nhận 100 máy bay Curtiss P-40B vốn được Mỹ chế tạo cho Anh. Trong khi đó, London được hứa hẹn nhận mẫu mới và tốt hơn.
99 phi công quân sự cùng các nhân viên hỗ trợ Mỹ đến Trung Quốc vào mùa thu năm 1941. Nhưng các phi công được Chennault huấn luyện không phải là những người giỏi nhất. Một số người mới tốt nghiệp trường bay, những người khác chỉ có kinh nghiệm điều khiển thủy phi cơ hoặc là phi công chuyên đưa máy bay ném bom cỡ lớn về căn cứ hay bàn giao cho khách hàng, chưa tham gia thực chiến.
Họ lên đường tham gia cuộc phiêu lưu ở phương Đông để kiếm tiền, tìm bạn gái đã mất liên lạc hoặc đơn giản là họ cảm thấy buồn tẻ và muốn tìm việc làm kích thích. Phi công thủy quân lục chiến Mỹ Greg Boyington, người được coi là thành viên Hổ bay nổi tiếng nhất, đã chọn đến Trung Quốc vì gặp khó khăn tài chính sau khi ly dị vợ và phải chu cấp cho các con nhỏ.
Với đội ngũ ô hợp như vậy, Chennault phải huấn luyện họ cách trở thành phi công tiêm kích và cách chiến đấu theo nhóm gần như từ con số không. Quá trình đào tạo rất khắc nghiệt. Ba phi công thiệt mạng do tai nạn.
Trong hồi ký của mình, Chennault viết rằng những chiếc P-40 Mỹ bán cho Trung Quốc thiếu nhiều tính năng quan trọng, trong đó có hệ thống ngắm bắn hiện đại cho súng máy. Các phi công đội Hổ bay phải ngắm bắn bằng một dụng cụ tự chế thô sơ, thay vì những hệ thống ngắm quang học chính xác hơn được phi công không quân Anh và Mỹ sử dụng.
Chennault bù đắp điểm yếu của P-40 bằng chiến thuật: các phi công Hổ bay bổ nhào từ trên cao và nã súng máy vào các máy bay Nhật Bản có độ cơ động cao hơn. Nếu tham gia các cuộc không chiến tầm thấp đòi hỏi tính cơ động cao, P-40 chắc chắn sẽ thua.
Đội Hổ bay tham chiến trận đầu tiên vào ngày 20/12/1941, ngăn chặn máy bay Nhật Bản tấn công căn cứ AVG ở Côn Minh, Trung Quốc. Nhưng Chennault bày tỏ sự thất vọng về màn thể hiện của họ. Ông cho rằng sự kích thích khi chiến đấu đã khiến các phi công mất kỷ luật.
“Họ cố thực hiện những pha bắn gần như bất khả thi. Họ đã may mắn khi không va vào nhau hay tự bắn hạ nhau”, tài liệu lịch sử của Bộ Quốc phòng Mỹ có đoạn viết. Tuy nhiên, Hổ bay đã bắn hạ ít nhất ba máy bay ném bom của Nhật Bản trong khi chỉ mất một tiêm kích do hết nhiên liệu.
Các phi công Hổ bay nhanh chóng mài dũa được kỹ năng. Vài ngày sau trận chiến ở Côn Minh, họ được triển khai đến Rangoon (giờ là Yangon), thủ đô của Miến Điện thuộc Anh, là cảng quan trọng cho tuyến tiếp tế thiết bị quân sự từ phe đồng minh cho quân đội Trung Quốc.
Máy bay ném bom Nhật Bản lũ lượt kéo đến thành phố trong hơn 11 ngày vào kỳ nghỉ Giáng sinh và năm mới. Hổ bay củng cố danh tiếng khi bắn hạ 75 máy bay địch trong 11 ngày chiến đấu, trong khi chịu tổn thất hai phi công và 6 máy bay.
Hổ bay ở lại Rangoon 10 tuần. Mặc dù hoàn toàn dưới cơ về quân số và khí tài, họ gây ra tổn thất đáng kinh ngạc cho lực lượng của Nhật. Trong hồi ký của mình, Chennault nhấn mạnh những thành tích đội Hổ bay đã đạt được dù chưa bao giờ triển khai nhiều hơn 25 chiếc P-40 một lúc: Lực lượng nhỏ bé của họ đã đối mặt hơn 1.000 máy bay Nhật ở miền nam Miến Điện và Thái Lan.
Trong 31 lần chạm trán, họ bắn hạ 217 máy bay địch và gây hư hỏng nặng 43 chiếc khác, trong khi chịu tổn thất là 5 phi công tử trận, một người bị bắt làm tù nhân, 16 chiếc P-40 bị phá hủy.
Tuy nhiên, lực lượng đồng minh ở Miến Điện không thể cản bước được quân Nhật. Rangoon thất thủ vào cuối tháng 2/1942 và Hổ bay rút lui về phía bắc, nhưng đã “câu giờ” cho nỗ lực chiến tranh của phe đồng minh khi kìm chân các máy bay Nhật Bản vốn có thể được sử dụng ở Ấn Độ, Trung Quốc hoặc các nơi khác ở Thái Bình Dương.
Tại Trung Quốc, đội bóng rổ chuyên nghiệp ở Tân Cương dùng Hổ bay làm biệt danh. Ít nhất 6 bảo tàng đã được xây dựng để trưng bày các kỷ vật về Hổ bay ở Trung Quốc. Họ cũng là đề tài được phim ảnh khai thác. “Trung Quốc luôn ghi nhớ sự đóng góp và hy sinh của Mỹ và người Mỹ trong Thế chiến II” trang tưởng niệm Hổ bay của báo đảng Trung Quốc. People’s Daily viết.
Theo vnexpress.