[CHIẾN LƯỢC PHÒNG THỦ CỦA ĐẾ CHẾ LA MÃ]

CHIẾN LƯỢC PHÒNG THỦ CỦA ĐẾ CHẾ LA MÃ

Lời nói đầu: Bài này của Nguyễn Hoàng Dũng-chan. Ổng chia làm hai phần nhưng tôi thích gom lại thành một phần hơn ?. (Sorry onii-chan Dũng, tại tôi nôn quá nên không đợi ông edit được ?)

Lời nói thứ 2: Yeah, yeah, đây là bài đăng thứ hai của tôi trong ngày nhưng chả vi phạm cái gì hết (xem lại Điều 1) ?.

Một số bạn thích thú tìm hiểu lịch sử La Mã ở nhóm mình hẳn đã nghe tới tên Edward Luttwak, tác giả cuốn sách nổi tiếng/tai tiếng mang tên “Grand Strategy of the Roman Empire” (Đại chiến lược của Đế chế La Mã). Luttwak chia chiến lược phòng thủ của Đế chế La Mã ra làm ba giai đoạn chính:

1. Các chính thể lệ thuộc:

Những năm cuối của Cộng hòa La Mã và đầu thời Đế chế chứng kiến sự bành trướng đáng kể trong ảnh hưởng của La Mã khi các quan chức-tướng lĩnh, hay về sau là Hoàng đế, tìm kiếm danh vọng và của cải cho bản thân qua những cuộc xâm lược vào đất “man di”. Tới cuối thời Augustus, biên giới của Đế chế đã được đẩy tới bờ sông Rhine – Danube ở châu Âu, và sông Euphrates ở châu Á, tạo thành một vòng cung bao bọc gần hết Địa Trung Hải.

Với hơn 6000 km phòng tuyến trên mặt đất và tổng quân số biên chế khoảng 250,000, quân đội của Đế chế đơn giản là quá nhỏ để duy trì an ninh ở vùng biên viễn. Biển Địa Trung Hải thường được nhìn nhận là một điều kiện thuận lợi về hậu cần, nhưng với công nghệ và trình độ hàng hải đương thời, giao thông đường biển không đủ tính tin cậy để sử dụng cho việc chuyển quân ở quy mô lớn, và dù sao cũng chỉ thực sự hữu ích với việc điều chuyển giữa hai đầu của Đế chế; trong đa số các trường hợp, hệ thống đường lát đá hữu dụng hơn. Tính bảo thủ của quân đội La Mã, tính hạn chế về quyền công dân La Mã (nguồn nhân lực cho các quân đoàn) cũng như những vấn đề chính trị liên quan tới việc duy trì một lực lượng quân sự lớn ở xa trung tâm chẳng giúp gì trong việc bù đắp sự thiếu hụt nói trên.

Tuy nhiên, như đã thể hiện trong quá trình xâm chiếm Germania, các Hoàng đế nhà Julio-Claudian có thể huy động tới một nửa quân đội cho chỉ một chiến dịch. Khả năng đó có được là nhờ một hệ thống các nhà nước phụ thuộc (client state) ở các vùng biên viễn, hay ở Germania, là các bộ lạc chư hầu. Để đổi lấy độc lập về chính trị, các thực thể lệ thuộc có nhiệm vụ đảm bảo an ninh trong khu vực đồng thời trở thành tấm khiên chắn của Đế chế, làm mềm các cuộc tấn công trước khi La Mã tổ chức mũi phản công lớn để chặn đứng các mối nguy trước khi chúng xâm lấn tới lãnh thổ của La Mã. Nói cách khác, những nguồn lực của quân đội La Mã được giải phóng để huy động cho các chiến dịch chinh phạt quy mô lớn mà lẽ ra nó sẽ không thực hiện được.

2. Phòng thủ toàn diện:

Sự La Mã hóa của các thần dân và chư hầu trong Đế chế khiến cho thứ an ninh nửa vời từ những nhà nước lệ thuộc không còn đủ đáp ứng nhu cầu của đế chế. Cùng với việc sát nhập các lãnh thổ lệ thuộc nói trên, biên giới La Mã tiến tới tiếp giáp các thực thể lớn mạnh hơn, những kẻ sẽ không dễ dàng cúi đầu làm tay sai cho La Mã. Quân đội La Mã dần trở thành lực lượng đáng kể duy nhất giữ trọng trách an ninh ở biên giới; với sự đòi hỏi rằng các cuộc tấn công phải bị chặn đứng từ xa, cộng thêm những vướng mắc về địa lý và chính trị, họ mất đi khả năng thực thi những chiến dịch quy mô lớn nhằm “phủ sóng” sự ảnh hưởng của nhà nước La Mã ra bên ngoài lãnh thổ.

Tuy nhiên, khi kẻ địch là những bộ tộc German nhỏ bé và chia rẽ, là đế chế Parthia du mục và phân quyền, và nhà nước La Mã được dẫn dắt bởi liên tiếp những Hoàng đế đầy năng lực, “Hòa bình La Mã” (Pax Romana), vẫn chưa thật sự bị đe dọa. Và để giảm bớt sự đe dọa ít ỏi đó, các quân đoàn La Mã được cử tới chiếm đóng những vị trí chiến lược trên biên giới: bờ Đông thượng nguồn sông Rhine, khu vực Dacia, và phía Đông sông Euphrates; đồng thời, quân số thường trực gia tăng lên khoảng 350,000-450,000.

Một xu hướng chung trong suốt thời kỳ cổ đại ở Tây Âu là những cuộc di cư của người German xảy ra ngày càng nhiều, ngày càng lớn và có tổ chức. Sang thế kỉ III, đế chế Parthia bị thay thế bởi triều đại Ba Tư Sassanid – một đế chế tập quyền với tham vọng khôi phục lại lãnh thổ của nhà Achaemenid xa xưa. Bên trong đế chế, thời đại của “Ngũ Hiền Đế” đã kết thúc từ lâu; liên tiếp trong 50 năm, 26 vị tướng lĩnh và quý tộc nắm tay nhau chơi “chiếc ghế âm nhạc” xung quanh ngai vàng; chính biến và ám sát là chuyện thường ngày ở huyện.

Những vấn đề của phòng thủ toàn diện bộc lộ rõ ràng: để đối phó các nguy cơ ngày càng lớn ở cả bên trong và bên ngoài Đế chế, nguồn nhân lực bị hút khỏi phòng tuyến, tạo ra những khoảng trống mà kẻ địch sẽ lợi dụng, dẫn tới một vòng luẩn quẩn khiến cho phòng tuyến ngày càng yếu mà các mối nguy thì ngày càng nhiều. Đế chế La Mã lâm vào khủng hoảng toàn diện cùng lúc với nhà Hán ở phương Đông; thời Tam quốc ở phía Đông cũng trùng với một thời “Tam quốc” ở La Mã. “Đế chế vô biên” (Imperium sine fine) của người La Mã sẽ sụp đổ bất kỳ lúc nào.

3. Phòng thủ chiều sâu:

Những nguy cơ chính trị từ bên trong Đế chế khiến cho các đoàn quân cận vệ của Hoàng đế ngày càng phình to ra, hút đi nguồn nhân lực vốn đã thiếu thốn của các phòng tuyến, chôn chặt nguồn lực của đế chế ở sâu bên trong lãnh thổ. Bởi vậy, cương thổ của La Mã bị xâm phạm ngày càng nhiều, bất chấp sự gia tăng có thể tới 50% về quân số so với thời Pax Romana (tức khoảng 600,000). Nhu cầu cấp thiết phải giải quyết vấn đề này đã dẫn đến một chiến lược phòng thủ mới mà Luttwak gọi là “phòng thủ chiều sâu”.

Thay vì tìm cách bảo vệ an ninh ngay từ biên giới, người La Mã chấp nhận cho quân địch vượt qua phòng tuyến, vào bên trong lãnh thổ; trong suốt quá trình đó, lực lượng biên phòng (limitanei) sẽ quấy rối và làm suy yếu kẻ tấn công, trước khi một khối quân cơ động (comitatenses) di chuyển từ trung tâm ra để tiến hành những trận đánh quyết định. Trong những thời kỳ ổn định tương đối về nội bộ, những nguồn lực của La Mã lại hướng trở ra biên thùy, với mục tiêu bảo vệ toàn diện giống thời kỳ trước. Đồng thời, các biên giới của Đế chế co gọn lại trong hy vọng rằng triều đình có thể bảo vệ Đế chế tốt hơn một khi các nguồn lực đã bớt bị kéo dãn.

Tuy nhiên, những chi phí và thiệt hại mà triều đình có thể coi là một phần của chiến lược lại chẳng có ý nghĩa tích cực gì với người dân; và một khi những kẻ xâm lấn trở nên hiệu quả hơn trong việc bảo đảm an ninh so với Đế chế La Mã già cỗi, bộ máy cồng kềnh đắt đỏ kia còn lí do gì để tồn tại? Vấn đề này hẳn đã nặng nề hơn ở nửa Tây của Đế chế, nơi mà nhiều tài lực, nhân lực và vật lực được giữ bên trong để bảo vệ sự cai trị của Hoàng đế, nơi mà phòng tuyến được nhận những nguồn lực ít ỏi hơn, nơi mà chính quyền La Mã đã tan rã vào cuối thế kỷ V.

Lời bình:

Nếu như bạn nào để ý thì có thể thấy ở đoạn đầu mình dùng từ “tai tiếng” để miêu tả Luttwak và cuốn sách của tác giả này, tại sao vậy? Luttwak thật ra không phải một sử gia, mà là một nhà chính trị học. Ông là “dân ngoại đạo” đối với chủ đề này. Không quá khó để có thể nhận ra những vấn đề trong cách giải thích của Luttwak; ngay từ khi xuất bản cuốn sách, thứ mà Luttwak nhận lại từ cộng đồng cổ điển học là một tấn gạch đá; khảo cổ học và sử liệu đều đã chứng minh rằng Luttwak saikhi đặt ra những chiến lược trên cho người La Mã, và có vẻ là còn chẳng có thứ gì như một vài chiến lược quốc phòng xuyên suốt như vậy.

Vậy mình viết bài này để làm gì? Cá nhân mình cho rằng dù “đúng” hay “sai” thì Luttwak vẫn cung cấp một góc nhìn đáng để tâm nếu bạn muốn tìm hiểu về quân sự của Đế chế La Mã; và qua đây, có lẽ bạn có thể thấy được một phần những vấn đề quân sự đã đóng quan tài cho sự thống trị của La Mã ở Tây Âu, ở những khía cạnh ít được quan tâm tới.

Vậy giả thuyết của Luttwak có điểm gì bất hợp lý?

1. Mục tiêu của các Hoàng đế – biên giới và an ninh:

Luttwak cho rằng chính quyền La Mã đã lựa chọn một cách có ý thức các phòng tuyến để bảo vệ đế chế và các thần dân một cách tốt nhất (dĩ nhiên, nhằm giữ vững trật tự chính trị chứ không phải vì một mục tiêu phi ngã cao cả nào hết).

Liệu có phải như vậy, hay, theo J.C Mann, đó là sự thất bại trong việc thực hiện giấc mơ bá chủ, là các giải pháp chữa cháy đối với những vấn đề ngắn hạn của các Hoàng đế riêng lẻ, như việc rút lui khỏi bờ Đông sông Rhine sau trận chiến Teutoburg, hoặc Aurelian rời bỏ Dacia để dồn lực lượng đánh dẹp Palmyra? Điều này còn thể hiện ở việc các phòng tuyến được bảo vệ bởi các binh chủng khác nhau.

Trong nhiều trường hợp, chúng ta có thể thấy rõ rằng vinh quang cá nhân và chiến lợi phẩm là động cơ hiển hiện của những cuộc chiến tranh mà La Mã phát động; những hoàng đế vĩ đại nhất, đối với người La Mã, là những người đã mở rộng biên giới của Đế chế. Thêm nữa, theo một góc nhìn nhất định mà chính Luttwak đã nhận ra, Đế chế La Mã thật sự không có giới hạn: các quân đoàn La Mã có thể với tới đâu, thì quyền lực La Mã sẽ theo đó.

2. Nhược điểm của quân chủ chuyên chế:

Đế chế La Mã là một nhà nước độc tài, cộng hòa ở bên ngoài, nhưng ruột bên trong là quân chủ chuyên chế, một thể chế chịu sự ảnh hưởng rất lớn từ ý chí của người đứng đầu. Điều gì đảm bảo rằng chiến lược của Augustus, nếu có, sẽ được tiếp tục bởi những người kế vị? Khi mà Augustus đã vừa lòng với đế chế của mình, và căn dặn những Hoàng đế tiếp theo không vượt quá những đường biên đó (theo Tacitus), thì Claudius chắc chắn là kẻ bất tuân. Claudius tiến hành chiến tranh xâm lược tại đảo Anh từ năm 43, và cũng trong thời gian trị vì của mình, thay thế vương quốc lệ thuộc ở Thrace, Judea và Noricum bằng bộ máy cai trị trực tiếp.

Một “đại chiến lược” tương đối dài hạn (tới hàng trăm năm) như Luttwak đề xuất, hẳn là không khả thi nếu như các vị quân vương chuyên chế nối tiếp nhau có thể tự ý thay đổi sao cho hợp lý nhất với bản thân mình.

3. Giới hạn về công nghệ và tổ chức:

Theo Ben Isaac, việc lựa chọn các phòng tuyến lý tưởng (giả thuyết mà Luttwak đặt ra) yêu cầu một sự hiểu biết tương đối rõ ràng về địa lý khu vực, thứ mà người La Mã không dễ dàng có được. Ở đây, Luttwak đã nhìn từ con mặt của một người hiện đại – nhìn từ không gian xuống, qua lăng kính của các vệ tinh, với những tấm bản đồ chi tiết và chính xác. Trái lại, có vẻ như người La Mã chỉ nhận thức tương đối được địa lý của đảo Anh sau khi Agricola chinh phục nó.

Một vấn đề khác cần được nói tới, là cách tổ chức của quân đội La Mã. Trái với ý niệm thường thấy rằng La Mã có một quân đội được tổ chức quy củ với nhiều cấp chỉ huy kiểu hiện đại, thực chất cấu trúc của nó khá “phẳng”, với sĩ quan các cấp tác chiến theo nhận thức của mình một cách tương đối tự do. Nhưng quan trọng hơn, quân đội La Mã không có một bộ chỉ huy đầu não cần thiết để thực hiện những chiến lược thống nhất và phức tạp, hay một tổ chức tương đối đồng nhất trên các phòng tuyến như một kết quả của chiến lược như vậy (và liệu có thể thống nhất được, với những khác biệt trên lãnh thổ rộng và đa dạng của Đế chế?).

4. Phòng thủ chiều sâu:

Đây là mắt xích yếu nhất trong toàn bộ giả thuyết của Luttwak, mà không ít học giả tấn công, bởi lẽ không hề có một bằng chứng khảo cổ, một tư liệu hay diễn biến lịch sử cho thấy rằng các Hoàng đế từ Diocletian trở đi đã theo đuổi một chính sách như vậy. Hay nói như Campbell, chiến lược của La Mã thời kỳ này là một mớ hỗn độn không hình thù.

Từ thời Diocletian trở về sau, đa số các pháo đài mới được xây dựng nằm trên hoặc rất gần hoặc thậm chí vượt ra bên ngoài các phòng tuyến; các Hoàng đế không ngừng tận dụng những cơ hội ngắn ngủi của các thời kỳ ổn định để khuếch trương sức mạnh của La Mã ra bên ngoài biên giới, như họ đã làm ở thế kỷ I-II. Như vậy, liệu có phải La Mã đã chuyển mình sang thế phòng thủ chiều sâu? Cách bố trí quân lùi về phía sau phòng tuyến, như có thể thấy ở Syria thời Diocletianus, cũng có thể thấy ở đảo Anh thời Trajan; vấn đề có lẽ nằm ở hậu cần, hơn là một chiến lược “chiều sâu”. Luttwak dường như cũng đã tập trung quá nhiều vào các mối nguy bên ngoài mà bỏ qua nhiệm vụ đối phó với các nguy cơ từ bên trong của quân đội (dẫn đến việc một bộ phận quân đội cần phải lùi về phía sau phòng tuyến).

—————————————————————–

Lời kết:

Cá nhân mình nghiêng về giả thuyết rằng La Mã không thật sự có một hoặc vài chiến lược dài hạn qua các giai đoạn theo ý tưởng của Luttwak, mà chủ yếu là một chuỗi rời rạc các giải pháp ngắn hạn đối phỏ với những tình huống tại địa phương. Tuy nhiên, giả thuyết của Luttwak cũng phản ánh một phần thực tế – mặc dù là quân chủ chuyên chế nhưng các Hoàng đế vẫn có một bộ sậu các quân sư, và những giải pháp sẵn có của người tiền nhiệm; chức năng tham mưu tại trung ương vẫn tồn tại dù không có một bộ phận chuyên biệt; và cuối cùng, sự tương đồng trong các vấn đề nổi lên qua các thời kỳ dẫn tới cách giải quyết với những đặc điểm gần giống nhau.

P/S: một “đại chiến lược” (grand strategy) là chiến lược huy động và vận dụng các nguồn lực của quốc gia nhằm đạt tới một mục tiêu chính trị.

Cre: Nguyễn Hoàng Dũng.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *