NGƯỜI DO THÁI TRÊN VÙNG ĐẤT ISRAEL (CANAAN)Sự ra đời của đức tinNgười Do Thái tìm th…

NGƯỜI DO THÁI TRÊN VÙNG ĐẤT ISRAEL (CANAAN)

NGƯỜI DO THÁI TRÊN VÙNG ĐẤT ISRAEL (CANAAN)

Sự ra đời của đức tin

Người Do Thái tìm thấy nguồn gốc của họ ở người Hebrew cổ đại xuất hiện tại Trung Đông 4.000 năm trước. Vào một ngày nào đó khoảng năm 2000 TCN, một số bộ lạc du mục đã vượt qua Jordan để tiến vào một dải đất hẹp nằm dọc bờ biển Địa Trung Hải. Đây là vùng đất Canaan, sau này được gọi là Palestine. Sự kiện này – vượt qua Jordan và xâm nhập vào lãnh thổ Canaan – được xem như một định mệnh thiêng liêng nhất của nhân loại. Từ ngày đó, vùng đất mà các bộ lạc du mục chăn cừu này sở hữu đã trở thành đấu trường khốc liệt của các tôn giáo và là nơi diễn ra các sự kiện lớn, kéo dài hàng thiên niên kỷ, đến mức sau này được gọi là Đất Thánh. Các quốc gia ở xa không hình dung được rằng việc xâm nhập của các bộ lạc du mục này vào vùng đất Canaan sẽ đem lại những hậu quả to lớn không thể lường trước. Ngay cả những cư dân Palestine tại vùng đất này cũng không ý thức được rằng cuộc xâm lược đã trở thành một biến cố mang ý nghĩa sống còn đối với dân tộc họ.
Theo truyền thuyết trong Kinh Thánh, người Do Thái và người Ả Rập là con cháu dòng dõi Abram (tên lúc mới sinh của Abraham) là người đã vâng theo lời gọi của Thượng Đế rời bỏ quê hương ở thành Ur thuộc phía nam vùng Mesopotamia – nay là Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ, đến lập nghiệp tại xứ Canaan, một vùng đất kéo ngang từ bờ sông Jordan tới biển Địa Trung Hải ngày nay. Theo Sách Xuất Hành, khoảng năm 2000 TCN, Abram cùng gia đình rời bỏ quê hương ở Ur đi đến Harran, bắt đầu cuộc hành trình xâm nhập vào Canaan của các bộ lạc du mục như đã kể ở trên.
Tại Haran, Abram đã nhìn thấy Thượng Đế trong giấc mơ và được Người chỉ đường tới vùng đất Canaan. Thượng Đế cũng lập Giao ước với Abram rằng: “Ta là Thiên Chúa toàn năng, và Ta lập Giao ước với ngươi. Ngươi sẽ là tổ phụ của nhiều dân tộc, và để đánh dấu Giao ước này, ngươi sẽ đổi tên thành Abraham (có nghĩa là ‘cha của nhiều dân tộc’). Ta sẽ giữ lời hứa, và xứ Canaan sẽ thuộc về ngươi và dòng dõi của ngươi đời đời; và Ta sẽ là Thiên Chúa của họ.” Xứ Canaan về sau được gọi là Đất Hứa (Promised Land) là vì vậy. Abraham chấp nhận Giao ước, và nguyện sẽ tôn thờ Thượng Đế – Đức Jehovah –là Thiên Chúa duy nhất của vũ trụ.
Lịch sử của dân tộc Do Thái bắt đầu với câu chuyện của gia đình Abraham. Họ trở thành một thị tộc (clan), rồi phát triển lớn hơn thành một bộ tộc (tribe), và cuối cùng cắm rễ để trở thành một dân tộc (nation) – dân tộc Do Thái. Theo Kinh Thánh, Thượng Đế tạo nên trái đất, sau đó tạo ra con người. Tên của con người đầu tiên là Adam. Con cháu của Adam và Eva dẫn tới Noah. Con trai lớn của Noah là Shem trở thành tổ tiên của các giống dân Do Thái và Ả Rập. Do đó, phát sinh danh từ “Semites” để gọi chung người Do Thái và Ả Rập, có nghĩa là “con cháu của Shem”.
Con cháu của Shem dẫn đến Abraham. Abraham cưới Sarah nhưng không có con cho nên Abraham lấy Hagar làm vợ thứ. Hagar sinh cho Abraham một con trai là Ishmael, và rồi cùng lúc người vợ đầu Sarah may mắn mang thai và sinh một đứa con trai, đặt tên là Isaac. Sarah sau đó ép Abraham đày Hagar và Ishmael ra khỏi bộ tộc. Kinh Koran của Hồi giáo theo sát Kinh Cựu ước cho đến thời điểm này nhưng bắt đầu tách ra từ đây. Theo Kinh Koran, Ishmael đi tới Mecca và con cháu của Ishmael phát triển mạnh khắp bán đảo Ả Rập rồi trở thành người Hồi giáo. Còn con cháu của Isaac vẫn ở lại Palestine và trở thành tổ tiên của người Hebrew mà sau này chúng ta gọi là Israelites rồi Jews, và gọi chung trong tiếng Việt là người Do Thái. Trong rất nhiều thế kỷ mặc dù cùng chung một nguồn gốc nhưng người Hồi giáo và người Do Thái vẫn không hết thù ghét nhau phần lớn là do kỳ thị tôn giáo. Phải chăng đây là một lời nguyền nghiệt ngã mà Thượng Đế đã đặt lên số phận người Do Thái và người Ả Rập?
Tiếp tục với câu chuyện về gia đình Abraham. Sau khi Abraham chết, trách nhiệm lãnh đạo được truyền lại cho con trai của ông là Isaac, sau đó đến con trai của Isaac là Jacob. Jacob có 12 người con trai. Tất cả từ Abraham, Isaac, Jacob cho đến 12 người con trai của Jacob được gọi là “tổ phụ” (Patriarchs) tức là tổ tiên của dân tộc Do Thái. Chữ Israel lần đầu tiên được dùng trong Kinh Thánh có liên quan đến Jacob. Một đêm, Jacob nằm mơ vật lộn với một người lạ, và sau đó, chính người lạ ấy – hình bóng của Thượng Đế – đã chúc phúc và đặt cho Jacob cái tên Israel, có nghĩa là “Kẻ chiến đấu với Thượng Đế”. Kể từ đó, người Hebrew được gọi là Bnei Yisrael – “Son of Israel” (Những người con của Israel) – hoặc Israelites.
Theo thời gian, từ dân tộc Do Thái đã ra đời ba tôn giáo lớn nhất và ảnh hưởng nhất trên thế giới, khởi đầu là Do Thái giáo vào khoảng năm 1500 TCN, tiếp theo là Kitô giáo được Chúa Jesus sáng lập vào giữa thế kỷ 1 như một nhánh ly khai từ Do Thái giáo, và sau đó là Hồi giáo được nhà tiên tri Muhammad sáng lập vào thế kỷ 6. Tuy nguyên thủy không phải là một nhánh ly khai từ Do Thái giáo hay Kitô giáo, Hồi giáo tự cho mình là sự tiếp nối hoàn hảo và thay thế cho hai tôn giáo nói trên. Sự ra đời của ba tôn giáo cùng những bản văn thiêng liêng đã tạo nên Kinh Thánh – cuốn sách được đọc rộng khắp qua mọi thời đại. Kinh Torah của Do Thái giáo (mà phần lớn nội dung đã trở thành Kinh Cựu ước của Kitô giáo) đã đem lại nguồn cảm hứng cho 14 triệu tín đồ Do Thái giáo, hai tỷ tín đồ Kitô giáo, và được kể lại trong Kinh Koran cho 1,5 tỷ tín đồ Hồi giáo.
—————————-
Trích lược từ tác phẩm : CÂU CHUYỆN DO THÁI

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *