Bài tán gẫu đăng đã lâu, nhân có bạn chia sẻ, chỉnh lại chút ít, đăng lại tán chơi đ…

TÂN THƯ…LOẠN NGỮ

TÂN THƯ…LOẠN NGỮ
Lẩm Cẩm Tử

ĐỒNG CHỦNG + ĐỒNG NGÔN -ĐỒNG VĂN

Khờ:
Dạo này nhiều người lên tiếng đại để: cần xem xét lại mối quan hệ Việt- Hoa, theo đó thì người Hoa và ngôn ngữ Hoa là hậu duệ của Lạc Việt. Sách sử và văn phải soạn lại, không tự ti đội Hán mãi. Ông nghĩ thế nào?

Lẩm Cẩm:
Thì chứng cứ khoa học rành rành ra đó. Các nhà giáo dục và sử học Việt Nam làm ngơ thôi. Chẳng nhắc tới và cũng chẳng phản biện. Họ khôn ngoan: im lặng là vàng mà!

Khờ:
Thảo nào tôi đọc cuốn: “Almanach những nền văn minh nhân loại”, Một cuốn sách đồ sộ, nguyên khổ A4, dày đến 2400 trang, gồm 200 tên, à quên, 200 tên tuổi tầm cỡ giáo sư, tiến sĩ với trên trăm cộng tác viên tham gia. Cuốn sách này do Việt Nam chủ biên, tái bản, có lẽ vào hàng tốn kém nhất. Ấy vậy mà trong chương” lịch sử loài người “ chép từ cổ đại đến nay, từ Trung Hoa vĩ đại đến một bộ lạc thổ dân bên Úc, nhưng không một dòng nào nhắc tới Lạc Việt hay Âu- Lạc. 2/3 cuốn sách là ca ngợi văn hoá và văn minh Trung Hoa, khẳng định văn hoá Trung Hoa là tinh hoa văn hoá phương Đông, thậm chí là tinh hoa văn hoá của nhân loại. Ông thấy thế nào?

Lẩm Cẩm:
Họ là những nhà Trung Hoa học. Ăn cây nào rào cây nấy. Họ đội văn hoá Trung Hoa đại diện cho văn hoá phương Đông thì là tào lao, nhắm mắt mà nói. Phải nói cho chuẩn: văn hoá người Hoa hiện nay, là biến tướng của 3 nền văn hoá phương Đông: Phật- Lão- Khổng.

Khờ: Thế còn văn hoá Lạc Việt ?

Lẩm Cẩm:
Lạc Việt là Lạc Việt nào? Định cư hay thiên di và di dân chạy nạn?

1.Lạc Việt định cư:
Thuộc các tộc người đa số và thiểu số: Vân Nam- Bắc Việt – Quảng Tây 35.000 ya ( ya= years ago= năm trước) đa số là tộc Lạc Việt. Hạt lúa cổ nhất được thuần hoá để trồng tại Đông Á , phát hiện tại sông Tây Giang Quảng Tây. Cho thấy đây là cái nôi văn minh lúa nước. Không có gì lạ khi trống đồng có khắc cảnh giả gạo.

Cũng như nhiều tộc người khác trên thế giới, thuở chưa có chữ viết người Lạc Việt theo văn hoá hồn nhiên. Tóm tắt: trọng “hiếu- thuận- hoà”. Biểu hiện cúng tạ trời đất, tổ tiên. Chăm sóc thương yêu bề trên kẻ dưới- vợ chồng con cái trong gia đình thuận thảo- hoà đồng với người khác. Khoảng trên 2500 năm trước vùng Luy Lâu tức đồng bằng sông Hồng tiếp thu thêm tinh thần vô ngã- bình đẳng của Phật giáo nguyên thuỷ phương nam đến từ đường biển. Chấm hết.

Nền văn hoá và văn minh Việt trước khi tiếp thu tư tưởng Phật giáo nam tông được phản ánh nhiều khía cạnh trên hệ thống trống đồng. Tuy từ khi bị Mã Viện gom nấu thành đồng khối cũng như phá hoại mọi sử sách, đền tích, nhưng vẫn còn giấu diếm đâu đó và nhất là được chôn theo tục mộ táng trước năm 41 nên ngày nay vẫn khám phá nhiều ở Vân Nam- Bắc bộ -Quảng Tây đến Sơn Đông. Trong đó vùng cao Bắc Việt là trung tâm lan toả. Việc này sẽ nói ở chuyên đề trống đồng sau.

2.Tộc Lạc Việt thiên di:
10.000 ya, khi nước biển rút xa, lộ ra đồng bằng sông Dương Tử, nhóm người Việt cổ bắt đầu thiên di về đông nam và đông bắc. Nhánh đông nam đến đồng bằng Bắc bộ và Đông Nam Á. Nhánh Đông Bắc lan tỏa từ trung lưu đến hạ lưu các sông Hoa Lục với nghề trồng trọt và lúa nước, tất nhiên thời đó có săn bắn phụ. Họ biến dị từ mã gien 175 Việt cổ thành 122 tức người Việt- Hoa Nam. Họ là tổ tiên của Lão Tử- Hà Nam và Khổng Tử – Sơn Đông.( Nhưng hai ông này chỉ sinh ra cách nay 2600 năm thôi, là những nhà tư tưởng bằng xương bằng thịt). Trước đó nữa, nguồn gốc tư tưởng chung: Hà Đồ- Lạc Thư đóng góp của nhiều người, đời sau gắn tên vô hình tượng trưng: Phục Hy hoặc Hoàng Đế. Đừng tưởng cụ thể là do hai ông mang tên đó tạo ra.
Hệ tư tưởng Hà Đồ ( Hình thù phát hiện ở sông, chẳng riêng gì Hoàng Hà ) và Lạc Thư ( Sách ở xứ Lạc, không riêng gì sông Lạc bé tí) phát triển thành học thuyết âm dương và phương pháp luận ngũ hành.
Đồ hình hay sách thì cũng khắc trên yếm rùa. Tên gọi cho biết hệ tư tưởng của Dịch xuất phát từ cư dân nghề trồng trọt lương thực và lúa nước. Hệ tư tưởng đó đi từ thô sơ là số sau đó mới đến lý. Tàu phía Bắc tức tộc Hạ vốn là giống lai Mongoloid + Hoa Nam nặng văn minh du mục tiếp nhận sau nhưng giành về phía mình. Giành văn hoá thì chẳng ai mất gì, nhưng biến tướng thì nguy hiểm. Nguyên thủy và biến tướng của Dịch thế nào nói sau.

Tộc thiên di trải qua 10k năm, tạm chia làm hai lớp do ngăn cách địa hình bởi dãy ngũ lĩnh: Lĩnh Nam sau gọi là Bách Việt, Lĩnh Bắc gọi là Hoa nam từ phía Bắc dãy ngũ lĩnh tới nam sông Hoàng Hà. Lĩnh Nam dĩ nhiên gần gũi với đất tổ. Lĩnh Bắc tức Hoa Nam đương nhiên là xa hơn. Qua 6300 năm không hề có chiến tranh nào ở phía nam Hoàng Hà, cũng chẳng có quốc gia nào, nên họ chỉ truyền nhau là cùng nguồn gốc.

3.Tộc Lạc Việt chạy nạn chiến tranh ngược lại về nam:

Khi người Lạc Việt Hoa Nam cách nay khoảng 9500- 9000 năm lan tỏa nghề trồng lúa của mình lên phía Bắc Hoàng Hà và hướng thượng nguồn các dòng sông phía Tây, thì họ gặp chủng Mongoloid 174, một chủng du mục đông đảo đã từ Nam Á theo lục địa cổ ven Thái Bình Dương tới đó trước cách nay 45 K năm. ( số ven biển bị đại hồng thủy diệt vong chỉ tồn tại vùng đất cao). Chủng Môngloid lan tỏa từ: Mãn Thanh, Mông Cổ, Tân Cương, Tây Tạng tới các tỉnh ngày nay gọi là: Hà Bắc,Sơn Tây, Tứ Xuyên, Thanh Hải. Tại đây họ họ hoà huyết với 122 Hoa Nam tạo nên chủng người lai, gọi chung là người Hạ. ( Này ông xem bản đồ thiên di tự nhiên và lan tỏa lúa nước dưới đây 1 và 2)

Nhóm người Hạ lai giống này, mặc dù ra đời muộn, kém văn minh hơn Hoa Nam, nhưng có ưu điểm không cận chủng huyết nên cơ thể chọn lọc tốt hơn, họ lại ăn uống nhiều thịt, sữa hơn nên khỏe mạnh hơn. Tỉ lệ sống cao và sinh đẻ nhanh. Đặc biệt nhóm Hạ ở Hà Bắc chỉ cách Hà Nam một con sông, nên họ cũng tiếp thu nhiều tiến bộ từ Hoa Nam. Họ lập nên một bộ tộc Hùng mạnh, nên sử đời sau gọi là nhà Hạ, chứ trước đó họ xưng gì chả ai biết. Hậu duệ của họ là nhà Thương. Bắc Nam vẫn chung sống hoà bình.

Nhà Thương 3700 năm trước, vượt sông Hoàng Hà chiếm Hà Nam mới bắt đầu có chiến tranh, mới sinh ý thức dân tộc- quốc gia. Họ đóng đô ở Ân Khư -Hà Nam nên từ đó gọi là nhà Ân. Nơi đây họ khám phá chữ viết của người Hoa Nam và bắt đầu dùng chép sử. Đồng thời người Hạ cũng lan tỏa vùng này.

Nhà Chu xuất thân là Lạc Việt Hoa Nam, tỉnh Lạc Dương nay, được các tộc Lạc Việt Hoa Nam ủng hộ diệt Ân, lập nên nhà Chu giữ vai trò điều hoà chung giữa các bộ tộc hơi giống như Liên Hiệp Quốc giữa các nước bây giờ từ năm 1102 TCN- 249 TCN. Trải qua thời gian dài 850 năm các tộc dần hợp với nhau thành nhiều quốc gia.

Khi nhà Chu suy yếu (khoảng 775 TCN), các nước lớn mạnh, thôn tính, sáp nhập dần. Cuối cùng nước Tần khởi phát từ Cam Túc, Thiểm Tây vốn là cửa ngỏ ra Tây Á, dân nhiễm mạnh văn hoá du mục tóm thâu tất cả lục quốc năm 222 TCN. (xem bản đồ số3).

Như vậy từ cuối nhà Chu là giai đoạn người Hạ lớn mạnh trở lại, lan toả, lấn chiếm nên đất người Lạc Việt Hoa Nam bị thu hẹp, lùi dần về vùng Sở-Ngô. Nước của Việt Vương Câu Tiễn nằm ở Hồ Bắc, bên cạnh nước Ngô. Sau cả hai đều thuộc Sở. Tộc Hán cũng thuộc nước Sở thời đó, chẳng hề có quốc gia.

Năm 202 TCN, Lưu Bang người tộc Hán nước Sở cũ, liên minh với Hạng Vũ cùng nước Sở diệt được Tần, rồi Lưu Bang diệt Hạng Vũ lập nên nhà Hán. Một số người Ngô- Việt- Sở lại chạy qua Bách Việt tức Lĩnh Nam (208 TCN).

Trước thời điểm này tại vùng đất tổ Lạc Việt, nước Văn Lang đã nhập vào Âu Lạc. Đến năm 207 TCN, thì nước Nam Việt ra đời, đến 179 TCN thì sáp nhập Âu Lạc trở thành một quốc gia Nam Việt hùng cường ngang ngữa nhà Hán.

Tiếp đến năm 111TCN, nhà Tây Hán đánh chiếm kinh đô Phiên Ngung Nam Việt, quân Nam Việt lùi về Quảng Tây- Bắc Việt kháng chiến thất bại. Tây Hán thắng mở đường đô hộ 1000 năm. Từ đó đất cổ đại của người Lạc Việt gốc bị hậu duệ cai trị đến năm 983. Trừ một bộ phận vượt đèo Ngang cùng với tộc Chăm, giành độc lập năm 190 lập nên quốc gia Lâm Ấp từ đèo Ngang trở vào. Năm 938, người Lạc Việt chỉ giành độc lập lớn hơn Bắc Việt ngày nay một ít. Riêng nam Vân Nam, Quảng Tây đến nay hoà vào dân Hoa Nam kẹt lại, dân Hoa Nam lại bị dân Hoa Bắc tràn vào sau thời Tống do các tộc: Kim, Nguyên, Mông, Mãn Thanh xâm lược và cai trị mất 750 năm.
Ngày xưa còn nhầm lẫn nguồn gien trước -sau. Thấy phương Bắc di dân về Nam trong lịch sử chiến tranh, cứ ngỡ nguồn gốc dân tộc Việt từ đó mà ra. Không ai biết rằng trước di dân do chiến tranh của các quốc gia đã là thiên di tự nhiên của cộng đồng từ tộc Việt cổ. Ngày nay với di truyền học phân tử, dù lai tạp chủng huyết chồng chéo bao nhiêu đời, vẫn xác định được nguồn gien gốc và tuổi của nguồn gien. Ông có nhảy sang Mẽo ở thì người ta vẫn xác nhận được ông có gien người Việt cổ.

Khờ:
Như vậy dân China hiện nay cũng là chủng huyết Việt?

Lẩm Cẩm:
80% trực chủng nhưng biến dị thành tiểu chủng, bà con xa. Còn lại 20% là chủng lai có gien người Hạ, tức có bà con bắn tên lửa mới tới.

Khờ:
Vậy kết luận đồng chủng đồng văn được chứ sao! Chẳng qua là khoa học khám phá rằng: trước quan niệm cha Hoa con Việt là sai, bây giờ đảo ngược lại cha Việt con Hoa là đúng. Chứ văn hoá Hoa là do Việt đẻ ra mà. Không chừng Tập Cận Bình cũng ủng hộ quan điểm này: ui, lâu nay tưởng là hữu nghị láng giềng, hoá ra là anh em. Hảo hảo, người một nhà cả, chúng ta nhập chung vào cho vui. Và một số người cũng vỗ tay tán thưởng: nhân văn là tiêu chuẩn con người hướng đến.

Lẩm Cẩm:
Ông thật đúng khờ! Đồng chủng không có nghĩa là đồng văn. Chủng huyết là trời sinh. Văn hoá là do con người lựa chọn. Nền văn hoá du mục hay trồng trọt đều có ưu nhược riêng. Ta tôn trọng cả thảy. Giao thoa văn hoá cũng là điều đáng trân trọng. Nhưng bản sắc còn quan trọng hơn.

Nói riêng về khía cạnh tôi không ưa văn hoá du mục của Trung Hoa, cái khía cạnh độc địa lớn mạnh và manh nha biến tướng thời chiến quốc. Từ một châu lục đa dạng bản sắc, một số người vì tham vọng bá quyền muốn hợp nhất thành một. Họ ngụy biện rằng đa quốc gia dẫn tới chiến tranh, vai trò thiên tử nhà Chu không điều hoà được quyền lợi các quốc gia. Thống nhất lãnh thổ và cai trị bởi một nền pháp trị chung thì hết chiến tranh.Tư tưởng đó tiên phong thử nghiệm bởi Tần Thủy Hoàng. Nhà Hán củng cố và thực hiện sự biến tướng này thành công. Từ đó cái ác tăng tốc và nghiễm nhiên lên ngôi.

Sự biến tướng này diễn ra từ hơn 2000 năm nay, chiến tranh không hề chấm dứt. Trái lại, khiến cho dân tộc Hoa trở thành gia nô tự nguyện. Mọi lực lượng phản đối đều bị tiêu diệt, để cho giới cầm quyền thay nhau phè phởn trên nhung lụa và mồ hôi xương máu của chúng dân và ngoại tộc.

Tuyệt đại người Hoa chỉ có 3 lối thoát: 1. Ráng học để chui vào lớp quan lại. 2.Trốn và thành công dân nước khác. 3. Tuân thủ chế độ, tìm một nô lệ thứ cấp gánh bớt nỗi khổ của mình. Họ theo đoàn quân xâm lược thống trị, bóc lột người nước khác. Họ đã nhiều đời bị lợi dụng lật ngôi thay chủ, nhưng chủ nào cũng rồi chỉ cũng một kiểu cai trị. Người dân Hoa lục chưa bao giờ thoát ra chế độ nô lệ, chưa bao giờ dám nghĩ nhân dân là chủ. Họ không biết mình bị lừa mị bởi bọn cầm quyền. Những người dám nghĩ thì bị đàn áp, hoặc chết hoặc chạy trốn ra đảo: Nhật, Đài Loan, Hồng Kong…qua lãnh thổ nước khác làm công dân các nước như Việt Nam, Đông Nam Á, Anh, Mỹ …khắp thế giới cho yên thân.

Khờ:
Ừ nhỉ! Thảo nào nếu văn hoá Trung quốc là tinh hoa nhân loại, thì sao Việt Nam phải đấu tranh cả ngàn năm để thoát ra.? Sao không thấy người nước nào xin làm công dân Trung quốc? Sao những tay ca ngợi chế độ China về hưu không qua Tàu mà sống, con cái không cho nó qua đó học hành lập nghiệp, mà lại gửi qua mấy cái nước vốn bị các ông ấy luôn rao là văn hoá độc hại, sắp giãy chết, thế lực thù địch!? Trước, cho đi Tây gọi là du học để biết người, sau tìm cách cư trú luôn? Có phải là ngụy biện không?

Tóm lại, ông muốn nói Trung Quốc xưa nay đã xoá bỏ và bóp méo, xuyên tạc văn hoá Lạc Việt có gốc là văn hoá của họ. Trăm dân chỉ một thiên tử!? Nước nhỏ là chư hầu mẫu quốc?

Lẩm Cẩm:
Ông đừng có giả đò khờ mà hỏi!

Khờ:
Thôi được, nhưng ít ra ông cũng phải nói văn hoá Lạc Việt khác với văn hoá Tàu ra sao chứ.

Lẩm Cẩm:
Biết nói bao nhiêu cho vừa ý ông?
Tôi chỉ nêu lên một điều khác này: Không có một nước Trung Hoa thật. Ngày xưa là nước của họ: Tần, Hán, Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh. Ngày nay Trung quốc lần lượt là nước của Mao, Đặng, Giang, Hồ, Tập. Còn tên nào nữa thì chưa biết.
Khác với ta từ khi có ý thức chủ quyền không hề lấy tên giòng họ: Văn Lang, Âu Lạc, Nam Việt, Đại Cồ Việt, Đại Việt, Việt Nam, Đại Nam, Việt Nam. Càng về sau tên “Việt” càng khẳng định phải giữ chung chẳng của riêng ai…

Khô họng rồi! Cho tôi vài ly hôm sau nói tiếp. Không có rượu thì hôm sau cạy miệng tôi cũng không nói đâu nghe!

Khờ:
Được rồi, có ngay! Nhưng cũng hỏi ông một chi tiết nhỏ nữa thôi: ông nhắc tới Lạc Thư, Hà Đồ, kinh Dịch là cơ sở tư tưởng của người Việt Hoa Nam. Ông giảng tóm tắt được không?

Lẩm Cẩm:
Hà đồ hay Lạc Thư tên gọi của chúng đều thể hiện xuất phát vùng sông nước có liên quan tới tộc Lạc Việt cổ đại thiên di, tức là dọc theo di chỉ văn hoá và văn minh lúa nước. Kinh Dịch đi từ số và lý của Hà Đồ -Lạc Thư mà ra.

Tôi hỏi ông hồi trẻ ông đi rừng ông làm dấu bằng cách nào? Ông tỉa bắp như thế nào. Hoặc làm ruộng, cày cấy gì đó…Trưa nghỉ ngơi ông thường làm gì?

Khờ:
Đi rừng thì tôi băm vài nhát rựa vào gốc cây làm dấu. Tỉa bắp thì vót nhọn cây chọt lỗ. Trưa nghỉ ngơi tí thì vơ vẫn dùng que vẽ trên đất ấy mà.

Lẩm Cẩm:
Tương tự vậy:
-Người xưa đi đường để biết dấu quay về người ta cũng băm vạch trên cây, hoặc bẻ ngang một cọng cây.
-tỉa bắp, tỉa hạt trên nương, người trước chọt lỗ trống, người sau rắc hạt lấp đất. Kiểm tra thấy còn lổ chưa rắc hạt lấp đất thì bỏ dặm. Để phân biệt người ta nói gọn lỗ trống và lổ lấp. Sau này mới trừu tượng hoá số đếm vẽ lỗ trống (vòng tròn rỗng ) là là số lẻ và lỗ lấp kín ( vòng tròn đen) làm số chẳn. ( xem ảnh). Đó là chữ số đếm đầu tiên của dân trồng trọt. Khác với số đếm của dân chăn nuôi chỉ cần ở xa ra dấu bằng hình ngón tay: I, II, III… rồi sau cải tiến gọi là số La Mã ngày nay.

Nhiều khi từ trò giải trí như ngồi chọt cây xuống đất tạo ra cái lỗ, hoặc vẽ vòng, hoặc vạch ngang dọc gì đó cho vui, cho nhớ… lại tạo ra liên tưởng ứng dụng.

Hai quẻ : càn vạch liền (-) và khôn vạch đứt (- – ) có thể bắt đầu từ thao tác bẻ một cành cây, sau là bẻ đôi ra nhiều khúc ngắn hơn để nhóm lửa.
Khi vẽ những đoạn dài, ngắn này, chính là những nét chữ tượng hình đầu tiên. Con nít tập viết, ta cầm tay tập nó gạch một nét dài, rồi dỡ tay vẽ gạch tiếp theo. Sau khi thuần tay, tập vẽ nét ngắn hơn. Sau nữa yêu cầu nó vẽ nét dài rồi vẽ hai nét ngắn rời nhau sao cho kể cả khoảng cách bằng một nét dài. Đừng tưởng dễ vẽ nhé. Ông cứ thử vẽ xem chưa chắc đã đều.
Ai vẽ ngay và đều được mấy cái que đó đều thì khen giỏi. Nhưng sao biết nó đều? Chỉ có vẻ cái trên rồi cái dưới mới so được đều hay không, gọi là vẽ chồng que. Nhờ đó đánh giá được người nào vẽ đẹp.

Sau này để phân biệt cái que (cây thật ) với cái que do vẽ, do nói / que vẽ/, người nói nhanh nghe như: / quẻ/ luôn. Người Hạ đọc / chồng quẻ/ như người Lạc Việt không được, vì họ không có âm đó, nên nói trại đi thành /trùng quái/.
Chơi nhiều lần như thế, khi so thì người ta có thể vẽ một dài trên trước hoặc đảo ngược 2 ngắn vẽ trước đều được. Sau người ta phát hiện 3 que có thể tạo ra 8 ảnh khác nhau, có thể dùng nó quy ước phương hướng. Ví dụ đánh dấu cột kèo làm nhà, đơn giản khắc vài vạch là biết nó phải ở vị trí nào.

Tiên thiên bát quái là ký hiệu tám hướng. Nó cũng là nét chữ viết đầu tiên, và tám chữ đầu tiên. Các từ: ba que, tráo trở, lừa đảo cũng từ chồng, đảo 3 cái que mà ra. ( hình 5). Nó được ứng dụng vào thiên văn, thời tiết. Hậu thiên bát quái ứng dụng vào đánh dấu cột kèo để cất nhà.

Vì khi vẽ các nét xuống đất, tạo độ sâu giống đường mương dẫn nước, nên gọi là hào. Với 3 lần chồng quẻ, hoán vị các hào (hoán vị lúc đó gọi là dịch) thì hình này sẽ biến thành hình khác. Khái niệm quẻ Dịch ra đời là từ hai hào dương và âm hoán vị chồng lên nhau.

Lạc Thư, Hà đồ là bảng thể hiện bàn tính số đếm ngày xưa. Trước hết người ta dùi khắc trên yếm rùa mấy cái lỗ một bức như hình vẽ số (6).Mang theo để tính toán khi sản xuất, trao đổi hàng hoá. Sau đó người ta sắp lại theo 4 chân con rùa cho đẹp, có một lổ đánh dấu đuôi ( hình số 6) Khi chuyển hình vẽ thì cách tính cũng có khác, nên gọi là cách tính theo Hà Đồ và Lạc Thư. Bàn tính thế nào thì tính theo cách đó. Cộng trừ nhân chia đều có thể thực hiện tương đối chính xác. Bàn tính sau này cũng dựa trên mấy cái lổ đó. Về sau người ta quy ước mã hoá âm- dương cũng từ mấy cái lổ và mấy cái que. Bà Hồ Xuân Hương đã tiên đoán: cọc nhổ đi rồi lỗ bỏ không!
Tại sao vậy: Nếu từ sự hoán vị đó, ông liên hệ gì tới thực tiễn hay- dỡ, đúng- sai là do cái đầu của ông chứ không phải do bản thân mấy cái hình đó. Chính ông sắp đặt các vạch liền và đứt để biểu ý của ông. Ông có thể thay ký hiệu lổ trống, lổ kín, cọc nguyên, cọc gãy thành 2 số: 0-1 và quy ước sắp theo dãy số đều được tất. Ví dụ thay vì vẽ quẻ càn, từ trên xuống là 3 vạch liền, ông ký hiệu: 111, ngược lại quẻ khôn: 000; quẻ Ly: 101; quẻ khảm: 010….. tất cả đều biểu ý ông muốn diễn đạt như nhau. Nhưng phải nhớ đó là biểu ý của ông, chứ bản thân các con số hay hình ảnh là vô hồn.

Khờ:
Ông nói nghe đơn giản quá, chẳng thấy gì cao siêu huyền bí cả, ông có nổ không đó!?

Lẩm Cẩm:
Ở đời nhiều chuyện đơn giản nhưng ai cũng muốn làm thầy! Tui có nổ không ư? Bao nhiêu người nổ được mắc mớ gì tui không nổ. Ông bác được tui không?
Đó là chưa uống ly nào đấy. Mai ông cho uống trước tui nổ ông hết nghi ngờ luôn. Thôi, rượu đâu? Khô họng rồi nè!





Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *