CHIẾN TRANH NHÂM THÌN. (7)
(Lược dịch: Imjin War – Samuel Hawley.)
*cảm ơn các bạn đã dõi theo series dài này.
Kì cuối: Hồi kết.
Trong khi bộ binh Nhật làm chủ hoàn toàn Cholla và Chungchong, hải quân Nhật cũng đang áp sát bờ biển phía nam Hàn Quốc. Lần này, chúng tự tin sẽ không có chướng ngại nào cản bước chúng tiến vào biển Hoàng Hải. Nhưng chúng đã nhầm, với chỉ 13 chiến tàu, Yi Sun-sin vẫn hiên ngang đón đánh quân Nhật tại eo biển Myongnyang, cửa ngỏ trước biển Hoàng Hải, nằm giữa đảo Chin và phần đất liền cực tây nam bán đảo Hàn Quốc. Trước thềm một trong những trận thủy chiến nổi tiếng nhất lịch sử, Yi Sun-sin tập hợp các sĩ quan của mình và nói: “Binh pháp có câu: “Ai muốn sống sẽ chết, ai chuẩn bị chết sẽ sống. Nếu một chiến binh dám tử chiến nơi chân tường, anh ta có thể đẩy lui hàng vạn quân địch”. Đây chính xác là những gì chúng ta sẽ làm. Các anh phải chiến đấu tới cùng theo lệnh tôi, người nào trái lệnh sẽ bị nghiêm trị theo quân pháp.”
Vào ngày 26/10/1597, trong trận chiến tại eo biển Myongnyang, 13 tàu Hàn Quốc đã giành chiến thắng trước ít nhất 130 tàu chiến Nhật. Cuối ngày hôm đó, 31 tàu Nhật bị tiêu diệt trong khi phe Hàn Quốc không mất một chiếc tàu nào trong số tàu ít ỏi. Sau sự kiện này, hải quân của Hideyoshi buộc phải thoái lui về Pusan và hủy bỏ kế hoạch tây tiến. Chiến thắng oanh liệt tại Myongnang đánh dấu đỉnh cao sự nghiệp của Yi Sun-sin, biến ông trở thành danh tướng huyền thoại trong lịch sử Hàn Quốc. Hàng thế kỷ sau, thật bất ngờ khi người Nhật lại chính là những kẻ ca ngợi ông. Tại một buổi mừng công sau chiến thắng trước hạm đội Baltic của hải quân Nga năm 1905, khi được so sánh với Horatio Nelson và Yi Sun-sin, tướng Togo Heihachiro đã khiêm tốn nói rằng: “Có thể đúng khi so sánh tôi với Horatio Nelson nhưng với Yi thì không. Chẳng ai có thể sánh bằng ông ấy, ông ấy quá vĩ đại”.
Trong cuộc tái chiến này, điểm giới hạn của quân Nhật nằm ở cách Seoul 70km theo hướng bắc. Đó là tại thành phố Chiksan, nơi chúng bị đánh bật bởi một đơn vị tiên phong của Trung Quốc. Nhận thấy sự trở lại rầm rộ của quân Trung Quốc, người Nhật quyết định không tiếp tục bám trụ mà lui về ẩn mình chờ thời cơ phản công khi mùa đông đến. Chúng quay đầu về phía nam, tổ chức đồn trú trong các pháo đài. Liên quân Trung – Hàn không bỏ lỡ thời cơ, tiến hành vây ngặt quân địch ở Ulsan. Tại đây, trong thời tiết lạnh giá, các binh lính của Kato Kiyomasa chết hàng loạt vì thiếu lương thực. Nhưng bằng cách tập trung nhu yếu phẩm cho một nhóm quân tinh nhuệ, Kato vẫn ngăn chặn thành công các đợt công thành của liên quân. Những thất bại tương tự cũng đến với lực lượng quân Minh khi họ cố đánh bật Konishi Yukinaga ở Sunchon và Shimazu Yoshihiro ở Sachon.
Sau tất cả, ở nơi đất khách quê người, quân Trung Quốc không muốn đánh thêm một trận nào nữa. Đúng lúc này, ngày 18/9/1598, Toyotomi Hideyoshi qua đời ở Kyoto. Chắn chắn, quân đội viễn chinh Nhật chuẩn bị phải về nước. Đương nhiên, quân Minh dưới sự chỉ huy của tướng Yang Hao phớt lờ đề nghị tấn công tổng lực quân Nhật và cho họ đủ cả không gian và thời gian để rút lui. Điều này giúp Kato Kiyomasa và các đồng nghiệp của mình tại Ulsan, Pusan, Ungchon và nhiều nơi khác dễ thở hơn. Chỉ duy có Konishi Yukinaga tại Sunchon bị hải quân Trung – Hàn chặn đánh quyết liệt. Trận chiến cuối cùng diễn ra ngày 16/12/1598 khi Shimazu Yoshihiro ở Sachon kéo tới giải vây cho đồng đội tại eo biển Nyongrang. Trong trận Nyongrang, ít nhất 200 tàu của Shimazu bị đánh chìm cùng cơ số binh lính bị giết hoặc chết đuổi. Tuy nhiên, người Hàn phải trả giá đắt cho chiến thắng hủy diệt này, họ mất tướng Yi Sun-sin. Ông bị một viên đạn lạc găm trúng sườn khi chỉ huy tàu tiên phong truy sát tàu địch đang rút lui về Pusan. Câu cuối mà ông nói với con trai và cháu trai của mình trước khi chết là: “Đừng để mọi người biết…”. Cố kìm lấy sự xúc động, hai chàng trai trẻ nhanh chóng mang thi thể Yi Sun-sin vào trong cabin. Chỉ sau khi cuộc hải chiến kết thúc, cả hạm đội mới biết về cái chết của tướng quân Yi.
Khi đã quét sạch đội của Konishi, đã có vài cuộc bàn bạc về việc hủy diệt nốt quân Nhật còn sót lại ở các căn cứ tại Pusan. Tuy nhiên, người Nhật đã kịp thời rời đi, con tàu cuối cùng rời Hàn Quốc vào ngày 24/12/1598, chấm dứt cuộc chiến khốc liệt kéo dài 7 năm.
Tham vọng xâm lược Hàn Quốc của Hideyoshi rõ ràng đã kết thúc trong thất bại. Quân đội của ông đem về Nhật Bản một danh sách dài chiến lợi phẩm: hàng ngàn cuốn sách và tranh vẽ, đồ tạo tác tôn giáo, các thiết bị cơ giới do người Hàn phát minh, hơn 5.000 nô lệ bao gồm thợ gốm và nhiều thợ thủ công mà người Nhật còn thiếu. Nhưng vẫn là quá ít ỏi so với thiệt hại của 70.000 – 80.000 nhân mạng nơi đất khách.
Thương vong của Trung Quốc cũng tới cả chục ngàn. Nhưng đối với Bắc Kinh, những tác động to lớn lên kho bạc của họ mới là nghiêm trọng nhất. Theo ước tính, từ 20 đến 26 triệu lượng bạc đã được sử dụng cho các lực lượng viễn chinh tại Hàn Quốc, với trọng lượng kim loại gần một ngàn tấn. Chi tiêu này làm suy yếu đáng kể triều đình nhà Minh trong thời điểm họ phải đối mặt với một mối đe dọa nghiêm trọng, đó là sự trỗi dậy của người Nữ Chân ở miền đông bắc. Những người Nữ Chân sau này trở thành tộc Mãn Châu đã chiếm Bắc Kinh vào năm 1644 và thay thế nhà Minh, lập nên triều đại của riêng họ, nhà Thanh.
Nhưng tất nhiên, Hàn Quốc là nước chịu nhiều thiệt hại nhất từ cuộc chiến. Nền kinh tế của họ hoàn toàn tan nát, các thành phố và thị trấn giờ chỉ còn là bãi tan hoang. Thương vong chiếm khoảng 20% dân số, bao gồm cả binh lính, dân thường chết trong chiến loạn, chết vì dịch bệnh hay vì nạn đói.
Thật bất ngờ với số phận của những chiếc mũi được gửi tới Nhật Bản. Chúng được chôn thành gò đất, sau này được đặt tên là gò mimizuka ở phía trước ngôi đền Toykuni Jinja, nơi linh hồn của Toyotomi Hideyoshi đang cư trú. Gò đất này vẫn tồn tại đến ngày ngay, nằm giữa một sân chơi và một con hẻm. Chúng không được đánh dấu trên nhiều bản đồ du lịch. Vì vậy, rất ít khách du lịch ở Kyoto tới ghé thăm nơi này.