Trải nghiệm thế nào khi leo đỉnh Everest, nhìn mọi người chết dần trước mắt và ta biết không thể giúp được gì?
A: Victor Ves
Tôi từng leo Everest vào năm 2010. Thật may là, tôi trải qua hành trình đó mà không phải thấy ai bỏ mạng hay gặp vấn đề gì quá sức nghiêm trọng.
Hầu hết mọi người đều không biết cảm giác bị lạc trôi trên Mặt Trăng là như thế nào cho đến khi đặt chân tới Death Zone (N.d: Death Zone chỉ một khu vực cao trên 8 nghìn mét của các ngọn núi). Đó là còn chưa kể việc bạn có thể bị đông lạnh cho đến chết (nghĩa đen đấy) – thiếu oxy, thiếu dưỡng chất và nhiều khả năng sẽ mắc một số bệnh khác. Người ta có một câu thế này, “không ai lên đến đỉnh Everest mà toàn thây cả”
Ngày “đạt đỉnh”, bạn cần phải đắp lên mình nhiều lớp quần áo trông như Michelen Tire Man (N.d: Michelen Tire Man là mascot của hãng lốp xe Michelen), mũ dày, kính bảo hộ, và phải đeo mặt nạ dưỡng khí. Tầm nhìn bị giảm xuống, và việc không có đủ oxy (đây chỉ là một nguyên nhân phụ) cũng ảnh hưởng khá nhiều tới khả năng quan sát. Tôi gần như không còn nhìn thấy ai trong đoàn của mình nên đã cố tập trung nắm chặt dây dẫn và kiểm soát từng bước chân. Cảm giác giống như người bị mất hoàn toàn thị lực vậy.
Ngoài ra, rất khó để nhận biết ai trong đoàn đang mệt mỏi và cần nghỉ ngơi, ai đang gặp vấn đề và cần giúp đỡ, bởi vì tất cả đều đắp các lớp bảo hộ dầy cộp gần như che kín cả mặt. Viết tên mình lên mặt nạ dưỡng khí là cách để đảm bảo chúng tôi biết là mình đang giao tiếp với người nào. Tôi nhớ có lần một trong các hướng dẫn viên cá nhân của tôi đã cùng tôi leo núi hơn một tháng rưỡi hỏi tôi một câu hỏi và tôi không thể nhận ra anh ấy là ai (khi đó chúng tôi đang trên Trại 4 của Death Zone). Chúng tôi lạc giữa một cơn bão và trời đã chập tối, nên tình hình càng khó khăn hơn, nhưng bạn biết đấy, ở trên đó thì như cơm bữa thôi. Bạn sẽ chẳng thể biết tình hình xung quanh mình đang ra sao – bạn chỉ cố gắng tập trung vào bản thân, dây dẫn, carabiner (N.d: là một loại móc chuyên dụng dùng để leo núi), sống sót và tiến lên phía trước.
Khi ở trên độ cao chết chóc ấy, bạn bắt đầu lo lắng rằng mình sẽ không sống nổi, bạn không có đủ năng lượng cho nhiều việc, và giúp đỡ người khác là một trong số đó. Thậm chí việc dừng tay để uống một cốc nước ấm hay tiếp tục hành trình cũng đã là một cuộc đấu tranh dữ dội, vì vậy tưởng tượng xem sẽ khó khăn thế nào khi quyết định có nên giúp đỡ người khác hay không chưa kể có thể khiến tình hình xấu hơn. Giống như bạn ở giữa một chiến trường, và yeah, giải nguy cho đồng đội có thể khiến bạn lãnh đạn hoặc tệ hơn là bỏ mạng không chừng.
Giành bất cứ phút nào trên đó cho những việc không thật sự cần thiết đều sẽ đẩy bạn đến cái chết gần hơn vì oxy sẽ cạn dần. Nói vậy không có nghĩa là bạn vô tâm chỉ biết đến bản thân, không hẳn luôn phải vậy, khi nào có thể, thì hãy hỗ trợ nhau, nhưng ở độ cao đó, giúp nhau là việc rất, rất khó, và nếu không tính toán kĩ, việc giúp nhau có thể gây ra nhiều cái chết hơn, và cũng không thể biết được người cần giúp đỡ có “trụ” được lâu dài với cuộc hành trình hay không. Vì vậy, trong trạng thái tinh thần mơ hồ đó, bạn mặc định rằng mọi người xung quanh đều ổn – thì mọi việc sẽ dễ dàng hơn. Con mẹ nó, nhiều khi có người đang nằm bên đường thoi thóp hay đã chết rồi, bạn cũng sẽ tưởng họ chỉ đang ngã lưng một chút để lấy lại sức, chuyện này cũng như cơm bữa luôn. Bạn không thể nhìn thấy ai, bạn không biết tình hình họ thế nào, vì ai cũng bảo hộ kín hết.
Tôi hỏi trưởng đoàn người Sherpa (N.d: Sherpa là một tộc người Nepal sinh sống chủ yếu ở khu vực Himalaya) của chúng tôi cần bao nhiêu người để có thể cứu hộ một thành viên trong đoàn đang nguy kịch nếu chúng tôi đang ở khu Balcony (nằm giữa Trại 4 và Death Zone trên đường lên đỉnh Everest), anh ta nói… khoảng 10 người. Sẽ cần luân phiên nhau dìu thành viên đó và sẽ rất mất sức, chưa kể cần có nhiều oxy hơn… Đấy là lí do không nên mạo hiểm giúp đỡ, đánh đổi cả mạng sống để đem về một người chết. Tất cả thành viên trong đoàn của chúng tôi đều đồng ý rằng nếu ai không thể qua khỏi, người đó sẽ bị bỏ lại dọc đường, thân xác gửi cho tuyết và gió. Chúng tôi thỏa thuận với nhau sẽ không để ai bị thương hay bỏ mạng chỉ vì cố cứu người khác.
Tôi hy vọng câu trả lời này có thể thỏa mãn được các thắc mắc. Sẽ không thể so sánh việc suy nghĩ và đưa ra quyết định khi ở trên Death Zone với khi ở độ cao bình thường được. Cơ bản là sự khác biệt như ngày và đêm vậy. Tưởng tượng ở độ cao đó và phải chịu thêm một cơn gió mạnh, hoặc một trận bão tuyết, tình thế sẽ khó khăn đến mức nào. Còn cái quái gì khác đang chờ đợi ở trước mặt không thì chịu chả biết được đâu.
https://qr.ae/pNsraF
N.d: ảnh mình lấy từ phim Everest (2015), một bộ phim hay dựa trên câu chuyện có thật về một đoàn thám hiểm trên hành trình chinh phục đỉnh núi cao nhất thế giới. Scott Fischer (Jake Gyllenhaal), hướng dẫn viên leo núi chuyên nghiệp đang đặt ngón tay lên đỉnh Everest, một trong những cảnh đáng nhớ nhất của bộ phim.