Người khôn ngoan không bao giờ phải tìm kiếm sự hơn thua trong lời nói, họ chỉ cần im lặng cũng chứng minh được bản lĩnh.
Chúng ta thường có câu nói cửa miệng ‘Im lặng là vàng’. Im lặng không có nghĩa là tự cô lập mình, tách biệt hay rời xa hoàn toàn khỏi cuộc sống hiện tại mà là biết cách đừng lên tiếng tranh cãi trong một thời điểm thích hợp để tránh hại người hại ta.
Một người thông minh đến mấy cũng không thể nhìn thấu mọi chuyện, có trí tuệ đến đâu cũng không thể luôn thuận buồm xuôi gió. Trong thời điểm xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp với người khác, sự im lặng của bạn không phải yếu đuối, không phải thỏa hiệp, càng không phải thờ ơ mà có nghĩa là bạn đã thực sự trưởng thành. Bạn biết cách xem nhẹ rất nhiều chuyện không đáng phải so đo vì đôi khi, im lặng còn đáng giá hơn cả ngàn lời nói.
* Biết mà không nói
Một cô gái được bà nội nuôi nấng từ khi còn nhỏ, ngày bà qua đời cũng là lúc cô đánh mất một nửa linh hồn và ý nghĩa cuộc sống. Một mình cô bỏ đi nước ngoài vì không muốn chấp nhận sự thật rằng bà đã ra đi mãi mãi, ngay cả đám cưới của anh trai cô cũng không về tham dự. Sau nhiều năm, khi một người bạn tình cờ hỏi “Khi nào cậu thấy nhớ bà nhất?”, cô vẫn bật khóc mà không nói nên lời. Lúc ấy, người bạn cũng chỉ lặng lẽ nhìn cô, bày tỏ sự thông cảm chứ không gặng hỏi thêm gì nữa.
Im lặng là một loại triết lý sống. Khi được sử dụng tốt, nó biến thành một loại nghệ thuật. Mọi người đều có những ký ức buồn trong lòng, là điểm yếu dễ bị tổn thương nhất trong cuộc sống và không muốn chia sẻ với bất cứ ai khác. Tại thời điểm này, điều tốt nhất không phải hỏi han an ủi, mà là một sự im lặng.
Cho người khác cơ hội tự do giãi bài và không nói lời phán xét trước khi tìm ra toàn bộ sự thật vừa là sự tôn trọng người khác, vừa là biểu hiện của lòng tốt bên trong mỗi chúng ta. Hiểu được cách im lặng đúng lúc sẽ giúp chúng ta hóa giải mâu thuẫn và đem lại cho người khác sự thoải mái.
* Im lặng đáng giá hơn ngàn lời nói
Trong đêm giỗ bà ngoại, mẹ cô vẫn một mình chưng ớt trong phòng bếp. Vị cay bốc lên nồng nặc khiến cả nhà hắt xì và chảy nước mắt không ngừng, cô trách mẹ: “Sao mẹ chưng ớt mà không biết đóng cửa thế?”
Người mẹ bình thường rất nóng tính nay lại chỉ im lặng, cũng không quát mắng cô. Bóng lưng bà có vẻ cô đơn và lạc lõng. Cha cô mới nói: “Ớt mẹ con chưng giống của bà ngoại lắm.”
Bấy giờ, cô mới hiểu ra sự im lặng của mẹ đang thể hiện một nỗi đau to lớn. Mẹ vừa kiềm chế cảm xúc của bản thân, cố gắng chấp nhận sự thật, lại vừa hi vọng tìm được hương vị của bà ngoại trong chảo ớt chưng.
Im lặng đôi khi còn đáng giá hơn cả ngàn lời nói. Rất nhiều cảm xúc của con người không thể diễn tả hết bằng lời và im lặng là cách thể hiện tốt nhất. Thay vì nói ra và đi tìm sự an ủi của người khác, sự im lặng sẽ cho ta thời gian tự phục hồi nội tâm, chấp nhận những điều vô thường của cuộc sống, mài giũa sức mạnh bên trong và trân trọng những điều quý giá của hiện tại.
* Im lặng là sự trân trọng
Trên chuyến bay, cô ngồi cạnh một cặp vợ chồng khác đang đi du lịch cùng nhau. Suốt cả chặng đường từ sân bay lên chỗ ngồi, người vợ không ngừng than phiền về chuyện chồng giao chìa khóa nhà cho người giúp việc ở lại trông coi cả tuần, nhỡ bị trộm hết đồ đạc thì sao, nhỡ họ đưa người lạ về nhà mình thì sao… Trong lúc đó, người chồng chỉ im lặng di chuyển, khi thì xách hành lý cho vợ, khi thì cầm cho bà cốc nước.
Đợi đến lúc người vợ vào nhà vệ sinh, cô không nhịn được mà quay sang hỏi ông chồng. Ông chỉ thản nhiên đáp: “Im lặng sẽ bảo vệ bà ấy không bị tổn thương. Bà ấy là vợ chú, không phải kẻ thù mà cần dùng lời nói công kích.”
Sự im lặng cũng giống như con sóng xoa dịu mọi mâu thuẫn và khó chịu trong lòng, khiến nội tâm bình thản và lắng đọng hơn. Không chỉ phụ nữ giỏi im lặng mà đàn ông cũng luôn biết cách âm thầm bảo vệ những người thân yêu. Thay vì dùng lời nói để công kích quan điểm của người khác, thể hiện chính bản thân mình, chúng ta có thể dùng sự im lặng để làm tấm chắn bảo vệ bản thân và người xung quanh. Càng khôn ngoan, càng hiểu cách im lặng.
Cả cuộc đời này, chúng ta trải qua vô vàn chuyện và gặp gỡ rất nhiều người. Đối với hiện tại, chúng có thể rất quan trọng nhưng biết đâu, sau vài năm, khi nhìn lại, ta sẽ phát hiện ra mọi thứ so đo tranh đoạt trước kia đều không còn ý nghĩa. Trong khi đó, những lời nói sắc bén từng làm tổn thương người khác vẫn để lại dấu ấn, vết sẹo hằn sâu mà không thể xóa nhòa. Hãy cẩn thận với những gì bạn nói. Nó có thể được tha thứ, nhưng không thể nào quên.
_________________