Kiệt tác điêu khắc Pietà (Đức Mẹ sầu bi) của Michelangelo—Di sản vô giá của nhân loạ…

Kiệt tác điêu khắc Pietà (Đức Mẹ sầu bi) của Michelangelo

Kiệt tác điêu khắc Pietà (Đức Mẹ sầu bi) của Michelangelo—Di sản vô giá của nhân loại

Trong nghệ thuật Kitô giáo thời kỳ Phục Hưng, Đức Mẹ Maria được các họa sĩ, nhà điêu khắc thể hiện với nhiều phong cách khác nhau. Một số chủ đề được nhiều nghệ sĩ khai thác có thể kể đến như: Đức Mẹ Mân Côi, Đức Mẹ ban ơn, Đức Mẹ sầu thương... Tuy nhiên chủ đề nổi tiếng nhất, thu hút số lượng đông đảo nghệ sỹ tài hoa có lẽ là “Đức Mẹ sầu bi”, hay Pietà trong tiếng Ý, miêu tả nỗi đau thương của Đức Mẹ Maria bên xác con trai sau khi Chúa Giê-su được đưa xuống khỏi cây thập giá sau khi chịu đóng đinh.
Hình tượng Đức Mẹ sầu bi xuất hiện lần đầu tiên tại Đức vào khoảng năm 1300 và lan truyền tới Ý vào khoảng năm 1400 và kể từ đó đã có không ít phiên bản khác nhau miêu tả chủ đề này như tượng gỗ “Vesperbild” (nguồn gốc từ miền Nam nước Đức, không rõ tác giả), tranh “Pietà” (Annibale Carracci), “Pietà” (El Greco). Vào năm 2013, tác phẩm “Pieta” của họa sĩ người Pháp thế kỷ 19 William-Adolphe Bouguereau đã được bán với giá gần 3 triệu Mỹ kim.
Tuy nhiên có một “Đức Mẹ sầu bi” khác được xem là vô giá, có nghĩa là nó không thể định giá được bằng tiền bởi nó là một kiệt tác, một di sản của nhân loại. Tác phẩm đó chính là “Pietà” của Michelangelo (1475-1564), danh họa–nhà điêu khắc–nhà thơ thiên tài người Ý thời kỳ Phục Hưng. Michelangelo cùng với Leonardo da Vinci là hai vĩ nhân nổi tiếng nhất của Ý thời kỳ Phục Hưng và cũng chính Michelangelo là tác giả của kiệt tác Sự phán xét cuối cùng (“Il Giudizio Universale”) trên trần nhà nguyện Sistina, nhà nguyện nổi tiểng nhất trong Điện Tông tòa ở Vatican.
Đại đa số các tác phẩm thể hiện chủ đề Đức Mẹ sầu bi đều tập trung thể hiện sự bi thương, thống thiết về cảnh Đức Mẹ đồng trinh ôm xác Chúa Giê-su. Tuy nhiên thoát khỏi mô thức quen thuộc này, bức tượng điêu khắc “Pietà” của Michelangelo không chỉ thể hiện sự điêu luyện và xuất sắc trong kỹ thuật điêu khắc mà còn mang một ý nghĩa hết sức lớn lao. Và cũng chính vì điều này mà tác phẩm đã đi vào lịch sử nghệ thuật nhân loại với tư thế của một kiệt tác điêu khắc vĩ đại của thời Phục Hưng.
“Pietà” của Michelangelo được làm bằng đá hoa Carrara (một loại đá hoa từ Ý đã được ưa chuộng từ thời thượng cổ) với kích thước 174 cm × 195 cm. Tác phẩm này đã được Hồng y Jean Bilhères de Lagraulas đặt làm như một đài tưởng niệm trong tang lễ sau này của ông. Khi Michelangelo bắt đầu công việc, ông mới chỉ 23 tuổi và đã mất khoảng thời gian 2 năm để hoàn thành nên tác phẩm này.
Ở trung tâm của tác phẩm chính là Đức Mẹ Maria đang ôm xác Chúa Giê-su. Bà được thể hiện trông rất trẻ, khuôn mặt không hề toát ra vẻ oán hận và cũng chẳng hề có sự đau thương. Cái mà ta cảm nhận được là vẻ đẹp thánh thiện, bao dung và sự thanh thản, bình yên và thuần khiết bên trong con người bà. Chúa Giê-su nằm trong vòng bàn tay của mẹ, gương mặt của ngài tựa như của một người đang ngủ say, chứ không hề biểu lộ sự khổ đau sau khi bị đóng đinh. Đức Mẹ cũng không trực tiếp chạm tay vào xác Chúa, mà dùng một tấm vải để nâng lên thân thể của người, qua đó Michelangelo đã thể hiện sự thiêng liêng của thân thể Chúa Giê-su. Toàn bộ tác phẩm đều toát lên sự tinh tế và thực sự đã làm lay động lòng người khi đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật và tầng sâu thẳm của ý nghĩa của hai chữ từ bi. Chính vì sự từ bi mà không hề nhìn thấy sự khổ đau trên khuôn mặt ngài. Cũng bởi vì lòng từ bi, mà Đức Mẹ đồng trinh không cảm thấy đau khổ khi mất đi đứa con trai.
Các nếp vải, làn da, đường gân trên bàn tay, bàn chân, các múi cơ,… được Michelangelo thể hiện cực kỳ tinh tế và chính xác như một nhà giải phẫu học. Nếu nhìn kỹ, người ta sẽ thấy trên giây quàng của Đức Mẹ Maria có dòng chữ MICHAELA[N]GELUS BONAROTUS FLORENTIN[US] FACIEBA[T] (nghĩa là “Michelangelo Buonarroti xứ Firenze, đã tạo nên [tác phẩm] này”). Kiểu ký tên đã được các nhà điêu khắc Hy Lạp cổ đại như Polykleitos hay Apelles (tác giả của bức tranh khảm nổi tiếng miêu tả Alexander Đại đế trong trận Issus) sử dụng. Theo lời kể của một người bạn là Giorgio Vasari, thì Michelangelo đã hối hận khi ký tên vào tác phẩm và vì sự bồng bột tuổi trẻ đã phá vỡ vẻ đẹp thuần khiết trang trọng của “Pietà” và thề sẽ không bao giờ ký tên trên một tác phẩm nào khác nữa. Và đúng như vậy, đây cũng là lần đầu tiên và lần duy nhất mà Michelangelo khắc tên lên tác phẩm của mình.
Kiệt tạc “Pietà” từng bị phá hoại nghiêm trọng năm 1972, một kẻ vô danh khi tham quan đã bất ngờ dùng búa tấn công bức tượng, khiến tay trái và sống mũi của Đức Mẹ bị vỡ thành nhiều mảnh. Phải mất 10 tháng làm việc liên tục với từng mảnh vỡ nhỏ nhất tìm được, các nhà phục chế đã trả lại vẻ đẹp nguyên trạng cho “Pietà”. Hiện nay, có 3 lớp kính chống đạn bao quanh “Pietà” tại nhà thờ Thánh Phêrô, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho di sản vô giá này.
Nguồn: Tự viết
Tham khảo:
  • http://www.italianrenaissance.org/michelangelos-pieta/ – Michelangelo’s Pieta
  • https://www.voxmundi.eu/die-pieta-von-michelangelo-buonarroti/
  • http://stpetersbasilica.info/Altars/Pieta/Pieta.htm
  • https://www.khanacademy.org/humanities/renaissance-reformation/high-ren-florence-rome/michelangelo/v/michelangelo-piet-1498-1500
——–
© Văn minh Phương Tây – Lịch sử, văn hóa, nghệ thuật (T.P.A)




Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *