Hương Phi là vương phi người bộ tộc Hồi. Xinh đẹp, trời sinh thân thể có dị hương, người tự bốc mùi thơm mà không cần xài nước hoa, dân trong nước gọi là Hương Phi.
Vua Cao Tông (tức Càn Long) nghe tiếng, thèm của lạ, bèn mở chiến dịch chinh Tây dặn tướng quân Triệu Huệ cố tìm cho mình người đẹp này.
Sau khi Hồi Cương bình định, Triệu Huệ bắt được Hương Phi đem về kinh sư. Càn Long hết sức yêu thương, sủng ái cho xây Bảo Nguyệt Lâu, Dục Đức Đường theo kiến trúc kiểu Hồi thành lập một khu phố cho người Hồi đến ở, được mặc y phục Hồi, sinh hoạt như ở Hồi cương, và cả một thánh đường Hồi giáo ngay tại Bắc Kinh, thậm chí sai người đi bứt cây nhổ cỏ từ tận Hồi cương đem về đây trồng để ái phi khỏi phải nhớ nhà
Tuy được sủng ái như thế nhưng lòng nàng vẫn canh cánh không vui, lúc nào cũng mang dao sắc trong tay áo, không cho Càn Long gần gũi, thường nói với mọi người rằng:
– Quốc phá gia vong, đã quyết đem cái chết để đền nợ nước, nhưng không phải chỉ chết uổng một mạng hèn mà phải làm gì để báo thù cho quốc chủ.
Mọi người nghe đều thấy hết hồn (Đã muốn giết vua còn đi quảng cáo tùm lum, thiếu nghiệp vụ )
Nhà vua biết không thể khuất phục được nhưng cũng không muốn thả nàng về, cứ giữ nàng như thế mấy năm liền. Hoàng Thái Hậu nghe chuyện này, nhiều lần can vua không nên lui tới nhưng vua không nghe, nên nhân một lần vua rời cung, thái hậu gọi phi vào cho thắt cổ chết.
===============================
Đây là câu chuyện về Hương Phi, được chú thích ở phụ lục bức tranh sơn dầu của họa sĩ Lang Thế Ninh (Giuseppe Castiglione) treo tại triển lãm cổ vật khu vực phía Nam Tử Cấm Thành năm Dân quốc thứ 3 (1914) – Văn phong được edit cho “thuần Việt”
===============================
Những câu chuyện về Hương Phi có rất nhiều dị bản khác nhau, nhiều chi tiết nửa thật nửa giả, sự xuất hiện của những kiến trúc kiểu Hồi ở trong cung cấm và những câu chuyện thêu dệt ở nhiều thời kỳ khác nhau, khiến cho yếu tố lịch sử và tiểu thuyết trở nên đan xen và lẫn lộn.
Thực tế thì theo chính sử, có một phi tử của Càn Long có nhiều chi tiết khá tương đồng với nhân vật Hương phi này, đó là Dung phi, thuộc gia đình Kiramet phía Đông Hồi Cương (Turkestan), nhưng không phải bị Triệu Huệ bắt về mà là … do người Hồi đem dâng lên từ trước khi có cuộc chiến.
Càn Long cũng đặc biệt sủng ái cô gái này, từng đích thân đi đón và thăng nàng lên làm quí nhân mà không cần phải qua những quy trình tấn thăng lề mề khác. Có nhiều chi tiết cho thấy Càn Long khá chiều chuộng Dung Phi như: tuyển riêng đầu bếp người Hồi cho nàng, tặng nhiều quà cáp, thành lập một khu phố người Hồi, cho phép mặc y phục Hồi, sinh hoạt như ở Hồi Cương, xây cả một thánh đường Hồi giáo, nhiều lần cho nàng theo khi đi tuần hoặc tham dự những điển lễ, yến tiệc quan trọng. (Việc sủng ái cô gái này cũng có thể là một chính sách dung hòa, thu phục người Hồi cương)
Mà ngược lại, cô gái này biết chiều chuộng hoàng đế (chứ không thiếu nghiệp vụ như Hương phi ở trên), từng đích thân nấu ăn món của người Hồi gọi là “cốc luân kỷ” và “trích phi nhã tăc” cho Càn Long ăn, được vua khen nức nở.
Năm Càn Long thứ 53 (1788) Dung phi từ trần, trước khi chết đem nàng đem hết quần áo, dụng cụ, các món đồ trân quý nàng có được phân phát cho các cung tần, phi tử, cung nữ, thị tì … Càn Long tổ chức tang lễ của Dung phi rất trọng thể, nghỉ việc 3 ngày và bắt các hoàng tử, đại thần mặc tang phục luôn trong 3 ngày đó.
Sau này, vào năm 1979, Dụ Lăng Phi Yên ở Đông Lăng Bắc Kinh bị kẻ trộm đào bới và nước mưa xói mòn, người ta tìm ra được một ngôi mộ trên quan tài có viết mấy hàng chữ Hồi thiếp vàng, dịch ra được là đoạn đầu trong kinh Coran. Nắp quan tài cũng có mấy hàng chữ Hồi, bên trong quan tài có mũ miện, bảo thạch, mũ cát tường, ngọc như ý, hà bao, trân châu, ngọc mắt mèo … Khả năng cao chính là cô gái Dung phi hay Hương phi trong những câu chuyện được lưu truyền kia.
À trong chính sử cũng không nhắc gì về chuyện mùi của Dung phi, nên thành ra có 2 giả thuyết. Có sách cho rằng tên thật của nàng là Giả Mẫu Tư Mộc, tên thánh là Hi Phách Nhĩ Hãn (nghĩa là “rất thơm”) nên được gọi là Hương Phi.
Hoặc cũng có thể là cơ thể nàng có mùi hương gì đó, chả ai mà biết được. Ngày xưa Alexandre The Great cũng có sách ghi nhận là “hơi thở có mùi như hoa la lan (violet), quần áo lót cũng có hương thơm đặc biệt này” cơ mà.