Chiến dịch Eagle Pull và nỗi hổ thẹn của Kissinger

1/ Bức thư cuối cùng của Sirik Matak
Giữa tháng 4/1975, Thủ tướng Cộng hòa Khmer Sirik Matak gửi một bức thư cho Đại sứ Mỹ John Gunther Dean. Nội dung của bức thư được chép lại:
''Phnom Penh, 16 tháng 4, 1975
Thưa ngài [đại sứ Mỹ John Gunther Dean] và cộng sự,
Tôi thành thật cảm tạ ngài đã viết thư và còn đề nghị giúp tôi di tản đi tìm tự do. Nhưng tôi không thể bỏ đi một cách hèn nhát như vậy! Với Ngài, và nhất là với xứ sở ''vĩ đại'' của Ngài, không bao giờ tôi lại tin rằng sẽ đến lúc các Ngài sẽ nhẫn tâm bỏ rơi một dân tộc đã lựa chọn tự do. Các ngài từ chối bảo vệ chúng tôi và chúng tôi chẳng thể làm được gì. Ngài ra đi, tôi cầu chúc Ngài và xứ sở của Ngài được hạnh phúc dưới bầu trời này.
Nhưng xin Ngài nhớ cho rằng nếu tôi phải chết ở đây và ở lại đất nước tôi yêu dấu, thì nó tệ thật. Nhưng chúng ta đều sinh ra và cũng sẽ chết vào một ngày nào đó. Tôi chỉ ân hận một điều là đã quá tin và chót tin ở nơi quý vị, những Mỹ!
Trân trọng
Sirik Matak''
2/ Chiến dịch di tản Eagle Pull và số phận chính phủ Cộng hòa Khmer.
Cuối năm 1974, Khmer Đỏ đã bắt đầu tăng mạnh sức tiến công và xâm chiếm từng tỉnh một trong lãnh thổ Campuchia. Ít lâu sau, họ tung toàn quân bao vây thủ đô Phnom Penh của Cộng hòa Khmer vào tháng 1 năm 1975. Khmer Đỏ khi chuẩn bị bao vây toàn bộ thủ đô liền công bố một bản danh sách tử hình 7 nhân vật cấp cao của chính quyền bao gồm: Sirik Matak, Lon Nol, Sơn Ngọc Thành, In Tam, Long Boret, Cheng Heng, và Sosthene Fernandez.
Trước tình hình bất lợi quân đội Mỹ quyết định thực hiện một chiến dịch di tản công dân Mỹ và những người Khmer hợp tác với họ khỏi Phnom Penh. Những mục tiêu di tản lên đến hàng nghìn người gồm Đại sứ Mỹ, nhân viên ngoại giao và những nhân vật cao cấp trong chính phủ Cộng hòa Khmer và dân thường Campuchia.
Ngày 12/4/1975, các trực thăng của quân đội Mỹ đã thực hiện chiến dịch ''Eagle Pull'', đưa những người di tản đến các tàu đang đậu trong Vịnh Thái Lan hoặc ngay trên các sân bay Thái Lan. Chiến dịch diễn ra chớp nhoáng trong buổi sáng ngày 12/4, được coi là thành công tuyệt đối không có thiệt hại nào. Tuy nhiên, con số người di tản lại ít hơn rất nhiều, do phần lớn nội các Cộng hòa Khmer và gia đình đều đã từ chối di tản.
Ngoại trừ Tổng thống Lon Nol đã đi theo người Mỹ, các nhân vật quan trọng khác gồm Lon Non – em trai Tổng thống, Thủ tướng Sirik Matak, cựu thủ tướng Long Boret cùng nhiều thành viên trong nội các Lon Nol đều nhất quyết từ chối. Họ tuyên bố chấp nhận ở lại để chịu chung số phận với người dân của mình. Quyết định của các lãnh đạo Cộng hòa Khmer đã khiến chính quyền Ford, và cá nhân Cố vấn an ninh Henry Kissinger, cảm thấy ''bất ngờ và xấu hổ'' như Kissinger sau này ghi lại trong hồi ký.
Sirik Matak cùng với Lon Non, Long Boret cuối cùng bị xử tử, dù địa điểm hành quyết còn nhiều tranh cãi nhưng phần lớn cho rằng họ bị hành quyết tại Sân vận động Olympic thủ đô Phnom Penh hoặc Trung tâm Thể thao Cercle Sportif. Lon Non, trong những ngày cuối cùng, được cho là đã dành số tiền còn lại của mình mua quan tài cho những binh sĩ trong tiểu đoàn do mình chỉ huy – Tiểu đoàn An ninh Cộng hòa – đơn vị do chính ông lập ra để thanh trừng các đối thủ chính trị.
Trong các nhân vật bị xử tử, Sirik Matak chịu số phận thảm khốc nhất. Ông cùng Long Boret bị hành quyết tại Trung tâm Thể thao Cercle Sportif ở Phnom Penh vào ngày 21 tháng 4. Gia tộc Sisowath của ông, từ con cháu đến các người giúp việc trong nhà ông đều bị Khmer Đỏ sát hại.
3/ Sự cố trong Sứ quán Pháp.
Trong những ngày cuối của Cộng hòa Khmer, bên cạnh cuộc di tản của quân đội Mỹ, còn có một nỗ lực khác do Sứ quán Pháp thực hiện để đưa những nhân vật thân Pháp khỏi Campuchia trốn Khmer Đỏ.
Sứ quán Pháp những ngày tháng 4/1975 tràn ngập những người, có cả những nhân vật cao cấp đã đến xin tị nạn, hy vọng giàn xếp thỏa thuận với Khmer Đỏ. Đại sứ Pháp François Bizot cũng khá tự tin về đàm phán nên đã cho những người Campuchia vào tị nạn. Nhiều người Việt, người Hoa và các dân tộc thiểu số (có cả tổ chức FULRO) cũng tìm đến Sứ quán Pháp. Trong sứ quán lúc đó có cả Hội chữ thập Đỏ quốc tế. Họ không có lực lượng quân sự nào bảo vệ do tin rằng Khmer Đỏ sẽ tôn trọng luật không tấn công sứ quán trong chiến tranh.
Ngày 21/4/1975, khi quân Khmer Đỏ tiến vào, họ bao vây sứ quán Pháp. Đại sứ François Bizot tự tin ra yêu cầu đàm phán và nghĩ rằng Khmer Đỏ không dám vi phạm luật ngoại giao. Nhưng không ngờ, Khmer Đỏ từ chối đối thoại, vượt rào vào bắt toàn bộ người trong sứ quán. Những nhân vật cao cấp nhất của Cộng hòa Khmer từ Long Boret, Sirik Matak, Lon Non, Hang Thun Hak,…đều bị sát hại ngay sau đó. Trong số người bị sát hại có cả thủ lĩnh FULRO Việt Nam Y Bham Enuol, người sáng lập tổ chức.
Tổng cộng có 600 người nước ngoài gồm Pháp, Trung Quốc, Việt Nam, Indonesia,…cùng 1000 người Campuchia trong sứ quán Pháp lúc bị bắt. Nhiều người đã bị giết hại ngay trong khuôn viên, số còn lại bị sát hại sau đó. Gần như toàn bộ con tin phương Tây đều bị sát hại, ngoại trừ đại sứ François Bizot – được miêu tả là người phương Tây duy nhất sống sót qua tay Khmer Đỏ.
Vụ tấn công và thảm sát sứ quán Pháp ở Phnom Penh diễn ra quá nhanh, khiến cả thế giới và chính phủ Pháp không kịp phản ứng gì. Vụ việc đó sau này lại bất ngờ dẫn đến một vụ kiện, do nhiều nạn nhân của Khmer Đỏ sau này kiện Chính phủ Pháp vì đã không bảo vệ người tị nạn tại Sứ quán Pháp tháng 4/1975. Nhưng tòa án sau khi xét xử đã tuyên bố Đại sứ Bizot được trắng ấn. Lý do là vì hoàn cảnh lúc đó, dù người Pháp có cứng rắn hay không, Khmer Đỏ cũng sẵn sàng thảm sát và không tuân theo bất cứ luật lệ nào.
Tham khảo: Encyclopedia of the Vietnam War.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *