Chuyến xe Bus cuối ngày, đưa tôi đến bến xe miền đông, khi trời đã nhá nhem sập tối. Trông tôi thật nhếch nhác, giống hệt một kẻ lang thang đang chán nản với ý định sẽ về quê và đầu hàng số phận.
Nhưng không, tôi chỉ vừa mới trắng tay thôi mà, lúc mới bắt đầu tôi cũng chẳng có gì cả, và quan trọng hơn là tôi biết mình vẫn còn rất trẻ.
Tôi có thể bắt đầu lại, nhưng với ai và từ đâu thì đó là một vấn đề nan giải.
Mở điện thoại lên, tra danh bạ một lượt, cả trăm số điện thoại mà chẳng biết phải gọi cho ai trong lúc này. Thì vừa may thằng Tiến gọi đến:
“Đang ở đâu mày, nhậu.”
“Bến xe miền đông,” tôi mệt mỏi đáp.
“Mày tìm quán nào vào ngồi đi, tao gọi Tí Thuần, với Viên Thợ Điện ra, chuyện của mày tụi tao hay cả rồi, ngồi im đó, đừng đi đâu cả.”
“Ừ,” tôi trả lời ngắn gọn rồi dập máy.
Vừa mới sáng nay, trước khi dọn ra khỏi căn nhà mà chính tôi tự mình mua được, tôi có đăng một dòng trạng thái kèm theo hình ảnh đang rời đi với nội dung là:
“817 bạn bè, ai sẽ là người bên cạnh tôi lúc này đây?”
Ngắn gọn vậy thôi là đã gây xôn xao rồi. Thật ra tôi đâu có cần người ta like, share, hay comment sáo rỗng, tôi chỉ cần vài cuộc gọi đến hỏi “tôi đang ở đâu,” ngắn gọn thế thôi, như những gì thằng Tiến vừa làm vậy.
Đến lúc này tôi mới hiểu ra, tôi kỳ thực không có được nhiều người yêu mến như những lời tán tụng họ vẫn thường nói. Họ ghét tôi chỉ là không thể hiện ra mặt mà thôi, vì thành tựu của tôi kể ra, cũng có phần vượt trội so với số đông những người bạn cùng trang lứa rời quê hương vào thành thị lập nghiệp mà.
Thế nên, thất bại lớn của tôi trong lúc này, có thể là đang xoa dịu lòng tự trọng của nhiều người, họ đang có cơ hội để hả hê: “Đó, cũng thường thôi!” có lẽ vậy.
Hệ quả tất yếu thôi, khi giàu lên quá nhanh và dễ dàng, bạn tự nhiên sẽ đâm ra ngạo mạn, chỉ là sau đó bạn nhận ra điều này sớm hay muộn mà thôi.
Ngồi ở một quán nhỏ ven đường, hướng đối diện sông Sài Gòn, dưới chân cầu Bình Triệu. Tôi gọi hai cái trứng lộn ra chấm muối tiêu, hy vọng là sẽ thay đổi được điều gì đó, như người ta vẫn thường nói ăn trứng lộn xả xui là vậy.
Nhưng thật ra thì, trong túi tôi làm gì còn đủ tiền mà kêu thêm món khác. Nghĩ cũng buồn cười, ngày trước lần nào gặp bạn bè cũng phải vào nhà hàng, gọi đồ ăn tràn lan ra chỉ để nhìn chứ ăn thêm đâu có nỗi.
Muốn chơi trội nên bây giờ phải trả giá, thấm thía mà cười ra cả nước mắt.
Ừng ực một hơi đến cạn cốc, cay đắng quẹt môi, rồi xa xăm nhìn ra mặt sông nước chảy, mà thấy bản thân mình cũng như đám lục bình kia, đang xuôi theo dòng một cách vô định trôi đi.
Trời đã tối hẳn.
Rít một hơi thuốc, tôi nhã khói trầm ngâm nhìn lên bầu trời với những vệt mây trắng trôi lững lờ, cùng ánh sao chỉ lưa thưa vài ngôi.
Thành thị lúc này như một con thú hoang, đang chìm sâu trong giấc ngủ cùng với màn đêm tĩnh lặng. Vào lúc bình minh ló rạng nó sẽ thức giấc và bắt đầu cuộc đi săn.
Chắc sẽ chẳng khó khăn gì để no nê cho bữa sáng. Bởi đêm dài thao thức ngày nào cũng để lại những kẻ yếu ớt không theo kịp dòng người. Đó chỉ là một quy luật đào thải của tự nhiên thôi.
Hôm qua, là những người khác, lúc này, có thể sẽ là tôi.
Nhưng mấy thằng bạn gọi nhau là anh em cũng vừa kịp đến rồi, may mắn thay, đỡ phải cô đơn quẩn trí.
“Đi,” thằng Tí Thuần nói.
“Đi đâu, ngồi đây luôn đi,” Tôi đáp.
“Xuống Nhớ Cưng, sắp xếp chổ ở cho mày đã, ăn nhậu tính sau.”
“Nhớ sao?” Tôi vừa hỏi, vừa nghĩ, ngày trước lúc còn làm ăn được, nó là thằng bị tôi đối xử tệ nhất. Mỗi lần nó đến chia sẻ cho tôi ý tưởng làm ăn nào đó, cố thuyết phục tôi ủng hộ, thì đều nhận lấy những lời bàn ra, tán vào, mà chẳng lời nào là thiện chí.
Thật không ngờ, đến lúc tôi chẳng còn nơi nào để đi, thì nó lại là đứa ngỏ ý cho tôi tá túc lại, chẳng biết là bao lâu.
“Tiền tao trả rồi, lên xe tao chở mày đi,” Thằng Tiến giục, rồi thằng Viên đến xách hộ tôi mớ hành lý cồng kềnh.
Những chiếc xe chầm chậm rời đi, chúng tôi sẽ đến Đại Học Sư Phạm Kỹ Thuật, dưới Thủ Đức. Thằng Nhớ có một cái cơ sở nhỏ để in áo thun và làm móc khóa, nghe qua loa thì nó gần đây làm ăn cũng khá dần, thấy cũng mừng cho nó.
Chỉ là tôi trong lúc này không biết gặp lại rồi sẽ phải đối mặt làm sao với thằng bạn thuở nối khố của mình thôi.
Về lâu về dài, con người ta rồi sẽ bị ám ảnh bởi chính những gì mình từng nói ra, nhiều hơn là những việc mà mình đã từng làm. Điều đó thật đáng sợ.
Lúc đến được nhà, thì đồ ăn, bia bọt thằng Nhớ đã bày dọn ra sẵn, có gà nướng, có vịt quay, và cả một nồi lẩu khói bay nghi ngút. Nhìn nó lăng xăng chào đón, gọi vào, tôi thẹn mặt chẳng biết nói sao, chỉ cúi đầu mà đi.
Trong lúc nhậu nhẹt, chẳng thằng nào nhắc đến chuyện của tôi. Chúng nó chỉ kể lại những ngày xưa cũ, hồi còn ở quê, cái thuở cắp sách đến trường thật vui vẻ biết bao.
Tại sao tôi trước đây, lại không hề biết trân trọng những người bạn chân thành như vậy chứ?
Tôi cố trở thành một-ai-đó ngoài kia, rồi tôi quên đi mất xuất phát điểm của mình. Tôi bỏ lại phía sau những người bạn tri kỷ như thế này, chỉ để dành thời gian cho những mối quan hệ mới sẽ mang lại cho tôi nhiều lợi ích.
Bạn bè thực sự, là người đồng chí hướng và mang đến cho nhau cơ hội phát triển. Tôi nghĩ vậy, và tôi cho rằng cứ tiếp tục lãng phí thời gian của mình với họ, thì tôi có được gì đâu.
Còn câu trả lời, thì bây giờ có lẽ là tôi đã hiểu thấu, và tôi bật khóc.
“Tao xin lỗi tụi mày nha!”
“Khùng quá!” thằng Tí Thuần nói.
“Xin lỗi gì mày,” thằng Nhớ chen vào, “Tao cảm ơn mày còn không kịp nữa là, nhờ những gì mày từng nói mà tao mới thay đổi rồi có được ngày hôm nay.”
“Hơn nữa,” nó nhấp một ngụm bia rồi nói tiếp, “hồi đó mày cho tao mượn mười lăm triệu làm vốn, bảo khi nào làm ăn có thì trả. Có mấy lần đi nhậu, muốn nói cho mày nghe tao bây giờ cũng khá rồi, ngỏ ý muốn gửi lại thì mày gạt đi, nên tao cũng không nói nữa, thành công của tao so với mày là quá nhỏ mà. Nhiều lúc cũng cố góp ý mà mày không có chịu nghe.”
“Tao trắng tay rồi mày ạ,” tôi cay đắng, “mất cả rồi, đến người con gái tao thương cũng không giữ được, thì còn mặt mũi nào mà đối diện với tụi mày đây.”
“Mất cả cái gì!” thằng Viên gay gắt lên.
“Má nó! hồi đó tao lên bến xe làm ăn, lăn lộn kiếm chén cơm thôi mà cũng bị chém, lúc đó tao còn không đủ tiền mà đi nằm viện. Phải cắn răng chịu đựng mấy năm trời mới có được ngày hôm nay, mà còn chết lên chết xuống. Mày còn may mắn bỏ mẹ ra, than vãn cái chó gì.” Gắt gỏng xong nó lại nhếch môi chắc nịch:
“Viên!” thằng Tiến gạt phăng, “Bạn nó đang buồn, mầy nói gì kì cục vậy.”
“Tụi mày đừng có an ủi nó,” thằng Viên phớt lờ, “mẹ! là thằng đàn ông ngã xuống được, thì đứng lên được. Mày có ngày hôm nay là tại ai. Nói thật, nhiều lúc đi ăn nhậu với mày tao không có thích, nể mặt bạn bè tao không nói toạc ra trước đám đông, chứ cái loại thích thể hiện như mày, tao nói rồi cũng có ngày thôi. Mày hỏi tụi nó coi, tao nói câu này với tụi nó bao nhiêu lần rồi.”
“Thôi!” Thằng Tí Thuần chen vào xoa dịu, “hôm nay không nói chuyện cũ nữa,” nhìn tôi thẳng Tí lại nói, “Sau này mày tính sao?”
“Tao không biết,” tôi vừa châm thuốc vừa đáp.
“Hay là…” thằng Nhớ lên tiếng, “mày về nhà nghỉ ngơi một thời gian đi, khi nào bình tâm hẳn rồi vào lại, nhà tao không rộng rãi gì nhưng mà chứa hai thằng thì dư xăng.”
“À!” nó lại nói, “trả mày mười lăm triệu, về nhà tiêu cho thoải mái đi, khi nào cần vốn làm lại thì bảo, tao xoay được bao nhiêu sẽ cố gắng.”
“Khi nào đi thì nói,” thằng Viên hạ thấp giọng, “vé xe thì cứ gọi tao đặt cho, ở bến hãng nào tao cũng quen, yên tâm, lên xe có Tài Xế lo cho mày.”
“Cảm ơn tụi mày nha,” tôi nghẹn ngào nất lên được bấy từ thôi, chẳng biết phải thổ lộ thế nào với những gì mà tôi đang được nhận nữa.
“Uống đi,” thằng Tiến ngả nghiêng hô hào, “chẳng mấy khi anh em mình đông đủ, hôm nay gác hết mọi chuyện lại, say một bữa, vui một bữa, chuyện ngày mai, để mai tính đi tụi bây!”
“Dô!” tôi vừa cười vừa khóc, cầm ly hưởng ứng, rồi chúng tôi sau đó uống đến bí tỉ, nằm lăn quay cả ra sàn nhà.
Trong suốt chín năm sống ở Sài Gòn, từ những ngày đầu tiên, cho đến tận bây giờ, thì hôm nay, là ngày mà tôi vui nhất.
Vì tôi đã nhận ra một bài học đắt giá từ cuộc sống, mà chỉ khi thất bại tôi mới có cơ hội nhìn lại và hiểu ra, đó là:
“Bạn bè, là khi, tôi ngã anh nâng, anh cần tôi đến.” Chỉ vậy thôi.
Ai đó từng bảo với tôi là: “Cái giá của việc làm Cừu đó là sự nhàm chán, còn cái giá phải trả cho việc làm Sói đó là sự cô đơn.”
Đi theo con đường nào, là cừu hay là sói, nhanh hay chậm thật ra không quan trọng. Cốt yếu nhất bạn phải là chính mình và hạnh phúc với con đường mình đã chọn.
Khi bạn hiểu rằng cuộc đời này là một hành trình chứ không phải là một cuộc đua, bạn sẽ không tự hỏi khi nào mình đến đích, mà bạn sẽ tự hỏi, rốt cuộc mình muốn đi được bao xa.
Và bạn nghĩ mình sẽ đi được bao xa, nếu lựa chọn của bạn là đi một mình?
Còn tôi, sau thất bại thì cũng đã có lựa chọn cho riêng mình, và tôi ngay trong lúc này đang rất hài lòng với nó.