Đất Nam kỳ trù phú – Dân Nam kỳ nhàn hạ ngồi mát ăn bát vàng?

Tầm xàm! Vùng đất này chưa từng được thiên nhiên ưu đãi.

Từ hồi lưu dân Thuận Quảng quyết chí bỏ làng bỏ xứ ra đi tìm miền đất hứa tại phương Nam xa xôi – là đã biết một đi là không trở lại, hễ gặp may thì hưởng gặp rủi thì chịu.

Mà có lẽ ban đầu trong những ngày đi làm kiếp “lưu dân” họ đã gặp không ít khó khăn – đầu tiên là khác biệt văn hoá, thứ nữa là khác biệt khí hậu khí trời , số đông không quen với đất lạ phần vì kiệt sức chống chọi với thiên tai và thú dữ hay bịnh tật tới nổi phải bỏ mạng.

“Ở đâu xứ sở lạ lùng
Dưới sông sấu lội, lên rừng cọp um”

“Tới đây xứ sở lạ lùng, con chim kêu cũng sợ, con cá vùng cũng ghê.”

Là biết xứ Nam kỳ lục tỉnh không phải là xứ dễ ăn dễ uống.

Dân Việt xưa giờ trồng lúa mà ăn, đào mương mà nuôi cá nuôi tôm. Tự nhiên tới chi cái xứ này có Cọp sống ở giáp hết từ đất giồng xuống tận miền Tây, đất mặn phèn chua sình lầy khắp chốn thì nuôi trồng được giống gì?

Có khi chưa kịp cuốc được khoảnh đất đã làm mồi cho cá sấu hay hùm beo.

Chưa kể nha, thú dữ xứ này thì ê hề từ con muỗi cũng có thể giết người chớ đừng nói tới con hùm con rắn, chắc ai đó đã từng nghe qua câu:

“Muỗi kêu như sáo thổi
Đỉa lội như bánh canh
Cỏ mọc thành tinh
Rắn đồng biết gáy”

Cảnh…
“Rừng thiêng nước độc thú bầy
Muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lội đầy như bánh canh”

“Tháp Mười nước mặn, đồng chua
Nửa mùa nắng cháy nửa mùa nước dâng”

Nét hoang sơ của thiên nhiên xứ này chưa từng là “miền đất hứa” mà là một vùng đất đầy môi trường khắc nghiệt mà người ta kêu là “rừng thiêng nước độc”. Cũng giống như hồi Nguyễn Hoàng vô Thuận Hóa, nơi đó cũng được mệnh danh là “Ô Châu ác địa” chỉ là nơi đất chết ,không phải “đất ngon lành có sẵn mà ăn”, chỗ ỉa còn không có lấy gì mà ăn.

Tóm lại một câu những vùng đất từ Thuận Hóa tới Cà Mau từ hơn 300 năm trước, kẻ đang hưởng sung túc chả ai muốn dấn thân dzô chi cho thiệt.

Chỉ có dân vong quốc tìm đường sống cuối cùng như đoàn gia quyến Chúa Tiên mới dám liều mình đi tới Thuận Hoá.

Chỉ có đám lưu dân từ Thuận Quảng hết đường sanh lộ mới dám dấn thân vào cõi chết xứ Lục tỉnh xưa kia.

Khí hậu nơi đây cũng vô cùng khắc nghiệt với mưa nắng hai mùa đã người bức, ẩm thấp lại còn là nơi mà muỗi mòng, kiến,mọt mối, rắn rít, đỉa vắt tha hồ sanh sôi nẩy nở.

Khi mùa nắng sắp chấm dứt, bịnh dịch thường xảy ra, lại còn bịnh kiết, bịnh rét rừng với những biến chứng như đau ruột, đau gan. Ngày qua ngày, với sự khai thác đất đai, bụi rậm và nước đọng bớt dần.

Ta không nên phỏng định quá thẩy về tỷ lệ người chết vì bịnh, hàng năm, trước khi có chích thuốc ngừa, trồng trái. Khi mới chiếm Nam Kỳ, người Pháp rất bi quan và nhận định rằng không thể nào định cư được: “Vùng này không khác chi mấy khu rừng hoang dã bên Nam phi, chỉ là ở tạm rồi về.

Họ sợ muỗi mòng, sợ nắng chói, sợ rắn, sợ những buổi chiều vào đầu mùa mưa, nắng người bức rồi mưa rơi và sấm sét liên hồi.”

Biết bao nhiêu con người đã bỏ mạng trong công cuộc khai hoang vùng đất khắc nghiệt này thành một “miền đất hứa”.

Trên đời này không có gì tự nhiên mà nó “hứa hẹn” gì tốt đẹp cho mình hết, phải bỏ công bỏ sức mà kiến tạo hết thảy.

Nên không tự nhiên trong những ngày giỗ quải dân Nam kỳ thường hay bày mâm cơm đất đai cúng trước sân nhà, cốt là để mời các vị tiền nhơn đã từng sống chết với mảnh đất này.

Nếu vào thời điểm này mà ai dám bước dzô Lục tỉnh mà kiếm ăn thì hẵn hãy lớn mồm nói: đất này trù phú dễ làm ăn. blabla…

+++–

Vậy thì lý gì từ một “rừng thiêng nước độc”, rắn, cá sấu, cọp và voi… Sau mấy trăm năm vùng đất này đã trở thành nơi trù phú nhứt Đông Dương, và bây giờ là vùng đất giàu có nhứt nước?

Đó, nếu như dân tình mà nhàn hạ thì chắc phải bỏ thây hết tại xứ này, nếu dân Lục tỉnh mà làm biếng muốn ngồi không ăn bát vàng thì làm gì có một Lục tỉnh như ngày nay? hay ngày trước?

“Người ta nói muốn ăn thì lăn vô bếp”

“Có làm thì mới có ăn hông dưng ai sẵn mang phần tới cho”

Chứ của đâu sẵn, đất đâu sẵn, ruộng lúa đâu tự dưng có sẵn chổng đít mà ăn?

Cha người ta chịu thương chịu khó cho con cháu đời sau tuy cũng lao động nhưng bớt cực cái thân đi.

Hông lẽ chúng ta lại quay sang nói tụi Tây, tụi Mỹ bây làm biếng làm nhác cái gì cũng có máy móc tự động, tụi tao làm bằng tay mới là siêng năng đây?

Cũng bởi tổ tiên người ta bỏ công bỏ sức mấy trăm năm lập điền lập thổ con cháu mới có cái hưởng hôm nay, cũng như mấy ông nhà bác học lao tâm nhọc trí sang tạo phát minh cái này cái kia thì hậu nhơn hôm nay mới có cái mà hưởng,

Còn thằng cha lười nhác dốt nát, lại sợ chết sợ dấn thân thì đời con đời cháu phải mang tiếp thân phận “lưu dân chịu nhiều khinh miệt”.

Cớ sao đã mang phận lưu dân sống nhờ đất người ta mà hở mồm ra là chê bai con dân người ta “biếng nhác, rượu chè, hưởng thụ”?

Ủa lạ, cha ông tổ tiên người ta đổ máu gầy dựng cốt để con cháu ăn đời sung sướng chớ không lẽ để chó hưởng? Sao tự nhiên chửi người ta chi tội?

Nếu ai tới vùng đất này hãy luôn yêu thương và bảo tồn văn hóa xứ này.

Xương máu ông cha người ta hết trơn đó đa!

Trên đời này không có gì ăn chùa dễ đâu, mà như bằng ăn chùa thì cũng phải biết mần công quả, biết kính lễ phật trời bá tánh cúng dường, chớ đâu sẵn của bá gia bá tánh mà ngồi không ăn dzậy đa!

Ăn rồi còn coi thường mà hùa nhau hủy hoại mảnh đất con người xứ này thì thể nào cũng bị ông ứng bà hành trợn tròng hai con mắt!

Biết ăn phải biết ơn biết nghĩa,rồi phải biết ráp lại kiến tạo cùng với con người ta, hoặc chí ít tôn trọng xứ người ta chớ không phải chỉ biết ăn hỉ hạ trên xương máu của tiền nhơn và con cháu người ta đâu nha!

Vậy tiền nhơn ông bà tổ tiên của dân Xứ Lục Tỉnh là ai đâu?

Là mấy con người ở hình bên dưới đó đa!




– Cứ ở phải thì lo gì chết đói trên xứ Lục Tỉnh…

• Hết gạo thì có Đồng Nai. Hết củi thì có Tân Sài chở vô.
• Gạo Cần Đước, nước Đồng Nai, Ai về xin nhớ cho ai theo cùng.
• Cám ơn hạt lúa Nàng Co, Nợ nần trả hết, lại no tấm lòng.
• Ruộng gò cấy lúa Nàng Co, Thương anh thì thương đại, đừng để anh gò mất công.
• Ai ơi về miệt Tháp Mười, Cá tôm sẵn bắt, lúa trời sẵn ăn.

(Nguồn: An Nam Yakokuhaiyo)



Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *