Người Việt Nam không thể không đọc lịch sử Việt Nam, đọc lịch sử thì không thể không…

Người Việt Nam không thể không đọc lịch sử Việt Nam

Người Việt Nam không thể không đọc lịch sử Việt Nam, đọc lịch sử thì không thể không đọc kĩ đoạn lịch sử đời Trần đánh thắng giặc Mông Cổ. Có đọc kĩ đoạn lịch sử này mới biết cái công đề tạo tổ quốc của tiền nhân là to mà giống người mình khi xưa vốn không đến nỗi hèn yếu. Không phải mình là con cháu tâng bốc lấy ông cha, dù người ngoại quốc có đọc lịch sử thế giới, mà ngó đến đoạn lịch sử Việt Nam này cũng phải công nhận như thế.
Khoảng thế kỉ thứ 13, giống Mông Cổ nổi lên, trong thế giới không giống nào mạnh bằng. Thế lực bành trướng đến đâu., các nước đổ lướt đến đấy: Đức thua, Nga bại, Ba Tư (Perse) bị diệt, Thổ Phồn (Tibet), Đại Lý (Vân Nam), Trung Quốc. Đến đời Hốt Tất Liệt lên làm vua là lúc giống Mông Cổ toàn thịnh, địa đồ chiếm gần hết châu Á và một nửa châu Âu, Cao Ly, Nhật Bản, Trảo Oa (Javas), Miến Điện, Chiêm Thành, hầu hết các nước nhỏ về phía đông và phía nam đều bị cái nạn Mông Cổ. Lấy cái thế lực hùng cứ như thế, thêm tấm lòng tham lam thượng võ của Hốt Tất Liệt, tinh binh mấy mươi vạn, bọn Toa Đô, Ô Mã Nhi, đều là danh tướng một thời, kéo trành sang nước Việt Nam khi ấy chỉ có khu khu một miếng đất nhỏ, Lưỡng Quảng trở về nam, Thanh, Nghệ trở về bắc, như thế ai không bảo là núi Thái Sơn đè lên quả trứng? Lần thứ nhất về đời Trần Thái Tông còn bảo là dư binh sang thử, sang đến hai lần sau thật là vừa tham vừa tức, chỉ chực nuốt sống nước Nam, nguy hiểm biết là chừng nào?
Thế mà vua tôi nhà Trần chống chọi lại nổi, ta ba lần đánh ba lần, giặc ba lần thua, kết cục quân Mông Cổ tổn tướng hao binh, Thái tử bị nhục, mà nước Việt Nam vẫn nguyên là nước Việt Nam, xã tắc không dời, non sông như cũ, anh hùng thay.
Kỳ 1: Quân Nguyên Mông sang lần thứ hai
Trong khoảng hơn hai năm (1282-1284) vua tôi nhà Nguyên trù tính việc Nam xâm, đến đây đã hoàn bị, quân gia, khí giới, lương thực đã họp ở Hồ Nam và Lưỡng Quảng. Hốt Tất Liệt bèn phong Thái tử Thoát Hoan làm Trấn Nam vương, thống lĩnh chư tướng đem quân sang lấn nước ta. Quân Nguyên chia làm hai đạo: Toa Đô cùng bọn Đường Ngột Đải đem 10 vạn thủy quân, giả tảng sang đánh Chiêm Thành rồi lộn về đánh từ mặt nam đánh lên, còn Thoát Hoan cùng bọn Tả thừa tướng là Lý Hằng thì cầm đại quân đi đường bộ từ mặt bắc đánh xuống. Thoát Hoan đến cửa ải, sai sứ đưa thư, nói rằng mượn đường đi đánh Chiêm Thành và nhờ ít lương thực. Vua Nhân Tông trả lời rằng: “Tự bản quốc sang Chiêm Thành, thủy lục không có đường nào tiện” rồi hạ lệnh cho chư quân phòng giữ.
Quân ta thua ở Lạng Sơn
Tháng Chạp năm Giáp Thân (1284), quân Nguyên đến Lộc Châu (Lạng Sơn), Thoát Hoan lại sai viên Bả tổng là A Lý sang nói rằng: quân đi chỉ vì Chiêm Thành, không có ý gì khác, nếu bằng chống cự thì thiên binh sẽ đánh không tha. Song Hưng Đạo vương không trả lời, cứ việc chia quân phòng thủ các nơi. Thoát Hoan thấy mưu lừa không đắt, bèn thúc quân lên đánh Lộc Châu, núi Kỳ Cấp (Kỳ Lừa) và ải Khả Ly. Ở núi Kỳ Cấp quân Nguyên đánh mãi không tiến được. Nhưng ải Khả Ly và Lộc Châu thì quân ta thua trận, quân Nguyên mới vào cửa Chi Lăng, Hưng Đạo vương phải rút quân về giữ Vạn Kiếp.
Nhân Tông được tin quân thua, liền bỏ kinh thành, ngự một chiếc thuyền con đi ra Hải Đông, Quảng Yên (Quảng Ninh), vời Hưng Đạo vương đến, rồi cho họp quân ở Hải Đông, lại chọn những người khỏe mạnh làm quân tiên phong, vượt bể kéo về. Các vương hầu ở các lộ được lệnh đem quân đến họp, cộng được 20 vạn quân thế lại nổi. Hưng Đạo vương bèn chia đi đóng giữ Bắc Giang chống nhau với giặc.
Khi quân ở Hải Đông kéo về Vạn Kiếp, Nhân Tông có đề câu thơ ở sau thuyền rằng:
“Cối Kê cựu sự quân tu kí
Hoan Diễn do tồn thập vạn binh”
Nghĩa là Cối Kê chuyện cũ người nên nhớ, Hoan Diễn hãy còn mười vạn quân.
Quân ta lui ở Vạn Kiếp
Tháng Giêng năm Ất Dậu (1285) quân Nguyên đã lấy hết các ải ở Lạng Sơn rồi, liền tiến quân đến sông Vạn Kiếp, Hưng Đạo vương dàn chiến thuyền làm trận ở quãng sông cách Vạn Kiếp mười dặm, gọi là Dực thủy quân. Thoát Hoan cùng Ô Mã Nhi thúc quân đến đánh rất hăng hái. Quân ta tháo lui, bỏ chiến thuyền lại cho giặc lấy. Bấy giờ quân sĩ đi đánh giặc,ai cũng có lòng công phẫn nên ai cũng thích vào tay hai chữ Sát Thát, nghĩa là giết giặc Mông Cổ. Trận nay Thoát Hoan bắt được ít nhiều quân ta, trông thấy hai chữ Sát Thát thì giết sạch, rồi kéo quân lên Bắc Ninh cướp phá, kéo quân sang bến Đông Bộ Đầu, dựng cờ đại tướng bên kia mặt sông.
Đỗ Khắc Chung phụng sứ
Quân Nguyên đóng bên kia sông, Nhân Tông muốn sái người thăm dò thực hư, đương phàn nàn vì nỗi khó tìm được người xứng đáng thì có viên Chi hậu cục thủ là Đỗ Khắc Chung khảng khái xin đi, Nhân Tông bèn sai đem thư sang xin hàng. Đến nơi, Ô Mã Nhi đem hai chữ Sát Thát ra trách và nói rằng: “Khinh nhờn thiên binh như thế là tội to lắm đó”. Khắc Chung trả lời rằng: “Đó là tự cái lòng trung phẫn, chúng nó tự thích lấy. Quốc vương tôi không biết đến, ngay như tôi là kẻ cận thần đây, có đâu?” (Vừa nói vừa chìa tay ra cho xem)
Ô Mã Nhi lại vặn: “Thấy đại quân đến sao không lấy lễ tiếp đón, lại chống cự như vậy? Lấy cái tay bọ ngựa mà địch với bánh xe, liệu có nổi không?” Khắc Chung nói: “Tướng quân không lấy nhời sang, lại đem quân đến, bức bách quá nên phải chống cự. Con chim túng thế còn mổ, con thú cùng đường còn cắn, huống chi con người.” Ô Mã Nhi lại nói: “Đại quân mượn đường đi đánh Chiêm Thành, quốc vương đến đây ra mắt thì trong nước yên lặng như không, một mảy lông không động, bằng cứ ương ngạnh thì chỉ trong giây lát là non sông bạt làm đất bằng, vua tôi hóa làm cỏ mục, dẫu hối cũng không kịp nữa đâu.” Khắc Chung nghe vậy chào về. Mã Nhi quay bảo tướng sĩ rằng: “Người này đang lúc oai chế mà ăn nói ung dung tự nhiên như thế, thực đáng gọi là một người đi sứ không nhục mạng vua vậy.”
Toa Đô đánh Nghệ An
Khi ấy Hưng Đạo vương đưa hai vua ra Hải Đông để Bảo Nghĩa vương Trần Bình Trọng giữ Thiên Trường chống nhau với quân Thoát Hoan. Ngày 28 tháng Giêng, Hưng Đạo vương lại xin sai Thượng tướng là Trần Quang Khải đem quân vào giữ Nghệ An phòng quân Toa Đô ở Chiêm Thành lộn về.
Quang Khải vào đến nơi, vừa gặp Toa Đô đã hợp với tướng Chiêm là Ba Lậu Kê và Na Liên đem quân từ Chiêm Thành đánh lại. Quân giặc mạnh quá, Quang Khải không giữ nổi, vừa đánh vừa lùi. Tông thất là Trần Kiện (con Trần Quốc Khang, cháu của Trần Liễu) và kẻ thuộc hạ là Lê Thắc đem cả gia quyến hàng về quân Nguyên. Bọn này đi đến địa phận Lạng Giang (Lạng Sơn) qua trại Ma Lục người thổ hào ở đấy là Nguyễn Thế Lộc và Nguyễn Linh cùng với gia nô Hưng Đạo vương là Nguyễn Địa Lô đem quân ra đánh. Địa Lô bắn chết Trần Kiện, quân Nguyên bỏ chạy. Lê Thắc để xác Trần Kiện lên mình ngựa chạy đến Ôn Châu, Lạng Sơn thì chôn rồi trốn sang Tàu.
(Kì sau: Trần Bình Trọng tử tiết, Hai vua vào Thanh Hóa, Trận Hàm Tử quan, Chương Dương Độ)
Nguồn: trích trong cuốn Việt sử đại toàn – Mai Đăng Đệ
(còn tiếp)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *