CHIẾN TRANH NHÂM THÌN.(5)
(Lược dịch: Imjin War – Samuel Hawley.)
*kì trước kết thúc bằng những đàn phán đầu tiên giữa nhà Minh với quân Nhật yêu cầu rút khỏi thủ đô, link dưới cmt.
Kì 5: Đàm phán căng thẳng.
Giữa mùa hè năm 1593, người Nhật dậm chân tại chỗ trong chuỗi pháo đài dài hơn 80km quanh Pusan. Phía Hàn Quốc thì liên tục hối thúc người Trung Quốc tổ chức tổng tấn công, đẩy lùi hẳn quân Nhật ra bờ biển. Người Trung Quốc thì lần lữa, tìm cách từ chối. Với những thiệt hại mà họ phải chịu tại Bình Nhưỡng và Pyokje cộng với việc, Nhật Bản không còn là vấn đề quá đáng lo với Bắc Kinh. Giờ đây, họ muốn kết thúc cuộc chiến trên bàn đám phán. Phe Nhật Bản cũng sẵn sàng hòa đàm; họ muốn xem xét xem các điều khoản nhượng bộ từ phía người Trung Quốc liệu có thể thuyết phục được Hideyoshi không.
Cuối cùng nhờ sự đồng thuận từ cả hai phía, cuộc chiến tạm ngưng trong ba năm nhưng đó là trước khi người Hàn nếm đòn đau cuối cùng. Vào tháng 7 năm 1593, quân Nhật hành quân tới thành phố phía nam, Chinju, để gỡ lại trận thua tháng 11 năm trước, trận chiến mà tướng đồn trú Kim Si-min và người của mình chống lại lực lượng đông gấp bốn lần. Lần này, các thuộc hạ của Hideyoshi quay lại với đội quân 93.000 người. Chúng chỉ phải đối mặt với 3.000 – 4.000 quân Hàn, dưới sự lãnh đạo của vài cái tên đáng chú ý như: Hwang Jin, sĩ quan vùng Chungchong; Choi Kyung-hoe, sĩ quan vùng Kyongsang; Kim Chol-Il, cựu quan lại nay đang cầm đầu một nhóm du kích địa phương. Sẽ chẳng có cách gì để nhóm người nhỏ bé này có thể kháng cự trước cường địch quá vượt trội về quân số, binh đoàn Nhật sắp tấn công có lẽ là đông nhất trong một cuộc chiến từ khi bắt đầu chiến dịch. Hồng y tướng – Kwak Jae-u biết điều này và khuyên bạn mình, Hwang Jin, đừng phí mạng để cố gắng bảo vệ Chinju. Hwang thừa biết Chinju khó giữ, nhưng ông vẫn quả quyết với Chol-Il và những người khác rằng, ông sẽ tử thủ tới cùng. Kwak Jae-u đành buồn bã rời thành, biết có lẽ sẽ chẳng bao giờ gặp lại người bạn của mình nữa. Trong thành, các nghĩa sĩ thành Chinju dự trữ lương thực, phong tỏa cổng thành, sẵn sàng nghênh địch.
Trung tuần tháng 7, một làn sóng ồ ạt quân Nhật rời khỏi các thành trì tại Pusan theo hướng tây, không quên cướp bóc và đốt phá trên đường hành quân. Sự bạo tàn của chúng khiến hàng ngàn người dân kinh hoàng, tìm về Chinju trú ẩn. Vào ngày 19 cùng tháng, tòa thành này đã “nằm giữa muôn trùng vây”, chẳng khác con tàu nằm trơ trọi giữa biển khơi. Cuộc vây hãm diễn ra ngay ngày hôm sau, bộ binh Nhật sử dụng tối đa hỏa lực để làm cho người Hàn bận rộn và nản lòng, trong khi nhanh chóng lấp con hào ở tường phía bắc. Ngay sau khi lấp xong hào, một nhóm công binh áp sát tường thành và bắt đầu bẩy các tảng đá từ chân thành. Chúng thất bại sau khi bị lính thủ thành đổ một thác đá vào đầu, vài tên mất mạng và đám còn lại thụt về phía sau.
Giao tranh không ngừng, cả ngày lẫn đêm từ ngày ngày 21 tới ngày 24. Quân Nhật thay nhau hãm thành, cố gắng khoét đá khỏi tường thành. Cơn mưa vào ngày 25 quả là món quà cho người Hàn, ít nhất họ có quãng nghỉ trong khi kẻ thù không thể tiếp tục dùng súng hỏa mai. (Thực ra trong thế kỷ 16, người Nhật đã tìm được cách cải tiến để súng của mình có thể dùng trong cả trời mưa, nhưng cách này không mấy hiệu quả trong việc giữ dây dẫn hỏa và thuốc súng khô ráo). Tuy nhiên, cơn mưa như trút nước lại vô tình xối trôi các lỗ hổng trên tường thành làm chúng yếu đi hẳn.
Trong quãng nghĩ giữa hiệp này, tướng Nhật gửi thư chiêu hàng, trong này viết: “Người Trung Quốc đã từ bỏ rồi. Sao các người còn dám ngoan cố đối đầu với bọn ta?”. Chỉ huy Kim Chon-Il gửi thư đáp trả qua bức tường: “30 vạn lính Trung Quốc sắp đến đây giải vây rồi. Tới lúc đó, các ngươi sẽ về với cát bụi”. Sau khi đọc được những dòng này, lính Nhật bắt đầu chế giễu bằng cách sắn quần lên đầu gối, giả cách binh tướng Trung Quốc tháo chạy.
Từ doanh trại của mình ở ngoại thành, Kato Kiyomasa đang nung náu chiến thuật công thành mới. Hắn đang có trong tay một quân giới chuyên dụng tên kame no kosha (toa xe rùa), một chiếc trọng xa với phần mái che bằng gỗ, dày cộp. Chiếc xe này sẽ tiến sát tường thành, che chắn cho những anh chàng với chiếc xà beng làm việc trong xe khỏi làn đất đá từ trên thành ném xuống. Trở lại cuộc chiến, người Hàn biết những gì đang diễn ra dưới chân mình nhưng chẳng thể làm gì để ngăn cản, các mũi tên, đất đá của họ đều vô dụng. Thế rồi vài người nghĩ ra sáng kiến ném bông tẩm dầu lên nóc chiếc xe rùa, rồi bắn tên châm lửa. Kato nhanh chóng nhận ra khuyết điểm, sản xuất thêm nhiều xe, lần này có cả đồ chống cháy.
Người Nhật cũng gia tăng áp lực lên mọi góc của tòa thành. Các chòi bắn cao được dựng lên trước cổng đông và tây, với một bên dựng rào tre để che chắn cho xạ thủ. Phía sau trong tường thành, Hwang Jin, Kim Chon-il, và cả huyện lệnh Kimhae, Yi Chong-in, vẫn chiến đấu miệt mài, dù nhiều người trong số họ đã gần kiệt sức. Trong phút giải lao ngắn ngủi, Hwang Jin dựa lưng vào tường, phóng tầm mắt ra ngoài để xác định tình hình: “Hào chiến ngoài kia chật kín xác chết, phải đến cả ngàn mạng người”. Ngay lúc đó, một tay súng Nhật đứng ngay dưới chân thành, nhắm ngay đúng đầu Hwang và tặng cho người chỉ huy vùng Chungchong một viên đạn ngay giữa hộp sọ.
Vào ngày 27/7, chiến thuật công thành lặp đi lặp lại của quân Nhật cuối cùng cũng phát huy tác dụng khi chúng phá sập một mảng tường. Quân dân Hàn trong thành kêu lên với Kim Chong-Il: “Chỉ huy, quân giặc phá vỡ được tường thành rồi, chúng ta phải làm sao đây?”. Kim quả thật không còn biết phải ra chỉ thị gì tiếp theo nữa. Ông không đủ người để tiếp tục kháng cự, mọi người đều kiệt sức sau cả tuần chiến đấu, chẳng còn lại mấy mũi tên nữa cả và bây giờ thì chẳng còn đường máu nào thể tháo chạy. Vài người định quyết chiến tới cùng với gươm, giáo. Vài kẻ thì tuyệt vọng đi từ góc thành này tới góc thành kia tìm cách thoát thân giữa bốn bề vây hãm. Khi quân Nhật tràn vào xé tan tòa thành, Kim Chong-Il cùng con trai cả Kim Sang-gon và các chỉ huy Choi Kyong-hoe, Ko Chong-hu chạy tới đình Choksongnu nhìn ra bờ sông Nam. Sau khi cùng nhau hướng đầu về kinh đô, nhớ về nhà vua của mình, họ khóc một hồi rồi cùng nhau gieo mình xuống sông tự vẫn.
Riêng có Yi Chong-in vẫn ở lại chiến đấu tới chết. Sau cùng, ông khống chế một lúc hai lính Nhật, kéo chúng tới tảng đá trên bờ sông Nam. Ông hét lớn: “Huyện lệnh Kimhae, Yi Chong-in đã chết tại đây!” rồi kéo cả ba xuống dòng sông chảy siết.
60.000 là con số nhân mạng ít nhất bên phía Hàn Quốc trong trận Chinju lần hai. Họ hầu hết bị giết sạch sau khi Nhật hoàn toàn chiếm được thành phố. Kato, Ukita và Konishi hoàn toàn không biết tới sự thương xót. Trong cơn điên cuồng trả thù một quốc gia không chịu nô dịch, chúng giết tới từng con vật, kéo từng bức tường, đốt từng tòa nhà, lấp từng cái giết, chặt từng cái cây. Chinju bị xóa sổ theo đúng nghĩa đen. Kể từ lúc Nhâm Thìn chiến bắt đầu, không có nơi nào bị hủy diệt triệt để và cũng chẳng có nơi nào rừng rực ngọn lửa trung thành, nghĩa đảm như Chinju.
Trong bối cảnh đó, hoạt động đàm phán Trung – Nhật đứng trước nguy cơ đổ vỡ. Để níu giữ giao kèo, các phái viên của Hideyoshi đã thay đổi yêu cầu của ông nhiều tới mức, cuối cùng, phía Bắc Kinh tin rằng những kẻ xâm lược sẵn sàng nhận làm chư hầu, thuần phục nhà Minh.