HÁN SỞ TRANH HÙNG.
(Lược dịch từ: Dragon’s Amory.)
Chương 1: Hạng Vũ.
Cổ ngữ Trung Quốc có câu: “nhất minh kinh nhân”. Câu này dành cho Sở Trang vương, lãnh chúa vĩ đại vực dậy nước Sở và vươn lên đỉnh cao sự nghiệp khi được liệt vào “ngũ bá”. Sở Trang vương trải qua thời niên thiếu như một kẻ ham chơi, ngạo mạn. Nhưng từ khi chuyên tâm trên con đường sự nghiệp của mình, ông và tập đoàn của ông nhanh chóng thu phục nhiều vùng đất láng giếng, đánh bại nước Tấn, kẻ thù lâu đời của Sở. Trang vương uy chấn thiên hạ, vượt lên trên tất cả, chế ngự các lãnh chúa yếu hơn và đã có lúc gần chạm tới vị trí quyền lực của vua Chu. Hành trình “kinh thiên, động địa” của ông từ một gã trai xốc nổi tới khi chinh phục gần như cả quốc gia quả đúng là: “nhất minh kinh nhân”, ví với kẻ tưởng như tầm thường, nhưng lại làm được việc khiến ai nấy đều phải kinh ngạc.
Từ “bá” trong danh hiệu “ngũ bá” có nghĩa tương tự từ “tyrrannos” trong tiếng Hy Lạp, dùng để chỉ kẻ cai trị có quyền lực tuyệt đối, áp chế tất cả. Nghĩa gốc của từ “bá” dùng để gọi các vị vua hay lãnh chúa vĩ đại, nó không mang nghĩa tiêu cực và được dùng cho bất kỳ nhà lãnh đạo nào, bất luận tốt xấu giành được quyền hành pháp cao hơn trước các nước láng giềng. Trong thời Xuân Thu, từ “ngũ bá” được dùng để gọi những lãnh chúa tài năng nhất, quyền lực nhất.
NHẤT MINH KINH NHÂN.
Không biết Sở Trang vương có tiên liệu được, sau cái chết của ông hàng thế kỷ, khi nước Sở quê hương ông đã hoàn toàn diệt vong, liệu còn một hậu duệ đất Sở nào dám đứng lên làm cả thế giới kinh ngạc? Thế nhân còn có thể thấy một chàng trai vô danh bước lên đỉnh danh vọng, một “bá vương” oai phong nữa không? Chương đầu tiên này, sẽ xoay quanh sự sụp đổ của triều đại đầu tiên trong lịch sử Trung Hoa, nhà Tần. Cùng với đó là câu chuyện về những năm tháng đầu tiên, của người đàn ông đã trực tiếp làm nên điều này. Tên anh ta là Hạng Vũ, kẻ tự mình đứng trên chiến trường, từng bước hủy diệt đội quân tàn bạo nhất Trung Hoa.
SỐNG DẬY TỪ TRO TÀN.
Nước Sở thịnh trị nhất trong thời Sở Trang vương. Dù điều này không kéo dài liên tục, Sở vẫn luôn là nhân vật nổi bật trong cả giai đoạn Xuân Thu – Chiến Quốc, quốc gia này là đối thủ đáng gờm nhất của nước Tần. Chỉ khi diệt được Sở, Tần mới có cơ hội giữ được uy quyền tối thượng.
Sau cái chết của Hoàng đế đầu tiên, Tần quốc đứng trên bờ vực sụp đổ trước các cuộc khởi nghĩa. Hàng triệu người từng rên siết dưới chế độ hà khắc của Tần vương, giờ đây, có đầy đủ cơ hội để nổi dậy tại mọi vùng đất khắp đế quốc. Hãy nhớ rằng, trong tâm khảm của các tiểu quốc vừa bị nhà Tần sát nhập, người Tần là những kẻ ngoại lai. Chỉ mới hơn một thập kỉ trước, toàn bộ các tiểu quốc này bị Tần xóa sổ. Những quốc gia này có tuổi đời hàng thế kỷ, hoặc thậm chí như nước Sở đã tồn tại hàng thiên niên kỷ từ thời nhà Chu. Đối với lịch sử dài lâu của từng quốc gia, sư thống nhất của nhà Tần chỉ là điểm gián đoạn đột ngột, không mong muốn. Nói một cách đơn giản, nhà Tần đã bành trướng quá nhanh mà không kịp xây dựng một nhà nước tập quyền, hợp nhất đủ mạnh, trước khi hoàng đế đầu tiên qua đời. Giờ đây, Tần đối mặt với nguy cơ bị lật đổ bởi bất cứ vùng đất nào trên khắp thiên hạ.
Không thể bàn cãi về việc, những ý niệm hoài tưởng về cố quốc ở từng mái nhà đã ngăn cản mọi nỗ lực đồng hóa của nhà nước. Những ký ức tươi đẹp xen lẫn với thứ cảm xúc kinh hoàng ở thực tại, khi mỗi góa phụ, mỗi người dân, đều biết về những thứ Tần vương sẽ tước đi từ họ: có thể đó là một người chồng, một người anh trai. Rồi sẽ có thêm bao nhiêu đứa con của họ sẽ trở thành nô lệ, trong tương lai nghiệt ngã.
Vì vậy, nhiều người sẵn sàng làm bất cứ điều gì để tái thiết lại đất nước vừa diệt vong của họ, phải khôi phục bằng được lối sống quen thuộc trước đây. Khi Tần Thủy Hoàng để lại mọi thứ cho người con non trẻ và ngu dốt của mình, tất cả đều biết thời cơ đã sắp chín muồi. Nhưng ai, ai sẽ là người tận dụng thời cơ đó đây?
Khóm lửa đầu tiên bùng cháy chỉ vài tháng sau khi Tần Thủy Hoàng băng hà năm 209 TCN. Trần Thắng và Ngô Quảng tiến hành nổi loạn ở miền nam Trung Quốc, nơi xưa kia là đất Sở. Ban đầu lực lượng của họ chỉ có 1.000 người tham gia, nhưng chỉ vài tháng sau con số này tăng lên 10 lần, với thành phần chủ yếu là các nông dân bất mãn. Người của Trần Thắng tôn ông lên làm Sở vương, ông và đồng sự Ngô Quảng sớm trở thành trung tâm khởi nghĩa trên toàn quốc. Cuộc nổi dậy đối mặt với toàn bộ sức mạnh vượt trội từ đội quân kỷ luật của triều đình do tướng Chương Hàm lãnh đạo, và bị nghiền nát chỉ trong vòng năm tháng. Những đốm lửa đầu tiên đã bị dập tắt một cách tàn khốc.
Bị dồn vào chân tường, Trần Thắng, Ngô Quảng và người của mình đã thất bại toàn tập. Cả hai cuối cùng bị sát hại bởi những kẻ phản bội dưới trướng mình. Nhưng, chắc chắn, cuộc nổi loạn của họ đã khởi đầu nhiều bước ngoặt mới mẻ cho dòng chảy lịch sử.
Tuy nhiên, lịch sử đã chứng minh cuộc nổi loạn của Trần Thắng và Ngô Khởi tuy thất bại nhưng không hoàn toàn vô nghĩa. Dù phải nhận lấy cái kết bi thảm, nhưng cả Trần và Ngô trở thành một hình mẫu tư tưởng để các thế hệ phiến quân sau này noi theo. Tư tưởng ấy thể hiện rõ nhất qua lời hùng biện của Trần: “Vương hầu tướng tướng ninh hữu chủng hồ?” (Tạm dịch: Vương, hầu, khanh, tướng, há chắc gì đã là con dòng cháu giống!). Ông khẳng định, con người bất kể hoàn cảnh xuất thân, chỉ cần quyết chí lập nghiệp đều có thể làm nên công trạng. Lời của Trần Thắng khơi dậy hùng tâm đoạt thiên hạ trong lòng mọi người đàn ông bất mãn với nhà Tần. Từ đây, thời đại của các trang nam nhi chính thức bắt đầu.
Chẳng mấy chốc, lò lửa nổi loạn lại bùng lên. Lần này địa điểm bùng phát không làm ai bất ngờ, lại là đất Sở, vùng đất trước kia là kẻ thù không đội trời chung với nước Tần. Nhiều thập kỉ trước, chỉ khi hạ được Sở, Tần mới có thể yên tâm ngự ở đỉnh cao uy quyền. Do đó, lời kêu gọi của Sở có sức hiệu triệu lớn lao tới toàn thiên hạ. Mặc dầu, quân Tần đã gần như tận diệt hoàng tộc Sở, nhưng những nhà lãnh đạo phiến quân này sẵn sàng thay thế, hồi sinh hình ảnh Sở vương để phục vụ cho mục đích của họ.
DÒNG MÁU ÁI QUỐC.
Hạng Lương, chú của Hạng Vũ là kiến trúc sư trưởng đầu tiên cho công trình phục sinh nước Sở. Ông có lẽ là hình tượng một nhà lãnh đạo dũng mãnh trong chiến đấu, không kém phần tài năng trong chính trị mà Hạng Vũ sau này noi theo. Xuất thân từ một gia đình Sở giàu truyền thống yêu nước, rất nhiều thành viên trong gia tộc ông đã hy sinh tại các trận chiến với người Tần trong quá khứ. Một trong số đó là ông nội Hạng Vũ, danh tướng Hạng Yên. Những ký ức hào hùng thôi thúc từng người trong gia tộc này ngày qua ngày quyết chí xây dựng lại Sở quốc từ nắm tro tàn. Hạng Lương là một chính khách giỏi, ông đặt những viên gạch vững chắc xây nên phe cánh riêng cho mình, làm tiền đề cho cuộc kháng Tần lâu dài sau này. Nhiều năm sau đó, rất nhiều chiến binh từ thời của ông đóng vai trò quan trọng trong mọi vinh quang mà nước Sở dành được.
Là dòng dõi tướng lĩnh lừng lẫy, ông của Hạng Vũ hy sinh trong một trận chiến với quân Tần. Vũ lớn lên với sự giám hộ của người chú Hạng Lương.
Bằng cách đặt Hoài vương lên ngai vàng, và thao túng quyền lực thông qua ông. Hạng gia tận dụng một cách hiệu quả nỗi niềm luyến tiếc của dân Sở dành cho cố quốc của mình. Nhờ ngọn hải đăng này, Hạng Lương đã thổi bùng ngọn lửa kháng chiến.
Đội quân của gia tộc họ Hạng nổi lên với danh tiếng của một dòng họ kiên trung với nước Sở suốt hàng thể kỷ. Được dẫn dắt bởi Hạng Lương, một võ tướng can trường nhưng đồng thời cũng là một chính khách lọc lõi. Ông chính là nhân vật hội đủ yếu tố khiến nhà Tần phải đau đầu. Bằng sự khôn ngoan, ông cùng cháu trai Hạng Vũ nhanh chóng kết nạp các phiến quân xung quanh, đánh bật lực lượng quân Tần ở phía đông nam, và dựng lên vị vua bù nhìn mới: Sở Hoài vương.
Hoài Vương được công nhận là huyết thống cuối cùng của hoàng tộc Sở, ông trở thành chính thể hữu hình đại diện cho một quốc gia độc lập. Còn Hạng Lương tự phong mình làm Thượng trụ quốc, tương đương chức Tướng quốc. Họ Hạng có ngọn hải đăng riêng cho quân đội của mình, hàng ngàn người ồ ạt gia nhập Hạng quân dưới lá cờ nước Sở.
Nhưng Sở Hoài vương non nớt chỉ là bù nhìn, không có giá trị gì hơn một con dấu, mọi quyền lực thực sự nằm trong tay Hạng Lương. Thông qua Hoài vương, Hạng gia có đủ lý do để trực tiếp chiến đấu chống lại nhà Tần. Lương quả là mãnh tướng, trong vòng một tháng, ông và khoảng 70.000 người của mình giành được những chiến thằng đầu tiên trước quân Tần tại Đông A và Định Đào.
Thưở niên thiếu của Hạng Vũ không mấy ấn tượng. Mặc dù sở hữu sức mạnh phi thường (người đời kể rằng, anh có sức khỏe tay không nâng được cả cái đỉnh nặng ngàn cân), Vũ là một thanh niên nhàn rỗi, không thích học hỏi và rèn luyện. Dù được giao trọng trách phục Sở, anh vẫn cứ dành nhiều thời gian cho săn bắn. Anh được Hạng Lương dẫn dắt, rong ruổi khắp miền năm trong suốt những năm đầu đời. Sau khi chú mình tuyên bố lật đổ nhà Tần, anh trở thành một vị tướng. Vai trò lãnh đạo đi kèm trách nhiệm lớn lao giúp Vũ trưởng thành, dần dần biến anh trở thành trở thành một trang anh hùng đầy lôi cuốn.
Với mỗi chiến thắng, Hạng Lương càng củng cố được danh tiếng lãnh đạo của mình ở miền nam Trung Hoa. Lúc này, một gã nông dân lanh lợi, đang cầm đầu một nhóm phiến quân kháng Tần tới xin gia nhập Hạng gia quân, tên hắn là Lưu Bang. Hạng Vũ và Lưu Bang lần đầu chiến đấu cùng nhau trong trận Thành Dương.
Từ một thủ lĩnh nông dân gia nhập Hạng gia quân, dưới trướng chú cháu họ Hạng. Rồi đây, tên của Lưu Bang sẽ lưu danh sử sách.
Có vẻ như những kết quả thuận lợi liên tiếp lại đang hại chính bản thân họ Hạng, sau nhiều trận thắng, Hạng Lương trở nên tự mãn, tin vào thiên mệnh của mình hơn bao giờ hết. Năm 208 TCN, ông dẫn quân của mình chạm trán với Chương Hàm, danh tướng năm xưa đè bẹp Trần Thắng và Ngô Quảng, trong trận Định Đào lần hai. Do đánh giá thấp Chương Hàm, quân Sở bị phục kích thua to, Hạng Lương thì tử trận. Sau khi chém Hạng Lương, Chương Hàm hành quân theo hướng bắc, trực chỉ tới Cự Lộc.
Thế là vận mệnh của Hạng gia và cả nước Sở đặt trên vai một cậu chàng vô danh mới chỉ 25 tuổi. Nhà Tần nghĩ rằng mình có thể thở phào nhẹ nhõm sau cái chết của Hạng Lương, nhưng họ không biết, chính từ đây kết cục của Tần quốc mới chính thức được ấn định.
THỊNH NỘ.
Khi chú mình qua đời, Hạng Vũ chỉ là một trong hàng trăm kẻ vô danh khó sống sót để mà tiếp tục đe dọa tới ngai vàng của vua Tần. Thế nhưng, chỉ sau một năm nắm quyền, tiếng thét của anh kinh động toàn cõi.
Hạng Vũ đau đớn vì cái chết của chú mình, anh khát khao phục thù quân Tần. Cơ hội nhanh chóng đến với anh, một cơ hội vừa để báo thù vừa để anh hiện thực tiếp giấc mộng mà người chú đang còn dang dở. Quân Sở cần Hạng Vũ dẫn dắt tới Cự Lộc. Năm 208 TCN, cũng như Sở; Triệu, Yên và Tề đều tuyên bố ly khai. Toàn bộ bờ phía đông Trung Hoa đều nổi dậy. Đây là lúc tất cả phải cùng hợp lại với nhau lật đổ nhà Tần.
Tân vương nước Triệu, Triệu Yết thất bại trong các chiến dịch của mình ở phía bắc; lúc này, bị buộc phải tháo chạy khỏi kinh đô và bị quân Tần vây tại Cự Lộc. Tiến hành vây hãm Cự Lộc là tướng Tần Vương Ly cùng binh đoàn 200.000 quân của mình. Còn Trương Hàm với 200.000 quân thì cắm trại ở gần đó.
CỨU TRIỆU.
Bị siết chặt trong vòng vây tứ phía của quân Tần suốt nhiều ngày. Triệu Yết tuyệt vọng gửi lời cầu cứu tới thủ lĩnh tất cả các lộ phiến quân xung quanh, trong đó có Sở Hoài vương. Để ứng phó với tình hình nguy nan, Hoài vương tổ chức hai đợt tấn công quân Tần vào tháng 10 năm 208 TCN: lộ đầu tiên do Tống Nghĩa làm chủ tướng, Hạng Vũ làm phó tướng. Nhiệm vụ của lộ này là giải vây thành Hàn Đam ở phía bắc. Lộ thứ hai, do Lưu Bang chỉ huy đánh thẳng vào trọng địa Quan Trung của Tần. Sở Hoài vương giao ước với chư hầu: “Ai vào Quan Trung trước sẽ cho người ấy làm vua”. Có lẽ Hoài vương không nghĩ rằng, lời hứa có phần vu vơ này của ông sẽ được người đời sau nhớ đến mãi.
TIẾN ĐÁNH TẦN.
Đông và tây. Nhà Tần tập quyền ở phía tây, do đó, các quốc gia phía đông là những quốc gia cuối cùng bị sát nhập và cũng là những nơi đầu tiên vùng lên. Hạng Lương cùng Hoài vương tìm cách thúc đẩy toàn bộ các chư hầu miền đông (bao gồm cả Triệu, Yên và Tề) bằng cách nhiệt thành hỗ trợ cho họ trong các chiến dịch kháng Tần. Sau thời Hạng Lương, Hoài vương tiếp tục thực hiện chính sách này bằng việc gửi Hạng Vũ tới vùng đông bắc để cứu Triệu và để Lưu Bang tấn công trái tim của nước Tần ở Quan Trung. Quyết định định mệnh này sẽ có tác động rất lớn tới tương lai.
Để giải cứu cho Triệu, Sở gồm 50.000 binh sĩ tiến thẳng hướng bắc dưới sự chỉ huy của một Tống Nghĩa thận trọng và một Hạng Vũ bốc đồng. Toàn bộ binh lực miền bắc dồn về Cự Lộc để cứu Triệu.
HỘI QUÂN TẠI CỰ LỘC.
Toàn bộ phiến quân miền bắc tập trung tại Cự Lộc để đối địch với nửa triệu quân địch. Tần chia đôi nửa triệu quân thành hai phần. Một phần do Chương Hàm cầm binh, với khoảng 200.000 – 300.000 quân. Phần còn lại do thuộc tướng của Chương Hàm, Vương Ly dẫn dắt. Toàn bộ binh đoàn khổng lồ này được trang bị tốt và rất giàu kinh nghiệm chiến đấu. Đó là lý do, cần tập hợp tổng lực tất cả các đạo quân phía bắc mới mong có thể đối chọi lại được quân Tần.
Tất cả đều ở Cự Lộc. Chàng trai trẻ Hạng Vũ biết, ba tháng sau cái chết của người chú, đây là thời khắc anh phải tự lực chiến đấu để giành lấy thế giới về cho riêng mình. Chờ đón chương tiếp theo để chứng kiến quá trình Hạng Vũ xây dựng sức mạnh bất khả chiến bại của mình, để từ đó đánh bại đội quân hùng mạnh nhất Trung Hoa trong suốt hàng ngàn năm. Hạng Vũ rồi sẽ cất tiếng thét của mình.