BÍ MẬT CỦA CUỘC SỐNG VÀ CÁI CHẾT KHI ĐƯỢC KỂ LẠI BỞI NGƯỜI BÁC SĨ
Bác sĩ được ví như thiên thần cứu sống con người giữa lằn ranh sự sống và cái chết. Có những câu chuyện thần kỳ viết về họ, hoặc cũng chính do họ viết để chia sẻ những tâm tư, triết lý sống và nghề y đến các độc giả. 7 quyển sách sau là tập hợp những tác phẩm được viết bởi những người hành nghề y và về nghề cứu mạng người mà mình đã đọc.
1. Bước vào cửa hiệu nhiệm màu
James R.Doty là một giáo sư lâm sàng về phẫu thuật thần kinh tại Đại học Stanford và cũng là người sáng lập và giám đốc của Trung tâm Nghiên cứu và Giáo dục Từ bi và Giáo dục, một chi nhánh của Viện Khoa học Thần kinh Stanford. Quyển sách là một cuốn tự truyện về cuộc đời ông, từ khi còn là một đứa trẻ với một tuổi thơ đầy đau đớn, cho đến khi trở thành một bác sĩ phẫu thuật thần kinh danh tiếng và giáo sư lâm sàng phẫu thuật thần kinh thuộc trường Đại học Stanford. Cuốn sách có tác dụng xốc lại tinh thần cho bản thân nhất là khi chẳng thích thú gì với những dòng chỉ dẫn khô khan nhàm chán. Một cuốn sách nói về suy nghĩ tích cực, những phương pháp trị liệu tâm lý trong cuộc sống. James Doty hướng người đọc đến chặng đường cuối cùng của nhận thức, là thành quả của sự liên kết giữa bộ não và trái tim, đó là lòng trắc ẩn và vị tha. Một con đường hoàn hảo được ghi chép bằng cả trái tim.
Có một điều khá thú vị là cuốn sách Bước vào cửa hiệu nhiệm màu đã gây cảm hứng cho nhóm nhạc BTS nổi tiếng sáng tác bài Magic Shop để cổ vũ và ủng hộ các fan hâm mộ của mình. Lời bài hát như thay cho ý nghĩa cuốn sách, tạo nên một không gian an ủi bạn vào những ngày bạn cảm thấy cuộc sống thật khó khăn.
2. Vô thường
Cuốn sách là góc nhìn đầy nhân văn của bác sĩ Nguyễn Bảo Trung hàng ngày chứng kiến những mảnh đời chấp chới giữa hai bờ sinh tử. Con người ta sinh ra, bàn tay nắm chặt. Con người ta chết đi, hai tay buông thõng, được mất bại thành bỗng chốc hoá hư không. Cuốn sách như một tấm gương, để khi soi vào đó người ta bất giác phải giật mình vì suốt thời gian qua mình đã “sống nông” như thế nào, vô tâm vô tình ra làm sao với người thân, bạn bè và ngay cả với chính bản thân mình. Sách mỏng và chuyện cũng ngắn, nhưng sự rung động mạnh mẽ cuốn sách mang lại sẽ không dễ dàng tan biến đi khi trang sách cuối cùng khép lại.
3. Khi hơi thở hóa thinh không
Khi hơi thở hóa thinh không là cuốn tự truyện dở dang của bác sĩ phẫu thuật thần kinh Paul Kalanithi, người bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư phổi ở tuổi 36, thời kỳ đỉnh cao sự nghiệp của anh. Chết có gì đáng sợ, dũng cảm đối mặt & chiến đấu với cái chết đó mới là thứ cao đẹp mà không nhiều người làm được. Tác giả đã cho cả thế giới thấy một cái nhìn đầy chân thực về tình cảnh của một con người văn minh lúc cận kề cái chết. Đủ mọi cung bậc cảm xúc hỷ nộ ái ố, từ hy vọng tới tuyệt vọng, từ buồn đau tới sung sướng, và trên tất cả, là một sự nuối tiếc cho một sự nghiệp sắp tới đỉnh cao biểu hiện rõ nhất bằng việc khi anh lìa đời thì đây là một cuốn sách vẫn chỉ còn là bản thảo.
4. Lạc quan gặp niềm vui ở quán nỗi buồn
Lạc quan gặp niềm vui ở quán nỗi buồn là tự sự về chuyện đời, chuyện nghề của bác sĩ Dương Minh Tuấn trẻ tuổi, do đặc thù của nghề nghiệp, đã chứng kiến không biết bao nhiêu mảnh đời chơ vơ bất hạnh, những cái chết không được báo trước, cũng như chính bản thân đã trải qua nhiều đau thương, mất mát từ bạn bè, gia đình. Bên cạnh nỗi buồn thì đồng hành xuyên suốt quyển sách, đó là sự lạc quan, yêu đời, yêu người của một tâm hồn đa cảm. Có những mẩu chuyện vụn vặt nhưng rất hài hước, và mình nghĩ đây sẽ là sự lựa chọn thư giãn, giải lao tuyệt vời.
5. Ai rồi cũng chết
Tác giả Atul Gawande hiện là một bác sĩ phẫu thuật đang công tác tại bệnh viện Brigham and Women’s ở Boston kiêm giáo sư giảng day tại khoa y dược và khoa y tế công cộng thuộc đại học Harvard. Ai rồi cũng chết đặt ra các suy tư: việc chấp nhận tuổi già là một điều khó khăn mà mỗi người già đều trải qua, nhưng rõ ràng là họ không thực sự sợ chết. Đơn giản là cuộc sống tích lũy sự từng trải, và họ dễ dàng chấp nhận hơn, họ biết cái chết là điểm cuối của cuộc đời. Trong truyện có một phần khá dài nói về vấn đề “nhà trợ sinh”. Nói một cách đơn giản, đây là sự chuyển tiếp từ nhà đến viện dưỡng lão. Những người già thay vì trở thành những con rối, cảm thấy mất hết sức sống, họ có thể sống cuộc sống không mấy thay đổi, vẫn còn tự do, vẫn còn cảm nhận được mình độc lập, nhưng vẫn có sự trợ giúp từ các nhân viên của dịch vụ này. Người ta lựa chọn đấu tranh với bệnh tật hay là chết không đau đớn. Thực lòng hiểu biết của mình hạn hẹp lắm, hạn hẹp về mọi mặt luôn. Trước hết là việc xem phim, mình luôn thấy gia đình người bệnh luôn nuôi hi vọng về việc chữa khỏi bệnh, rồi thì việc người bệnh cố gắng kéo dài sự sống. Mình coi đó là chân lý luôn, con người ta luôn muốn sống mà. Đối với mình thì sống dù đau đớn nhưng cũng phải cố gắng, vì bản thân, vì gia đình. Có những người được giữ trong trạng thái hôn mê sâu, chết lâm sàng nhưng gia đình vẫn luôn giữ hi vọng họ tỉnh lại… Đôi khi mình tự hỏi những người như thế có phải chịu đau đớn không nhỉ?
6. Để yên cho bác sĩ hiền
Mình mua cuốn sách này là bởi anh Ngô Đức Hùng vốn rất ngoa. Ai đọc những chia sẻ của anh trên mạng xã hội sẽ biết vị bác sĩ này “đanh đá” thế nào. Bởi vậy, vừa đọc tên sách là mình bật cười vì “không lẫn đi đâu được. Ngoài chuyện nghề thì trong sách có cả chuyện đời, đời “mình” và đời những người “mình” quan sát được. Cá nhân mình có nhiều đồng cảm với anh trong cách nghĩ về cuộc sống, về đồng tiền, về con người, về quá khứ và việc làm chủ vận mệnh. Anh cũng từng rời khỏi cuộc sống bon chen để về quê, sống cuộc sống đơn giản mà anh mong muốn, để rồi vận mệnh đã đưa anh “trôi” lại về Hà Nội. Suy nghĩ của anh về trách nhiệm với xã hội khiến mình phải đặt một dấu hỏi với bản thân, vì mình cũng đã rút khỏi những bon chen để sống cuộc đời vị kỷ. Bác sĩ Hùng viết văn rất duyên, vừa làm người ta cười xong thì ngay đoạn sau cảm xúc đã lắng xuống mà không bị hụt hẫng.
7. Một mai tan biến giữa đời
Một mai tan biến giữa đời được viết bởi bác sĩ NamKoong In làm ở phòng cấp cứu, khi được hỏi quyển sách này thế nào, mình đã trả lời rằng nó đầy cảm xúc tiêu cực! Cũng phải thôi, còn trông chờ điều từ những câu chuyện ở phòng cấp cứu của một bệnh viện lớn nếu không phải là bế tắc và cái chết? Hơn nữa, người viết lại là một bác sĩ đã từng chống chọi với căn bệnh trầm cảm, từng muốn kết thúc cuộc sống của bản thân mình. Những người trầm cảm, thường là vì họ để ý quá nhiều đến cuộc sống xung quanh và suy nghĩ quá nhiều. “Là nhân viên y tế, con không nên nhạy cảm như thế.” Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng quyển sách mô tả khá rõ về cuộc sống và những con người khác nhau ở bệnh viện.