r/AskHistorians

Vậy thì việc tổ chức doanh trại sẽ như thế nào vào thời Chu ở Trung Hoa?

Theo tui biết, Tôn Tử chả đề cập quái gì đến chuyện đào hố xí hoặc về vệ sinh quân đội. Vậy thì việc tổ chức doanh trại sẽ như thế nào vào thời Chu ở Trung Hoa (hoặc tiếp sau đó là thời Chiến Quốc luôn)?

[ND: nhà Chu là triều đại tồn tại lâu nhất trong lịch sử TQ với hơn 800 năm, 1122 TCN–249 TCN; thời Chiến Quốc là thời đánh nhau um tỏi, kết thúc khi Tần Thuỷ Hoàng thống nhất Trung Hoa, khoảng từ năm 475 TCN – 221 TCN. Vây thực tế, thời Chiến Quốc diễn ra khi Chu vẫn tồn tại, sau khi Chu sụp đổ thì vài chục năm sau, Tần thống nhất TQ, kết thúc Chiến Quốc.]
_____________________
Link Reddit: https://redd.it/6davbx
_____________________

u/cthulhushrugged (36 points)
Đúng là Tôn Tử tập trung nói nhiều về chiến thuật và sách lược cho các trận đánh hơn là tổ chức và quản lý quân đội. Do đó ta cần tìm hiểu thêm những tài liệu khác ngoài Binh Pháp Tôn Tử viết bởi những học giả và triết gia cùng thời. Việc này đáng buồn là cũng khá bị giới hạn, bởi chỉ có một ít ngữ liệu quý báu còn sót lại hoặc được khai quật lên. Nhưng mà, ta vẫn có một ít sự lựa chọn:

– Từ thời nhà Chu: Lục Thao [sáu cuốn binh thư thượng cổ tương truyền là được viết bởi Khương Tử Nha, gồm Văn – Võ – Long – Hổ – Báo – Khuyển. – ND]

– Từ thời Xuân Thu và thời Chiến Quốc: Ngô Tử (hay Ngô Tử Binh Pháp, viết bởi Ngô Khởi), Uý Liêu Tử (chưa rõ tác giả), và Tư Mã Pháp (Binh Pháp của Nguyên Soái, xuất khởi từ nước Tề, ND: được cho là viết bởi Tư Mã Tương Như). Bộ Tư Mã Pháp sẽ là tài liệu quan trọng để trả lời bởi nó nói nhiều về quản lí và tổ chức quân đội hơn là những bộ sách khác.

“CHIẾN TRANH LÀ PHẢI HUY ĐỘNG CHIẾN XA NGHÌN CHIẾC, XE TẢI NẶNG NGHÌN CHIẾC, QUÂN ĐỘI MƯỜI VẠN BINH, VÀ QUÂN LƯƠNG VẬN CHUYỂN NGHÌN DẶM.” – Binh Pháp Tôn Tử, Thiên 2, Tác Chiến.

Hậu cần đóng vai trò vô cùng quan trọng cho bất cứ chiến dịch nào vào thời Chiến Quốc (mà bây giờ cũng vậy). Và chúng ta cần phải nhớ kĩ số lượng khổng lồ những binh lính đứng dưới lá quân kì bay phấp phới. Những quân đội thuộc thời Chiến Quốc có quy mô rất lớn. Thiệt sự lớn luôn. Mấy ông sẽ không tin được là chúng bự, to, đông kinh khủng khiếp thế nào đâu. Ý tui là, mấy ông tưởng rằng cái Vincom gần nhà ông là bự lắm rồi, nhưng nó chỉ là muỗi so với mấy cái quân đội thời Chiến Quốc thôi. Nói cách khác, lần duy nhất vào thời Tam Quốc mà thiệt sự có những đội quân hàng chục vạn người tẩn nhau tùng xèo là trận Xích Bích vào năm 208 CN. Hầu như tất cả những trận đánh khác số lượng binh lính chỉ leo lên đến 5 con số, hoạ hoằn lắm vượt lên ngưỡng 6 con số… Vậy mà thời Chiến Quốc, những đội quân với hàng chục vạn binh [tức 6 con số – ND] đập nhau như cơm bữa. Thế thì lẽ dĩ nhiên là việc tiếp tế cho binh lính là một trong những vấn đề quan trọng nhất, thiếu điều là trọng yếu nhất, mà mỗi quốc gia phải đối mặt. Không khơi đâu mà Tôn Tử viết, “Cho nên, dùng binh đánh giặc, chỉ nghe nói trong tốc thắng có những thiếu sót vụng về, chứ không bao giờ có chuyện kéo dài việc binh mà lợi cho quốc gia cả.”

Rồi thì, những đội quân được duy trì nhờ vào sự chuẩn bị kĩ lưỡng và lương thực dự trữ trong những năm bội thu. Trước khi bùng nổ chiến trận và sự sụp đổ của nhà Chu, lượng lương thực dự trữ này được dùng để cứu tế những năm thu hoạch kém hoặc trong nước có nạn đói, nhưng trong thời kì Chiến Quốc, chúng chủ yếu được dùng để nuôi quân. Vì giai cấp nông dân hầu như hoàn toàn là những người chỉ tạo ra lương thực mà thôi, mà tô thuế lại được trưng thu bằng hiện vật, vậy là quá dễ cho mấy ông Hoàng đế cưỡng chế lương thực, cho dù mức tô thuế bình thường là đã quá sức mấy người nhà nông rồi. Trong chiến tranh, binh lính được phát khẩu phần tương đương 3 ngày, điều này đòi hỏi sự phụ thuộc rất lớn vào đoàn vận chuyển quân lương để duy trì quân đội từ lương thực dự trữ, bởi cho dù chuyện cướp lương khi đánh trận đôi lúc cũng khả dĩ, nhưng nó không đủ chắc chắn để cầm cự trong bất kì khoảng thời gian dự định nào. Trong Tư Mã Pháp có viết:

“Ngựa, trâu, xe, binh, an nhàn, no đủ, đó là sức mạnh. Điều cốt yếu của sự răn dạy là dự liệu; điều cốt yếu của sự chiến đấu là tiết độ. Tướng quân là thân thể, lính tráng là tay chân, và hàng ngũ là ngón cái.” [ND: “hàng ngũ” trong tiếng Hán là 伍 – cũng đọc là “ngũ” luôn – mang ý nghĩa là đội có 5 người, do đó có đoạn giải thích của chủ bình luận dưới đây.]

Câu nói về việc chia nhỏ đội quân ra những đơn vị tương ứng đáng để đi sâu vào phân tích. Sau rốt, thật dễ dàng khi mà đọc xong Binh Pháp Tôn Tử, ta nghĩ rằng Nguyên Soái ở trên cao ra quân lệnh, còn quân đội ở dưới đồng loạt thi hành lệnh. Đương nhiên là nó trớt quớt, đó không phải cách các quân đội thời Chiến Quốc thực hiện. Nói chung, một “quân đoàn” có số lượng trên dưới 12,500 quân. Có thể chia nhỏ hơn, thành 5 “sư đoàn” có 2,500 quân. Mỗi sư lại chia nhỏ nữa thành 5 “lữ đoàn” 500 quân. Dưới “lữ đoàn”, có những đơn vị quân nhỏ hơn như “doanh” (100 quân), “đội” (50 quân), “bài” (25 quân), và cuối cùng là đội 5 người (gọi là “ngũ”). [ND: khúc này chủ bình luận có lẽ nhầm. Ở chỗ “đội” 50 quân, ổng dùng chữ “隊“, đến khúc 5 người ổng dùng “队”, hai chữ này là một, chữ trước là phồn thể, chữ sau là giản thể. Mình dựa vào phần “ngũ” ở trên để thay đổi cho hợp lí.]

Độ tương quan và tính thiết yếu của sự kết hợp và đồng nhất giữa phạm vi dân sự và quân sự được khai thác nhiều lần trong những bộ sách quân sự kinh điển Trung Hoa. Ví dụ, bộ Lục Thao của Khương Tử Nha dành trọn quyển đầu tiên để nói riêng về hành chính dân sự, giảng rằng một vị minh quân thì không được “bỏ gốc mà chừa ngọn”, nhắc đến quan hệ giữa quần chúng và quân đội [ND: dân làm gốc, quân làm ngọn, không được bỏ dân mà chỉ nuôi quân], “không gì qua được NHẤT. NHẤT ấy mà nắm được thì từ đó có thể tung hoành. Hoàng Đế từng nói: ‘NHẤT gần với Đạo, cận với Thần, do đó tuỳ thời mà sử dụng, tuỳ cơ mà hiển lộ, tuỳ vua mà hình thành.'”

[ND: Hoàng Đế ở đây là một danh từ riêng, chỉ một ông vua trong thần thoại Trung Quốc – Hiên Viên Hoàng Đế (黃帝, nghĩa là “ông vua vàng”), khác với hoàng đế 皇帝, chỉ vua nói chung. Cái NHẤT ở đây có thể được hiểu là sự hợp nhất, đồng bộ. Bản reddit dịch là “unity”. Bản tiếng Hán là “nhất”. Ban đầu mình cũng tính dịch luôn là “đồng nhất”. Nhưng khi tra bản dịch tiếng Việt của bộ này, các học giả Việt Nam dịch giữ nguyên là “một” luôn, thành ra mình nghi ngờ tính đa nghĩa của cái đạo trong từ “nhất” – có thể là thêm cả chuyện quân dân đồng lòng nữa – nên giữ nguyên nguyên văn Hán-Việt.]
Cấp tiến hơn, những thống soái nhà Tần ủng hộ quy chế chia nhỏ quân, để dồn và tụ quân lại thành những toán quân chiến đấu ngon lành với nhiều loại vũ khí khi mà địch nhào tới, với nào là lính che thuẫn ở phía trước, bộ binh cầm dao và búa rìu ở sau, xạ thủ làm hậu quân, và kị binh thì oanh tạc hai bên sườn. Lực lượng quân có thể lớn hoặc nhỏ, tuỳ vào yêu cầu của chiến dịch hoặc nhiệm vụ, và nên phản ứng lại đúng cách:

“Dùng ít thì phải chắc chắn, dùng nhiều thì phải kỉ cương. Dùng ít thì để phá hoại, quấy rối; dùng nhiều thì giao chiến chính thống. Dùng nhiều để đánh tới rồi ở lại; dùng ít để đánh tới rồi rút lui. Nếu ta đông địch ít, vây chúng lại nhưng chừa một lối mở. [Ngược lại,] nếu chia quân mà thay phiên đánh, thì địch ít nhưng có thể cầm cự. Nếu địch đông mà rối loạn, ta phải chớp cơ hội. Nếu ta đánh địch để chiếm yếu địa, hãy dẹp cờ xí, đón đường mà đánh lại chúng. Nếu địch đông, tập trung quân lại và vây tướng ở trong. Nếu địch ít và sợ sệt, chúng muốn trốn tránh thì ta hãy mở vòng vây cho chúng chạy.” [Thiên 5, Tư Mã Pháp – ND]

Xét về hình dáng của doanh trại thì than ôi! – chúng còn ít chắc chắn hơn cả những lều trại của lính viễn chinh La Mã. Sự thiếu hụt những tài liệu quan trọng kiểu “ô kê, thế này mới là cách đóng trại đỉnh cao đây!” nói lên rằng chuyện này ở các đội quân Trung Hoa ít quan trọng hơn so với những đội quân viễn Tây cùng thời; giả thuyết này được củng cố bởi sự phụ thuộc vào tính lưu động của quân đội (đặc biệt là chiến xa, và sau đó là kị binh) hơn là thiết đặt những doanh trại vững chắc, bán linh động nơi tiền tuyến như quân đóng ở Magna Germania [ND: tên La Mã của vùng đất Bắc-Trung Âu]. Khi chiến đấu, những quân đội thời Chiến Quốc dường như không chú tâm lắm đến việc gia cố doanh trại, bởi vì ta đôi khi bắt gặp những trận đánh lén vào ban đêm, và trận nào cũng thắng đậm – một ví dụ điển hình là hai doanh trại quân Tần với 20 vạn quân bị đập bấy nhầy bởi quân Sở vào thời kì đầu khi Tần muốn thôn tính Sở: quân Sở đã thiêu rụi doanh trại Tần lúc nửa đêm.

Tướng quân thông thường sẽ ở cùng doanh với sĩ tốt, bởi điều đó được xem là nghĩa vụ của ổng để làm gương trong mọi việc – từ chiến trường cho đến mọi nơi khác. Trong Lục Thao có viết:

“Tướng mà mùa hè không cần quạt, mùa đông không mặc áo lông cừu, gặp mưa không che lọng, gọi là Lễ Tướng. Làm tướng mà không giữ lễ, thì không biết được sự nóng rét của sĩ tốt.

Ra chốn hiểm trở, vào nơi sình lầy, tướng phải đi trước, gọi là Lực Tướng. Làm tướng mà bản thân không lao lực thì không biết được sự cực khổ của sĩ tốt.

Quân đã yên nghỉ, tướng mới vào nhà. Cơm đều chín cả, tướng mới đến ăn. Quân không đốt lửa, tướng cũng không đốt. Gọi là Chỉ Dục Tướng [ND: nghĩa là tướng biết tiết chế ham muốn]. Làm tướng mà không nếm qua cảnh cực khổ thì không biết được sự đói lo của sĩ tốt.

Tướng cùng sĩ tốt chung cảnh nóng rét, cực khổ, đói no thì khi nghe trống đánh (báo hiệu tấn công) ba quân đều mừng, nghe chiêng khua (báo hiệu rút lui) ba quân đều giận; gặp thành cao hào sâu, tên bay đá ném vẫn tranh nhau lên, đao kiếm giáp nhau vẫn tranh nhau tiến; không phải là họ thích bị thương vong, mà vì tướng biết đến cảnh ấm no đói rét, hiểu rõ sự lao khổ của họ.”

Về vấn đề vệ sinh, bây giờ cũng như trước đây, chúng ta cho rằng sẽ có ít điều kiện vệ sinh hơn ở bên trong và xung quanh các doanh trại. Tuy nhiên, người Trung Hoa hơi bị quan tâm đến vấn đề vệ sinh đấy! Từ thuở xưa lắc đời nhà Thương, mấy cái quy tắc đã đề ra rằng kẻ sĩ phải rửa tay ít nhất là một ngày 5 lần, gội đầu 3 ngày 1 lần, và cách 5 ngày phải tắm ít nhất 1 lần. Hơn nữa, hiểu được rằng nước là nguồn cơn truyền bệnh nguy hiểm, họ đã biết dùng phổ biến hệ thống lọc bằng cát – rất giống với chúng ta ngày nay.
Chốt lại, trở lại với Tôn Tử, ông cũng cho ta biết rõ hơn cách mà các quân đội phòng tránh bệnh tật. Ở thiên 9, Hành Quân, có viết:

“Tôn Tử nói: Khi hành quân và dựng trại ở những dạng địa hình khác nhau, khi phán đoán tình hình quân địch, phải chú ý: ở vùng núi, phải dựa vào vùng sơn cốc có nước và cỏ, hạ trại tại chỗ cao, hướng về ánh sáng. Nếu địch chiếm được chỗ cao thì không đánh lên. Khi vượt sông, nên hạ trại xa bờ. […] Nếu gặp vùng đầm lầy nước mặn, phải ở gần nơi có nước và cỏ, lưng dựa vào lùm cây. Nếu gặp vùng đồng bằng, phải chiếm nơi rộng rãi, bên phải có gò cao, phía trước mặt thấp, phía sau lưng cao (Nhờ vậy mà nguy hiểm chỉ ở phía trước, phía sau an toàn). Nhờ lợi thế của 4 cách xử trí đó mà Hoàng Đế đã thắng 4 vị vua khác.

Phàm hạ trại nên ở nơi cao ráo, tránh ẩm thấp, ở nơi sáng, tránh chỗ tối tăm, ở nơi gần cỏ và nước có đường vận chuyển quân nhu tiện lợi, tướng sĩ sẽ không bị nhiễm bệnh, đó là đảm bảo cho chiến thắng. Hành quân ở vùng nhiều gò đống, đê điều, tất phải chiếm phần cao ráo sáng sủa, chủ yếu dựa vào phía bên phải. Cái lợi của cách dùng binh này là được lợi thế địa hình hỗ trợ.”

Nguồn:
Sawyer, Ralph D. and Mei-Chün Sawyer. The Seven Military Classics of Ancient China. 1993. (ND: Võ Kinh Thất Thư)
Sun, Wu, 兵法 (“The Art of War”) [trans. Lionel Giles]. 515-512 BCE.
_____________________

>u/MadScientist22 (10 points)
Ê cảm ơn nhan! Tui tò mò về thời Chiến Quốc lắm bởi thời đó mấy ổng đem một đống quân đánh nhau chí choé, dù là tui hơi bị đánh giá thấp quy mô của mấy cuộc chiến đó! Tui thiệt không hình dung nổi sự sâu sắc trong việc chia nhỏ quân cũng như là chuyện nó góp phần vào sự tổ chức quân đội nhiều hơn là tui tưởng tượng.

Tui có vài câu hỏi xoáy vào sự lưu động và việc tránh kéo dài cuộc chiến. Mấy chiến dịch đó được tiến hành tuỳ mùa phải không? Có cái Chiến dịch Mùa Đông nào hơm? Ông Nguyên Soái và tướng của ổng trưng binh nhanh thế nào? Sau khi trưng binh, những đội quân này sẽ có cuộc xung đột đầu tiên trong vòng vài tuần (hay thậm chí vài ngày) chứ?

Xo ri ông anh, hơi nhiều câu hỏi, ông anh không cần trả lời hết đâu. Một lần nữa, cảm tạ ông anh đã trả lời và tui sẽ xem qua Podcast của ông anh. Lịch sử Trung Hoa luôn làm tui kinh ngạc về quy mô và chiều dài của nó.

>>u/cthulhushrugged (10 points)
Những chiến dịch là những trận đánh theo mùa điển hình, mà “thường” là rơi vào mùa Xuân hoặc mùa Thu… mặc dù có trường hợp những cuộc vây hãm trường kì kéo dài sang cả mùa Đông và mùa Hạ. Tuy vậy, mỗi khi có cơ hội, những vị tướng thường tìm cách để kết thúc chiến tranh nhanh nhất có thể… Và thời Chiến Quốc chứng kiến vài trường hợp tiên phong mà họ cố gắng chấm dứt chiến dịch trước khi hết mùa bằng cách sử dụng đập nước để nhấn chìm các toà thành. Mấy toà thành có tường luỹ bao quanh rất dễ bị ngập như cái bồn tắm nếu mấy ông có thể rẽ hướng một con sông đổ ào vào đấy.

Về tốc độ trưng binh, hỏi hay lắm ông bạn, và tui không có câu trả lời chính xác về khoảng thời gian cho ông đâu. Thông thường thì, lệnh trưng binh được ban ra khắp nơi, và tất cả các chư hầu phải gửi một lượng X binh lính đến tập trung tại một tụ điểm trước ngày Y, thường thì chư hầu đó lãnh binh đi luôn (hoặc chọn ra một ông tướng thay thế mình). Số lượng trưng binh đương nhiên là còn tuỳ thuộc vào quy mô thái ấp của chư hầu đó và dân số được tính theo lần điều tra mới nhất (nghĩa là, về cơ bản mỗi hộ gia đình phải gửi một nam đinh ra trận). Nếu tui phải đoán bừa, thì tui nghĩ thời gian để di chuyển từ đồng ruộng đến doanh trại sẽ cỡ trong vòng vài tuần cho đến 2 tháng. Nhưng việc đó được tính trước rồi, và những lính tráng đủ điều kiện để sung quân cũng biết chuyện ấy… họ đã chuẩn bị để hành quân ngay cả trước khi mệnh lệnh được ban xuống.

Có vụ này, hơi xa thời Chiến Quốc một xíu, nhưng tui nghĩ nên được nói luôn… đó là Khởi nghĩa Đại Trạch hương năm 209 CN. Chuyện kể (có thể là không đúng lắm) rằng, dưới trướng nhà Tần – quốc gia đã giành chiến thắng trong thời Chiến Quốc và lần đầu tiên thống nhất Trung Hoa – có hai vị quan tên Trần Thắng và Ngô Quảng được lệnh lãnh một toán phu dịch đến tham gia phòng ngự thành Ngư Dương [ND: nay thuộc Bắc Kinh]. Dẫn đầu đoàn 900 phu dịch, hai người này nhận ra rằng đường đi đã bị chặn đứng do lũ lụt ở An Huy – cách điểm đến của họ nửa đường nữa. Tui không cần phải nói rằng đời nhà Tần đã có một thứ gọi là Luật Pháp rồi chứ? Thực tế, toàn bộ thể chế nhà Tần dựa theo những chủ trương của Pháp Gia [ND: một trong Bách gia chư tử, là học thuyết của ông Tuân Tử, đại khái là cai quản đất nước bằng pháp trị, không dựa trên tình cảm, khá là máu lạnh]… học thuyết này kiểu, nói toạc móng chó ra là “keme mày, làm theo luật đi!”

Tiện thể, văn bản pháp luật nhà Tần quy định, quan lại nào mà không báo cáo đúng hạn – đếch cần biết lí do lí trấu gì cả – sẽ dẫn theo cả đám binh lính dưới trướng mà đi bán muối luôn (ờ, là chết cả lũ đó). Do vậy, khi biết được mạng sống của mình bị đe doạ bất kể chuyện mình làm, Trần Thắng và Ngô Quảng đã lựa chọn đi theo nước Sở và bắt đầu chống lại nước Tần… Cuộc chống lại của họ tuy rằng không thành, nhưng đã lôi kéo được hơn 1 vạn người dân bất bình và kéo dài từ tháng 7 cho đến tháng 12. Cuộc khởi nghĩa mất tinh thần sau một tổn thất nặng nề khi bị quân đội chính quy của đế quốc lũ lượt kéo tới giã thành cám, bọn thuộc hạ của hai người đã giết chủ tướng để đầu hàng. Tuy vậy, Khởi nghĩa Đại Trạch hương đã làm tiên phong cho các cuộc khởi nghĩa khác của Lưu Bang và Hạng Vũ, những người mà cuối cùng đã thực sự lật đổ đế chế Đại Tần.

Về mảng huấn luyện, những nông dân đủ điều kiện nhập ngũ buộc phải tham gia huấn luyện mùa thu mỗi năm để luôn có thể ra trận bất kì lúc nào. Bộ Tư Mã Pháp nhắc đến việc này như sau:

“Khi đánh trận, dùng trận pháp thì không khó, khó là ở chỗ dùng người để lập trận. Mà dùng người lập trận cũng chưa khó bằng việc dùng người hiểu trận để lập trận. Biết được chưa phải là khó, mà làm được mới gọi là khó.

Người ở mỗi địa phương có bản tính khác nhau. Bản tính khác thường ở mỗi châu đem ra khuyên dạy có thể đổi thành phong tục; phong tục khác thường ở mỗi châu thì dùng Đạo để biến hoá thành thông tục.”

Đáng chú ý là tác giả của đoạn này, tức Khương Tử Nha, còn gọi là Tề Thái công, viết rằng dân ở mỗi địa phương thì có tập quán khác nhau… nhưng ông lại không khuyên chủ công của mình (tức Chu Vũ Vương, ND: ông này diệt Trụ đó) dẹp bỏ chúng đi, mà lại khuyên nên khuyến khích và gìn giữ những tập quán đó – cái này có thể mang tính quyết định trong một trận chiến (?!)
Sawyer [ND: ông dịch giả của cuốn sách Võ Kinh Thất Thư mà cha nội này dẫn nguồn ở trên] phân tích đoạn này như sau: “Tất cả những trận đánh thắng lợi là nhờ những phương pháp huấn luận và chuẩn bị cho quân đội được tiến hành từ trước. Một khi trạng thái chuẩn bị cần thiết đã được thực hiện đầy đủ, những nhân tố ảnh hưởng trực tiếp đến trận chiến mới được xem xét đến. Tướng quân phải thu hẹp sách lược của mình phù hợp với khả năng của quân đội, chỉ cố gắng những gì binh lính của ông đang nhắm đến, và ráng buộc quân địch tiến hành những nhiệm vụ bất khả thi và không tình nguyện.”

Nói chung thì, trai tráng ít nhất phải trải qua một mùa huấn luyện nếu họ được gọi sung quân lúc còn khá trẻ. Khái quát hơn, cơ bản thì toàn dân sẽ được trưng dụng trong những nỗ lực kiểu như “Chiến tranh tổng lực” theo cách nói hiện đại, bởi vì năng suất và năng lượng của toàn dân sẽ được dồn cả vào cuộc chiến. Do đó, những thế hệ tiếp theo được sinh ra và huấn luyện nghĩa vụ quân sự xen kẽ với những nhiệm vụ nhà nông [ND: như kiểu “ngụ binh ư nông”]. Việc đó sẽ tiếp tục, và sẽ có huấn luyện mỗi năm, hằng năm. Hãy hiểu kĩ những mưu lược mới (dường như lúc nào chả có), vũ khí, sách lược, và đổi mới những kĩ năng tác chiến… đi, bởi khi Xuân ấm áp đến, chúng ta sẽ đem tặng hết cho lũ con hoang ở Tống, ở Lỗ, ở Tề, hay bất cứ lũ quần què nào!
_____________________

Lời người dịch: Tóm lại là, đọc nguyên một bài dài những vẫn chưa biết quân đội thời đó đi ị như thế nào, vì chẳng thấy sách vở nào đề cập. Nhưng cũng có nhắc đến việc tìm chỗ cao ráo thoáng mát này nọ, để đi ị mà không ảnh hưởng nguồn nước v.v…
Những trích đoạn của Binh Pháp Tôn Tử, Tư Mã Pháp, và Lục Thao mình có tham khảo một số nguồn, và đối chiếu thêm vào bản tiếng Anh của chủ bình luận:
– Thập Nhị Binh Thư (Lưu Sơn Minh soạn, NXB Thời Đại)
– Tư Mã Pháp (Nguyễn Phước Hải dịch, NXB Khai Trí, 1969)
_____________________
Bài đăng của Chú Nhà Thơ Q đến từ Làng văn hoá Tupo trong group:
https://www.facebook.com/groups/rvn.group/permalink/520786925498187

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *