#VN #LamSơn
Dẫn lại từ Hội những người thích tìm hiểu Lịch sử
Lam Sơn có thật sự có 35 vạn quân???
Gần đây, có ý kiến cho rằng quân Lam Sơn lúc cao nhất đông đến 35 vạn người, trên tổng dân số nước ta là tầm 4 triệu. Ý kiến này dựa vào đó để minh chứng cho việc nước ta thời đó có thể huy động 1/10 dân số vào quân đội thường trực.
Trước tiên, về dân số nước ta lúc này là không có số liệu nào cả, đương nhiên là vì chiến tranh loạn lạc suốt 20 năm, việc thống kê là không thể. Sau chiến tranh, cũng không thấy nhà Lê tổ chức điều tra dân số, có lẽ bởi vì tình hình khi đó chưa hoàn toàn ổn định. Do vậy, con số 4 triệu người kia chỉ là võ đoán, không có căn cứ nào.
Về vấn đề quân số Lam Sơn, con số 35 vạn người là do Toàn thư ghi lại lời của Lê Lợi. Tuy nhiên, Lê Lợi nói như thế nào và trong hoàn cảnh nào thì phải xem lại:
“Đinh Mùi (1427)… Hạ lệnh cho các tướng và quân nhân rằng:
Giặc Minh tàn hại dân ta đã hơn hai chục năm. Buổi đầu số quân của ta có mấy trăm người. Hiện nay có 35 vạn. Đợi khi phá được thành Đông Quan, sẽ cho 25 vạn người về nhà làm ruộng, chỉ để lại 10 vạn làm quân để đề phòng việc nước. Một nhà 3 người thì 1 người làm quân, mọi loại phú dịch đều tha cho 3 năm…”
Như vậy, Lê Lợi nói Lam Sơn có 35 vạn quân chỉ là nói trong lời phủ dụ tướng sĩ, ngài hoàn toàn có thể nêu ra con số cao hơn thực tế để phô trương thanh thế với ba quân và (tất nhiên) cả quân địch nữa. Đây là điều rất bình thường.
Vậy Lam Sơn có bao nhiêu quân? Thực sự rất khó để chúng ta có thể nêu ra con số chính xác.
Trong Quân trung từ mệnh tập, Nguyễn Trãi có lần nhắc đến quân số Lam Sơn là hơn 30 vạn, lần khác ông lại nói cụ thể hơn: binh phụ tử Thanh Hóa không dưới 2 vạn, binh dũng cảm tinh tráng Diễn Châu, Tân Bình, Thuận Hóa được vài vạn cùng binh đồng tâm, đồng lực các lộ Giao Châu được 10 vạn. Tuy nhiên, đây chỉ là các con số ghi trong thư từ gửi cho giặc, không đáng tin.
Lam Sơn thực lục lại ghi 1 con số khác: “Khi ấy quân ta có hơn 5 vạn tinh binh, cùng lòng góp sức. Mà quân giặc thua hoài, ngồi để chờ chết! Trong khoảng chỉ, vạch, bắt, tha, quyền ở cả ta. Nhà vua bèn sai các tướng chia quân ra đánh các thành. Quốc Hưng lĩnh quân đánh hai thành Điêu Kê, Thị Kiều (Đáp Cầu), chúng đều ra đầu cả. Bọn Khả, Đại đánh thành Tam Giang, hơn một tháng thì thành ấy hàng. Bọn Lê Triện, Lê Sát, Lê Lý, Lê Thụ, Lê Lãnh, Lê Hốt đánh thành Xương Giang. Bọn Lê Lự, Lê Bôi đánh thành Ôn Khâu. Trong khoảng quay gót mấy thành đều vỡ. Chỉ có bốn thành Đông Đô, Cổ Lộng, Tây Đô, Chí Linh là chưa hạ mà thôi.”
Điều này có nghĩa là lúc diễn ra trận Chi Lăng – Xương Giang thì Lam Sơn chỉ có 5 vạn tinh binh, nếu tính các loại binh khác thì tổng binh lực có lẽ khoảng trên 10 vạn. Theo tôi thì con số này là hợp lý hơn cả. Quân số Lam Sơn cũng không tập trung mà phải chia ra để bảo vệ hậu phương, bao vây 4 thành trì còn lại của quân Minh và cuối cùng, phần còn lại là để chặn 2 đạo viện binh hùng mạnh của giặc.
P/s: theo Minh thực lục thì riêng 2 đạo viện binh của quân Minh có tổng binh lực là 11,4 vạn người (Liễu Thăng 7 vạn, Mộc Thạnh 4,4 vạn), chưa kể quân số trong 4 thành còn lại ước chừng vài vạn. Tổng quân số của địch là khoảng 14 15 vạn. Đây là số lượng lần động binh lớn thứ 2 của nhà Minh đối với ta, sau lần đánh nhà Hồ. Khá chắc chắn rằng phía Minh có lợi thế lớn về quân số so với Lam Sơn. Chỉ có điều là trong suốt 10 năm chiến đấu, bất lợi về quân số chưa bao giờ là vấn đề lớn với nghĩa quân Lam Sơn cả!!!