Danh sách nhỏ các vụ rớt máy bay làm thiệt mạng nguyên thủ quốc gia và các thuyết âm mưu (nếu có).
-Đầu tiên: tổng thư ký LHQ Dag Hammarskjöld rơi máy bay thiệt mạng trên đường đến Congo ngày 18/12/1961.
Đây là một trong những vụ tai nạn bí ẩn và khó điều tra nhất. Diễn ra trong bối cảnh hết sức rối ren ở Congo lúc đó, khi nước này bị chia cắt và hỗn loạn bởi 3 lực lượng khác nhau: chính phủ Congo ở phía Tây, quân nổi dậy thân Cộng sản ở phía Đông (có Liên Xô và Che Guevara hỗ trợ) và quân li khai Katanga ở miền Nam thân phương Tây. Chính vì vậy mà trên lý thuyết bất cứ bên nào cũng có lý do để ám sát tổng thư ký Liên Hợp quốc Dag Hammarskjöld lúc đó – người chủ trương bắt mọi phe hạ vũ khí và đưa quân gìn giữ hòa bình vào Congo.
Cái chết của tổng thư ký Dag Hammarskjöld khiến cho lệnh ngừng bắn đang sắp xếp giữa chính phủ Congo và quân Katanga không được thực hiện. Và vì vậy, sau cái chết của Dag Hammarskjöld quân chính phủ Congo đã tận dụng thời cơ tấn công Katanga và thu hồi vùng lãnh thổ này vào năm 1963. Sau đó đến năm 1965, họ đánh bại nốt quân nổi dậy thân Liên Xô ở phía Đông, thống nhất nước Congo.
-Tiếp theo: Tổng thống Juvénal Habyarimana (của Rwanda) và Cyprien Ntaryamira (của Burundi) bị tên lửa bắn hạ thiệt mạng ngày 6/4/1994.
Vụ việc rất nổi tiếng, trực tiếp dẫn đến cuộc diệt chủng Rwanda năm 1994.
Các thuyết âm mưu và tranh cãi vẫn tồn tại đến tận ngày nay, nhất là giữa Pháp và Rwanda. Trong khi trước đây, nhiều người hay được nghe là quân nổi dậy Tutsi bắn hạ máy bay của Tổng thống người Hutu, thì đó là lời lẽ của Pháp. Chính phủ Rwanda hiện nay bác bỏ điều này và cáo buộc chính người Hutu được Pháp chống lưng đã bắn hạ tổng thống của họ để tạo cớ tàn sát người Tutsi. Tranh cãi chưa ngã ngũ.
-Samora Machel: anh hùng dân tộc và chống phân biệt chủng tộc, Tổng thống Mozambique, bị đâm máy bay vào núi ngày 19/10/1986.
Samora Machel, hiểu đơn giản thì là phiên bản trước của Nelson Mandela vậy. Ông chỉ huy cuộc chiến giành độc lập khỏi Bồ Đào Nha và sau đó tiếp tục chống lại các chế độ phân biệt chủng tộc ở Rhodesia và Nam Phi.
Chính vì vậy mà khi máy bay của ông gặp tai nạn ở biên giới Nam Phi, người ta nghĩ ngay Nam Phi ám sát ông. Chuyện sẽ đơn giản như vậy nhưng không. Sự im lặng của Nam Phi suốt những năm sau đó đưa điều tra vào ngõ cụt. Nam Phi không nhận tội nhưng cũng không thèm chối tội. Và càng sau này, càng có nhiều thuyết âm mưu cho rằng thực chất Liên Xô đứng sau vụ ám sát Samora Machel, do thấy ông này ngày càng ”chệch khỏi quỹ đạo. Vấn đề ở chỗ là, số người tin Liên Xô ám sát Samora Machel ít hơn, nhưng lại toàn là những người cao cấp trong chính quyền Mozambique, thân cận với Tổng thống Samora Machel. Nổi tiếng nhất trong số này là cuốn hồi ký Memórias em Voo Rasante của Jacinto Veloso năm 2007.
-Tổng thống Iraq Abdul Salam Arif: rơi máy bay ngày 13/4/1966.
Đây là sự kiện bước ngoặt quyết định lịch sử đất nước Iraq: đưa đất nước Iraq vào thời kỳ của đảng Ba’ath Saddam Hussein.
Abdul Salam Arif là một trong những nhân vật quan trọng và được đánh giá cao nhất lịch sử Iraq hiện đại. Ông là người chỉ huy cuộc cách mạng ngày 14/7/1958 ở Iraq, lật đổ nền quân chủ thân Anh và thiết lập nền Cộng hòa. Cuộc cách mạng được thực hiện chung với Abd al-Karim Qasim – một người ủng hộ Đảng Cộng sản Iraq, nhưng Abdul Salam Arif không theo những người Cộng sản mà theo đuổi chủ nghĩa dân tộc Arab.
Vì điều này mà khi đảng Ba’ath cùng các đảng phái dân tộc chủ nghĩa lật đổ đảng Cộng sản Iraq và sát hại Qasim năm 1963, Arif được chọn làm Tổng thống để đoàn kết quốc gia. Nhưng ngày 13/4/1966, Arif đã thiệt mạng trong vụ tai nạn máy bay bí ẩn không được điều tra. Cái chết của ông đã khiến không ai kiểm soát được đảng Ba’ath, và đảng này nhanh chóng vươn lên nắm trọn quyền lực, tiêu diệt các đảng khác và kiểm soát đất nước Iraq từ đó đến năm 2003. Vì vậy, nghi ngờ lớn nhất hiện nay là đảng Ba’ath đã ám sát Arif bằng vụ tai nạn máy bay đó.
-Barthélemy Boganda: nhà lãnh đạo độc lập Cộng hòa Trung Phi, rơi máy bay ngày 29/3/1959.
Đây có thể gọi là phiên bản ”vua Duy Tân” của Trung Phi. Tìm được trường hợp ông này là trong một bài tiếng Pháp viết về vua Duy Tân.
Barthélemy Boganda vốn là một trí thức châu Phi sinh ra ở vùng đất nay là Cộng hòa Trung Phi, trước thuộc Pháp. Ông cũng như vua Duy Tân, đấu tranh cho độc lập đất nước, và cũng từng chiến đấu cho quân đội Pháp trong thế chiến. Từ năm 1958, ông đàm phán với Pháp trao trả độc lập cho Trung Phi, và được ”bầu sẵn” làm Tổng thống mới của nước Trung Phi. Tuy nhiên, ngày 29/3/1959, máy bay chở ông rơi và ông thiệt mạng. Dĩ nhiên, nghi ngờ mật vụ Pháp thực hiện.
Người kế nhiệm ông là David Dacko, nổi tiếng sau này là người tích cực ”đu dây” giữa Pháp và Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Kết quả là dù điều này làm đất nước Trung Phi thịnh vượng, ông vẫn bị quân đội Trung Phi ”ngứa mắt” và lật đổ sau đó.
-Đoàn chính phủ Tân Cương: rơi máy bay ngày 26/8/1949.
Vào năm 1949, Tân Cương đang là vùng đất độc lập được Liên Xô chống lưng với tên gọi Cộng hòa Đông Turkestan. Họ đã chiến đấu và đuổi được quân Quốc dân Đảng ở đây nhờ sự hỗ trợ của Liên Xô. Tuy nhiên, cũng năm 1949, quân giải phóng nhân dân Trung Hoa (PLA) của Mao Trạch Đông cũng trên đường tiến lên Tây Bắc, định thu hồi Tân Cương.
Vậy là ngày 22/8/1949, đoàn chính phủ Tân Cương (hay Cộng hòa Đông Turkestan) gồm đủ các dân tộc dẫn đầu bởi Ehmetjan Qasim (tổng thống – người Duy Ngô Nhĩ), Abdulkerim Abbas (người Kyrgyz), Ishaq Beg Munonov (người Kyrgyz), Dalelkhan Sugirbayev (người Kazakh) và Lạc Tử (người Hán) sang Kazakhstan để nhờ Liên Xô chở bằng máy bay sang Bắc Kinh đàm phán với Mao Trạch Đông. Nhưng trên đường đi qua hồ Baikal thuộc lãnh thổ Liên Xô, máy bay rơi và đoàn chính phủ thiệt mạng.
Người ta dễ dàng nhắm nghi ngờ vào Stalin đã bán đứng Tân Cương và trừ khử các lãnh đạo Tân Cương độc lập. Điều này thì đến năm 1991, tướng tình báo nổi tiếng KGB Pavel Sudoplatov đã thừa nhận Stalin ra lệnh khử các lãnh đạo Tân Cương.
Trên đây chỉ là những vụ có thuyết âm mưu xung quanh. Những vụ trên Group đã có những bài liên quan trước đây, ai muốn xem có thể hỏi. Còn các vụ khác có nguyên thủ quốc gia thiệt mạng là:
-Jose Félix Estigarribia: Tổng thống độc tài Paraguay rơi máy bay ngày 7/9/1940 (do phe đối lập làm).
-Władysław Sikorski: thủ tướng chính phủ lưu vong Ba Lan rơi máy bay chết ngày 4/7/1943. Nghi do Anh hoặc Liên Xô làm vì ông này chủ trương chống Cộng kịch liệt và chia rẽ khối đồng minh.
–Ramon Magsaysay: tổng thống Philippines rơi máy bay chết ngày 17/3/1957
-Nereu Ramos: Tổng thống Brazil tai nạn máy bay chết ngày 16/6/1958
-Humberto de Alencar Castelo Branco: tổng thống độc tài quân sự Brazil, chết do rơi máy bay ngày 18/7/1967 (có nghi do phe đối lập làm)
-René Barrientos: tổng thống Bolivia tai nạn chết ngày 27/4/1969
-Džemal Bijedić: thủ tướng Nam Tư rơi máy bay ngày 18/1/1977
-Francisco de Sá Carneiro: thủ tướng Bồ Đào Nha rơi máy bay chết ngày 4/12/1980 (nghi do phe cánh tả làm)
-Jaime Roldós Aguilera: tổng thống Ecuador chết ngày 24/5/1981
-Muhammad Zia-ul-Haq: tổng thống được kính trọng của Pakistan, giúp đất nước phát triển mạnh trong thời gian cầm quyền, chế được bom nguyên tử và phát triển quan hệ đồng minh với Trung Quốc nhưng cũng đàn áp nhân quyền. Rơi máy bay chết 17 tháng 8 năm 1988. Pakistan cáo buộc tình báo Mỹ thực hiện vụ ám sát.
-Abdul Rahim Ghafoorzai: thủ lĩnh quân sự Liên minh phương Bắc chống Taliban ở Afghanistan. Chết ngày 21/8/1997 trên một máy bay của Nga. Dĩ nhiên nghi do Taliban làm
-Lech Kaczyński: gần nhất, tổng thống Ba Lan rơi máy bay chết ở Nga ngày 10/4/2010.
(Rảnh quá ngồi tổng hợp vui)