r/coolguides

Hướng dẫn về các tôn giáo trên thế giới

Hướng dẫn về các tôn giáo trên thế giới
_____________________
Link Reddit: https://redd.ii/hejzlk
Link ảnh chống mù
https://flic.kr/p/2jg7dn2 hoặc

View post on imgur.com


[Hiệu chỉnh bởi Nguyễn Tuấn Anh]
_____________________

Chú thích về từng tôn giáo được nhắc tới trong hình (wall of text warning):

1. Nhóm tôn giáo mới:
Đức tin Wicca: một đức tin đa thần dựa vào thiên nhiên với nguồn gốc từ nhiều nền văn hóa thuộc các bộ lạc tiền Kitô giáo ở châu u
Thiên Đường Giáo (Cheondogyo): Biến thể của Tân Nho Giáo, sinh ra từ phong trào Đông Học có từ thế kỷ thứ 19, đi theo chủ thuyết tôn thờ cá nhân, mỗi cá nhân là một thiên đường.

Nhất vị luận phổ quát (Phổ độ luận nhất vị?!): Bắt nguồn từ Nhất vị luận, một thần giáo tự nhiên với quan điểm thần linh/Chúa trời không can thiệp trực tiếp từ thế giới, chúng ta chỉ đạt tới chân lý tôn giáo bằng lý trí của chính mình.
Rastafari/Rastafarianism là một tôn giáo của người Do Thái phát triển ở Jamaica trong những năm 1930

2. Các tôn giáo Dharma/Đạo pháp (có nguồn gốc từ Ấn Độ)

Phật giáo
Gồm có nhiều nhánh, đáng kể có thể nhắc tới nhánh Phật giáo Bắc Tông (Đại thừa/Ma-ha-diễn-na) phổ biến ở các nước phía Bắc như Trung Quốc, Nhật Bản, Đại Hàn,.., Phật giáo Nam Tông (Thượng toạ bộ/Nam truyền) – một nhánh của Phật giáo Nguyên thuỷ – phổ biến ở Đông Nam Á và Srilanka.
Thượng tọa bộ ở Việt Nam còn được gọi là Phật giáo Nguyên thủy dù trong thực tế Thượng tọa bộ chỉ hình thành từ khi Phật giáo phân chia thành các bộ, phái từ Hội nghị kết tập lần thứ hai sau khi Đức Phật nhập diệt khá lâu.
Ngoài ra còn có các nhánh khác như Lạt-ma giáo (Phật giáo Tây Tạng).

Kì-na giáo (Jaina giáo/Jainism)
Là một tôn giáo thiểu số ở Ấn Độ, được sáng lập gần như cùng thời với Phật giáo. Có hai trường phái chính là Digambara (nghĩa đen là bầu trời ám chỉ việc không mặc quần áo khi tu hành) và Svetambara (áo choàng trắng ám chỉ khổ hạnh mặc áo trắng khi tu hành). Sthanakvasis là một nhánh hiện đại phát triển từ Svetambara.

Ayyavazhi: Một tín ngưỡng đạo một thần (nhưng không phủ nhận các thần khác) ở Nam Ấn Độ.

Tích-khắc giáo (đạo Sikh)
Bắt đầu vào thế kỷ 15 ở Punjab – khu vực giữa Ấn Độ và Pakistan, răn dạy đức tin về sự bình đẳng, tất cả loài người đều chung một mẹ và thờ phụng chỉ một vị Thượng đế tối cao.

Đạo Hindu (được xem là Ấn Độ giáo)
Là một tập hợp các tín ngưỡng/tôn giáo và các truyền thống của khu vực, đạo Hindu không có người sáng lập cụ thể. Đây là tôn giáo duy trì lâu đời nhất trên thế giới. Giáo lý Hindu bao gồm những văn kinh như Áo nghĩa thư, Chí tôn ca. Tuy không được liệt kê, nhưng nếu muốn tìm hiểu về các tôn giáo được nêu ở dưới thì chúng ta không thể không nhắc tới Phệ-đà (Veda) một tôn giáo và văn kinh cổ xưa đặt nền móng cho nền văn hoá của Ấn Độ. Tuy nhiên tôn giáo Phệ-đà mất vị trí hàng đầu ở Bắc Ấn trong những thế kỉ cuối trước CN, tại Nam Ấn thế kỉ thứ nhất. Nó vẫn tồn tại, nhưng chỉ trong một phạm vi hạn chế và gây ảnh hưởng nhất định trong lĩnh vực triết học dưới dạng Di-mạn-sai (khảo sát, nghiên cứu). Các nhánh nổi bật trong đạo Hindu có thể nhắc tới:
– Ấn giáo Tì-thấp-nô (Vaishnavism)
Những người theo giáo phái này cho rằng thần Vishnu (thần Tì-thấp-nô) là Đấng tối cao và có 10 hiện thân tái sinh khác nhau trên thế giới. Đức tin của họ phần lớn dựa theo Áo nghĩa thư.
– Ấn giáo Thấp-bà (Shaivism)
Phái lâu đời nhất trong Ấn Độ giáo, tôn thờ thần Shiva (thần Thấp-bà) tối cao.
– Trường phái Vīraśaiva trong Shaivism: Xuất hiện vào thế kỷ 12, hàm chứa một thành tố cải cách xã hội.
– Trường phái Tân Ấn độ giáo và Ấn độ giáo cải chính: Sau sự phát hiện Phệ-đà của các nhà nghiên cứu châu u và được kích động bởi tâm tư hào hứng truy nguyên của họ, người Ấn Độ cũng đã quay về với giáo lý Phệ-đà với những dấu hiệu rõ rệt trong trào lưu Tân Ấn Độ giáo cải cách sau này.

3. Các tôn giáo Abraham
Các tôn giáo Abraham là các tôn giáo độc thần, khởi nguồn từ Abraham – “cha cao quý”. Sáng thế ký trong Kinh thánh Hebrew đã mô tả lại một giao ước giữa Chúa và Abraham, trong kinh Koran cũng có một câu chuyện tương tự giữa ông ấy với con cháu của mình. Abraham được coi là tổ phụ của nhiều dân tộc và là hậu duệ của Noah. Có thể chia làm các nhánh như sau:

– Hồi giáo
Từ Islam có nghĩa là “phục tùng dưới ý chí của Chúa”. Tín đồ Hồi giáo được gọi là Muslim(s) và họ chỉ tin vào một Chúa duy nhất và Thiên Chúa đã gửi xuống cho nhân loại những vị tiên tri để răn dạy cách sống theo ý nguyện của Chúa. Hồi giáo công nhận Jesus, Moses và Abraham là những nhà tiên tri của Chúa, và họ tin rằng Muhamad chính là vị sứ giả cuối cùng. Họ sử dụng Kinh Koran. Người Hồi giáo hầu hết thuộc một trong hai nhánh chính: Sunni và Shia.

Hồi giáo Sunni
Người Hồi giáo theo dòng Sunni bầu chọn cho người kế vị sau khi Muhamad chết, và khalip kế vị Muhamad đầu tiên là Abu Bakr.

Hồi giáo Shia
Người Hồi giáo Shia theo sự dẫn dắt của những Imam (người kế thừa được chỉ định bởi Muhamad) và Imam đầu tiên là Ali – con trai nuôi đồng thời là con rể của Muhamad.

Druze là nhóm tôn giáo – sắc tộc nói tiếng Ả Rập ở vùng Tây Á.

Amadiyya là một cộng đồng Hồi giáo với phong trào phục hưng Hồi giáo.

– Do Thái giáo (Judaism): một tôn giáo mang tính chất dân tộc
Chiều dài lịch sử của Do Thái Giáo đã trải qua hơn 3000 năm. Đạo Do Thái Giáo có nguồn gốc từ Trung Đông trong khoảng Thời đại đồ đồng. Do Thái Giáo được xem là một trong những tôn giáo độc thần cổ đại nhất thế giới. Kinh thánh chính của Do Thái giáo là Ngũ Thư. Có các nhánh Do Thái giáo bảo thủ, Do Thái giáo thế tục, Do Thái giáo cải cách, Do Thái giáo chính thống, Do Thái giáo được tái thiết (reconstructionist)

– Cơ Đốc giáo/Ki tô giáo
Tín đồ Cơ Đốc cho rằng Jesus Christ chính là Đấng Messiah như đã được tiên báo trong Cựu Ước, Kinh Thánh Hebrew. Jesus là con của Thiên Chúa, được Chúa gửi xuống trần để cứu lấy nhân loại khỏi tội lỗi của họ bằng cái chết trên thập tự giá. Tín đồ Cơ Đốc chỉ tin vào một Thiên Chúa, nhưng lại có ba ngôi: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Linh. Kinh văn của họ là Kinh Thánh, lẫn Tân Ước và Cựu Ước. Có các nhánh tín đồ đáng kể như sau:
Giáo Hữu Hội (The Quakers/The Religious Society of Friends)
Phong trào Tư tưởng mới (New Thought)
Mặc Môn giáo (Mormons)
Nhân chứng Giê-hô-va (Jehovah’s Witnesses)

Anh giáo (Anglicans/Anglicanism)
Anh giáo là một tôn giáo truyền thống thuộc Kitô giáo bao gồm những giáo hội có mối quan hệ lịch sử với Giáo hội Anh
Giáo hội Ngũ tuần

Nhánh Cơ Đốc Châu Phi
Chính thống giáo (Orthodox Christianity): Chính thống giáo Đông phương là nhánh Kitô giáo lớn thứ nhì trên thế giới, sau Giáo hội Công giáo Rôma.
Phái Kháng Cách (Protestantism): Phái Kháng Cách (Tân giáo) nổi lên từ một phong trào kháng nghị lại các thuyết thần học của Công giáo vào thế kỷ 16.
Công giáo (Catholicism/ Catholic Church): Giáo hội Công giáo (cụ thể hơn gọi là Giáo hội Công giáo Rôma) là một giáo hội thuộc Kitô giáo, hiệp thông hoàn toàn với vị giám mục Giáo phận Rôma, hiện nay là Giáo hoàng Phanxicô. Giáo hội Công giáo hiện là nhánh Kitô giáo lớn nhất.

– Tôn giáo Baha’i
Người sáng lập là Baha’u’llah vào thế kỷ 19 tại Iran. Đây là một tôn giáo độc lập, giáo lý chính của tôn giáo này răn dạy về sự thống nhất nhân loại và tôn giáo về dưới một Thượng Đế.

– Tôn giáo Mandaeism
Mandaeism/Mandaeanism hay còn gọi là Sabaeanism là một tôn giáo độc thần và theo thuyết ngộ giáo (chủ trương xa lánh thế giới vật chất, hướng tới thế giới tâm linh) ở Trung Đông.

– Sắc tộc tôn giáo Samari: một sắc tộc tôn giáo tại vùng Levant có nguồn gốc từ người Israel (hay Hebrew) tại Cận Đông cổ đại.

5. Chủ nghĩa thế tục/ Phi tôn giáo/ Thuyết Bất khả tri/ Vô thần
Chủ nghĩa thế tục: Niềm tin rằng các cơ quan chính phủ nên tách biệt, không dính dáng tới các cơ sở và chức sắc thuộc về tôn giáo

Phi tôn giáo: Bao gồm những người không có đức tin vào bất kỳ tôn giáo nào hoặc cảm thấy thờ ơ hoặc có chống đối tôn giáo.

Bất khả tri: Những người tin vào thuyết này cho rằng chúng ta không thể xác định được sự đúng sai của các tuyên bố trong tôn giáo và về các hiện tượng siêu hình, đặc biệt là về sự tồn tại của thần thánh.
Vô thần: Nói một cách cơ bản thì người vô thần phủ nhận toàn bộ các đức tin về bất kỳ một vị thần nào.

6. Tôn giáo Yoruba
Là dạng tín ngưỡng và tu tập của người Yoruba, tây nam Nigeria, giáp với một phần của Benin và Togo.

7. Tín ngưỡng, tôn giáo Á Đông
Những tôn giáo, tín ngưỡng hoặc triết lý với tư tưởng về “Đạo” – một từ trong tiếng Hoa có nghĩa là “con đường”, nhấn mạnh chúng ta phải hoà vào với Đạo, tức làm theo những luân thường đạo lý làm người. Đáng kể có:
– Tôn giáo, tín ngưỡng Việt Nam
– Thần đạo Nhật Bản
– Tín ngưỡng dân gian Trung Hoa

8. Nhóm tôn giáo Iran
Những tôn giáo bắt nguồn từ khu vực Iran, bao gồm phần lớn Afghakistan, Turkmenistan,Taijikistan, một phần Iraq, Pakistan, Armenia, Uzbekistan. Đáng chú ý có:

Bái hoả giáo
Hỏa giáo hay Bái hỏa giáo là tôn giáo do nhà tiên tri Zoroaster sáng lập vào khoảng cuối thế kỷ 7 TCN tại miền Đông Đế quốc Ba Tư cổ đại. Đây là một trong những tôn giáo lâu đời nhất của nhân loại, với bộ kinh chính thức là kinh Avesta

Gabar là một phần nhỏ của những tín đồ Bái hoả giáo ở Iran.

Tôn giáo Yazidi
Người Yazidi là một cộng đồng sắc tộc tôn giáo người Kurd bản địa tại bắc Lưỡng Hà. Tôn giáo của họ, Yazidi giáo, có liên hệ tới cả Hồi giáo, Kitô giáo, Do Thái giáo, Hỏa giáo, và tín ngưỡng Lưỡng Hà cổ đại.

– Tổng hợp từ Wikipedia.
_____________________
Bài đăng của bạn Vân An Vũ trong group:
https://www.facebook.com/groups/rvn.group/permalink/575524593357753

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *