[VỀ TRUYỀN THỐNG TỰ DO VĨ ĐẠI CỦA MĨ: NGUỒN GỐC VÀ CÁC BIỂU HIỆN HIỆN ĐẠI (P.1)]

VỀ TRUYỀN THỐNG TỰ DO VĨ ĐẠI CỦA MĨ: NGUỒN GỐC VÀ CÁC BIỂU HIỆN HIỆN ĐẠI (P.1)

Cre: Trịnh Hoàng Phi

A. NGUỒN GỐC.

1. Nước Mĩ, trong toàn bộ lịch sử của nó từ khi người di cư Châu Âu đặt chân đến, là một phần của nền văn minh phương Tây. Lịch sử của nó, về mọi mặt, là một phần mở rộng và tiếp nối của những sự kiện diễn ra ở Châu Âu, với những đặc điểm đặc thù của một vùng đất mới. Vì vậy khi ta xét về truyền thống tự do của nước Mĩ, ta phải xét đến nó trong bối cảnh lịch sử tư tưởng, chính trị của Châu Âu, kể cả khi chủ nghĩa biệt lập đã nhiều lần trỗi dậy ở Mĩ.

2. Trước khi châu Mĩ được khai phá, ở Châu Âu đã diễn ra một biến động chính trị lớn: Martin Luther khai mào một cuộc cách mạng tôn giáo ở Châu Âu, khai sinh ra Đạo Tin Lành, theo sau bởi một loạt các nhánh nhỏ hơn, như là Anh Giáo, Calvinism, Mormonism, .v.v. Cuộc cách mạng này vừa là một cách mạng về tư tưởng, vừa là một cuộc cách mạng về chính trị. Trước đó, Nhà thờ Công giáo ở Rome là thực thể duy nhất có quyền và tính chính danh để diễn giải kinh thánh và lời dạy của Thiên Chúa. Các cố gắng diễn giải kinh thánh trước đó đã gây ra những mâu thuẫn lớn trong thế giới những người theo Đạo Kito, từ hội đồng Nicea vào thế kỉ 4 đến đỉnh điểm là cuộc phân chia Đông-Tây giữa Chính thống giáo và Công giáo vào thế kỉ 11, vì vậy Nhà thờ Công Giáo mạnh tay đàn áp những diễn giải trái với các giáo điều truyền thống, coi chúng đều là dị giáo. Công cuộc đàn áp này tất nhiên gây ra nhiều căm thù trong dân chúng, nhưng vì Nhà thờ nắm quyền lực về chính trị, tư tưởng và kinh tế rất lớn, người ta không dám đứng lên công khai chống lại họ, mà thu mình vào các hội kín, hoạt động bí mật. Cuộc cách mạng của Luther mở ra cho người Châu Âu một cơ hội mới. Lần đầu tiên họ thấy một người dám chỉ trích Nhà thờ Công giáo một cách thành công, lan rộng. Họ có thể nghĩ tới chuyện tự diễn giải kinh thánh theo cách hiểu của mình mà không sợ linh hồn của mình bị đày xuống địa ngục vì trái ý “Chuá”. Họ tìm thấy một con đường để vừa giữ đức tin với Chúa, vừa thoát khỏi sự lạm dụng quyền lực của nhà thờ ở Vatican.

Đồng thời với cuộc cách mạng trong tư tưởng của tầng lớp dân chúng thấp hèn là một thời cơ chính trị cho các vua chúa Châu Âu. Quyền lực của họ vốn trước đó bị cạnh tranh gay gắt bởi Nhà thờ Công giáo từ sau cuộc Cải cách của thánh Gregori. (Quyền lực thần quyền vốn lép về trước quyền lực thế tục ở Châu Âu cho đến cuộc cải cách của thánh Gregori vào thế kỉ 11; hiện tượng này vẫn tiếp diễn không gián đoạn với Chính thống giáo ở phía Đông châu Âu). Giới vua chúa ở các vương quốc nói tiếng Đức, ở Thụy Điển, Hà Lan, Anh quốc, đều cải sang Đạo Tin Lành, thu giữ đất đai của nhà thờ Công giáo. Tất nhiên, đây phần lớn là một nước đi chính trị của giới vua chúa thế tục, loại bỏ đi một kẻ cạnh tranh quyền lực ngay trên đất của mình, nhưng sự kiện này cũng góp phần đặt những viên đá đầu tiên cho sự hình thành nhân dạng các quốc gia sau này và kèm theo đó là chủ nghĩa quốc gia. Đó là một sự li khai khỏi “Vương quốc của Chúa”, khỏi lí tưởng về một nhà nước phổ quát toàn cầu..

Hai thế lực Công giáo còn lại sau cuộc Cách mạng tôn giáo là Pháp và Tây Ban Nha. Sự phân chia này trở nên rất quan trọng về sau, khi mà các nỗ lực định cư dân của Tây Ban Nha và Pháp ở bờ Đông lục địa Bắc Mĩ thất bại. Người Tây Ban Nha thất bại ở Georgia (1526), duyên hải Florida (1528–36), Tây Florida (1559–61), Bắc Carolina (1567–68), và ở Virginia (1570–71). Người Pháp thất bại ở Nam Carolina (1562–63), bờ đông Florida (1564–65), Maine (1604-05),và Texas (1685–89). Thất bại của người Pháp trong Chiến tranh Bảy Năm (1756-1763) làm họ mất thêm thuộc địa của mình ở Quebecs, và sự yếu thế của Hải quân Pháp thời kì hậu Cách mạng thuyết phục Napoleon bán lại Louisiana cho Mĩ (1803). Tất cả những biến cố lịch sử này đều góp phần khiến cho văn hóa của những người định cư Đức và Anh theo đạo Tin Lành trở thành thứ văn hóa chủ đạo của nước Mĩ. Văn hóa và luân lí của những người Công giáo còn lại rơi rớt ở những vùng đất mà cũ của người Pháp và Tây Ban Nha, như ở New Orleans và California, nhưng chúng không đóng góp gì vào sự hình thành nhà nước Mĩ hay tập quán của người Mĩ. Về sau này, làn sóng di cư của những người Ireland trốn tránh “nạn đói khoai tây” đầu thế kỉ 19 mang thêm một lượng lớn những người Công giáo đến đất Mĩ, nhưng vì cộng đồng này thường bị hắt hủi, bị coi như thứ dân hạng hai, văn hóa của họ cũng không trở thành một yếu tố chủ đạo.

Alexis de Tochqueville, trong tác phẩm Democracy in America của ông, đã coi nền tảng Anh giáo như là hạt giống của nền dân chủ ở Mĩ. Một yếu tố chính trong văn hóa của những người theo Anh giáo di cư đến Mĩ là tinh thần li khai. Những tín đồ của Anh giáo thường bị coi là những kẻ cực đoan của đạo Tin Lành, vốn cũng là một đạo li khai. Họ cho rằng Nhà thờ Anh quốc, bất chấp những cố gắng cải cách của nó, vẫn rất giống với Nhà thờ Công giáo La Mã, và li khai khỏi nó là một tâm tính chung của họ. Những người theo đạo Anh giáo là những hạt nhân chính trong cuộc cách mạng Anh lần thứ nhất (1640-1651).Tinh thần li khai, muốn xa rời những sự lạm dụng quyền lực này bám rễ chặt trong tư tưởng người Mĩ, và nó được còn thể hiện mạnh mẽ trong các dòng sự kiện sau này.

3. Khi người ta đặt chân đến châu Mĩ vào thế kỉ 16, 17, Tân Thế giới đối với họ là một khởi đầu mới, một cuộc phiêu lưu mới, nó xóa bỏ hết những tội trạng, nợ nần, rằng buộc cũ thuộc về thế giới cũ, cho họ một lý lịch sạch (clean slate). Alexis de Tochqueville cho rằng hệ quả của điều này dẫn đến sự tiêu biến của khoảng cách quý tộc-thường dân như ở châu Âu, những tư tưởng về sự bình đẳng giữa người với người đã bắt rễ ở đây từ trước cả khi Cách mạng Pháp nổ ra. Thay thế vào chỗ trống trong luân lí xã hội này là một quan hệ mới, bắt nguồn tự sự tự trị.

Trên danh nghĩa, vua của Anh quốc cũng là vua của dân thuộc địa. Nhưng khoảng cách về địa lí giữa Anh quốc với các thuộc địa và sự rộng lớn của các thuộc địa khiến cho quyền lực của chính phủ Anh khó mà được thực thi một cách hiệu quả, chặt chẽ; mệnh lệnh, thư từ phải mất cả tháng mới đến nơi; hải quân Anh cũng không thể trông coi toàn bộ bờ biển phía Đông của Bắc Mĩ. Các thuộc địa thực chất là các vùng đất biên ải. Một trong những văn bản nổi tiếng nhất trong lịch sử nước Mĩ, Khế ước Mayflower (1620), ra đời trong bối cảnh một số người di cư đến bang Virginia nhưng đi lạc đến bang Massachusetts. Vì không có một văn bản luật nào để chi phối họ, họ đã tự viết nên thỏa thuận này, ấn định rằng họ sẽ tự cai trị lẫn nhau. Các chính quyền thuộc địa ở mỗi bang đều ít nhiều mang tính tự trị, mặc dù các thống đốc (state governor) được chỉ định bởi vua Anh, nhưng lương của họ được trả bởi các nhà lập pháp thuộc địa. Thiếu một chính quyền trung ương tập quyền, đồng thời thiếu cả phương tiện để giao tiếp, mỗi thị trấn phát triển thành một nền cộng hòa tự trị nhỏ. Bởi vì sự tự trị đó, chính phủ Anh và sự hiện diện của nó càng ngày càng bị xem như người ngoài, hay tệ hơn, như một băng cướp ngày. Họ không hề đóng góp gì cho dân cư thuộc địa, không đầu tư cho hạ tầng, đường xá, cũng không đảm nhiệm vai trò tư pháp: việc đó cũng thường thuộc phận sự của các chính quyền địa phương. Nhưng thuế xá đánh lên đầu người dân thuộc địa ngày thì càng nặng, nhất là sau Chiến tranh Bảy năm. Chính sách bảo hộ của chính phủ Anh đối với thương mại cũng là một điểm gây mâu thuẫn. Dựa trên quan điểm rằng sứ mệnh của các thuộc địa là làm giàu cho mẫu quốc, người Anh đặt nhiều quy định cho việc buôn bán, đồng thời cấm dân thuộc địa buôn bán với các nước châu Âu khác. Điều này chỉ làm tăng thêm động lực cho các tay buôn lậu. Mâu thuẫn leo thang và cuối cùng dẫn đến cách mạng giành độc lập của người dân thuộc địa nổ ra vào năm 1775 và thành công vào năm 1783.

Tinh thần tự do của người Mĩ có thể nói rằng đã được sinh ra từ cái tâm tính của những con người vùng biên ải, những người không quen sống trong sự cưỡng ép của chính quyền, những người sinh ra trong sự vắng bóng của quyền lực tập trung. Nhưng điểm khác biệt trong lòng yêu tự do của họ so với các dân tộc khác nằm ở chỗ, họ có thái độ hoài nghi, chán ngán và đề phòng một cách đồng nhất đối với quyền lực tập trung, bất kể nó đến từ những kẻ thống trị ngoại tộc hay những kẻ cùng dân tộc. Tất nhiên, ý niệm “dân tộc” không thực sự tồn tại với người Mĩ từ ban đầu, và họ coi bất cứ ai trong số họ cũng có thể là một kẻ thống trị tiềm năng nếu anh ta có quyền lực: một kẻ có thể sẽ xâm hại đến tự do của họ. Các dân tộc khác, như người Nga hay người Pháp, thường sẽ vùng lên chống trả mãnh liệt khi họ bị xâm lược bởi một thế lực bên ngoài, nhưng họ lại thường im lặng cam chịu khi những kẻ thống trị mình là những kẻ cùng dòng máu, nói cùng thứ tiếng. Ở Mĩ, ý niệm về một chính quyền trung ương của dân thuộc địa ban đầu cũng không hề được ủng hộ trong cả những thời khắc hiểm nghèo nhất; và mãi đến tận gần một thế kỉ sau ngày lập quốc, người ta vẫn nghĩ về mình trước tiên là công dân của một bang rồi sau đó mới là công dân của nước Mĩ. Một số ví dụ khác:
_Ngay trong khi quân đội thuộc địa, chỉ huy bởi George Washington, còn đang vật lộn với quân đội Anh khắp vùng New York, các đại biểu của chính quyền thuộc địa cũng tranh cãi nhau nảy lửa. Một hội đồng nghị viện được lập ra để làm đại diện cho các thuộc địa trong các vấn đề về ngoại giao, quân sự và giải quyết mâu thuẫn giữa các bang với nhau. Đây là hình thức chính quyền liên bang đầu tiên của nước Mĩ. Văn bản chống lưng cho tính chính danh của nó là Hiệp ước Liên bang (Article of Confederation). Nhưng xét trên nhiều mặt, chính quyền này chỉ mang tính hữu danh vô thực.
_Chính quyền các bang địa phương nhiều khi phớt lờ đề nghị và chỉ thị của liên bang. Bang Maryland vì tranh chấp lãnh thổ với bang Virginia mà nhất quyết không chịu kí hiệp ước trong suốt ba năm. Đại biểu các bang nhiều khi vắng mặt tại các cuộc họp và không ai muốn được bổ nhiệm vào các chức vụ trong nghị viện, nhất là chức Thủ quỹ.
_Họ lần khân chuyện nộp thuế cho chính quyền liên bang để chi trả tiền lương cho binh lính vẫn chiến đấu ngoài mặt trận. Khi mà chiến sự với quân Anh tạm lắng, họ càng được thể muốn trốn luôn việc trả lương cho quân đội, định rằng sẽ giải tán quân chính quy, và để việc giải giáp quân Anh lại cho dân quân địa phương. Người đầu tiên được được nhiệm vào chức Thủ quỹ của Nghị viện, tỉ phú Robert Morris, sau khi không thể thuyết phục các bang chi trả đủ tiền thuế, buộc phải bỏ tiền túi của mình ra để trả cho quân đội, nhưng đó cũng chỉ là kế sách tạm thời; Morris đến cuối đành phải từ chức. Nghị viện đối phó bằng cách in tiền hàng loạt, gây ra lạm phát trầm trọng, lại càng làm uy tín và tính chính danh của họ giảm sút hơn nữa.
_George Washington cùng quân đội của ông ta đối mặt với mùa đông khắc nghiệt ở Thung lũng Forge, lại không có tiền mua thực phẩm từ dân, buộc phải cho lính của mình cướp bóc từ các vùng lân cận. Tình hình trở nên tuyệt vọng với tất cả các bên. Lòng tin của người dân đối với quyền lực tập trung lại bị giáng thêm một đòn nữa. Lòng tin của quân đội vào chính quyền hiệp ước cũng tan rã. Đến năm 1883, tin đồn bắt đầu lan ra về chuyện quân đổi đang chuẩn bị một cuộc đảo chính (âm mưu Newburgh). Mặc dù Alexander Hamilton và George Washington ngăn chặn điều này, dư luận lại chú ý đến một chuyện khác.
_Hội kín Cincinnati được lập ra bởi một nhóm các cựu quân nhân và những kẻ bảo hoàng với mục đích ban đầu là để ép Nghị viện trả chiến phí cho quân nhân. Thomas Jefferson và những người khác sợ rằng đây sẽ là cái nôi cho một tầng lớp quý tộc gia truyền ở Mĩ (Myers Jr., 2004). Nghi ngờ này là có cơ sở: một nhân vật cao nổi bật trong hội Cincinatti, Baron Von Steubens thậm chí đã viết thư gửi hoàng tử Henry nước Phổ đề nghị ông ta trở thành vua nước Mĩ, nhưng ông ta từ chối.
_Phái bảo hoàng bị dập tắt khi một hiến pháp mới được kí vào năm 1788. Nhưng mâu thuẫn cũng ngay lập tức nổi lên giữa hai Founding Father của nước Mĩ là James Madison và Alexander Hamilton. Alexander Hamilton vốn là một sĩ quan quân đội, ông ta quen với các tổ chức mang tính nhanh gọn, dứt khoát của tôn ti trong quân đội, nên ông ta ủng hộ một chính phủ trung ương mạnh và tập trung hóa. James Madison thì chủ trương đặt quyền lực vào tay chính phủ ở các bang và địa phương, chính phủ liên bang chỉ đóng vai trò thứ yếu.

Tất cả những hiện tượng bên trên đều cho ta thấy, có một nghịch lí, một mối căng thẳng, một cuộc đấu tranh tồn tại ngay từ thời lập quốc của Mĩ giữa các cặp yếu tố tập quyền và tản quyền, giữa dân chủ và độc tài đám đông, giữa tự do và an ninh. Từ thời lập quốc đến nay, chính phủ càng ngày càng phát triển theo xu hướng của Alexander Hamilton, quyền lực của nó được mở rộng và tập trung hóa, sự giám sát và uốn nắn của nó đối với dân chúng ngày càng sát sao hơn, và dân chúng cũng ngày càng phụ thuộc vào nó hơn. Nhưng kể cả từ thuở lập quốc, với một quyền lực vô cùng hạn chế so với ngày nay, các xu hướng thù địch với chính phủ liên bang vẫn đã xuất hiện và chúng là một phần không thể thiếu trong tâm tính người Mĩ.

4. Những người đến định cư ở vùng đất mới luôn phải sống trong điều kiện hiểm nguy rình rập, phải phòng tránh thú dữ, thổ dân, cướp biển. Vũ khí và tài sản của họ mang tính quyết định đối với chuyện sống còn của bản thân và gia đình. Chuyện văn hóa “súng đạn” vừa là một biểu hiện của tư tưởng tự do này, vừa là một công cụ để bảo vệ nền tự do, độc lập.

5. Nước Mĩ không chỉ được xây dựng trên nền tảng của những người di dân – những người sống trong điều kiện vùng biên ải – mà nó còn là kết quả của hơn 15 thế kỉ tư tưởng triết học của loài người, đau đáu hướng về tự do. Tư tưởng tự do ở đây không chỉ là sự vắng bóng áp bức, mà còn là sự hiện hữu của các công cụ giúp con người đạt đến những khát vọng của anh ta (tự do âm và tự do dương).

Khi mà phe bảo hoàng thất bại trong cuộc Nội chiến Anh (1642-1651) cũng là lúc học thuyết về Pháp quyền thần thánh của vua chúa (Divine rights of kings) như là một lời biện minh cho sự tồn tại của chính quyền càng trở nên lỗi thời. Người ta ngày càng nghi ngờ tính chính danh của thể chế quân chủ, nghi ngờ rằng quyền lực của nhà vua đến từ Thiên Chúa, và thậm chí có kẻ cho rằng chẳng có lí do gì để con người ta thần phục bất cứ hình thức quyền lực tập trung nào. Nhưng đồng thời người ta cũng kinh hãi trước sự hỗn loạn của chiến tranh và tình trạng vô chính phủ. Học thuyết về khế ước xã hội được Thomas Hobbes đưa ra (Leviathan, 1651). Học thuyết này được đón nhận bằng sự ghẻ lạnh của những người chống quân chủ cùng thời, bởi vì nó Hobbes tranh luận rằng, một leviathan (tức một quyền lực tập trung) bất kể nó có bạo ngược đến đâu vẫn tốt hơn là tình trạng vô chính phủ – một cuộc chiến giữa tất cả loài người với nhau. Nhưng đến cuộc cách mạng Anh lần 2 (1688-1689), giai cấp thống trị giờ đây đã hợp thành một thể ít nhiều thống nhất của tầng lớp quý tộc-tư sản, với một chính quyền tập trung hóa đại diện cho ý thức hệ của họ. Họ bắt đầu đề cao trật tự và sự ổn định nhiều hơn, khế ước luận của Hobbes dần có ảnh hưởng sâu rộng hơn và bắt đầu đi kèm theo chủ nghĩa quốc gia Anh. Người đưa truyền thống khế ước luận của Anh lên đỉnh cao phát triển là John Locke với tác phẩm Hai khảo luận về chính quyền (1689).

Mẫu hình chung của các học thuyết khế ước luận là việc ủng hộ, mô tả và biện minh cho một trật tự xã hội trong đó con người, vì một số lí do khác nhau, mà hợp nhau lại, tạo dựng nên chính quyền, hy sinh một số quyền tự nhiên của mình để thần phục chính quyền đó.

Đối với Hobbes, lí do khiến người ta chịu hy sinh quyền lợi của mình là vì trong một xã hội thiếu vắng quyền lực tập trung, nơi mà con người ta có tự do tuyệt đối, khát vọng tư lợi và bản chất bạo lực của con người ta dẫn đến một “cuộc chiến giữa tất cả với tất cả”. Trong “trạng thái tự nhiên” đó, không ai có thể sống an toàn, ai cũng có bị xâm hại, kẻ mạnh hay yếu đều dễ bị tổn thương như nhau. Vì vậy, loài người với tư duy lý tính, hợp nhau lại và tạo ra chính quyền. Một hệ quả của mô hình của Hobbes là ông ta cho rằng việc nổi dậy chống lại quyền lực tập trung là phi lý, bởi vì dù cuộc sống dưới nhà nước có khắc nghiệt đến thế nào, thì nó vẫn dễ chịu hơn là cuộc sống trong Trạng thái Tự nhiên. Hobbes cho rằng con người ta có khi để cảm xúc lấn át lý trí, nên nhà nước phải có quyền lực tuyệt đối để đảm bảo rằng cái khế ước được giữ gìn.

Tuy nhiên, đối với Locke, Trạng thái Tự nhiên không nhất thiết là một cuộc chiến hỗn loạn không dứt. Ông ta cho rằng trạng thái tự nhiên có thể vắng bóng quyền lực tập trung, nhưng nó vẫn chứa đựng luân lí. Luân lí này được gọi là Quy luật Tự nhiên, và con người ta đều có thể tự khám phá ra nó một cách bình đẳng. Quy luật Tự nhiên này ấn định rằng chúng ta không được làm hại những người khác về mặt “quyền sống, quyền tự do, và quyền sở hữu tài sản”. Bởi vì con người đều là tạo vật của Chúa, chúng ta không được phép lấy đi những gì là của Chúa, chúng ta không được phép làm hại lẫn nhau. Vì Quy luật Tự nhiên này, Trạng thái Tự nhiên của Hobbes mang tính tương đối hòa bình, mặc dù nó cũng có thể rơi vào tình trạng chiến tranh như lý thuyết của Hobbes. Con người trong lí thuyết của Locke hợp với nhau và tạo nên chính quyền dựa trên sự đồng thuận, còn con người của Hobbes dựa trên sự cưỡng ép của tình thế. Đối với Hobbes, một khi chính phủ như một cơ cấu hành luật (enforcement mechanism) hình thành, nó trở thành một thực thể độc lập với người dân và nó có cơ chế để tự bảo vệ nó. Còn đối với Locke, chính quyền vẫn phải phụ thuộc và người dân, do dân “cấp phép” mà thành. Vì vậy, nếu đa số người dân cùng với nhau rút “giấy phép” của nhà nước, nhà nước phải bị bãi bỏ và một nhà nước mới được thành lập thay thế cho nó.

Tinh thần tự do của Tuyên ngôn Độc lập của Mĩ, của Hiến Pháp Mĩ đều dựa trên nguyên tắc này của John Locke. Người dân vẫn giữ lại quyền lật đổ chính phủ của mình một khi chính phủ trở nên độc tài và nguy hại đến Quy luật Tự nhiên của Chúa. Một hệ quả khác của sự khác nhau giữa Hobbes và Locke nằm ở chỗ trong khi các quy luật, luân lí, định chế trong xã hội của Hobbes đều chỉ mang tính quy ước giữa người với người với nhau và luật pháp của chính quyền có quyền lực tối cao, thì những yếu tố đó trong lý thuyết của Locke được nâng đỡ bởi Chúa và Quy luật Tự nhiên, và rằng luật pháp mà chính quyền tạo ra vẫn nằm dưới quyền hạn của Chúa, chính quyền cũng phải nằm trong cái vòng pháp quyền (rule of law) nâng đỡ bởi Chúa.

5. Những người Mĩ sống vào cuối thế kỉ 18, đầu thế kỉ 19 đều có quyền tự hào rằng “dân tộc” của mình là con đẻ của một truyền thống tự do cấp tiến của loài người, rằng họ đang ở hàng ngũ tiên phong của làn sóng tự do mà sau này sẽ lan ra khắp thế giới, theo chân nền văn minh phương Tây. Nước Mĩ, với những đặc điểm đặc thù về dân cư, địa lí của nó, cùng với một “điểm rơi” thích hợp trong lịch sử, tạo ra một cái nôi hoàn hảo cho chủ nghĩa tự do cá nhân phát triển. Sự ra đời của nền tự do này không phải là một tiến trình tất định trong lịch sử, mà nó mang nhiều sự tình cờ, may rủi, và vì vậy, chúng ta càng phải coi trọng nó hơn. Ở nước Mĩ ta chứng kiến chủ nghĩa quốc gia ban đầu hoạt động dưới hình thức của chủ nghĩa li khai. Tôn giáo và tự do chính trị không những không xung đột với nhau, mà còn hỗ trợ nhau, vì người ta cho rằng sự thất học là đồng minh với cái ác, rằng tôn giáo sẽ mạnh mẽ hơn nếu không có sự áp đặt của nhà nước, đồng thời tự do cũng vững vàng hơn khi tôn giáo dạy cho người ta dùng tự do một cách có trách nhiệm. Cái nền cho sự phát triển chính trị này là một tầng lớp dân chúng ít nhiều đồng nhất (homogenous) về văn hóa, niềm tin tôn giáo, giai cấp xã hội, .v.v. Ta có thể thấy, tư tưởng tự do ở Mĩ là một hiện tượng rất đặc biệt trong lịch sử thế giới mà các nơi khác, các dân tộc khác chưa chắc đã có thể học tập theo, chưa nói đến việc bắt chước một cách dập khuôn. Bởi vì trải nghiệm của người Mĩ, từ những người di cư châu Âu cho đến con người hiện đại, là một trải nghiệm vô cùng đặc biệt mà các dân tộc khác không được trải qua trọn vẹn.

Alexis de Tochqueville, đứng giữa sự thất bại của nền dân chủ ở Pháp và sự thành công của nó ở Mĩ đã lạc quan cho rằng đây sẽ là một hiện tượng phổ quát toàn cầu và không thể đảo ngược. Tuy nhiên, từ sau năm 1840 trở đi, ông ta bắt đầu có những thay đổi về góc nhìn (Craiutu & Jennings, 2009). Một phần sự lạc quan của ông ta đã mất đi. Ngay chính tại mảnh đất tiên phong của tự do này, có các xu hướng xã hội bắt đầu làm xói mòn tinh thần tự do của con người. Đó là các xu hướng xã hội nào? Chương thứ hai của bài luận này sẽ bàn về những biểu hiện hiện đại của tư tưởng tự do của nước Mĩ và những mối nguy đe dọa đến nó.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *