Đặng Dung dùng tượng binh đại phá thủy quân Minh

Đặng Dung dùng tượng binh đại phá thủy quân Minh

Tháng 8.1413, Trương Phụ đem binh hùng tướng mạnh nước Minh vào đánh Hóa Châu (Thừa Thiên Huế ngày nay) nơi cùng trời cuối đất của nước Đại Việt thời bấy giờ, nơi là vua Trùng Quang đế đã cùng các tướng sĩ trung kiên của mình quyết tâm thủ hiểm mà chiến đấu đến cùng.
Quân Minh từ Nghệ An đi thuyền vượt biển đánh vào cửa biển Nhật Lệ, cửa ngõ tiến vào đất Hóa Châu. Quân Hậu Trần lúc này chỉ còn quân số ít hơn quân Minh gấp mấy lần, lại ít lương thảo, khí giới. Trước tình hình đó, quân ta áp dụng chiến lược kéo giãn thời gian, vừa đánh vừa lùi dần để mong có thể đưa quân Minh vào thế dằn do kéo dài, gây khó khăn cho tiếp tế của giặc và khiến chúng mệt mỏi. Các tướng Hậu Trần thiết lập một loạt phòng tuyến che chắn cho thành Hóa Châu gồm phòng tuyến cửa Nhật Lệ, phòng tuyến sông Trà Bát, sông Trà Kệ… Trương Phụ thúc thủy quân đánh mạnh, quân ta vừa đánh cầm chừng vừa lùi dần. Sau một thời gian giao chiến, quân Minh đã kéo đến trước thành Hóa Châu mà bày trận công thành. Quân Hậu Trần chỉ cầm cự một thời gian ngắn trước khi rút quân khỏi thành. Quân Minh nhanh chóng chiếm được thành Hóa Châu, nhưng quân Hậu Trần đã thoát hiểm trong cuộc vây ráp của giặc bằng một cuộc hành quân khéo léo. Vua Trùng Quang đế được các tướng hộ tống theo đường biển dong thuyền ngược lên phía bắc, đổ bộ vào đất Thuận Châu (Quảng Trị ngày nay) , dựa vào thế núi rừng để ém quân và nghe ngóng chờ đợi quân Minh sơ hở.
Tháng 10.1413, Trương Phụ đã chiếm được Hóa Châu nhưng vẫn chưa bắt được vua Trùng Quang như dự tính. Đến khi hay tin quân Hậu Trần đã xâm nhập trở lại đất Thuận Châu, bèn lập tức điều quân đi ngược ra phía bắc, tấn công Thuận Châu. Nhà Hậu Trần tuy thất thế vẫn kiên trì bàn định mưu kế hòng đảo ngược tình thế. Nắm được tin tức hành quân của quân Minh, Nguyễn Súy cầm quân thủy bộ lập phòng tuyến tại cảng sông Sái Già (Ái Tử, Triệu Phong, Quảng Trị ngày nay) để ngăn giặc. Đặng Dung thì ém quân mai phục ở gần đó chờ thời cơ.
Một ngày cuối thu, quân Minh hành quân đến vùng sông Sái Già, đụng trận với quân của Nguyễn Súy. Hai bên đối mặt đánh nhau từ sáng đến tối chưa phân thắng bại. Mệt mỏi vì các đợt hành quân và chiến đấu liên tục, Trương Phụ sai quân hạ trại nghỉ ngơi. Trương Phụ cùng thủy quân Minh quây thuyền lập thủy trại ngay giữa sông. Tướng Hoàng Trung dựng trại trên bờ cùng bộ binh. Trời về đêm không trăng, cách nhau trong gang tấc không rõ mặt. Doanh trại quân Minh đèn đuốc sáng rực khắp một vùng sông nước.
Nhận thấy thời cơ đã điểm, Đặng Dung âm thầm dẫn binh thuyền cùng tượng binh lợi dụng trời đêm đánh úp quân Minh. Nửa đêm thanh vắng, quân ta tắt hết đèn đuốc tiếp cận trại giặc rồi thình lình tấn công như vũ bão. Bầy voi chiến của nhà Hậu Trần như trên trời rơi xuống khiến cho quân Minh vô cùng hoảng loạn. Khối quân Minh đóng phía bờ sông chịu tổn thất nặng ngay từ đầu. Đoàn thủy quân của Đặng Dung bấy giờ không thuyền lớn, không súng đạn, chỉ trang bị nhẹ với thuyền con, gươm giáo mà chí khí ngút trời. Quân ta xả thân xông vào chém giết giặc, nhảy từ thuyền này sang thuyền khác, vừa đánh vừa phóng hỏa đốt thuyền bè của giặc. Quân Minh hoàn toàn bất ngờ và bị động với lối đánh tập kích xuất quỷ nhập thần của quân Hậu Trần. Nhiều tên chưa kịp sửa sang khiên giáp đã bị quân ta giết chết. Lúc này thuyền của giặc đang đậu san sát nhau và không sẵn sàng chiến đấu, lần lượt từng chiếc bị thiêu rụi bởi mồi lửa của quân ta. Chẳng mấy chốc, sông Sái Già đã sáng rực một biển lửa.
Các tướng Minh cố gắng điều động số quân còn lại để thiết lập lại trận địa phản kích. Quân ta cũng đã chuẩn bị tinh thần tử chiến vì đó là lợi khí duy nhất để giúp chiến thắng đội quân đông mạnh hơn nhiều, lại rất tình nhuệ. Lúc này chủ tướng Đặng Dung xuất hiện giữa trại quân Minh như một hung thần, tự mình cầm gươm xông pha giữa trận, tả xung hữu đột nhắm thẳng vào soái thuyền của Trương Phụ. Các tướng sĩ Hậu Trần nối bước theo sau, thế không ai chống nổi. Trương Phụ còn đang bận chỉ huy quân tướng của mình tổ chức phản kích thì Đặng Dung đã đánh đến thuyền của hắn. Đặng Dung nhảy sang thuyền của Trương Phụ, lần lượt hạ gục quân cận vệ và lùng giết Trương Phụ. Trời tối khiến cho vị hổ tướng nhà Hậu Trần không thể nhận rõ mặt Trương Phụ, để cho tên tướng già nhanh chân nhảy sang thuyền nhỏ chèo trốn. Quân Minh lúc này đang hoảng loạn, thấy chủ soái bỏ chạy cũng hè nhau chạy theo. Đặng Dung thừa thế thúc quân đuổi gấp.
Thế nhưng đúng lúc này thì trời chuyển rạng đông, quân Minh tưởng chừng đã bại trận lại gặp vận may. Trong ánh sáng ban ngày, đoàn quân của Đặng Dung hiện rõ ra quân số ít ỏi. Trương Phụ là một tướng lão luyện, đang tháo chạy trông lại thấy Đặng Dung quân ít, liền hô quân quay ngược trở lại đánh. Quân Minh có kỷ luật tốt nên theo lệnh chủ tướng đánh quật trở lại. Quân dưới trướng Đặng Dung chiến đấu trong đêm thì hăng hái nhưng không thể địch nổi số đông của giặc khi trời sáng, nhanh chóng để mất thế thượng phong và bị dồn ép vào đường nguy cấp.Đặng Dung dù dũng mãnh cũng không thể làm được việc quá sức mình, cùng quân sĩ rút chạy mỗi người một ngả.
Trận này quân Minh bị thiệt hại rất nặng nề, quân số bị hao tổn đến quá nửa. Thuyền bè, khí giới của giặc cũng bị đốt gần hết. Thế nhưng, dù chỉ còn non nửa quân lực nhưng quân Minh vẫn đông mạnh hơn quân Hậu Trần rất nhiều, nhất là khi quân của Đặng Dung cũng chịu thiệt hại không nhỏ trong trận chiến.
Nguyễn Súy đóng quân ở phòng tuyến lúc đêm thấy động nhưng ngờ vực không chịu đem quân đến hợp lực. Đến khi trời sáng thì quân Minh đã thoát hiểm, lại càng đánh lũy gấp rút. Nguyễn Súy tiếc mình đã lỡ thời cơ, bèn sai ba tráng sĩ làm thích khách đi ám sát Trương Phụ. Thích khách của Súy cả ba người đều lọt qua vòng canh giữ của quân Minh, vào đến tận thuyền của Trương Phụ. Nhưng tên tướng già đã kịp cảnh giác, thấy động liền hô cận vệ vây bắt. Hai thích khách bị bắt sống, một người lặn trốn được. Kế hoạch ám sát của Nguyễn Súy thất bại vào phút chót. Trương Phụ hụt chết, đem tướng Hoàng Trung ra chém vì tội canh phòng thiếu cẩn mật. Các tướng Minh đều tái mặt. Chẳng lâu sau đó, Nguyễn Súy không chống nổi phải rút bỏ Sái Già, từ đó quân Hậu Trần chỉ còn lẩn tránh trong rừng núi.
Chiến cuộc tại Sái Già là một minh chứng đanh thép về tài dùng binh của Đặng Dung và tinh thần chiến đấu của quân Hậu Trần. Nguyễn Súy tuy phán đoán kém, nhưng cũng đã dùng quân ít ỏi mà cầm chân được quân Minh, tạo thời cơ của Đặng Dung tập kích, có thể gọi là trí tướng. Quân ta chỉ thua trận vì tiềm lực vượt trội của giặc. Kỳ thực từ đầu đến cuối cuộc chiến giữa Trương Phụ và Đặng Dung, tên tướng nước Minh luôn nắm ưu thế về quân số cũng như lương thực, khí giới. Nhận xét về trận Sái Già, Ngô Sĩ Liên đã có những dòng rất hay trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư:
“Trận đánh ở Sái Già, Đặng Dung, Nguyễn Súy, đem tànquân trơ trọi chống lại bọn giặc mạnh, quân tướng đều tinh nhuệ. Dung nửa đêm đánh úp doanh trại giặc làm cho tướng giặc sợ hãi chạy trốn, đốt hết thuyền bè, khí giới của chúng, không phải người thực sự có tài làm tướng, thì có làm được như thế hay không? Thế nhưng cuối cùng vẫn bại vong, đó là do trời. Tuy thất bại, cũng vẫn vinh quang, vì sao vậy?
Bọn Dung vì nghĩa không thể cùng sống với giặc, phải tiêu diệt bọn chúng mới nghe, cho nên mới hết lòng, hết sức giúp đỡ Trùng Quang để mưu khôi phục. Trong khoảng 5 năm, kiên trì chiến đấu với giặc, dẫu có bất lợi, nhưng ý chí không núng, khí thế càng hăng, đến kiệt sức mơí chịu thôi. Lòng trung vì nước của người bề tôi, dẫu trăm đời sau vẫn còn tưởng thấy được!
Ngày xưa nước Lỗ đánh nhau với nước Tề ở đất Can Thì bị thất bại, thánh nhân không vì thua mà kiêng né, lại chép rõ để nêu niềm vinh quang chiến đấu với kẻ thù, chứ không bàn đến việc thành bại. Thế thì trận đánh ở Sái Già, quân Minh bị tan vỡ một nửa, quân ta đến khi sức kiệt mới chịu thua cũng vinh quang lắm thay!”.
(còn nữa)
Quốc Huy

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *