NA UY MÙA TRÁI MỌNG VÀ NẤM RỪNG HAY CÂU CHUYỆN NHO NHỎ VỀ BẢO VỆ THIÊN NHIÊN

NA UY MÙA TRÁI MỌNG VÀ NẤM RỪNG HAY CÂU CHUYỆN NHO NHỎ VỀ BẢO VỆ THIÊN NHIÊN

Bài viết này vốn đã được đăng từ cách đây gần 3 năm rồi, nhưng sau đó vì được chọn đăng báo, rồi lại in thành sách, nên Quyên đành phải “xếp xó” nó vào thư mục nháp trên blog. Nhưng mà tự nhiên nhân hôm nay… cắt cỏ ngoài vườn mà có đôi ba chuyện nho nhỏ muốn chia sẻ cùng mọi người!

Như mọi người thấy ngay trong hình thì đây là một loại dâu nhỏ xíu, nhỏ như đầu ngón tay út trên bàn tay con gái vậy, nhưng hương vị thì thơm lừng ngây ngất. Loại dâu này tiếng Anh gọi là wild strawberries và tiếng Việt là dâu tây dại. Mà đã gọi là dại thì chỉ có nước tự đi vô rừng mà kiếm, chứ làm gì có ai trồng hay bán ở siêu thị đâu mà mua.

Vậy mà hổng hiểu sao vườn nhà Quyên đầy những khóm dâu dại như vầy. Năm nào cũng chỉ cần mang cái rổ nhỏ ra vườn là hái được đầy ắp, tha hồ bốc ăn sống, xay sinh tố hay bỏ vô hộp sữa chua ăn cho đã.

Dâu dại, cũng như cây cỏ dại, có sức sống và phát triển mãnh liệt. Nó mọc lan ra cả lối đi trong sân, mọc đầy quanh gốc táo gốc phong, quanh hàng rào, mọc luôn xung quanh tường nhà. Trong hình là khóm bự nhứt, mọc ngay sát bờ tường sau nhà kho và garage. Bình thường thì không sao, nhưng bây giờ, mỗi khi chạy máy cắt cỏ, Quyên phân vân ghê lắm!

Nếu để cho tụi nó tự do mà mọc thì chẳng mấy chốc mà người không còn lối mà đi trong sân nhà. Nhưng nếu cắt cỏ & cắt luôn cả mấy khóm dâu dại như vầy thì uổng ơi là uổng, tiếc ơi là tiếc. Nhiều khi đi vội, dẫm trúng lên dâu thôi mà đã tiếc đứt ruột rồi, ai mà nỡ kéo máy cắt cỏ “giày xéo” mấy trái dâu thơm mọng kia chớ!

Từ đầu mùa hè tới giờ, tuần nào cắt cỏ, Quyên cũng cứ đứng tần ngần nhìn mấy đám dâu, xong lại cắn răng cắn lợi mà đẩy máy cho khéo, chừa “tụi nó” ra “riêng một góc trời”. Bữa nào cắt cỏ xong cũng muốn trẹo lưng!

Nghĩ lại thấy nhiều khi mấy chuyện vĩ mô như phát triển bền vững, “bài toán bảo vệ thiên nhiên”, “bài toán môi trường”, bài toán này bài toán nọ, đôi khi nó chỉ đơn giản như cái chuyện cắt cỏ sân nhà. Làm sao để vừa có thể cắt cỏ cho đều và đẹp, vừa phải làm sạch lối đi trong sân, mà vừa để thiên nhiên có thể tự do đâm hoa kết trái một cách có trật tự, quả thiệt là khó hết sức.

Giải hoài không xong mấy “bài toán” đó, thôi mệt quá, đi lấy cái rổ hái mớ dâu về dầm da-ua ăn cho hạ nhiệt cái coi nè! Còn bây giờ mời mọi người đọc một đoạn trích dài trong sách nha!
https://www.misagjone.com/mua-he-bac-au-voi-trai-mong-va-n…/

Nói đến nấm rừng thì đó lại là một thú vụi khác của dân xứ lạnh, mà đối với cá nhân tôi thì hơi có phần… mạo hiểm. Sở dĩ gọi là mạo hiểm là vì giữa vô vàn loại nấm mọc lên sau những cơn mưa cuối hè đầu thu trong rừng, chỉ có độ chừng chục loại là có thể đảm bảo cho bạn ăn xong mà… vẫn còn sống!

Hái nấm là một trong những thú vui rất Bắc Âu của người dân xứ lạnh. Vào khoảng đầu tháng Tám, khi mùa hè chín rực đã bắt đầu nhường chỗ cho những cơn mưa rào, báo hiệu một mùa thu chuẩn bị ập đến, thì cũng là lúc dân Na Uy chuyển từ mùa trái mọng sang mùa thu hoạch nấm rừng.

Dụng cụ đi rừng hái nấm cũng khá đơn giản, chỉ bao gồm một con dao nhỏ với một đầu cọ để phủi sạch đất cát và lá thông bám trên tai nấm, một chiếc làn đan bằng vỏ cây bạch dương, bên dưới lót giấy báo để hút ẩm, tránh cho nấm bị ũng nước, và tất nhiên là một bề kiến thức về nấm rừng đủ để tự tin chế biến những gì mình vừa thu hoạch được thành bữa tối ngon lành.

Tôi đi rừng không nhiều, cũng chẳng có chút kinh nghiệm hái nấm, nhưng có một loại có thể nhìn là biết ngay: nấm vàng chanterelles. Nấm này nhìn khá giống nấm bào ngư ở Việt Nam, tuy nhiên nó có màu vàng sáng và thân nấm cũng chắc hơn nấm bào ngư. Nấm mọc sát mặt đất, lẫn trong đám rêu rừng, và thường mọc thành một vạt nhỏ. Khi đi rừng tìm nấm, tôi thường dán mắt vào thảm đất xốp dưới chân mình, vì sợ bất cẩn đạp trúng chantarelles thì ôi thôi là tiếc!

Nấm vàng sau khi hái về thì dùng đầu chổi của dao hái nấm để quét sạch bụi bẩn, đừng rửa qua nước sẽ mất hết chất và vị ngọt. Sau đó bắc chảo lên bếp, cho xíu xiu bơ, cho nấm vào, không nên đảo nhiều, cứ để nấm tự động ra nước, rồi nước bốc hơi hết sẽ cô đặc lại được vị nấm, sau đó rắc xíu muối, xíu tiêu lên rồi dọn ra ăn cùng với thịt viên kiểu Thụy Điển hay steak tuần lộc kèm khoai tây và các loại rau củ hầm. Vậy là xong một bữa tối ngon lành sau một ngày đi rừng thú vị.

Ngoài nấm vàng, rừng Na Uy còn có rất nhiều loại nấm ăn được khác như nấm bánh mì (hình dạng như một ổ bánh mì nhỏ, vị lạt), nấm matblekk trông như nấm mối mùa mưa ở nhà quê, nấm loa kèn đen thoạt nhìn có vẻ hơi đáng sợ bởi màu đen tuyền của mình nhưng vị ngọt đậm, nấm loa kèn vàng, nấm lưỡi bò…

Những loại nấm này, chỉ có những ai may mắn sống ở ngoại ô gần với thiên nhiên, hoặc có người quen đi hái nấm rồi về tặng lại, mới có cơ hội được thưởng thức. Đơn giản bởi vì nấm dại trong rừng, khi đã hái lên khỏi lòng đất mẹ, thì cần phải chế biến ngay để có thể tận hưởng trọn vẹn dưỡng chất và hương vị tuyệt vời của thiên nhiên phương Bắc. Bởi vậy, “nghề chơi cũng lắm công phu”, và miếng ngon mùa thu đôi khi có tiền chưa chắc cũng đã có cơ hội tận hưởng là vậy!




Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *