ĐƯỜNG NGƯỢC CHIỀU

ĐƯỜNG NGƯỢC CHIỀU
Từ bản người Dao đến học bổng Erasmus ~
Tác giả: Chảo Yến
Thể loại: Tự truyện, Văn học hiện đại VN
.
.
“Đường ngược chiều” là quyển sách nhỏ kể về quá trình theo đuổi con đường học tập đầy gian nan nhưng cũng nhiều tiếng cười của cô gái Chảo Yến, một thiếu nữ người dân tộc Dao Tuyển ở tỉnh Lào Cai. Khi nhìn lướt qua bìa sách, nếu không chú ý thì độc giả sẽ không nhìn thấy những bờ ruộng bậc thang đang “cất cánh” thành những trang sách, tạo thành con đường bay đến bầu trời rộng mở. Bóng dáng bé nhỏ sặc sỡ đang đi trên con đường đó chính là cô gái Chảo Yến trong cuốn tự truyện này.
Sinh ra ở vùng rừng núi rất gần biên giới TQ (có thể nhìn thấy TQ bên kia biên giới), Yến trải qua tuổi thơ như tất cả những đứa trẻ khác: ngây thơ trong vắt như dòng suối nhưng cũng rất thường xuyên nghịch ngợm gây ra những hậu quả vô cùng tai hại. Mỗi khi mải chơi không lo về thì mẹ của Yến lại gọi “Mỗi đứa cầm một cái roi về đây”, thế là Yến nhiều lần nghi ngờ rằng “Liệu mình có phải là con đẻ của mẹ không?”.
Khi nghịch dại và sợ bị mẹ đánh thì Yến chui vào gầm giường trốn, nhưng sau đó vẫn chứng nào tật nấy, mẹ đi vắng thì cả bọn rủ nhau tắm suối đến chiều, pha nước xà bông cho trâu uống đến nỗi hộp xà bông hết sạch… Đến lúc được đi học, bọn trẻ ngây thơ đến nỗi khi nhận nhiều sách giáo khoa thì rất sung sướng, nhưng lúc biết nhận nhiều sách nghĩa là học nhiều môn thì bọn học trò nhỏ lại gọi sách là “mối họa”. “Nếu sớm biết những cuốn sách ấy có thể mang lại nhiều mối nguy hại đến thế, chúng tôi sẽ tuyệt đối không nở nụ cười lấp lánh và đưa tay ra nhận sách. Nhưng biết làm sao được, ai bảo mùi sách mới mê hoặc quá!”
Yến khoảng 10 tuổi thì đã cùng anh chị em trong nhà phụ giúp việc gia đình, gánh nước nấu cơm, xay ngô, thái thân cây chuối, phụ nấu cám lợn… đến nỗi còn bé mà tay đã có vết chai, anh trai phải lấy dao hoặc kéo cạo cho bớt gồ ghề! Khi người viết review này gấp đôi tuổi đó thì vẫn chưa biết làm bếp, nhiều lần thức khuya xem phim đến nỗi hôm sau phải nghỉ học! Đọc cuốn “Đường ngược chiều” mà cảm thấy xấu hổ với quá khứ ham ăn ham chơi của mình.
Chưa hết, khoảng 15~16 tuổi, chị em nhà Yến còn phải hái rau gánh sang biên giới TQ bán để kiếm những đồng tiền ít ỏi trang trải cho bữa cơm gia đình, trang trải cho việc học. Cha và anh trai thì sang TQ làm thuê để gửi tiền về cho Yến đi học, vậy mà đến lúc chụp ảnh kỷ niệm chung với lớp, Yến thấy xấu hổ vì trông cha mình rất khắc khổ, bẩn bẩn xấu xấu đứng vào trông thật lạc điệu so với tổng thể bức ảnh. Đó chỉ là suy nghĩ trẻ thơ, giờ thì có lẽ Yến sẽ rất tự hào được khoe cha mẹ với cả thế giới dù họ trông lam lũ cỡ nào.
Để có thể tiếp tục việc học, cả gia đình Yến đã phải chịu nhiều lời dèm pha dè bỉu của chính họ hàng quyến thuộc, không được cho mượn tiền, bị giựt gạo ngay trên tay, gần như phải quỳ xuống cầu xin người khác cho mình một con đường sống. Đọc đến đây, mình nhớ đến chị Tiffany Phạm – người đã sáng lập tổ chức Mogul và là tác giả của cuốn “You are a mogul”, một trong những hành động ý nghĩa của tổ chức Mogul là hỗ trợ giáo dục cho trẻ em gái không được đi học. Tuy giờ đã là năm 2020 của thế kỷ 21 nhưng ở rất nhiều nơi trên thế giới, quyền con người / quyền được giáo dục vẫn là một điều rất xa vời.
“Cuộc đời này là thế, vết thương đau nhất, để lại sẹo sâu nhất chính là từ lời nói”.
Đoạn ấn tượng nhất đối với mình trong cuốn này là đoạn thầy hiệu trưởng “làm công tác tư tưởng” với các học sinh cá biệt của trường. Lời của thầy đúng kiểu có thể lay động tâm can: “Bây giờ các em mà không cố gắng, các em sẽ lại về với bản, như thế bao giờ các em mới thoát được cảnh nghèo đói… Các em rất thông minh, thậm chí các em thông minh hơn các bạn khác, nhưng vì các em đang ở độ tuổi muốn chứng minh bản thân nên các em không cố gắng… Các em đều rất thông minh, gia đình lại điều kiện, tại sao các em không dùng cái sự thông minh ấy để mà cố gắng?”.
Hành trình học tập của Yến được xây dựng trên mồ hôi nước mắt của chính Yến và của cha mẹ, anh, chị, nên người đọc cuốn này có thể thấu hiểu được phần nào động lực mạnh mẽ khiến Yến quyết tâm học lên cao để thoát nghèo, để đền đáp những ân tình cả đời cũng chưa trả nổi. Đọc cuốn này, mình cũng ấn tượng với hình ảnh người mẹ qua lời kể của Yến, đó là một phụ nữ dân tộc đậm nữ tính, thương chồng thương con, vừa tình cảm yếu đuối vừa rất mạnh mẽ khi cần, đặc biệt là rất yêu chó. “Mẹ yêu con Vàng không khác gì bọn tôi, có khi là hơn ấy chứ… Lúc nào cũng thế, chỉ cần có sự xuất hiện của con Vàng là ba anh em chúng tôi bỗng biến thành con ghẻ, con rơi mẹ lấy của bà sư tử về. Vì thế, phải bán con Vàng để làm nhà là cả một sự đánh đổi với mẹ”.
Cuốn tự truyện “Đường ngược chiều” được cô gái Chảo Yến viết với một văn phong hài hước, đọc mà liên tục bật cười dù xuyên suốt cuốn sách không thiếu những đoạn đong đầy nước mắt. Nội dung sẽ giúp “thức tỉnh” những bạn trẻ có gia cảnh sung sướng, chưa từng trải qua cả thời thơ ấu phải ăn toàn rau dại để có sức làm việc nhà, có sức học tập. Nỗ lực của Chảo Yến đã đem lại cho cô ấy thành quả to lớn: nhận được học bổng ở một nước Châu Âu, nhưng hơn ai hết, Yến hiểu rõ đó không phải đích đến mà mới là khởi đầu của đoạn đường dài phía trước. Cuốn sách này thích hợp với độ tuổi từ 13 trở lên, đặc biệt nên đọc đối với học sinh sinh viên và những ai làm trong ngành giáo dục.
(Sea, 6-5-2020)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *