#31 #medium #mth
Hiệu ứng Dunning-Kruger giải thích lí do tại sao xã hội lại đáng lo đến vậy
“Ngu dốt sinh nhiều tự tin hơn hiểu biết” – Charles Darwin, The Descent of Man
Chuyên mục: Dialogue & Discourse | May 12, 2020 | 6 min read | 2K Claps
Tác giả: The Happy Neuron
———————————
Tháng Tư năm 1995, McArthur Wheeler rưới nước chanh khắp mặt và đột nhập cướp hai ngân hàng tại thành phố Pittsburgh. Anh ta lí luận rằng nước chanh có thể khiến mặt anh ta trở nên vô hình trước máy quay an ninh, giống như cách người ta làm mực vô hình vậy. Anh ta còn tuyên bố chắc nịch rằng đã thử nghiệm thành công ý tưởng này với chiếc máy ảnh Polaroid của mình trước khi thực hiện vụ cướp. Đương nhiên, mấy lời này rõ là ngớ ngẩn, và anh ta đã bị cảnh sát tóm gọn ngay sau khi đoạn video trích từ máy quay an ninh của ngân hàng được chiếu trên chương trình thời sự đêm. “Nhưng rõ ràng tao bôi nước chanh rồi kia mà,” anh ta cuống cuồng khi thấy các sĩ quan đứng trước cửa nhà mình.
Ban đầu, Wheeler được biết đến với tư cách một tên tội phạm ngốc nghếch với ý tưởng nửa vời của mình. Tranh biếm họa về anh ta còn được in trong cuốn Niên giám Thế giới 1996, bởi Wheeler là một trong những tội phạm ngu xuẩn nhất từ trước đến nay. Nhưng David Dunning, một Giáo sư Tâm lý học tại Cornell, và Justin Kruger, học trò cũ của Dunning, nhận ra đây là một ví dụ hoàn hảo cho một hiện tượng phổ biến mà ngày nay chúng ta gọi là Hiệu ứng Dunning-Kruger.
Nói một cách đơn giản, hiệu ứng Dunning-Kruger là xu hướng mọi người đánh giá sai về khả năng của mình. Những người có năng lực dưới trung bình có xu hướng đánh giá quá cao năng lực thực tế của bản thân, trong khi những người có năng lực trên trung bình lại thường không nhận thức đầy đủ về năng lực của mình. Tức là, có những người ngu đến mức không nhận thức được bản thân ngu đến mức nào, còn những người thông minh lại luôn lầm tưởng rằng bản thân chỉ có thể làm những việc mà mọi người khác đều làm được. Trong báo cáo gốc năm 1999, “Unskilled and unaware of it: How difficulties in recognizing one’s own incompetence lead to inflated self-assessments” (tạm dịch: Không có kỹ năng và không hay biết điều đó: Việc nhận ra mối quan hệ nhân quả giữa sự bất toàn của bản thân và những đánh giá tự thân bị thổi phồng khó đến mức nào), Dunning và Kruger khẳng định: “tính toán sai lầm của người không đủ năng lực bắt nguồn từ một lỗi của bản thân, trong khi tính toán sai lầm của những người có năng lực cao bắt nguồn từ lỗi của người khác”.
Trong lần thí nghiệm đầu tiên, Dunning và Kruger đã chia những người tham gia thành bốn nhóm để so sánh sự tự đánh giá của họ đối với khả năng tư duy logic, khiếu hài hước và ngữ pháp. Dựa trên những kết quả thu được, họ đã đi đến biểu đồ phía dưới, và biểu đồ này có vẻ đúng với nhiều nhóm và nhiều đối tượng khác nhau.
(Ảnh) Sự tự tin của một người đối với một chủ đề nhất định không nhất thiết phản ánh năng lực của người đó.
Ở góc dưới bên trái, năng lực trong một lĩnh vực nhất định bằng không, sự tự tin cũng vậy. Tuy nhiên, khi một người học được một chút rất nhỏ về lĩnh vực đó, sự tự tin lại tăng lên đáng kể. Nếu người đó tiếp tục hiểu được những điều cơ bản, sự tự tin của anh ta/cô ta sẽ tăng lên đến cực đại, vì anh ta/cô ta tin rằng mình là một trong số ít những người hiểu được lĩnh vực này. Điểm cực đại này thường được gọi là Đỉnh Ngốc (Mount Stupid). Nhưng vấn đề ở đây là, khi một người học càng nhiều, anh ta/cô ta càng nhận thức rõ sự phức tạp của lĩnh vực mình học. Như ta có thể thấy trong biểu đồ, sự tự tin giảm mạnh. Năng lực tăng dần, trong khi sự tự tin lao xuống đáy – giai đoạn này được gọi với cái tên Thung lũng Tuyệt vọng (Valley of Despair). May thay, sự tự tin lại bắt đầu tăng lên khi người học đạt đến trình độ thành thạo trong một lĩnh vực. Khi này, anh ta/cô ta bắt đầu leo lên Dốc Khai sáng (Slope of Enlightenment).
Thật không may, những kẻ to mồm nhất thường là những người năng lực có hạn nhưng tự tin lại quá thừa. Các học giả ở cả hai cánh của phổ chính trị nói hàng giờ về những đề tài mà họ ít biết đến. Chu kì tin tức thường bị chi phối bởi cả hai đạo quân tự do và bảo thủ, những người sẵn sàng dẫn giải không ngừng nghỉ về khoa học, kinh tế, chính sách đối ngoại, y tế,… Xác suất tất cả những người này đều là chuyên gia được bao nhiêu? Họ lấy đâu ra bằng ấy tự tin? Bạn đoán đúng rồi đấy, họ là nạn nhân của hiệu ứng Dunning-Kruger.
Tương tự, các chính trị gia cũng thích thể hiện bản thân là chuyên gia trong khi họ biết rất ít. Trump cung cấp các tư vấn y tế trong trận chiến chống lại đại dịch Covid-19 trong các cuộc họp báo thường nhật của mình dù ông ta rõ ràng không có bằng y. Ông ta còn cả gan thúc giục người dân thử dùng hydroxychloroquine, mà như chúng ta biết bây giờ, là một nguyên do làm tăng tỉ lệ tử vong. Vào năm 2012, Paul Broun, một thành viên của Ủy ban Khoa học Hạ viện Hoa Kỳ, tuyên bố rằng các lĩnh vực như tiến hóa, phôi thai học và vũ trụ học là ‘những lời nói dối từ địa ngục’. Cảm giác tự tin sai lầm của họ có thể dễ dàng giải thích bằng hiệu ứng Dunning-Kruger.
Hiện tượng này cũng dễ bị bắt gặp trên các phương tiện truyền thông xã hội, nơi mọi người chia sẻ ý tưởng của mình như thể bản thân là một chuyên gia. Thực chất, những người ồn ào nhất trên Twitter, Facebook, Reddit,… chỉ mới đọc được một hoặc hai bài báo, xem video từ những người dùng khác và lướt qua vài dòng bình luận. Người ta chia sẻ những ý tưởng bậy bạ và lan truyền những thông tin sai lệch ẩn chứa những nguy hiểm tiềm tàng. Chúng ta có thể kể đến vài trường hợp kì lạ nhất, chẳng hạn như việc các mục sư tuyên truyền với giáo đoàn của mình rằng vaccine Covid-19 bị cấy vi mạch, và 5G là nguyên nhân dẫn đến sự bùng phát của virus. Tại sao một người ít am hiểu về khoa học có thể tự tin đến vậy? Vâng, đó chính là hiệu ứng Dunning-Kruger.
Mặt khác, những người càng học cao lại càng trầm lặng. Những người ở Thung lũng Tuyệt vọng có cảm giác bản thân là một kẻ lừa đảo. Vì một số lí do nào đó, những người đang trên con đường làm chủ lĩnh vực của mình của mình lại cảm thấy bản thân không thật sự được học về nó, rằng sự công nhận mà họ giành được chỉ dựa vào may mắn, hoặc họ chỉ đang lừa gạt những người xung quanh. Họ cứ ôm trong mình thứ suy nghĩ ấy dù cho có hằng hà sa số những bằng chứng chống lại nó. Điều này rất phổ biến đối với những sinh viên đang học lên Tiến sĩ, bởi họ phải chịu áp lực rất lớn, dù họ biết nhiều về lĩnh vực họ chọn hơn phần lớn những người còn lại nói chung.
Sự phát triển của phong trào chống khoa học, thứ được tiếp sức bằng hiệu ứng Dunning-Kruger, có thể là mối đe dọa lớn nhất đối với xã hội. Những kẻ đứng trên Đỉnh Ngốc có ảnh hưởng lớn thường ủng hộ những ứng cử viên chống khoa học, cố tình hoặc vô ý truyền bá thông tin sai lệch, hoặc thậm chí chung tay tạo ra các đạo luật chống khoa học. Chính bởi lí do này, niềm tin của công chúng vào khoa học đang ở mức thấp đáng báo động.
Theo Trung tâm Nghiên cứu Pew: “Kể từ năm 2019, có 35% người Mỹ cho biết họ đặt nhiều niềm tin vào các nhà khoa học trước những vấn đề liên quan đến quyền lợi nhận thức chung của cộng đồng.”
Trong một bài báo được đăng trên trang PloS Biology, Peter Hortez khẳng định rằng, trong suốt một thập kỉ vừa qua, rất nhiều lĩnh vực khoa học như biến đổi khí hậu, ô nhiễm không khí, tiến hóa và miễn dịch đã bị công kích. Và thậm chí toàn bộ ngành địa chất học đã ở trong tầm ngắm, bởi tuyên bố Trái Đất 4,5 tỉ năm tuổi của các nhà địa chất học mâu thuẫn với niềm tin của một số người rằng Trái Đất chỉ mới vài nghìn năm tuổi.
Một xã hội sao có thể vận hành khi quá nhiều thành viên trong đó chống lại các ngành khoa học cơ bản? Điều đó là bất khả thi. Khoa học khiến xã hội trở thành một khái niệm có thật. Khoa học đem đến điện năng, nước sạch, thuốc thang và rất rất nhiều thứ khác. Tấn công vào khoa học cũng na ná như việc bấm nút hủy thế giới hiện đại vậy.
Hortez tin rằng, để chống lại những phong trào như vậy, anti vaccine chẳng hạn, đòi hỏi thông tin tốt hơn phải đến với công chúng. Ông nói, “Những sinh viên đã tốt nghiệp và nghiên cứu sinh hậu tiến sĩ, cũng như những giảng viên có ít hoặc nhiều thâm niên trong ngành đều nhanh chóng nhận ra rằng các hoạt động truyền thông và các buổi gặp mặt công chúng chỉ đại diện cho những phiền nhiễu không mong muốn.” Giải pháp mà ông đưa ra là tiến hành đào tạo truyền thông cho các nhà khoa học và khuyến khích họ (thậm chí bắt buộc họ) tiếp xúc với công chúng.
Giải pháp này có thể giúp đảo ngược hiệu ứng Dunning-Kruger, cùng với đó, nó sẽ đưa những người dưới Thung lũng Tuyệt vọng lên ngang tầm những người trên Đỉnh Ngốc. Nếu điều này trở thành hiện thực, hiểu biết về khoa học của mọi người có lẽ sẽ đạt đến một mức độ sâu sắc hơn, qua đó gắn kết xã hội và cùng nhau tiến bộ.
(ND: Trước kia khi mình xem vòng loại của các chương trình âm nhạc thì thấy có một số người rất tức cười, khi ấy còn nghĩ hay BTC thuê họ để tấu hài nhỉ, nhưng dịch xong bài này mình lại nghĩ liệu họ có phải nạn nhân của hiệu ứng Dunning-Kruger hay không, vì họ hơi tự tin thái quá thì phải. Thực ra đây là ý kiến cá nhân của riêng mình thôi, không liên quan gì đến bài gốc của tác giả cả).
———————————
The Dunning-Kruger Effect Explains Why Society Is So Screwed-Up by @NeuronHappy https://link.medium.com/CtFs8iHPb7
“Ngu dốt sinh nhiều tự tin hơn hiểu biết” – Charles Darwin, The Descent of Man