Giáo dục La Mã cổ đạiLa Mã không có hệ thống giáo dục có tổ chức như Hy Lạp cổ đại. …

Giáo dục La Mã cổ đại

Giáo dục La Mã cổ đại
La Mã không có hệ thống giáo dục có tổ chức như Hy Lạp cổ đại. Mức độ giáo dục cho con cái giữa các gia đình rất khác nhau, nhưng nhìn chung vai trò của người cha khá quan trọng. Sau giai đoạn được vú nuôi và mẹ chăm sóc, con trai đến tuổi được cha mình dạy về cưỡi ngựa và các môn thi đấu. Cũng từ cha mình mà cậu ta được học về công lao của tổ tiên: nếu như không có những bậc tiền nhân, La Mã sẽ không thể vĩ đại được như vậy.
Khi lên bảy tuổi, các cậu ấm con nhà giàu sẽ được riêng một nô tài Hy Lạp kèm cặp, gọi là paedagogus. Người gia nô này dạy cậu chủ về phong thái, cách cư xử, cũng như bắt đầu chỉ cho cậu nói tiếng Hy Lạp. Đôi khi paedagogus sẽ có vai trò như một người đồng hành dạy đọc, viết và số học căn bản. Tuy nhiên nhiều gia đình thay vào đó sẽ cho con mình tới trường sơ học (ludus) của một thầy giáo (ludi magister) để học các môn trên.
Đối với không ít cậu ấm, 5 năm đầu sơ học không mấy dễ chịu, có thể chúng ghen tị với những đứa bạn có gia sư riêng ở nhà. Phòng học ở trường được tận dụng bất cứ nơi đâu, một số ở ngay gần đường phố ồn ào. Học sinh ngồi trên ghế gỗ, không có bàn, bảng viết bằng sáp đặt trên đùi. Buổi học kéo dài từ sáng sớm tới trưa rồi tới giờ ăn. Chúng sẽ học thuộc các con chữ, đọc bảng chữ cái hết xuôi rồi lại ngược, và ca cẩm các bảng cửu chương. Các thầy giáo thì dĩ nhiên là giỏi có, dở có. Không lạ gì khi thầy giáo dở là đối tượng bị châm biếm. Martial viết trong Epigrams: “Ôi các ông thầy đểu giả, bị học trò mình ghét bỏ, tại sao các ông cứ làm phiền hàng xóm? Gà chưa gáy mà các ông đã la mắng lũ học trò và đập chúng huỳnh huỵch.” Có thể thông cảm phần nào chăng, như một tác gia La Mã thông suốt hơn nhận xét rằng lương của một thầy giáo trong cả một năm chỉ bằng một người đánh xe đua ngựa nổi tiếng kiếm được trong một buổi chiều.
Sau sơ học là trường grammaticus dạy ngữ pháp và văn chương. Nhiều thiếu niên sẽ không tới bậc học khó nhằn này. Các kiệt tác văn chương Hy Lạp và Latinh được đọc trước lớp và phân tích chi tiết về văn phạm, văn phong, và biện pháp tu từ. Học sinh sẽ phải học thuộc lòng cả đoạn trích dài. Như vậy chương trình học ít chú trọng vào lịch sử, toán học, hay khám phá các vùng đất và cư dân. Nhưng cuối bậc học sẽ là tập diễn đạt. Dù gì thì những bài tập này sẽ có ích cho tương lai sau này.
Sau hai bậc học này, thanh niên La Mã sẽ kha khá thành thạo về ngôn ngữ, văn chương Hy Lạp và Latinh. Việc kết thân bạn bè cũng bù đắp phần nào sự chán chường của trường lớp. Và chắc chắn là về sau, người ta sẽ thấy những năm tháng tung tăng đi học là thời gian vô tư lự nhất của cuộc đời, và những đòn roi thích đáng chẳng gây hại gì. Hầu như mọi người La Mã đều tin vào giá trị của kỉ luật và rằng nền giáo dục La Mã là nhất quả đất.
Có rất ít lý thuyết gia giáo dục, một ngoại lệ là thầy giáo Quintilian ở thế kỷ 1 CN, người khái luận những nguyên lý giáo dục trong cuốn Giáo dục của một người diễn thuyết:
Tôi cho rằng người cha nên đặt hy vọng cao nhất cho con trai mình và nên chú trọng ngay từ ban đầu… Người cha cần đảm bảo rằng vú nuôi nói chuẩn, rõ ràng… Paedagusnếu không là người có học thì ít ra cũng phải ý thức được giới hạn của mình… Thầy giáo cần cân nhắc để dẫn dắt sự phát triển trí thức của học trò. Có đứa thì lười nhác, trừ khi bị thúc giục, có đứa thì không thích bị thúc ép… Có đứa thì cần thực hành dài lâu, đứa khác thì cần tập trung cao độ trong thời gian ngắn. Nhưng mọi học trò đều ít nhiều cần nghỉ ngơi… Tôi phản đối đòn roi, cho dù việc này phổ biến. Thứ nhất là vì đó là cách trừng phạt không văn minh, thích hợp hơn cho nô lệ, và là sự xúc phạm. Và thứ hai, nếu như đứa trẻ vốn đã cứng đầu đến mức không chịu nghe lời răn bảo thì đánh đập sẽ càng làm đứa trẻ lì lợm hơn.
Bậc cuối cùng rất ít người theo đuổi, dành cho những ai muốn trở thành luật sư hoặc bước vào con đường chính trị. Lúc này anh ta học hùng biện dưới sự hướng dẫn của một rhetor. Anh ta học cách viết diễn ngôn, chẳng hạn như ca ngợi các danh nhân hay sự kiện lịch sử, luận chiến chống lại kẻ thù của Roma trong quá khứ hay hiện tại, tranh biện phò hay chống một quan điểm nào đó. Anh ta cũng học cách diễn thuyết: giọng điệu, từ ngữ và động tác nên dùng. Hoàn thành bậc học là có thể đứng phát biểu trước tòa hay giữa công chúng. Giai đoạn này không có khoảng mức thời gian cố định. Cicero đã tầm sư học đạo khắp nơi trước khi trở về đô thành Roma lúc gần 30 tuổi. Một bậc học cuối cùng khác là triết học mà người La Mã coi là đặc sắc của bên Hy Lạp, thay vào đó họ chú hơn vào luật khoa và hùng biện.
Giáo dục cho con gái khiến người cha đỡ đau đầu hơn vì phụ nữ không cần phải tỏ ra xuất sắc ở bên ngoài gia đình. Nữ sinh có thể tham dự trường sơ học cùng với nam sinh, nhưng với sự kèm cặp của bảo mẫu, để đọc viết cơ bản. Sau đó ở nhà có gia sư dạy thêm văn chương Hy-La. Con gái cũng học thêu thùa, nhảy hát, chơi đàn hạc, đồng thời học hỏi kinh nghiệm quán xuyến nhà cửa, quản lý gia nhân và chuyện bếp núc.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *