Loạn Ili và Cộng hòa Đông Turkestan đệ Nhị – lịch sử từ độc lập tới bị bán đứng của …

Loạn Ili và Cộng hòa Đông Turkestan đệ Nhị – lịch sử từ độc lập tới bị bán đứng của Tân Cương

Loạn Ili và Cộng hòa Đông Turkestan đệ Nhị – lịch sử từ độc lập tới bị bán đứng của Tân Cương.
Ngày nay, chúng ta thường xuyên được chứng kiến những màn đối đầu ngoại giao xung quanh vấn đề Tân Cương. Trong khi nhiều nước liên tục chỉ trích, thậm chí trừng phạt Trung Quốc vì vấn đề người Duy Ngô Nhĩ, thì Trung Quốc bác bỏ cáo quốc và luôn bảo vệ ”sự thống nhất toàn vẹn Trung Quốc”, tố cáo ”chủ nghĩa ly khai Duy Ngô Nhĩ” bị các nước phương Tây lợi dụng chống Trung Quốc.
Nhưng nếu để ý, sẽ thấy một nước lớn là Nga lại khá im tiếng trong vấn đề này, không hùa theo chống Trung Quốc, nhưng cũng không công khai ủng hộ Trung Quốc về vấn đề Tân Cương. Có gì khó lý giải ở đây? Điều đó hoàn toàn lý giải được nếu biết được lịch sử vùng đất Tân Cương từ những năm 1930-1950, để thấy rằng: không ai khác ngoài Stalin và Liên Xô đã đỡ đầu cho Tân Cương độc lập. Và thậm chí trước kia, chính Đảng Cộng sản Trung Quốc của Mao Trạch Đông từng ủng hộ Tân Cương ly khai khỏi Trung Hoa.
1/ Thịnh Thế Tài và ảnh hưởng của Liên Xô ở Tân Cương.
Phần này lẽ ra khá dài và quan trọng, nhưng nó thuộc về ”Cộng hòa Đông Turkestan đệ Nhất” nên xin phép chỉ nói sơ qua.
Vào năm 1931, do chính sách bạo ngược của tỉnh trưởng người Hán là Kim Thụ Nhân ở Tân Cương, các dân tộc thiểu số, chủ yếu là người Duy Ngô Nhĩ đã nổi dậy khởi nghĩa ở vùng Kumul (Cáp Mật). Đến năm 1933, phong trào khởi nghĩa tuyên bố thành lập Cộng hòa Đông Turkestan đệ Nhất (phân biệt với Trung Á của Liên Xô gọi là Tây Turkestan). Chính phủ Cộng hòa đệ Nhất lần này không được công nhận và ủng hộ rộng rãi.
Sau khi Cộng hòa Turkestan thành lập, Liên Xô đã đưa một lãnh chúa khác là Thịnh Thế Tài lên lãnh đạo Tân Cương. Cùng lúc đó, chính quyền Trung Hoa Dân Quốc của Tưởng Giới Thạch cũng phái tướng Mã Trọng Anh mang đội quân người dân tộc Hồi (Hui – không phải là đạo Hồi) từ Cam Túc qua Tân Cương đánh dẹp. 2 lực lượng này tiêu diệt Cộng hòa Turkestan đệ Nhất trong năm 1933, nhưng sau đó lại quay sang đánh lẫn nhau. Đến năm 1934, quân đội Liên Xô đã trực tiếp đưa hàng vạn quân vào Tân Cương, đánh Mã Trọng Anh và bảo vệ Thịnh Thế Tài. Kể từ đó trở đi, Tân Cương chính thức trở thành nước vệ tinh của Liên Xô, nhiều bản đồ trên thế giới đã miêu tả Tân Cương trên bản đồ, dĩ nhiên dùng tên ”Đông Turkestan” được Liên Xô sử dụng để gọi vùng này.
Tuy nhiên, trong thế chiến thứ 2, Thịnh Thế Tài đã quay sang phục tùng chính phủ Tưởng Giới Thạch do nghĩ rằng Liên Xô thua trận. Điều này đã giúp Trung Hoa Dân Quốc khôi phục kiểm soát với Tân Cương. Năm 1944, quân Trung Hoa Dân Quốc đã tiến vào thiết lập kiểm soát với vùng này với lực lượng 10 vạn quân. Nhưng cũng trong năm này, Liên Xô phản công thắng lợi ở phía Tây. Stalin bắt đầu tính chuyện giành lại Tân Cương, nhưng không dùng Thịnh Thế Tài. Và vì vậy, Stalin chọn cách giúp đỡ người trước kia từng bị ông đàn áp: người Duy Ngô Nhĩ.
2/ ”Cuộc nổi loạn Ili” hay ”cách mạng 3 huyện”.
Ngay từ năm 1944, lợi dụng biên giới khó kiểm soát của Tân Cương. Liên Xô đã cho điệp viên thâm nhập vào các vùng lãnh thổ Tân Cương để xây dựng cơ sở. Riêng tại vùng thung lũng Ili thì không cần thiết. Bởi lẽ vùng Ili là nơi định cư của hàng vạn người Bạch Vệ Nga đã chạy sang từ thời Nội chiến Nga 1919-1922. Những người này sau khi sang Tân Cương đã trở thành lính đánh thuê, phục vụ lợi ích cho Thịnh Thế Tài và chính quyền Liên Xô. Và vì vậy, Liên xô quyết định cuộc nổi dậy sẽ bắt đầu ở Ili để tận dụng lực lượng tàn quân Bạch Vệ này.
Để thực hiện nhiệm vụ ở Tân Cương, Stalin đã không tiếc sử dụng đến cả những sĩ quan cấp tướng của quân đội Liên Xô. Ví dụng Tổng thống thứ 2 của Tân Cương là Ehmetjan Qasim – người sau này đổi họ thành Kasimov để xin gia nhập Đảng Cộng sản Liên Xô. Tư lệnh Quân đội Tân Cương là Thiếu tướng Bộ Nội vụ Liên Xô Ivan Polinov, còn Tổng tham mưu trưởng là cựu tướng Bạch vệ Varsonofi Mozarov, sau là tướng Bạch Vệ F. Leskin. Tất cả quân nhân của lực lượng khởi nghĩ đều thêu trên tay áo chữ tiếng Nga ”Восточная Туркестанская Республика” nghĩa là ”Cộng hòa Turkestan đệ Nhị”.
Những người này sau đó thành lập ”Cộng hòa Đông Turkestan đệ Nhị” và thậm chí thành lập quân đội riêng là ”Quân đội Quốc gia Ili” (INA). Mức độ độc lập lần này cao hơn hẳn Cộng hòa Đông Turkestan đệ Nhất trước kia, khi Liên Xô công nhận nó khiến nhiều nước công nhận theo.
Cuộc nổi dậy diễn ra vào tháng 8/1944 tại 3 huyện là Yili, Tacheng và Altay, vì vậy mà trong quan điểm của Đảng Cộng sản Trung Quốc, họ gọi là ”Cách mạng 3 huyện Tân Cương”. Cuộc khởi nghĩa diễn ra khá thành công khi có cả không quân Liên Xô tham chiến, như trong trận sân bay Airambek quân Liên Xô đã ném bom hủy diệt lực lượng Quốc dân Đảng. Đến tháng 1/1945, toàn bộ khu vực Ili đã nằm dưới sự kiểm soát của quân Cộng hòa Đông Turkestan. Sau khi chiếm Ili, họ tiếp tục chia 3 hướng tiến về phía Đông đánh quân Tưởng Giới Thạch, như cách Đức chia 3 ngả đánh Liên Xô năm 1941.
Tuy vậy, khi đánh đến biên giới Thanh Hải-Tân Cương thì đà tiến của quân khởi nghĩa chặn lại. Quân lính người dân tộc Hồi của tướng Mã Bộ Phương và Mã Thành Tường trung thành với Quốc Dân Đảng đã mang quân chặn lính Duy Ngô Nhĩ ở biên giới Thanh Hải, nơi mà không quân Liên Xô khó với tới. Năm 1946, các cuộc tấn công của Liên Xô ở đây bị Quốc dân Đảng chặn thành công, gây thiệt hại nặng. Nhiều chỉ huy cấp tá của Liên Xô thiệt mạng. Phần lớn lực lượng Bạch Vệ Nga, chiến đấu với vũ khí từ thời Thế chiến 1, bị hy sinh gần hết trong năm 1946.
Cùng với đó, chính quyền người Duy Ngô Nhĩ thành lập ở Tân Cương cũng phạm những hành động bạo lực chống lại dân thường người Hán cũng như các dân tộc thiểu số khác như Tajik, Kyrgyz,… làm họ oán hận người Duy Ngô Nhĩ. Ở nhiều nhà tù, các tù nhân người Hán bị giết sạch. Thậm chí như ở Pháp sau Thế chiến 2, các phụ nữ người Duy Ngô Nhĩ lấy chồng Hán ở Tân Cương cũng bị trả thù. Điều này khiến ở nhiều nơi, người dân quay sang ủng hộ Quốc dân Đảng, trong đó có thủ phủ Urumqi của Tân Cương.
Đến năm 1946, sau khi Thế chiến 2 kết thúc, do các thỏa thuận của Liên Xô với Quốc Dân Đảng, 2 bên thống nhất ký một lệnh ngừng bắn ở Đông Turkestan. 2/3 lãnh thổ lúc này đã nằm trong tay Quân nổi dậy Ili, 1/3 còn lại bao gồm thủ phủ Urumqi vẫn bị Quốc Dân Đảng kiểm soát. Hiệp định buộc Quốc Dân Đảng phải thừa nhận quyền tự quyết của các dân tộc Tân Cương, hủy bỏ các đặc quyền người Hán, trả lại lãnh thổ Tân Cương bị cắt cho các tỉnh Cam Túc, Thanh Hải,… Các hiệp định này đã giúp kết thúc cơ bản cuộc nổi dậy Ili, với thắng lợi chiến thuật giành cho quân khởi nghĩa Duy Ngô Nhĩ.
3/ Bị bán đứng và kết thúc độc lập của Tân Cương.
Những gì diễn ra ở Tân Cương hoàn toàn giống với Mông Cổ, nơi Liên Xô đã hỗ trợ cho các dân tộc ly khai khỏi Trung Quốc. Thậm chí số liệt sĩ Liên Xô nằm xuống trên đất Tân Cương nhiều hơn Mông Cổ hàng trăm lần (vì ở Tân Cương Liên Xô thua nhiều hơn). Nhưng khi đến cùng một điểm hẹn lịch sử, số phận 2 đất nước đột ngột rẽ theo 2 con đường hoàn toàn khác, mà các lý giải duy nhất là ”hên xui, ai biết được!”.
Điểm hẹn lịch sử ở đây là chiến thắng của Đảng Cộng sản Trung Quốc trước Quốc Dân Đảng năm 1949, đưa Mao Trạch Đông lên quyền lực và thành lập Cộng hòa Nhân Dân Trung Hoa. Trung Hoa Dân Quốc sụp đổ, Tưởng Giới Thạch chạy ra Đài Loan, trong khi ở Tân Cương người dân tràn vào nhà giết cả nhà bố vợ Thịnh Thế Tài để trả thù sự bóc lột năm xưa. Cuối năm 1949, quân Giải phóng nhân dân (PLA) tiến lên Tây Bắc đến Tân Cương. Quân đội Quốc gia Ili cử người ra chào đón, nhưng thực chất là để ngăn PLA chiếm Tân Cương.
Đứng trước việc đó, Stalin đã chọn các giải quyết khác nhau cho 2 đứa con châu Á mà Liên Xô cùng đỡ đầu. Trong khi ở Mông Cổ, Stalin buộc Mao Trạch Đông phải thừa nhận độc lập Mông Cổ, giữ cho nước này độc lập về sau, thì ở Tân Cương, ông chọn cách trao nó cho Mao Trạch Đông. Nhưng nếu điều này xảy ra, dĩ nhiên các lãnh đạo độc lập Tân Cương không chấp nhận.
Nhưng họ cũng chẳng có cơ hội mà phản đối. Tháng 9 năm 1949, đoàn lãnh đạo cao cấp của Tân Cương, gồm cách lãnh đạo như Ehmetjan Qasim, Ishaq Beg Munonov, Abdulla Crimean-Abasov , Dalelkhan Sugirbayev và Lạc Tử (người Hán) bay trên máy bay Liên Xô từ Kazakhstan đến Bắc Kinh để đàm phán với Mao Trạch Đông về độc lập Tân Cương. Khi bay qua lãnh thổ Liên Xô gần hồ Baikal, chiến máy bay gặp tai nạn và các lãnh đạo Tân Cương thiệt mạng. Vụ tai nạn không bao giờ được điều tra, và Liên Xô chỉ gửi một điện tín duy nhất cho Trung Quốc rằng các lãnh đạo Tân Cương đã gặp tai nạn.
Với cái chết của các lãnh đạo hàng đầu, Cộng hòa Đông Turkestan đệ Nhị không còn có ý định chống lại Mao Trạch Đông. Tháng 10/1949, quyết định sáp nhập Tân Cương vào Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thực hiện mà không gặp trở ngại. Cộng hòa Đông Turkestan đệ nhị kết thúc sự hiện diện trên bản đồ chính trị thế giới. Toàn bộ quân đội Quốc gia Ili được sáp nhập vào Quân giải phóng Nhân dân, mặc dù một số người đào thoát sang Trung Á tiếp tục chiến đấu và cầu viện Liên Xô.
Bí ẩn về vụ tai nạn máy bay năm 1949 phải sau năm 1991 mới được khơi trở lại. Pavel Sudoplatov – một trong những điệp viên KGB nổi tiếng nhất lịch sử, đã tiết lộ rằng Stalin đã thỏa thuận với Mao Trạch Động về việc trừ khử các lãnh đạo Tân Cương. Điều này không còn ai để xác nhận, nhưng nó cũng chẳng quan trọng lúc đó nữa: Cộng hòa Đông Turkestan đã mất 40 năm rồi!
4/ Ngoài lề: Quan điểm của Trung Quốc và sự cố Baitag Bogd
*Quan điểm của Trung Quốc về cuộc nổi dậy Tân Cương.
Trong lịch sử Trung Quốc, tồn tại nhiều quan điểm khác nhau về các sự kiện ở Tân Cương. Trong khi Trung Hoa Dân Quốc – bên trực tiếp chiến đấu với Liên Xô và quân Đông Turkestan thì dĩ nhiên coi nó là một cuộc nổi loạn, và họ gọi là ”Loạn Ili”, thì ngay cả trong những người Cộng sản Trung Quốc, cũng tồn tại những quan điểm khác nhau.
Trước kia vào thòi đầu Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, quan điểm của Trung Quốc từng coi cuộc nổi dậy ở Tân Cương và can thiệp của Liên Xô là ”cuộc nổi dậy nhân dân”, và vì thế họ gọi cuộc nổi dậy là ”Cách mạng 3 huyện Tân Cương”. Một thời gian dài Trung Quốc coi đây là một cuộc ”cách mạng của phong trào giải phóng dân tộc quốc tế dưới ảnh hưởng của chủ nghĩa Cộng sản, với sự giúp đỡ của Liên Xô”. Đặc biệt, đặt trong bối cảnh của cuộc Nội chiến Trung Quốc, họ coi ”cuộc cách mạng 2 huyện đã phá vỡ sự cai trị của bọn phản động Quốc Dân Đảng ở Tân Cương, kiềm chế 10 vạn quân Tưởng ở Tân Cương, và hỗ trợ hiệu quả cho Chiến tranh Giải phóng Nhân dân”.
Nhưng càng về sau, quan điểm của chính phủ Trung Quốc càng theo hướng coi cuộc can thiệp của Liên Xô là ”xâm lược nhằm chia cắt Trung Hoa thống nhất”. Quan điểm này mạnh lên trong thờ kỳ Trung-Xô chia rẽ những năm 1960s, và được ủng hộ đến tận khi Liên Xô sụp đổ. Thậm chí Trung Quốc từng từ chối công nhận những binh sĩ Liên Xô hy sinh tại Tân Cương là liệt sĩ, thậm chí chỉ trích họ là ”kẻ xâm lược chia cắt Trung Hoa”. Mọi dấu ấn thời kỳ Xô Viết ở Tân Cương bị phá hủy sau đó, và tiếng Nga bị cấm nghiêm ngặt. Đặc biệt trong bối cảnh chủ nghĩa ly khai ở Tân Cương đang dâng cao, quan điểm của Chính phủ Trung Quốc càng coi cuộc nổi dậy ở Tân Cương năm 1944 là ”ly khai” và phải bị chỉ trích.
*Sự cố Baitag Bogd ở biên giới Mông Cổ.
Vào lúc cuộc nổi dậy ở Tân Cương với các cuộc chiến đấu ác liệt giữa Quốc dân Đảng với quân Liên Xô diễn ra, nó đã làm cho người Mông Cổ sợ hãi. Họ nghĩ rằng Trung Quốc có ý định chiếm lại những vùng lanh thổ bị Liên Xô giật khỏi tay. Vì vậy trong thời gian Tân Cương có loạn, biên giới phía Tây Mông Cổ luôn rất căng thẳng và được Mông Cổ đề cao cảnh giác.
Chính vì vậy mà khi các cuộc đụng đổ nhỏ diễn ra ở biên giới Mông Cổ-Trung Quốc quanh khu vực Baitag Bogd, nó lại trở thành một vụ việc đình đám trên quốc tế do Mông Cổ làm rùm beng về nguy cơ ”Trung Quốc xâm lược”.
Sự kiện bắt đầu khi Trung Hoa dân quốc cáo buộc Mông Cổ tiếp tay cho Liên Xô gây hỗn loạn Tân Cương, đã cho quân lên biên giới Mông Cổ đề phòng. Khi đó, căng thẳng giữa lính biên phòng 2 nước tăng cao dẫn đến đụng độ làm nhiều người chết. Mông Cổ lo sợ Trung Quốc định xâm lược đã đưa vụ việc ra quốc tế, và thu hút được sự chú ý. Cả Mỹ và Liên Xô đều gửi những hãng thông tấn lớn đến đưa tin về vụ việc. Nhưng mọi việc tồi tệ hơn khi một nhân viên ngoại giao Mỹ là Douglas Mackiernan (thực chất là CIA) được cử đến Tân Cương, bị lính vũ trang thân Liên Xô bắt chết. Cùng lúc đó, hãng tin TASS của Liên Xô công bố những hình ảnh về xác của binh lính và thường dân Mông Cổ bị sát hại và cắt xẻo dã mãn bởi lính Trung Quốc, qua đó tố cáo Trung Quốc gây hấn.
Các sự cố chỉ kết thúc khi Quốc Dân Đảng bị đánh bại năm 1949. Sau đó, Cộng hòa Nhân dân Mông Cổ đã ca ngợi những sự kiện ở vùng Baitag Bogd là ”tự vệ bảo vệ đất nước”, và truy tặng huân chương cho các binh sĩ hy sinh.
Tham khảo:
-Vai trò của quân độiBạch Vệ trong đàn áp cuộc nổi dậy của người Hồi giáo Tân Cương nửa đầu của thập niên 30 Thế kỷ XX – (E.N. Nazemtseva)
-Baidu





Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *