SỰ HÌNH THÀNH CỦA NƯỚC NAM VIỆT VÀ QUAN HỆ GIỮA NAM VIỆT VỚI NHÀ HÁN, CHUYỆN VỀ THỪA TƯỚNG LỮ GIA
● Nam Việt hình thành (204-111 TCN)
Năm 206 TCN, nhà Tần sụp đổ, các bộ tộc Bách Việt ở Quế Lâm và Tượng Quận xa rời khỏi Trung Nguyên. Thủ lĩnh An Dương Vương ở phía Nam đã lập nên Vương Quốc Âu Lạc.
Năm 204 TCN, Triệu Đà lập ra nước Nam Việt, đóng đô ở thành Phiên Ngung nay là (Quảng Châu-Trung Quốc) và tự xưng là “Nam Việt Vũ Vương”, sử quen gọi là “Triệu Vũ Vương”. Lãnh thổ Nam Việt ban đầu gồm 3 quận Nam Hải-tương đương với tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) ngày nay, Quế Lâm (đông bộ Quảng Tây) và Tượng (tây bộ Quảng Tây, nam bộ Quý Châu). Nước Nam Việt phía Bắc giáp Mân Việt và phong quốc Trường Sa của nhà Hán, phía Tây giáp Dạ Lang, phía Tây Nam giáp Âu Lạc, phía Đông Nam giáp biển.
Khoảng năm 179 TCN, Triệu Đà đánh chiếm Âu Lạc của An Dương Vương rồi chia đất Âu Lạc ra làm 2 quận: Giao Chỉ và Cửu Chân. Sau đó sáp nhập 2 quận này vào Nam Hải, Quế Lâm, Tượng Quận. Lãnh địa gồm 5 quận của Nam Việt ổn định cho tới khi nhà Triệu bị tiêu diệt.
___________________________________
● Quan hệ giữa Nam Việt và nhà Hán (202 TCN-220 SCN)
Năm 202 TCN, sau khi đánh bại Hạng Vũ, Lưu Bang thống nhất Trung Nguyên rồi lập ra nhà Hán. Cuộc chiến của Lưu Bang đã làm nhiều khu vực của Trung Quốc bị tàn phá nặng nề và dân số suy giảm. Còn các lãnh chúa phong kiến tiếp tục nổi loạn khắp nơi trong khi lãnh thổ ở phía Bắc thường xuyên bị người Hung Nô chọc phá. Tình trạng bất ổn đó buộc nhà Hán phải cư xử hòa hảo với Nam Việt.
Năm 196 TCN, Hán Cao Tổ đã cử Lục Giả đến Nam Việt với hy vọng nhận được sự trung thành của Triệu Đà. Sau khi đến nơi, Lục Giả gặp Triệu Đà và thấy Đà đón tiếp long trọng với phong tục của người Bách Việt. Điều đó khiến Lục Giả nổi giận, Lục Giả trách móc Đà rằng ông là người Hoa Hạ chứ không phải người Việt, lẽ ra phải giữ cách ăn mặc cùng lễ nghi của người Trung Nguyên chứ không được quên truyền thống của tổ tiên mình. Lục Giả ca ngợi sức mạnh của nhà Hán và cảnh báo 1 vương quốc nhỏ như Nam Việt chống lại nhà Hán là liều lĩnh. Sau khi đe dọa giết thân thích của Triệu Đà ở đất Hán và phá hủy mồ mả tổ tiên cũng như ép buộc dân Bách Việt phế truất ông, Triệu Đà đã quyết định nhận con dấu của Hán Cao Tổ và quy phục nhà Hán. Quan hệ buôn bán được thiết lập tại biên giới của Nam Việt và phong quốc Trường Sa thuộc Hán. Mặc dù chính thức là một nước chư hầu của nhà Hán nhưng Nam Việt vẫn không mất đi quyền tự chủ trên thực tế.
Sau khi Lưu Bang mất năm 195 TCN, quyền lực nhà Hán rơi vào tay Lữ Hậu (vợ đầu của Lưu Bang). Bà sai người về quê của Triệu Đà là Chân Định-nay là huyện Chính Định, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc) giết nhiều họ hàng thân thích và xúc phạm mộ tổ tiên của Triệu Đà. Đà tin rằng Ngô Thần-kẻ đứng đầu phong quốc Trường Sa đã tạo ra những lời buộc tội dối trá chống lại ông để Lữ Hậu cắt đứt buôn bán giữa 2 nước và chuẩn bị đánh chiếm Nam Việt rồi sáp nhập vào phong quốc Trường Sa của Ngô Thần. Để trả thù, Đà tự xưng là Hoàng Đế (Nam Việt Vũ Đế) rồi chủ động đem quân đánh chiếm Trường Sa. Lữ Hậu cử tướng Chu Táo đem quân tới để trừng phạt Triệu Vũ Đế. Nhưng do thời tiết nóng ẩm ở phương Nam đã khiến cho binh sĩ của Chu Táo đổ bệnh, không thể Nam Tiến được nữa. Sau đó Triệu Vũ Đế đã dùng của cải mua chuộc các vùng phụ cận như Mân Việt ở phía Đông và Âu Lạc ở phía Nam.
Năm 179 TCN, Lưu Hằng lên ngôi trở thành Hán Văn Đế. Ông này đã đảo ngược nhiều kế sách trước đó của Lữ Hậu và tiến hành hòa giải đối với Triệu Vũ Đế. Hán Văn Đế ra lệnh cho các quan lại đi kinh lý Chân Định, sai quân canh giữ bảo vệ huyện trấn và thường xuyên chăm lo hương hỏa tổ tiên của Triệu Vũ Đế. Thừa tướng Trần Bình đề nghị cử Lục Giả đến Nam Việt vì họ đã biết nhau từ trước. Lục Giả đến Phiên Ngung thêm một lần nữa và giao bức thư của Hán Văn Đế cho Triệu Đà và nhấn mạnh rằng những chính sách của Lữ Hậu là nguyên nhân gây ra sự thù địch giữa Nam Việt với nhà Hán và đem đến nhiều khổ đau cho dân thường ở biên giới. Triệu Đà lại quyết định quy phục nhà Hán lần nữa, rút lại danh xưng Hoàng Đế rồi trở lại xưng Vương. Thế là Nam Việt lại thành chư hầu của nhà Hán lần nữa. Tuy vậy, những sự thay đổi đó chỉ là bề ngoài, còn Triệu Đà vẫn được dân chúng coi như là Hoàng Đế của Nam Việt. Ngoài 5 quận trực tiếp cai trị ra, nhà Triệu còn gây ảnh hưởng đến mấy nhóm Bách Việt xung quanh như: Đông Âu (Chiết Giang), Mân Việt (Phúc Kiến).
▪︎ Triều đại Triệu Văn Đế (137 -125 TCN)
Năm 137 TCN, Triệu Đà mất vì tuổi cao, khoảng hơn 100 tuổi, thời đó mà hơn 100 là quá thọ. Cháu của Triệu Đà là Triệu Mạt trở thành vua Nam Việt, tức Triệu Văn Đế (Triệu Văn Vương).
Năm 135 TCN, vua nước Mân Việt ở bên cạnh mở cuộc tấn công vào các thị trấn dọc biên giới giữa Nam Việt và Mân Việt. Vì Triệu Mạt chưa kịp củng cố quyền lực của mình nên buộc phải cầu xin Hán Vũ Đế gửi quân đến giúp Nam Việt chống lại bọn mà ông gọi là “những kẻ nổi loạn Mân Việt”. Hán Vũ Đế khen Mạt là 1 chư hầu trung thành và phái Vương Khôi-1 viên chức cai trị dân tộc thiểu số và Hàn An Quốc chỉ huy quân đội. Hán Vũ Đế ra lệnh chia quân làm 2 đạo tấn công Mân Việt từ 2 hướng, một từ Dự Chương, hướng khác là từ Cối Kê. Nhưng trước khi quân Hán đến nơi thì vua Mân Việt là Dĩnh đã bị em trai là Dư Thiện ám sát, rồi Dư Thiện đã nhanh chóng cho đầu hàng.
Hán Vũ Đế sau đó đã cử sứ giả là Nghiêm Trợ đến Phiên Ngung đưa bản tuyên bố đầu hàng chính thức của Mân Việt cho Triệu Mạt. Mạt bày tỏ lòng biết ơn của mình đến Hán Vũ Đế cùng lời hứa rằng sẽ đến kinh đô Trường An để yết kiến Hán Vũ Đế. Một cận thần của Mạt đã ra sức khuyên không nên đi vì sợ rằng Hán Vũ Đế sẽ tìm ra một vài nguyên nhân để ngăn Mạt không cho quay trở về, điều đó sẽ dẫn đến sự diệt vong của nước Nam Việt. Mạt nghe lời nên đã giả bị bệnh để khỏi phải đến Trường An.
Lúc Mân Việt đầu hàng quân Hán, Vương Khôi đã phái Đường Mông-huyện trưởng Phiên Dương dưới quyền đến để đưa tin Mân Việt đầu hàng cho Triệu Mạt. Khi ở Nam Việt, Đường Mông đã được thưởng thức một loại nước chấm truyền thống của Nam Việt được làm từ quả sơn trà mua từ đất Thục. Ngạc nhiên rằng đó là một sản vật sẵn có, Đường Mông đã nhận ra có một tuyến đường từ Thục(nay là tỉnh Tứ Xuyên) đi đến Dạ Lang, rồi sau đó dọc theo sông Tang Kha (ngày nay là sông Bắc Bàn chảy qua tỉnh Vân Nam và Quý Châu) có thể dẫn thẳng đến kinh đô Phiên Ngung của Nam Việt. Ngay khi vừa về, Đường Mông đã phác thảo 1 kế hoạch trình lên Hán Vũ Đế rằng mau tập hợp 100.000 quân tinh nhuệ tại Dạ Lang, sau đó dùng thuyền vượt sông Tang Kha để mở cuộc tấn công bất ngờ vào Nam Việt.
Hán Vũ Đế đồng ý với kế hoạch của Đường Mông, phong Mông làm Lang Trung Tướng dẫn đầu đoàn quân lương và xe hàng từ hẻm Ba Phù (ngày nay gần huyện Hợp Giang, tỉnh Tứ Xuyên) tiến vào Dạ Lang. Nhiều xe hàng mang theo là quà tặng cho các lãnh chúa phong kiến của Dạ Lang như là quà hối lộ để họ tuyên bố trung thành với nhà Hán, điều mà sau đó họ đã làm và Dạ Lang trở thành quận Kiền Vi của nhà Hán.
Sau hơn một thập kỷ trị vì, Triệu Văn Đế đổ bệnh và qua đời khoảng năm 125 TCN.
▪︎ Triều đại Triệu Minh Vương (125-113 TCN)
Sau khi nghe tin cha đổ bệnh nặng, Triệu Anh Tề nhận được sự chấp thuận từ Hán Vũ Đế quay trở về Nam Việt. Sau khi Triệu Văn Đế băng hà, Triệu Anh Tề lên ngôi vua Nam Việt, tức là Triệu Minh Vương. Trước khi được phái đến Trường An, Triệu Anh Tề đã kết hôn với một người đàn bà Nam Việt (chưa rõ tên) và có một con trai tên là Triệu Kiến Đức. Trong khoảng thời gian Triệu Anh Tề sống ở Trường An, ông lại cưới một người đàn bà tên là Cù Hậu (có lẽ vì quê hương của Triệu Đà cũng ở vùng đó). Họ đã có một con trai tên là Triệu Hưng. Ông đã chủ động xin Hán Vũ Đế lập người vợ Hán thành Vương Hậu và Triệu Hưng thành Thế Tử, việc làm này cuối cùng đã mang đến thảm họa cho Nam Việt. Anh Tề mất năm 113 TCN.
___________________________________
Dưới thời của Triệu Minh Vương, danh tiếng của thừa tướng tên là Lữ Gia nổi như cồn. Theo”Đại Việt Sử Ký Toàn Thư”, Ngài đã làm Thừa Tướng 4 đời vua Triệu, từ Triệu Văn Vương (136 – 125 TCN), Triệu Minh Vương (124 – 113 TCN), Triệu Ai vương (112 TCN) và Triệu Dương Vương (112-111 TCN).
● Sơ lược về tiểu sử Lữ Gia
Theo “Việt Nam tiền cổ vĩ nhân liệt truyện” tác phẩm khuyết danh xuất hiện vào khoảng cuối thời Nguyễn (bản tiếng Việt dịch từ chữ Hán, lưu trữ tại thư viện Viện Văn Học) thì Lữ Gia quê ở huyện Lôi Dương phủ Thiệu Thiên trấn Thanh Hoa, nay là huyện Thọ Xuân tỉnh Thanh Hóa.
Còn trong “Cổ Lôi ngọc phả truyền thư” thì quê hương Lữ Gia là Tiên Lữ thuộc bộ Vũ Ninh ở nước Nam Việt của Triệu Đà. Mẹ là Trần Thị Lan ở Hương Trang Nghiêm huyện Thiên Bản (nay là Vụ Bản–Nam Định).
Trong gia đình thì thừa tướng Lữ Gia là con trưởng, em là Lữ Nhạc và Lữ Cường.
Lữ Gia là thần đồng, chưa đầy 5 tuổi đã thông thạo âm luật, 8 tuổi thông cả “Bách Gia Chư Tử”.
Lữ Gia có nhận 1 người Nam Trì là Nguyễn Danh Lang là em kết nghĩa (gọi là Lang Công). Sau này, Lữ Gia về quê và kết hôn với công chúa Lâu Nương-con quân trưởng Hùng Lữ-một chi phái Hùng Vương lánh nạn ở Châu Ô Lý.
___________________________________
● Chuyện là như này
Minh Vương là Triệu Anh Tề đã lấy 1 bà vợ người Việt và họ đã có con lớn là Triệu Kiến Đức nhưng vì yêu Cù Hậu là người Hán nên lập con nhỏ của Cù Hậu là Triệu Hưng lên thay. Năm 113 TCN, Minh Vương chết, Hưng nối ngôi, tức là Triệu Ai Vương.
Trước kia, Cù Hậu chưa lấy Minh Vương, ả đã từng thông dâm với An Quốc Thiếu Quý người Bá Lăng. Năm ấy nhà Hán thấy nước Nam Việt vua còn nhỏ nên sai An Quốc Thiếu Quý sang dụ Triệu Ai Vương và Cù Hậu vào chầu, như đối với các chư hầu nhà Hán, lại sai Biện sĩ là Gián nghị đại phu Chung Quân tuyên dụ, Dũng sĩ là Ngụy Thần giúp việc, vệ úy Lộ Bác Đức đem quân đóng ở Quế Dương để đợi sứ giả.
Lúc đến nơi, Cù Hậu và Thiếu Quý lại gặp nhau. Vì là người yêu cũ của nhau nên cả 2 lại ấy ấy nhau ? Người dân trong nước biết hết nên bất mãn không theo Cù Hậu. Mà ả lại là người Hán nên muốn mượn uy của nhà Hán để “khè” tất cả. Nhiều lần ả dâng thư xin làm chư hầu của nhà Hán, cứ 3 năm vào chầu 1 lần. Vua Hán bằng lòng, ban cho Ai Vương và Lữ Gia ấn bạc cùng các ấn nội sử. Thái phó, trung úy hay mấy chức lặt vặt khác có thể tự đặt lấy.
Cù Hậu đã sửa soạn hành trang, lễ vật quý giá để cùng Ai Vương vào chầu. Thừa tướng Lữ Gia tuổi cao chức trọng, người trong họ làm trưởng lại đến hơn 70 người, con trai đều lấy con gái vua đời trước, con gái đều gả cho con em vua và người tôn thất, cùng thông gia với Tần Vương Triệu Quang ở đất Thương Ngô. Trong nước Nam Việt, ông được lòng dân hơn cả vua. Lữ Gia nhiều lần dâng thư can Ai Vương nhưng Ai Vương không nghe.
Lữ Gia quyết định làm binh biến, thường cáo ốm không tiếp sứ giả nhà Hán. Các sứ giả nhà Hán đều muốn hại ông, nhưng thế chưa thể làm được. Thái hậu cũng sợ phe Lữ Gia khởi sự trước, muốn nhờ sứ giả nhà Hán trù mưu giết ông.
Cù thái hậu bèn đặt tiệc rượu mời sứ giả đến dự, các đại thần đều ngồi hầu rượu. Em Lữ Gia làm tướng, đem quân đóng ở ngoài cung. Tiệc rượu mới bắt đầu, Thái hậu bảo ông rằng:
“Nam Việt nội thuộc Trung Quốc là điều lợi cho nước nhà, thế mà Thừa Tướng lại không bằng lòng là vì cớ gì ?”
Ý Cù Hậu muốn chọc tức sứ giả. Sứ giả còn đang hoài nghi, chần chừ chưa dám làm gì. Lữ Gia thấy tai mắt họ có vẻ khác thường, lập tức đứng dậy đi ra. Thái Hậu giận, muốn lấy giáo đâm ông nhưng Ai Vương ngăn lại.
Lữ Gia lấy quân lính của em dẫn về nhà, cáo ốm không chịu gặp vua và sứ giả, ngầm cùng các đại thần chống đối. Ai Vương vốn nể uy tín của Lữ Gia nên không có ý giết ông. Lữ Gia biết thế nên đến mấy tháng không hành động gì. Thái hậu muốn một mình giết Lữ Gia nhưng sức không làm nổi.
Hán Vũ Đế biết tin Lữ Gia không nghe lệnh, mà Triệu Hưng và Thái hậu thì bị cô lập, không chế ngự nổi, sứ giả thì nhút nhát không quyết đoán, lại thấy Hưng và Thái hậu đã nội phụ rồi, chỉ một mình Lữ Gia làm loạn, không đáng để đem quân tiến đánh nên đã sai Trang Sâm đem 2.000 người sang sứ. Sâm từ chối không nhận, Hán Vũ Đế bãi chức Sâm. Tướng Tế Bắc cũ là Hàn Thiên Thu hăng hái xin đi. Hán Vũ Đế lại sai Thiên Thu và em Cù Hậu là Cù Lạc đem 2.000 người tiến vào đất Nam Việt.
Lữ Gia bèn hạ lệnh trong nước rằng:
“Vua còn nhỏ tuổi, Thái hậu vốn là người Hán, lại dâm loạn với sứ giả nhà Hán, còn muốn nội phụ vào nhà Hán, đem hết đồ châu báu của Tiên Vương dâng cho nhà Hán để nịnh bợ, đem theo nhiều người đến Trường An rồi bắt bán cho người ta làm đầy tớ, chỉ nghĩ mối lợi một thời, không đoái gì đến xã tắc họ Triệu và lo kế muôn đời”.
Sau đó, ông cùng với em đem quân đi giết Triệu Ai Vương và Cù Hậu, giết hết tất cả sứ giả nhà Hán rồi sai người đi báo cho Tần Vương Triệu Quang ở Thương Ngô và các quận ấp. Sau đó, lập con trưởng của Triệu Minh Vương là Thuật Dương hầu Kiến Đức làm vua, tức là Triệu Thuật Dương Vương.
___________________________________
Bấy giờ là mùa Đông tháng 10 năm 112 TCN, Lữ Gia đã đưa Kiến Đức lên ngôi vua hiệu là Triệu Dương Vương. Quân của Hàn Thiên Thu đã kéo vào đánh phá một số ấp nhỏ.
Hàn Thiên Thu còn 40 dặm nữa là đến Phiên Ngung thì Lữ Gia đã chủ động xuất quân giết Thiên Thu
Hán Đế đã hiểu hết mọi chuyện, sai Phục Ba tướng quân Lộ Bác Đức xuất phát từ Dự Chương, Tướng quân Nghiêm xuất phát từ Linh Lăng, Hạ Lăng tướng quân đem quân xuống Thương Ngô, Tri Nghĩa Hầu Quý đem quân Dạ Lang xuống sông Tường Kha.
7 đạo quân này lên tới 300.000 lính, chuẩn bị kéo vào Nam Việt.
___________________________________
● Diễn biến cuộc chiến với quân Hán
Về diễn biến của các trận chiến giữa quân Hán với quân Nam Việt trong giai đoạn này, các sử thần thời Trần (Lê Văn Hưu) và thời Lê (Ngô Sĩ Liên), do căn cứ vào Đường Sử, Tống Sử đã chép vào Đại Việt Sử Ký nên “Đại Việt Sử Ký Toàn Thư” ghi chép rất sơ sài giai đoạn này, các hướng tiến quân và cách quân Việt chống trả ra sao cũng chẳng nói rõ. Nhưng trong “Việt Nam tiền cổ vĩ nhân liệt truyện” của tác giả khuyết danh nào đó lại đề cập đến các diễn biến này một cách khá tường tận và chi tiết.
Khi các cánh quân Hán tiến sâu vào đất Nam Việt. Thấy không giữ nổi kinh thành, Triệu Dương Vương cùng triều thần lên thuyền xuôi ra biển rồi xuôi về giữ thành Đại La (tức Hà Nội ngày nay), chỉ còn Lữ Gia và các viên tướng người họ Lã cùng quân binh và dân binh ở lại trấn giữ thành và các nơi trọng yếu. Ở mạn Tây bắc, Lữ Gia trực tiếp chỉ huy 150.000 quân đối đầu trực tiếp với cánh quân của Lộ Bác Đức. Ở mạn Bắc, một cánh quân khác gồm 50.000 người do Lữ Tuấn, Lữ Đạt (hai người con của Lữ Gia) chỉ huy đã đánh bại cánh quân của Dương Bộc khiến chúng phải lui về vùng hồ Động Đình. Ở phía Nam, cánh quân 30.000 người phò tá triều đình Thuật Dương Vương về đến Đại La do Lữ Điển (cháu họ của Lữ Gia) chỉ huy cũng đánh lui một cánh quân khác của nhà Hán bám theo truy đuổi ở cửa Thần Phù, khiến chúng phải rút lui vào vùng Diễn Châu (Nghệ An).
Lộ Bác Đức, Dương Bột cùng 2 viên tướng Nghiêm, Giáp ở Thương Ngô. Tất cả xuất kích từ 4 hướng, cùng tiến về thành Phiên Ngung. Bên phía Nam Việt, tuy quân số đông nhưng phần lớn đều là dân binh chưa qua tập luyện nên không thể chống lại được với quân Hán vốn toàn là tinh binh.
Quân Nam Việt bỏ thành Phiên Ngung, rút lui dần về phía nam,nhưng qua mỗi chặng rút lui đều bố trí nhiều nhóm nhỏ ở lại phục kích, chốt giữ các điểm trọng yếu. Thấy các mũi tiến công đều bị phục kích, cầm chân. Lộ Bác Đức, Dương Bột dùng mưu sai người mang vàng bạc tới đút lót cho Quyên, Lý Ước–2 tướng Nam Việt mà chúng vốn đã quen biết từ trước. Hai tên tướng này bí mật về tâu với Thuật Dương Vương ở thành Đại La rằng Lữ Gia đã thông đồng với giặc và đang kéo quân về làm phản. Vua tưởng thật nên đã bãi chức Thừa Tướng của Lữ Gia, giáng xuống làm “Huyện doãn Phong Châu”. Khi nhận chiếu chỉ, Lữ Gia không hề oán giận mà đã mang quân về trấn giữ Phong Châu ngay. Phong Châu là kinh đô cũ của các vua Hùng-đã hơn 2.622 năm tuổi. Đó cũng là nơi có Phong Khê và Thành Ốc của Thục Phán An Dương Vương và khi Triệu Đà đánh bại An Dương Vương để giành đất thì cũng đã đến đóng đô tại đây trong nhiều năm, đến gần cuối đời mới di chuyển lên Phiên Ngung. Mà đất Phong Châu
ngày nay lại nằm ở Hà Nội.
Tại Phong Châu, Lữ Gia củng cố lực lượng, chiêu mộ thêm vài ngàn người nữa rồi chia nhau trấn giữ các nơi xung yếu. Hai người vợ của Lữ Gia cũng chỉ huy vài cánh quân nhỏ đánh vào mấy doanh trại của giặc lúc nửa đêm gây cho chúng nhiều thiệt hại. Tuy nhiên, hướng tiến công chính của Lộ Bác Đức và Dương Bột lại là thành Đại La-nơi có Triệu Dương Vương cùng triều thần đang trấn giữ. Trước sức tiến công ồ ạt của quân Hán, Nam Việt chống giữ không nổi nên đã phải đầu hàng. Hạ xong thành Đại La…Lộ Bác Đức cùng Dương Bột tiến vào Phong Châu nhưng đã bị khựng lại trước sự chống trả quyết liệt của quân Nam Việt.
Và 2 tên tướng kia lại dùng đến kế ly gián như đã làm với Quyên và Lý Ước. Chúng cho người đem vàng bạc tới để đút lót cho tướng Chu Năng- 1 tướng người Việt.
Khi Lữ Gia dẫn đại binh đến bến Nhân Mục gần thành Đại La để phản công thì lại bị quân của Chu Năng mai phục sẵn, xông lên đánh úp. Lữ Gia lui quân về giữ Phong Châu, quân Hán kéo đến bao vây, vì thế thế trận bên phía quân Việt bị vỡ. Một mình Lữ Gia tả xung hữu đột, giết được 50 tên giặc rồi phá vòng vây cùng một toán quân chạy về hướng Nam. Chạy đến gần làng Lã Chỉ (vùng đất bãi ở cửa sông Trà Lý huyện Thiên Bản tỉnh Nam Định cũ, nay là huyện Tiền Hải tỉnh Thái Bình) thì ông bị quân Hán đuổi theo chém sạt một bờ vai. Ông vẫn thúc ngựa chạy, một hồi lâu sau thì ngã xuống. Nhân dân trong làng sau đó đã an táng cho ông, rồi lập ông làm Thần Thành Hoàng, thờ cúng ở trong đình.
___________________________________
Tuy nhiên, sự hy sinh của Thừa Tướng còn có nhiều truyền thuyết khác nhau kể lại
▪︎ Truyền thuyết thứ nhất:
Sau khi chiếm được Triệu Thành, quân Hán tiến đánh Trang Nghiêm-căn cứ cuối cùng của quân Âu Lạc, bị quân Hán vây chặt 4 mặt, một trận chiến không cân sức một chọi mấy trăm.
Sau trận chiến, quân hai bên chết như rạ. Cuối cùng Thừa Tướng bị quân Hán vây chặt, chém một nhát trúng cổ. Ông vất thanh đao về phía trước rồi lấy tay ôm đầu của mình vừa rời khỏi cổ, quân Hán sợ quá đứng dạt ra hai bên.
Thừa tướng ôm đầu rồi cưỡi ngựa chạy đến chân núi Gôi (Vụ Bản, Nam Định) bỗng gặp một người đàn bà kêu lên “tướng quân không có đầu sao còn sống được ?!”. Lữ Gia chợt tỉnh, bỏ rơi đầu mình ra và ngã xuống. Quân Hán đuổi tới nơi rồi đem thi thể của Thừa Tướng Lữ Gia ném xuống cửa sông Nguyệt Giang. Dân làng Nguyệt Mạc vớt được thi thể của Thừa Tướng đem an táng và lập đền thờ trên phần mộ của ông, tôn là Phúc Thần.
▪︎ Truyền thuyết thứ 2
Cũng theo truyền thuyết khác thì sau khi bị quân Hán chém đầu nhưng chưa đứt hẳn, ông phóng ngựa chạy về vùng đất Vụ Bản-Nam Định. Khi chạy đến thị trấn Gôi bây giờ thì gặp một bà hàng nước. Lữ Gia hỏi là người bị chém mất đầu có sống được không ? Bà hàng nước nói người mất đầu thì làm sao sống được, tức thì ông buông tay ra, đầu lìa khỏi thân. Dân Vụ Bản chôn và lập đền thờ ở nhiều nơi trong huyện. Tương truyền: đầu, thân và chân của ông được thờ ở 3 làng khác nhau. Ngày xưa có hội rước tại các đình, miếu thờ ông trong khắp huyện, to gần bằng hội Phủ Dầy. Truyện này được ghi trong “Thiên Bản Lục Kỳ”-là 1 trong 6 truyện kỳ lạ của vùng đất Thiên Bản xưa (nay là Vụ Bản-Nam Định).
Về ngày mất của Thừa tướng Lữ Gia: Hiện chưa có thông tin chính xác về ngày hy sinh của Thừa Tướng nhưng theo một nguồn tin từ Wikipedia thì ngài mất ngày 25 tháng 3 năm 111-TCN. Các đời sau họ Lữ và họ Lã ở miền Bắc Việt Nam thường làm giỗ Tổ vào ngày 25 tháng 3 âm lịch hằng năm.
Hiện nay, rất nhiều tên đường phố, trường học đều lấy tên của Thừa Tướng.