4 điều mà người có trí thông minh cảm xúc không làm

4 điều mà người có trí thông minh cảm xúc không làm

Chuyên mục: Personal Growth | Đăng ngày 5 tháng 4 năm 2020 · 7 phút đọc | 68K Claps
Tác giả: Nick Wignall
________________________
Đa phần mọi người đều nghĩ tới trí tuệ cảm xúc như một kỹ năng, một thứ gì đó có thể hình thành và rèn luyện thông qua luyện tập.
Và trong khi điều này khá đúng trên một phương diện nào đó, thì có một sự thật sâu sắc hơn về trí tuệ cảm xúc mà hầu hết chúng ta đều bỏ lỡ:

“Cải thiện trí tuệ cảm xúc thường là việc làm ít đi, thay vì cố gắng làm nhiều hơn một điều gì đó.”

Là một nhà tâm lý học, tôi đã và đang làm việc với rất nhiều người có trí thông minh về mặt cảm xúc không được cao cho lắm:
  • Họ đổ lỗi cho người khác về vấn đề của bản thân
  • Họ mắc kẹt trong vòng xoáy của sự căng thẳng và lo lắng
  • Họ tự tàn phá bản thân ngay khi mình trở nên tiến bộ
Nhưng theo kinh nghiệm của tôi thì thực chất phần lớn chúng ta không hề thiếu sót năng lực về trí tuệ cảm xúc. Trên thực tế, tôi nghĩ rằng hầu hết mọi người đều sở hữu một mức độ khá cao về trí tuệ cảm xúc.
Thật không may, nhiều người không thể sử dụng trí thông minh cảm xúc bẩm sinh của mình bởi một tập hợp các thói quen xấu đã gây cản trở họ trên con đường ấy.
Nếu bạn muốn cải thiện trí tuệ cảm xúc của bản thân, hãy học cách xác định những thói quen xấu này trong cuộc sống và trong công việc để loại bỏ chúng khỏi cuộc đời bạn. Rồi bạn sẽ nhận ra rằng trí tuệ xúc cảm của bạn không hề bị bỏ lại phía sau như bạn đã nghĩ.
Chỉ trích người khác thường là một cơ chế tự vệ vô thức với mục đích làm giảm bớt sự bất an của chính chúng ta.
Mỗi người chúng ta đều có giây phút nào đó chỉ trích và phê phán người khác. Và thực ra thì việc này không hẳn là một việc gì đó xấu xa – suy nghĩ thật cẩn thận và bình phẩm về thế giới xung quanh là một kỹ năng cần thiết. Kỹ năng này giúp ta điều hướng thế giới cũng như các mối quan hệ quanh ta theo một cách khách quan.
Nhưng khi những lời chỉ trích ngày một gia tăng – đặc biệt khi ta hình thành thói quen chỉ trích người khác – thì điều này có thể dẫn đến một tác dụng ngược lại với tính khách quan vốn có: chỉ trích có thể khiến chúng ta trở nên hẹp hòi và mù quáng, đặc biệt là với chính bản thân chúng ta.
Một trong những nguyên nhân khiến việc chỉ trích người khác dễ biến thành một thói quen là do chỉ trích người khác làm ta cảm thấy tốt hơn về bản thân mình:
  • Khi ta bình phẩm rằng người khác thật ngu ngốc, thì ta đã ngầm cho rằng bản thân thật thông minh. Cảm giác ấy thật tuyệt vời.
  • Khi ta phê phán ai đó thật quá ngây thơ, thì thực ra ta đang tự nói với bản thân rằng mình là một kẻ sành sỏi và thạo đời. Cảm giác này cũng tuyệt vời không kém.
  • Khi ta cười thầm ai đó rằng gu thời trang của họ tệ ra sao, lúc ấy chính ta cũng đang tự thừa nhận sự tinh tế của bản thân. Và cảm giác này cũng tuyệt vời nốt.
Những lời bình phẩm thực sự hữu ích là những lời bình phẩm khiến cho thế giới trở nên tốt đẹp hơn. Những lời bình phẩm vô giá trị là những lời bình phẩm khiến cho ta cảm thấy tốt đẹp về bản thân mình.
Mặc dù việc chỉ trích ai đó có thể tạm thời khiến bạn cảm thấy tốt về bản thân, nhưng về lâu về dài, nó sẽ làm bạn cảm thấy tồi tệ hơn về chính mình.
Mặt khác, những người sở hữu trí thông minh về mặt cảm xúc và những người có thể tự nhận thức về bản thân mình sẽ hiểu rằng việc chỉ trích người khác chỉ là một cơ chế phòng thủ nguyên thủy. Và rằng có vô vàn cách tốt hơn, và hiệu quả hơn để đối phó với những lo lắng và bất an của chính chúng ta.
Không nhận thức được điều này, những người liên tục chỉ trích người khác thực ra chỉ đang cố gắng làm giảm bớt sự bất an của chính họ.
Ta nên hiểu rằng, phê phán và bình phẩm về người khác là một sự lãng phí thời gian và tiêu tốn năng lượng không hơn không kém, bởi nó kéo theo tất cả thời gian, công sức của ta mà không hề giúp ích gì trong việc tự cải thiện bản thân và thế giới xung quanh.

“Phê bình người khác là một hình thức ca tụng chính mình. Ta nghĩ rằng bức tranh của mình được treo ngay ngắn trên tường bằng cách nói với tất cả những người hàng xóm xung quanh rằng tranh của họ đã bị treo lệch.” – Fulton J. Sheen

2. Lo lắng về tương lai

Việc ta lo lắng về tương lai cũng đồng nghĩa với việc ta đang sống trong sự phủ nhận về bản chất bấp bênh của cuộc sống.
Loài người chúng ta luôn khao khát trật tự và sự chắc chắn. Cũng vì một lý do chính đáng: tổ tiên của ta, những người giỏi giang trong việc khiến cuộc sống của họ trở nên bớt bất ổn hơn dường như cũng tồn tại lâu hơn. Chọn lọc tự nhiên do đó cũng khuyến khích giảm thiểu tối đa sự không chắc chắn.
Nhưng có một sự khác biệt lớn giữa việc hợp lý hóa quá trình giảm bớt sự không chắc chắn và việc trở nên quá sợ hãi bởi sự không chắc chắn đến nỗi ta ảo tưởng rằng ta có thể loại bỏ nó hoàn toàn.
Và đó là điều mà những người lo lắng kinh niên thường làm. Họ sợ hãi tột độ sự bấp bênh và không muốn phải sống với điều đó, đến nỗi họ tự lừa dối chính mình bằng cách nghĩ rằng họ có thể làm cho tương lai bớt bất ổn hơn – bằng cách nghĩ về tương lai không ngừng.
Những người lo lắng kinh niên sống với ảo tưởng rằng việc suy nghĩ về tương lai là cách giải quyết vấn đề và việc lập kế hoạch sẽ luôn đem đến mức độ sẵn sàng cao hơn cho bản thân họ. Nhưng cả hai điều này đều không đúng:
  • Chỉ vì bạn đang nghĩ về một vấn đề không có nghĩa rằng bạn đang nghĩ về vấn đề đó một cách thực sự hiệu quả.
  • Và chỉ vì bạn đang lập kế hoạch cho tương lai – trong khi lướt qua vô số tình huống giả định có thể xảy ra – không có nghĩa là bạn có thể trang bị tốt hơn để xử lý chúng. Thông thường, bạn chỉ đang khiến cho bản thân có một tâm thái chuẩn bị tốt hơn thôi.
Lo lắng khiến bạn ảo tưởng về sự chắc chắn. Nhưng sau cùng, ảo tưởng ấy rồi sẽ làm bạn trở nên yếu đuối và vỡ vụn.
Những người có trí thông minh về cảm xúc thì hiểu rằng cuộc sống vốn dĩ không chắc chắn và đầy rẫy những bấp bênh. Và họ hiểu rằng tốt hơn cả là hãy đối mặt với thực tế bằng đôi mắt mở to, thay vì sống trong sự phủ nhận về nó.
Bởi khi chúng ta ngừng hủy hoại bản thân với tất thảy những căng thẳng và âu lo thường trực, ta sẽ vô cùng ngạc nhiên khi nguồn năng lượng và sự nhiệt huyết ngày nào đang dần trở lại với cuộc sống của ta.
Khi ta ngừng mong mỏi thế giới hành động theo cách ta mong muốn vào ngày mai, việc sống với thực tại sẽ trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết.

“Lo lắng chẳng làm vơi đi nỗi phiền muộn của ngày mai, mà rút cạn ngày hôm nay bằng sức mạnh của nó.” – Corrie Ten Boom

3. Suy ngẫm lại về quá khứ

Hồi tưởng lại những sai lầm trong quá khứ là một nỗ lực sai lầm trong việc kiểm soát mọi thứ.
Giống như con người chúng ta khao khát trật tự và sự chắc chắn, chúng ta cũng khao khát sự kiểm soát. Ta ám ảnh với ý tưởng rằng, với nỗ lực và sự kiên trì vừa đủ, ta có thể thực hiện hay đạt được bất cứ thứ gì.
Hầu hết những người bị mắc kẹt với những suy ngẫm triền miên về sai lầm và thất bại trong quá khứ không thực sự tin rằng họ có thể thay đổi quá khứ. Thay vào đó, ngẫm nghĩ về quá khứ tạo cho họ thứ ảo tưởng về sự kiểm soát, tuy chỉ thoáng qua và có tác dụng tạm thời.
Khi chúng làm điều gì đó tồi tệ hoặc mắc phải sai lầm trong quá khứ, ta tự khắc cảm thấy tội lỗi và hối tiếc về những gì đã làm. Những người không ngừng suy ngẫm về quá khứ hình thành một thói quen vô thức khiến những sai lầm liên tục hiện lên trong tiềm thức của họ. Bởi thói quen này mang lại cho họ cảm giác họ đang kiểm soát mọi thứ trong tầm tay.
Và cảm giác nắm trong tay tầm kiểm soát đánh lạc hướng họ khỏi cảm giác bất lực – thứ cảm giác họ đã trải qua khi mắc phải những sai lầm trong quá khứ.
Thực tế là, việc suy tư hay phân tích về những sai lầm trong quá khứ sẽ chẳng thay đổi được những gì đã xảy ra. Điều này cũng có nghĩa, việc bất lực trước hoàn cảnh là thứ không thể tránh khỏi.
Đây là một thực tế khó khăn của cuộc sống mà những người thông minh về cảm xúc không chỉ hiểu được mà họ còn chấp nhận điều đó.
Nếu ta muốn tiếp tục cuộc sống của mình thay vì mắc kẹt mãi trong quá khứ, ta buộc phải chấp nhận quá khứ bởi những gì đã xảy ra, bao gồm cả cảm giác bất lực.
Ta buộc phải từ bỏ những chuyến viếng thăm vô tận về quá khứ, bất kể chuyến đi ấy có làm ta nguôi ngoai nỗi đau thực sự – nỗi đau về sự bất lực không thể làm khác đi.
Khi cảm thấy không chắc chắn về một điều gì đó, hãy hành động ở thực tại, thay vì kẹt mãi trong quá khứ. Hãy làm điều gì đó thực sự hữu ích, ngay bây giờ, tuy chỉ là những bước nhỏ – và cố gắng chế ngự sự cám dỗ của bản thân trong việc tua lại bộ phim trong quá khứ.
Đừng từ bỏ quyền kiểm soát tương lai của bạn bằng cách vờ như bạn có thể kiểm soát quá khứ.

“Suy nghĩ quá nhiều cũng là một căn bệnh.” – Fyodor Dostoyevsky

4. Duy trì những kỳ vọng không thực tế

Những kỳ vọng không thực tế là một nỗ lực sai lầm trong việc kiểm soát người khác.
Cũng giống như việc hồi tưởng về quá khứ là một nỗ lực để kiểm soát quá khứ và cách chúng ta cảm nhận về nó, duy trì những kỳ vọng không thực tế cũng là một nỗ lực khó để nhận ra trong việc kiểm soát người khác.
Dĩ nhiên, phần lớn những người có kỳ vọng không thực tế thường không dễ dàng nhận ra vấn đề này.
Chúng ta nhìn nhận những kỳ vọng của mình về người khác như một điều gì đó tốt đẹp: Đặt ra những kỳ vọng cao về người khác là cách khuyến khích họ phát triển, trưởng thành, cũng như trở thành phiên bản tốt nhất của họ.
Có thể là như vậy, nhưng thực chất đây vẫn là một hình thức kiểm soát không rõ ràng. Ta thường tạo ra vài hình tượng mà những người xung quanh ta nên hướng tới hoặc làm theo hoặc trở nên như vậy, và kỳ vọng của ta là làm mọi cách khiến điều đó trở thành hiện thực.
Nhưng chính xác thì, việc duy trì một kỳ vọng không thực tế nghĩa là gì?
Nói một cách đơn giản, điều đó có nghĩa là ta dành thời gian để dựng lên những câu chuyện về những gì người khác nên làm. Và khi họ không thể đáp ứng những tiêu chuẩn ấy, theo phản xạ ta sẽ bắt đầu so sánh thực tế với những kỳ vọng đã đặt ra, để rồi cảm thấy thất vọng và chán nản.
Và rồi, ta sẽ đáp lại những thất vọng này như nào đây? Đó là cố gắng tạo ra những kỳ vọng thậm chí mạnh mẽ hơn và công phu hơn nữa, vì việc đó làm ta cảm thấy tốt và trong tầm kiểm soát.
Hãy nhìn xem, rõ ràng tất cả chúng ta đều quan tâm đến những người ta thương và mong những điều tốt đẹp nhất đến với họ. Và ta cũng sẽ thấy đau đớn biết bao khi thấy họ vật lộn trong đau khổ. Cũng chính vì vậy, khi tạo ra một câu chuyện trong tưởng tượng về việc những người ấy sẽ thành công, hay trở nên tốt đẹp hơn (tức là kỳ vọng), ta cũng sẽ ít nhiều cảm thấy tốt hơn.
Vấn đề là, chúng ta khó có thể thực sự kiểm soát người khác, kể cả khi điều đó mang nghĩa tốt hơn. Kể cả khi chỉ gần giống với những gì ta kỳ vọng thì điều đó cũng là không thể. Chúng ta vô tình tạo ra một vòng luẩn quẩn không lối thoát cho những hy vọng cao ngất, và cho những chán nản hay thất vọng tràn trề.
Hơn cả vậy, cuối cùng những nỗ lực kiểm soát ấy sẽ dần bị phát giác bởi những người trong cuộc sống của ta và khiến họ trở nên bực bội. Và nếu tình trạng này diễn ra đủ lâu, họ thậm chí còn có thể hành động trái lại với những mong đợi mà ta đã đặt nơi họ.
Giải pháp ở đây là, hãy học cách buông bỏ những kỳ vọng của ta về người khác. Ngừng thêu dệt nên những câu chuyện mà ta muốn họ đóng vai chính. Thay vào đó, hãy trân trọng họ bởi những gì họ vốn có:
  • Nhận thức được những khó khăn mà người khác đang phải trải qua thay vì mơ mộng về thành công của họ trong tương lai.
  • Đặt ra một ranh giới thực sự cho những hành vi của người khác thay vì mong ước sự hoàn hảo nơi họ.
  • Gặp họ tại nơi họ đang đứng thay vì nơi mà ta muốn họ hướng tới.
Hãy vẫn giữ vững những hy vọng, nhưng học cách từ bỏ kỳ vọng của bản thân về người khác.

“Chàng đã từng bơi trong một biển đầy ắp những kỳ vọng của người khác. Và chàng đã chết chìm theo cách ấy.” – Robert Jordan

Nếu bạn muốn cải thiện trí thông minh cảm xúc của mình, hãy thử tiếp cận vấn đề bằng cách lùi lại một bước: Thay vì cố gắng cải thiện những kỹ năng nâng tầm trí tuệ cảm xúc, ngay từ đầu hãy cố gắng xác định và loại bỏ những thói quen xấu đang kìm hãm trí tuệ xúc cảm của bạn.
Hãy:
  • Ngưng bình phẩm, chỉ trích những người xung quanh
  • Thôi lo lắng về tương lai
  • Dừng việc suy ngẫm về quá khứ
  • Buông bỏ những kỳ vọng về người khác
_______________________
Bài gốc:
4 Things Emotionally Intelligent People Don’t Do by Nick Wignall
https://medium.com/personal-growth/4-things-emotionally-intelligent-people-dont-do-24ea6ea53992
Photo by Ariane Martins from Pexels

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *