Thực ra mình không chắc lắm khi đặt tiêu đề thế này. Tiêu đề nghiêm túc ban đầu định đặt là ''Tại sao Syria không thích Palestine''. Nhưng sau khi được một mem comment trong bài trước rằng nó giống ''tsundere'', thì mình mới coi lại ''tsundere'' là gì, và được giải thích đại khái là ''ngoài mặt thì ghét nhau nhưng hành động thì lại giúp đỡ''. Về mặt nào đó, câu này khá đúng về quan hệ giữa Syria và Israel trong thế kỷ 20. Trong khi Syria thường được cho là kẻ thù lớn của Israel, có những con người như tướng Mustafa Tlass: dành cả cuộc đời viết sách tiêu diệt Israel, khen thưởng lính ăn thịt tù binh Israel, giết lính Israel chỉ để lấy đồng hồ tặng cho ca sĩ yêu thích,… thì các sự kiện thực tế lại chỉ ra không dưới 4 lần Syria giúp Israel, hoặc chính xác là chống lại những đối thủ của nhà nước Do Thái. Bài viết này tóm tắt ngắn gọn 4 sự kiện đó.
1/ ''Tháng 9 đen'' 1970 – ''giải tỏa'' phía Đông Israel.
Sau thất bại của chiến tranh 6 ngày, các nước Arab phải sắp xếp chỗ tị nạn cho người Palestine. Nhưng cách xếp chỗ của họ cũng có ý đồ bao vây Israel: theo đó, hơn nửa triệu người Palestine được chia đều cho các quốc gia xung quanh Israel là Jordan phía Đông, Ai Cập phía Tây và Syria-Lebanon phía Bắc.
Thường thì các quốc gia cho người Palestine tị nạn sẽ không được yên ổn. Jordan là nước đầu tiên hứng chịu. Năm 1970, Jordan là nước có đông người Palestine tị nạn nhất, chiếm 20% dân số Jordan. Tận dụng số người tị nạn này, Tổ chức giải phóng Palestine (PLO) của Yasser Arafat có ý định lật đổ vua Jordan, thành lập một nhà nước của người Palestine ngay trên đất Jordan, tạo thành một hậu phương to lớn để đánh Israel từ phía Đông.
Thế là tháng 9/1970, các tay súng PLO nổi dậy vũ trang nhằm lật đổ nhà vua Hussein II của Jordan. Để có thêm hỗ trợ, PLO đã yêu cầu các nước Arab khác đưa quân vào đánh Jordan giúp. Và thực sự đã có một nước nhận lời. Tổng thống Syria thân Liên Xô Salah Jadid ngày 20/9/1970 đã ra lệnh cho hàng chục nghìn quân Syria cùng hàng trăm xe tăng tràn qua biên giới Jordan để giúp quân Palestine. Tuy nhiên, trong lúc đó người dân Syria đang đói khổ, thiếu cả điện do nhà máy thủy điện trên sông Ơ-phơ-rát xây 20 năm chưa hoàn thành, quyết định mang quân đi can thiệp nước khác của Salah Jadid làm dân chúng Syria phẫn nộ.
Trong tình tình đó, Bộ trưởng quốc phòng Syria – tướng không quân Hafez al-Assad (cha đẻ của Tổng thống Bashar al-Assad hiện nay), đã ra lệnh cho không quân Syria không được tham chiến. Hậu quả là quân đội Syria ở Jordan bị không kích thiệt hại nặng, phải rút về. Khi quân đội Syria rút về nước, tháng 11/1970, họ đã ủng hộ tướng Hafez al-Assad lật đổ Tổng thống thân Liên Xô Salah Jadid. Salah Jadid bị nhốt vào ngục cho đến chết.
Sự kiện ''tháng 9 đen'' năm 1970 đã có tác động đáng kể đến tình hình khu vực. Một mặt, nó đã khiến vua Jordan trục xuất toàn bộ các nhóm vũ trang Palestine đi nơi khác (được chọn là Lebanon). Một mặt, nó cũng trực tiếp làm thay đổi chế độ ở Syria, khi Tổng thống Hafez al-Assad lên cầm quyền, mở ra thời kỳ lãnh đạo của gia tộc al-Assad. Cuối cùng, việc trục xuất các nhóm vũ trang Palestine khỏi Jordan coi như đã ''giải phóng'' mặt phía Đông cho Israel, và không lâu sau Jordan đã công nhận Israel. Từ đó về sau biên giới phía Đông Israel được giảm áp lực đáng kể.
2/ Nội chiến Lebanon – ''giải tỏa'' mặt Bắc' Israel.
Tuy vậy, di sản nối dài của ''Tháng 9 đen'' là cuộc nội chiến ở Lebanon. Lebanon trước năm 1970 là một quốc gia cân bằng sắc tộc giữa người Hồi giáo Sunni, Shia lẫn Thiên chúa giáo. Tổng thống là người Thiên chúa giáo còn thủ tướng phải là Hồi giáo. Việc 200.000 người Palestine từ Jordan tràn sang làm thay đổi đột ngột cán cân nhân khẩu học nghiêng về người Hồi Giáo. Và lực lượng an ninh ít ỏi của Lebanon không kiểm soát nổi các nhóm vũ trang Palestine.
Đến năm 1975, với ý định làm một sự kiện tương tự như ở Jordan năm 1970, các tay súng Palestine lại tiến hành nổi dậy nhằm lật đổ chính phủ Lebanon, biến Lebanon thành một quốc gia Hồi giáo và lại là một hậu phương đánh Israel từ phía Bắc. Lần này nguy cơ lớn hơn, Israel đã phải trực tiếp can thiệp, chiếm miền Nam Lebanon để chống lại PLO. Tuy nhiên, cuộc chiến của Israel rất khó khăn, do lực lượng Hồi giáo ủng hộ Palestine đông đảo và được hỗ trợ hơn nhiều lần. Và vì vậy, việc quân đội Syria can thiệp vào Lebanon năm 1976 thực sự không khác gì một món quà từ thượng đế với người Israel.
Chính quyền Syria lúc đó chưa hết ám ảnh về những sự kiện hỗn loạn do Palestine tạo ra ở Jordan năm 1970, nay một lần nữa lại phải chứng kiến ngọn lửa chiến tranh bùng cháy ngay sát nách – lần này là ở Lebanon. Dòng người tị nạn Thiên chúa giáo tràn vào Syria năm 1976 làm Tổng thống Hafez al-Assad không thể ngồi yên. Ông quyết định cho quân đội Syria tiến vào Lebanon để thiết lập trật tự, trục xuất những kẻ gây rối. Và vì vậy trong cuộc chiến Lebanon, quân đội Syria đã đứng về phía dân quân Thiên chúa giáo cánh hữu chống lại PLO.
Cuộc chiến Lebanon kéo dài ác liệt đến năm 1989 thì cơ bản đạt kết cục là dân quân PLO của Palestine bị thiệt hại nặng và bị trục xuất khỏi Lebanon. Chính quyền do Israel chống lưng ở miền Nam Lebanon cũng bị đánh quỵ. Chỉ còn lại quân đội Syria chiếm ưu thế trên chiến trường. Và do đó, hiệp đinh Taif năm 1989 kết thúc nội chiến Lebanon là do Mỹ đàm phán với Syria chứ không phải nước nào khác.
Với hiệp định Taif năm 1989, calPác lực lượng nước ngoài của Palestine và Israel đều bị trục xuất. Chỉ riêng lực lượng Syria được phép ở lại với cam kết rút quân sau vài năm. Và thêm nữa, đồng minh của Syria – nhóm vũ trang Hezbollah – được công nhận hợp pháp và trở thành nhóm có ảnh hưởng to lớn đến chính trường Lebanon hiện đại. Dù vậy, về mặt nào đó việc quân đội Syria trục xuất PLO khỏi Lebanon đã là một việc có lợi lớn cho Israel. Sau khi mặt phía Đông – Jordan được giải tỏa năm 1970 (đã nói trong phần 1), mặt phía tây với Ai Cập cũng đã yên năm 1973, thì đến năm 1989 mặt phía Bắc của Israel cũng coi như đã được ổn định.
3/ Đàn áp ''Anh em Hồi giáo''- Vụ thảm sát Hama 1982.
Trước tiên, nói qua về Tổ chức Anh em Hồi giáo. Anh em Hồi giáo (Muslim Brotherhood) là một tổ chức cực hữu ở Ai Cập thành lập những năm 1930s. Đây là một tổ chức Hồi giáo cánh hữu, từng thực hiện những vụ tấn công đẫm máu vào những người Cộng sản ở Ai Cập, nên sau này bị tổng thống Nasser đàn áp khốc liệt. Và vì là một nhóm Hồi giáo, Muslim Brotherhood kiên quyết tiêu diệt Israel.
Anh em Hồi giáo có chi nhánh hầu khắp các nước Arab, nhưng từ những năm 1960 khi thế giới Arab bắt đầu đi theo con đường Xã hội chủ nghĩa như của Nasser ở Ai Cập, Tổ chức này đã bị đàn áp trên hầu hết các nước Arab. Ngày nay, Anh em Hồi giáo bị coi là kẻ thù số một của các quốc gia Nga, Ai Cập, Syria, Arab Saudi,…bị các nước này coi là khủng bố. Còn các nước còn lại, không nói Anh em Hồi giáo là khủng bố, nhưng coi các tổ chức con của Anh em Hồi giáo là khủng bố. Các tổ chức con nổi tiếng của họ như Hamas ở Palestine, một số nhóm khủng bố ở Kavkaz (Nga), các nhóm cực hữu Hồi giáo ở Indonesia, Malaysia, Ấn Độ,…
Với Syria, giống như các nước khác Anh em Hồi giáo cũng bị đàn áp một thời gian. Tuy nhiên, khi Hafez al-Assad nắm quyền ông đã cho tự do chính trị hạn chế. Với việc cho các đảng cánh tả như Đảng Cộng sản Syria tái hoạt đột, Hafez cũng cho các nhóm cực hữu như Anh em Hồi giáo trở lại để cân bằng chính trường. Tuy nhiên, sự phát triển của Anh em Hồi giáo ở Syria vượt quá sự kiểm soát của chính phủ. Đến năm 1980, Tổ chức này đã có gần 200.000 thành viên, lớn hơn bất cứ tổ chức nào ở Syria lúc đó. Điều này đe dọa sự thống trị của chính quyền al-Assad.
Năm 1982, có thông báo rằng ở thành phố Hama miền trung Syria, Anh em Hồi giáo đã lấn át quyền lực chính phủ. Đến tháng 2 năm 1982, Anh em Hồi giáo vượt quá giới hạn khi thành lập lực lượng vũ trang, công khai hành quyết các lãnh đạo cánh tả của Đảng Ba'ath. Điều này khiến tổng thống Hafez al-Assad buộc phải hành động. Ông cho 3 sư đoàn Syria với 30.000 quân bao vây thành phố Hama. Sáng sớm 3/2/1982, máy bay quân đội Syria bắt đầu oanh tạc hủy diệt thành phố. Pháo binh được lệnh bắn sập mọi ngôi nhà. Quân đội Syria bao vây thành phố bắn chết tất cả ai muốn rời khỏi Hama. Sau 3 tuần bao vây, đến cuối tháng 2/1982, thành phố Hama đã bị san bằng.
Ước tính khác nhau nói rằng có từ 20.000 đến 40.000 người đã chết trong vụ vây hãm Hama năm 1982. Riêng quân đội Syria đã có 1000 binh sĩ hy sinh khi đụng độ với các tay súng vũ trang của Anh em Hồi giáo. Thành phố bị phá hủy hoàn toàn và được tái thiết sau này. Nhưng tổ chức anh em Hồi giáo coi như đã bị xóa sổ.
Vụ việc đẫm máu ở Hama được coi là trang đau buồn nhất trong thời kỳ cầm quyền của Hafez al-Assad. Chính tổng thống Assad cũng phải thừa nhận nó là vụ ''thảm sát'', nhưng cũng bảo vệ rằng hành động của ông là cần thiết để cứu cả thế giới Arab khỏi hiểm họa của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan. Sau này, trang sử buồn của Hama coi như khép lại khi Tổng thống Bashar al-Assad, lên nắm quyền năm 2000, đã bày tỏ sự chia buồn với các nạn nhân dân thường trong sự kiện Hama 1982.
Đối với Israel, một lần nữa hành động của quân đội Syria ở Hama năm 1982 đã giúp Israel bớt đi một kẻ thù, lần này có thể coi là kẻ thù lớn nhất của họ – Anh em Hồi giáo. Tuy nhiên, việc này không còn nhiều ý nghĩa do Anh em Hồi giáo đã kiếm được chỗ đứng khác để tiếp tục đe dọa Israel. Nơi đó không đâu khác – chính là dải Gaza, nơi Hamas đang kiểm soát. Thậm chí năm 2011, mối nguy còn lớn hơn khi Anh em Hồi giáo lật đổ Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak, đưa Tổng thống cánh hữu Mohamed Morsi lên cầm quyền. Điều này từng khiến Israel lo ngại Anh em Hồi giáo trỗi dậy. Nhưng may mắn cho họ, đến năm 2013 tướng quân đội cánh tả Abdel Fattah el-Sisi đã lật đổ Morsi, và từ đó tiến hành đàn áp Anh em Hồi giáo còn khốc liệt hơn trước đó.
4/ Chiến tranh Vùng Vịnh 1991.
Năm 1991, khi Iraq phát động cuộc xâm lược Kuwait, họ cũng chuẩn bị sẵn hàng trăm tên lửa Scud sẵn sàng phóng đến các vị trị của liên quân do Mỹ đứng đầu, và cả Israel. Nhưng điều này đã bị hạn chế phần nào, khi quân đội Syria bất ngờ tham chiến cùng quân đội Mỹ, bất chấp việc Mỹ liệt Syria và danh sách ''các nước bảo trợ khủng bố''.
Kết quả là Syria đã cung cấp vị trị các hệ thống tên lửa Scud của Iraq ở biên giới phía Tây cho liên quân, giúp họ đánh chặn và vô hiệu hóa được một phần số tên lửa nhằm vào Israel. Tuy vậy, những tên lửa Scud của Iraq sâu trong lãnh thổ vẫn được phóng đi, và đã có 42 tên lửa Scud rơi trúng Israel, giết chết hơn 70 người. Và cũng chính tên lửa Scud gây ra thiệt hại rất nặng cho liên quân Mỹ ở Kuwait.
Dù vậy, với việc tham chiến chống lại Iraq năm 1991, Syria đã góp phần làm suy yếu chế độ của Saddam Hussein, khiến nó không còn là mối đe dọa đáng kể với Israel nữa.
Cuối cùng, sau 4 sự kiện trên, có thể thấy Syria đã góp phần đáng kể làm giảm bớt áp lực trực tiếp lên Israel từ mọi phía. Hiện nay, các quốc gia lân cận Israel là Ai Cập, Jordan, Lebanon và Syria đều không phải là các quốc gia thù địch trực tiếp với nước này. Vì thế, nhiều người quan sát Trung Đông đã nhận xét rằng ''dù coi chế độ Assad là kẻ thù, Israel vẫn coi Syria là chốt chặn chống lại chủ nghĩa khủng bố quan trọng nhất ở Trung Đông''.