Tản mạn về quân Thiết Đột

Tản mạn về quân Thiết Đột
Chúng ta đều biết rằng Thiết đột là tên gọi những đội quân tinh nhuệ thời vua Lê Lợi khởi nghĩa. Tên gọi này còn tồn tại dưới thời vua Lê Thái Tông, Lê Nhân Tông và biến mất dưới thời vua Lê Thánh Tông, có thể là từ sau cuộc cải cách quân đội năm 1466.
Không hề có tài liệu ghi chép nào nói cụ thể về cách tổ chức, quân số, trang bị, chiến thuật của quân Thiết đột cả. Tuy nhiên bằng việc đối chiếu các sử liệu khác nhau, người viết cũng có một vài suy đoán của riêng mình.
I Nguồn gốc:
Buổi đầu khởi nghĩa, vua Lê Lợi có một đội quân thiết kỵ gồm 200 người (Lam Sơn thực lục) do Lê Thạch giữ chức Thứ thủ (Đại Việt thông sử). Đây có lẽ là tiền thân ban đầu của quân Thiết đột. Theo Đại Việt sử ký toàn thư thì tháng 2 năm 1428, vua Lê Lợi tổ chức ban thưởng cho các chỉ huy và quân nhân Thiết đột có công khó nhọc ở Lũng Nhai gồm 121 người. Rất có thể đây là những người còn sống sót của đội thiết kỵ 200 người ban đầu kia.
Lê Thạch hy sinh năm 1421, đâu đó gần khoảng thời gian này Nguyễn Xí được trao chức chỉ huy đội Thiết đột thứ nhất (Đại Việt thông sử). Ta có thể hiểu là cùng với sự lớn mạnh của quân Lam Sơn thì lực lượng thiết kỵ đã được mở rộng ra thành Thiết đột, có nhiều đơn vị hơn và có cả các đơn vị không được trang bị ngựa, vì ngựa chiến với quân Lam Sơn vẫn rất khan hiếm.
II Tổ chức
Trong lời dụ vào tháng 4 năm 1427 của vua Lê Lợi, ta biết được rằng thời điểm đó có 14 vệ Thiết đột. Trong đó có các vệ kỵ binh và các vệ không phải kỵ binh. Cụ thể là theo Đại Việt thông sử, các tướng Lê Lâm, Đinh Liệt, Trịnh Khả được chép là làm “thứ thủ vệ quân Thiết đột”, trong khi các tướng Lê Nhân Chú, Lê Lý, Lê Văn An, Lê Thận thì được chép là làm “thứ thủ vệ kỵ binh trong quân Thiết đột”. Một điều đáng suy ngẫm là những tướng từng chỉ huy vệ kỵ binh của quân Thiết đột thì về sau đều được phong tước cao hơn các tướng kia nhiều nên các đơn vị kỵ binh này có lẽ có tầm quan trọng đặc biệt thế nào đó.
III Quân số
Vậy ta đã biết sơ qua về tổ chức của quân Thiết đột, tiếp theo ta tìm hiểu xem đội quân này có bao nhiêu người ?
Theo sách Binh chế chí thì “thời Lê thái tổ khởi nghĩa có đặt ra 14 vệ là: Thiết đột, Kim ngô, Ngọc kiểm, Phùng thần, Xa kỵ, Câu kiềm, Thiên ngưu, Phùng thánh, Tráng sĩ, Thần võ, Du nỗ, Thần tý, Võ lâm, Thiên uy, Ngũ uy.” (ở đây có 15 cái tên, có lẽ người dịch đã ngắt câu sai ở đâu đó). Lam Sơn thực lục nói rằng Lê thái tổ thời gian này có được hơn 5 vạn tinh binh.
Làm một phép tính nhanh thì ta có thể đoán quân số của một vệ tinh binh là xấp xỉ 3571 người. Vệ Thiết đột lại chia thành 14 vệ nhỏ như đã nói ở trên, mỗi vệ nhỏ xấp xỉ 255 người.
Con số này sẽ khá hợp lý nếu xét đến 2 sự kiện: tháng 3 năm 1427, Đinh Lễ và Nguyễn Xí đem 500 quân Thiết đột đến giải vây cho Tây Phù Liệt, nghĩa là quân số của xấp xỉ hai vệ nhỏ. Đội quân này bị sa lầy và thiệt hại gần hết tại My Động. Đến tháng 9 năm đó, tướng Phạm Vấn đem 3000 quân Thiết đột, nghĩa là toàn bộ quân số trong 12 vệ còn lại đến trợ chiến cho trận đồng Xương Giang để dứt điểm đạo viện binh của nhà Minh.
Tuy nhiên cũng có cách hiểu khác về dòng in nghiêng trên kia là: “thời Lê Thái Tổ khởi nghĩa đặt ra 14 vệ Thiết đột là: Kim Ngô, Ngọc Kiềm… Trong trường hợp này thì ta biết được chi tiết tên của 14 đơn vị Thiết đột nhưng không biết quân số có bao nhiêu. Chỉ biết là lần huy động nhiều nhất được ghi lại là 3000 người.
IV Trang bị:
Không hề có sử liệu nào mô tả trang bị của quân Thiết đột. Tuy nhiên ta đang đặt giả thiết rằng tiền thân của lực lượng này là thiết kỵ, cũng như nhiệm vụ xung kích trong những trận giáp lá cà nên có thể đoán rằng quân Thiết đột được trang bị áo giáp hạng nặng. Tình trạng thiếu thốn thời kỳ đầu có lẽ sẽ khiến quân sĩ phải sử dụng lại áo giáp chiến lợi phẩm của quân Minh và ngụy quân. Có nghĩa là loại Đinh giáp – giáp tán đinh kiểu brigandine hoặc Sơn Văn giáp – loại áo giáp tấm được ghép lại từ các mảnh kim loại hình chữ “sơn”. Tất nhiên là có sự sửa đổi để phù hợp với tình hình quân đội và để tránh quân ta nhận lầm. Được biết là trong những năm sau này của thời Lê, quân sĩ thích vẽ Hổ phù lên trên khiên. Vũ khí sử dụng đầu thời Lê là mỗi người được trang bị đại trà một cây đao, một tấm mộc và vài mũi lao ngắn. Ngoài ra mỗi người sẽ dùng một trong những món sau: giáo dài, câu liêm, phi liêm, nỏ. Ngoài ra còn có hỏa đồng, chiến thuyền… Không có gì lạ khi quân Thiết đột cũng dùng các vũ khí tương tự.
V Sức mạnh:
Từ buổi đầu ở Lũng Nhai, quân Thiết đột đã là lực lượng nòng cốt quan trọng. Các chỉ huy Thiết đột như Lê Lý, Lê Văn An… được ghi nhận là đã can đảm xông lên trước hãm trận, giành phần thắng trong những trận đánh ngặt nghèo không cân sức như trận Sách Khôi năm 1422, trận Khả Lựu năm 1424. Tướng Đinh Lễ chỉ dùng duy nhất 500 quân Thiết đột mà đuổi quân Minh chạy dài, giải vây được cho Tây Phù Liệt. Và trong trận đồng Xương Giang, 3000 quân Thiết đột của Phạm Vấn đã là nhân tố quan trọng để làm nên trận dã chiến có quy mô lớn nhất lịch sử trung đại Việt Nam.
VI Tuyển mộ và ưu đãi:
Quân Thiết đột được tuyển mộ từ những người khỏe mạnh, bất kể là người Thanh – Nghệ hay Bắc Hà. Theo Sử ký toàn thư thì những người tham gia hoặc phụ giúp quân Thiết đột sau chiến tranh sẽ được trả lại ruộng đất từng bị quân Minh cướp đoạt. Ngoài ra quân Thiết đột còn được ban cho ruộng đất riêng và con cháu của họ được miễn một số nghĩa vụ quân sự , lao dịch.
VII Phát triển và suy tàn:
Sau kháng chiến chống Minh, lực lượng Thiết đột được tổ chức lại thành 5 “quân” là Tiền, Hậu, Tả, Hữu, Trung. Trong các đời vua Thái Tông, Nhân Tông, đội quân này có tham gia một số trận đánh dẹp phản quân ở Lạng Sơn năm 1434, kinh lược Ai Lao 1435, hay thậm chí là vét sông. Năm 1448 đời vua Nhân Tông, vua ra lệnh giảm bớt biên chế chỉ huy các đạo quân. Đến năm 1466, vua Lê Thánh Tông cải cách quân đội, chia quân cả nước làm 5 phủ, năm 1470 biên chế nhiều vệ quân nhưng từ đó về sau không còn có tên vệ Thiết đột nữa.

One comment

  1. Phải dịch là: “Thời Lê thái tổ khởi nghĩa có đặt ra 14 vệ Thiết đột là” Kim ngô, Ngọc kiểm, Phùng thần, Xa kỵ, Câu kiềm, Thiên ngưu, Phùng thánh, Tráng sĩ, Thần võ, Du nỗ, Thần tý, Võ lâm, Thiên uy, Ngũ uy.”

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *