LỊCH SỬ NHỮNG Ý TƯỞNG TÔN GIÁO (27)

LỊCH SỬ NHỮNG Ý TƯỞNG TÔN GIÁO (27)

Tôn giáo của người Ấn-Âu: Những vị thần Vệ Đà (tiếp theo)
Thần điện đầu tiên và từ vựng tôn giáo phổ thông
Những nghiên cứu sớm nhất đã nhận thấy nguyên âm Ấn-Âu deiwos nghĩa là “trời” được dùng để chỉ “thần” và có trong tên của những vị thần quan trọng: Dyaus, Zeus, Jupiter. Ý niệm về thần được gắn với thiên linh, tức là ánh sáng và “sự siêu việt” (độ cao), với ý niệm về quyền tối thượng và sự sáng tạo theo nghĩa trực tiếp: khởi nguồn vũ trụ và quan hệ cha con. (Thần của) bầu trời là người cha tối thượng.
Vì hình tượng bầu trời và khí quyển đóng vai trò chủ yếu nên không lạ gì khi tên của một số vị thần được chỉ định từ cách gọi sấm sét: Donar, Thorr của Đức, Taranis (Tarnaros) của Celt, Perkunas ở Baltic; Perun của nguyên-Slavic, v.v. Có khả năng là vào thời kỳ Ấn-Âu thần trời (vị thần tối cai tạo ra thế giới và vũ trụ) đã nhường lại vị trí cho các thần bão – một hiện tượng tương đối thường xuyên trong lịch sử các tôn giáo. Tương tự, lửa được nhóm bởi tia chớp được cho là có nguồn gốc từ trên trời. Sự thờ phụng lửa là một yếu tố đặc biệt của những tôn giáo Ấn-Âu; tên của một vị thần Vệ Đà quan trọng Agni làm nghĩ đến những từ Latin ignis, Lithuania ugnis. Slavic cổ ogni. Cũng có thể giả định rằng thậm chí từ thời tiền sử thần mặt trời đã chiếm vị trí ưu thế hơn, nhưng những vị thần mặt trời đã có một lịch sử đa sắc màu giữa những tôc người Ấn-Âu khác nhau, đặc biệt là sau khi họ tiếp xúc với tôn giáo vùng Cận Đông. Trái đất (GHEM) thì được coi là nguồn năng lượng sống đối lập với bầu trời; nhưng những tôn giáo về Mẹ Trái Đất đến muộn hơn giữa những người Ấn-Âu và chỉ giới hạn tại một số vùng. Một yếu tố thiên nhiên khác là gió cũng được thần hóa trong Wejopatis của Lithuania, “Kẻ Làm Chủ Gió,” và trong Vayu của Iran, Vayu của Ấn Độ. Trong hai trường hợp cuối chúng ta thấy nhiều thứ hơn là chỉ có sự hóa hiện của thiên nhiên, vì họ còn cho thấy đặc tính của những vị thần tối cao, đặc biệt là Vayu của Iran.
Những người Ấn-Âu đã xây dựng thần thoại và thần học thuyết rất riêng biệt. Họ thực hành hiến tế và biết về giá trị phép thuật-tôn giáo của từ ngữ và tụng niệm (KAN). Họ sở hữu những khái niệm và nghi thức cho họ khả năng tận hiến không gian và “vũ trụ hóa” những lãnh thổ nơi họ định cư (kịch bản thần thoại-lễ nghi này được tìm thấy ở Ấn Độ, Rome và giữa những người Celt), và điều này cũng cho họ khả năng định kỳ làm mới lại vũ trụ (bằng một trận chiến nghi thức giữa hai nhóm người làm lễ, một nghi lễ vẫn còn vết tích tại Iran và Ấn Độ). Những người Ấn-Âu không xây thánh đường; rất có thể sự thờ phụng được cử hành trong một vòng vây thiêng ngoài trời. Một đặc điểm riêng biệt khác là truyền thống truyền miệng, và sau khi tiếp xúc với nền văn minh vùng Cận Đông thì việc viết lách bị cấm.
Nhưng, như đã có thể lường trước được viễn cảnh qua thiều thế kỷ dẫn đến sự tách biệt những cuộc di cư Ấn-Âu sớm nhất (Hittite, Ấn-Iran, Hy Lạp, Ý) khỏi những cuộc di cư cuối cùng (Đức, Balto-Slav), di sản chung không luôn luôn có thể được nhận ra trong từ vựng hay thần học hay thần thoại của thời kỳ lịch sử. Một mặt, những tiếp xúc văn hóa khác nhau trong quá trình di cư phải được xem xét; mặt khác thì cũng phải nhớ rằng không có truyền thống tôn giáo nào có thể tiếp tục tồn tại mãi mãi mà không sinh ra những thay đổi liên quan đến những sáng tạo tâm linh mới hoặc liên quan đến những thứ vay mượn, cộng sinh hay loại bỏ.
Từ vựng phản ánh quá trình phân tách và đổi mới có khả năng bắt đầu từ thời nguyên thủy. Ví dụ đáng nói nhất là sự thiếu vắng của một thuật ngữ chỉ định “thiêng liêng” trong tiếng Ấn-Âu thông thường. Trong khi đó, tiếng Iran, Latin và Hy Lạp lại có hai thuật ngữ: spenta/yaozdata của Avesta; sacer/sanctus của Latin; hieros/hagios của Hy Lạp. “Nghiên cứu mỗi cặp này … dẫn đến việc giả định một khái niệm sai lệch trong thời nguyên thủy: nghĩa tích cực là ‘thứ được nạp vào với hiện diện thần thánh,’ và nghĩa tiêu cực là ‘thứ cấm con người chạm vào.’” Tương tự, theo Benveniste thì cũng không có từ chỉ định “sự hiến tế.” Nhưng sự thiếu vằng này “có một thứ tương tự như là bản sao của nó, trong nhiều ngôn ngữ khác nhau và thường là trong mỗi ngôn ngữ đó, những chỉ định tương ứng với nhiều hình thức khác nhau của hành vi hiến tế đa dạng hơn: rẩy nước (tiếng Phạn: juhoti, Hy Lạp: spendo) khế ước lời nói nghi thức (Latin: voveo, Hy Lạp: euchomai), tiệc hành lễ (Latin: daps), tẩy uế (Hy Lạp: thuo), nghi lễ của ánh sáng (Latin: lustro).” Đối với “người cầu nguyện,” thuật ngữ được xây dựng từ hai nhóm nguyên âm khác nhau. Nói ngắn gọn, từ khởi đầu nguyên thủy chung, những tộc người Ấn-Âu khác nhau đã cho thấy những dấu mốc của xu hướng tiếp nối và tái diễn giải những truyền thống tôn giáo của họ. Quá trình này tăng mạnh trong quãng thời gian di cư của họ.
Hệ tư tưởng tam phân Ấn-Âu
Những mảnh vụn thần thoại Ấn-Âu khác nhau tạo nên một bộ nguồn quan trọng. Những mảnh vụn này thuộc về những thời kỳ khác nhau đã được thâu lượm từ những tài liệu không đồng nhất của những giá trị không tương xứng: thánh ca, văn bản nghi lễ, thơ phú sử thi, chú giải thần học, những huyền thoại phổ biến, các biên soạn lịch sử và những truyền thuyết sau này được những tác giả Cơ Đốc ghi lại sau cuộc đổi đạo của những dân tộc ở trung và bắc Âu. Giá trị của những tài liệu này nằm ở việc bảo tồn hoặc phản ánh được những khái niệm tôn giáo gốc. Một thần thoại trong kinh Rig Vệ Đà không thể muộn hơn thiên niên kỷ thứ hai, trong khi những truyền thuyết bảo tồn bởi Livy, bởi sử thi Ireland hay bởi Snorri Sturluson lại được coi là muộn hơn. Nhưng nếu những thần thoại kiểu này phù hợp với mọi điểm của thần thoại Vệ Đà thì khó mà nghi ngờ đặc tính Ấn-Âu chung của chúng, đặc biệt là khi những sự trùng hợp không đứng riêng lẻ mà có hệ thống.
Nghiên cứu của Georges Dumézil đã hé lộ cấu trúc nền tảng của xã hội và hệ tư tưởng Ấn-Âu. Xã hội phia chia thành ba giai cấp – thầy tế, chiến binh, người chăn nuôi và nông dân – tương ứng với hệ tư tưởng tôn giáo ba chức năng: chức năng của phép thuật và quyền pháp lý, chức năng của thần và lực lượng vũ trang, và cuối cùng là chức năng của thánh thần sinh trưởng và thịnh vượng kinh tế. Chúng ta nhận thấy sự tam phân thần thánh và xã hội này rõ nhất giữa những người Ấn-Iran. Và thực tế trong xã hội Ấn Độ cổ, đối với mỗi tầng lớp xã hội brahmanas (thầy tế, người hiến tế), ksatriya (binh lính, người bảo vệ cộng đồng), và vaisya (người sản xuất) đều có những vị thần tương ứng Varuna và Mitra, Indra, và cặp song sinh Nasatyas (hay Asvins). Cũng những vị thần này với cùng thứ tự xuất hiện trong hiệp định ký kết khoảng năm 1380 giữa vua Hittite và thủ lĩnh của những người cạnh-Ấn Độ (Mitanni) ở Tiểu Á: Mitra-(V)aruna (Uruvana), Indara, hai Nasatyas. Tương tự người Avesta phân biệt thầy tế (athra.van), chiến binh (chiến đấu trên xe ngựa, rathae-star), người chăn nuôi và nông dân (vastryo.fsuyant) với một sự khác biệt là sự phân cấp xã hội này không bó buộc thành một hệ thống đẳng cấp. Theo Herodotus thì người Iran Scythia cũng biết phia chia xã hội thành ba tầng lớp, và truyền thống này tồn tại đến tận thế kỷ 19 giữa những người Ossetia ở Caucasus, những hậu duệ trực tiếp của người Scythia.
Người Celt phân bổ xã hội thành druids (từ này em không dịch mà để nguyên cho chuẩn nghĩa, kiểu kiểu như pháp sư), quý tộc quân sự (flaith, tương đương ksatraPhạn ngữ), và bo airig, người tự do (airig) sở hữu bò (bo). Theo Dumezil, sự phân chia xã hội tương tự có thể nhận ra trong những truyền thuyết thần thoại nhưng đã được lịch sử hóa mạnh mẽ về sự thành lập của Rome: vua Romulus, được bảo vệ bởi Jupiter; Lucumon của Etruria, chuyên gia chiến tranh; Tatius và Sabines, kẻ mang đến gái và sự giàu có. Bộ ba ở Capitoline – Jupiter, Mars, Quirinus – theo một cách nào đó cấu thành hình mẫu thiên thánh của xã hội Roman. Cuối cùng là bộ ba thống trị tôn giáo và thần thoại Scandinavia: Odin – vị thần tối cao, Thor – nhà vô địch, và Frey – hộ thần của sự sinh trưởng.
Chức năng đầu tiên được chia ra làm hai phần hay khuynh hướng bổ trợ nhau – tối thượng pháp thuật và tối thượng pháp lý – được minh họa rõ răng bởi cặp Varuna – Mitra. Với người Ấn Độ cổ thì Mitra là vị thần tối cao về mặt nghị luận, trong sáng, trật tự, thanh bình, nhân từ, và Varuna là thần tối cao về tấn công, u tối, cảm hứng, bạo lực, khủng khiếp, hùng dũng. Cùng một bảng phong thần như vậy cũng được tìm thấy, đặc biệt là ở Rome, cũng với những sự đối lập và luân phiên như vậy; có một sự đối lập giữa Luperci – một kẻ trần truồng chạy quanh thành phố quất phụ nữ bằng roi da cho họ dính bầu – và những thầy tế thật sự, các Flamens; ở một vùng khác thì lại là những hành vi khác nhau của hai vị vua đầu tiên của Rome: Romulus sáng lập hai giáo phái thờ Jupiter khủng khiếp; và Numa sáng lập ra thánh điện của Fides Publica. Về nguyên tắc, sự đối lập Romulus-Numa trùng khớp với sự đối lập Luperci-Flamens; và cũng hoàn toàn tương ứng với phân cực Varuna-Mitra.
Trong Vệ Đà Ấn Độ cũng như của Rome có thể nhận ra cùng một cấu trúc Ấn-Âu nhưng hai “miền ý thức hệ” này không đồng nhất. Người La Mã nghĩ theo hướng lịch sử, còn người Ấn Độ nghĩ theo hướng ngụ ngôn, truyền thuyết. Người La Mã nghĩ về mặt quốc gia, còn người Ấn Độ nghĩ về mặt vũ trụ. Đối lại với tư tưởng kinh nghiệm, tương đối, chính trị, pháp lý của người La Mã là tư tưởng triết học, tuyệt đối, giáo điều, đạo đức và huyền bí của người Ấn Độ. Những khác biệt tương tự có thể nhận rõ trong “miền ý thức hệ” của những tộc người Ấn-Âu. Như chúng ta đã biết, những tài liệu chỉ chỉ ra cho chúng ta những biểu hiện cụ thể của những tộc người nói tiếng Aryan khác nhau trong tiến trình lịch sử. Ngắn gọn là chúng ra chỉ có thể chạm đến cấu trúc chung của hệ tư tưởng Ấn-Âu mà không nắm được những thực thành tôn giáo và tư tưởng của cộng đồng gốc. Nhưng cấu trúc này cho chúng ta biết về kiểu kinh nghiệm tôn giáo và đặc thù quan sát riêng đối với người Ấn-Âu. Xa hơn, nó cho phép chúng ta đánh giá những sự sáng tạo riêng của mỗi tộc người nói tiếng Aryan.
Sự khác biệt lớn nhất là về chức năng thứ ba, bởi vì những biểu hiện tôn giáo liên quan đến phì nhiêu, hoà bình và sinh trưởng nhất thiết gắn liền với địa lý, kinh tế và hoàn cảnh lịch sử của mỗi nhóm người. Về chức năng thứ hai liên quan đến sức mạnh thể chất, đặc biệt là trong chiến đấu, Dumezil đã chỉ ra một số những tương ứng nhất định giữa Ấn Độ, Rome và Đức. Thử thách thụ pháp tối hậu có thể liên quan đên việc chiến binh trẻ đánh với ba đối thủ hay quái vật ba đầu (đại diện qua con rối?). Kịch bản này có thể được giải mã qua việc anh hùng Ireland Cuchulainn chiến thắng ba người anh em, qua việc Horatius chống lại bộ ba Curiatii, cũng như qua thần thoại về Indra và anh hùng Iran Thraetaona đều giết quái vật ba đầu. Chiến thắng làm Cuchulainn và Horatius “cuồng bạo” (furor, tiếng Celt ferg) gây nguy hiểm cho xã hội và phải làm lễ trừ tà. Thêm nữa, chủ đề thần thoại “ba tội lỗi” của Ấn Độ tìm thấy sự tương đồng trong Scandinavia, trong câu chuyện về anh hùng Starcatherus, và thần thoại về Héc-quyn của Hy Lạp. Rất có thể những chủ đề nghi lễ-thần thoại này không làm kiệt quệ những câu chuyện thần thoại và kỹ thuật của chiến binh trong thời kỳ Ấn-Âu chung. Nhưng cần chú ý rằng chúng đã được bảo tồn ở hai đầu cực của sự phân ly, Ấn Độ và Ireland.
Đến giờ chúng ta có thể đánh giá hệ tư tưởng tam phân cấu thành một hệ thống đồng nhất nhưng linh hoạt, được hoàn thành bởi vô số dạng thánh thần, những ý tưởng và thực hành tôn giáo. Chúng ta sẽ có cơ hội ước định số lượng và tầm quan trọng của họ trong những nghiên cứu riêng về những tôn giáo Ấn-Âu khác nhau. Có lý do để tin rằng hệ tư tưởng tam phân, dù được xây dựng ở thời kỳ chung, đã thoát khỏi hoặc diễn giải lại triệt để những khái niệm chân quý ngang bằng, ví dụ như thần của bầu trời là kẻ tối cao, kẻ sáng tạo và là cha. Việc trục xuất Dyauspitar vì lợi ích của Varuna tìm thấy trong Rig Vệ Đà dường như phản ánh lại hoặc tiếp nối một quá trình đã bắt đầu từ rất sớm.
(còn nữa)
—————————————–
Link các phần khác (ở cuối bài):
https://www.facebook.com/groups/NghienCuuLichSu/permalink/1180792385605396/

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *