#trainghiemsong
MỖI SÁNG BẠN THỨC DẬY VÌ ĐIỀU GÌ
———————-
98% cố gắng của bản thân quyết định thành công nhưng đã bao giờ bạn tự hỏi MÌNH THỰC SỰ NỖ LỰC VÌ ĐIỀU GÌ chưa hay chỉ vì muốn “bắt chước” người khác?
“Mỗi sáng thức dậy, con linh dương biết rằng: Nó sẽ bị giết nếu không chạy nhanh hơn con sư tử nhanh nhất! Mỗi sáng thức dậy, con sư tử biết rằng: Nó sẽ chết đói nếu không chạy nhanh hơn con linh dương chậm nhất.”
Con người chúng ta thì sao, ai cũng chạy, nhưng mấy ai biết: Rốt cuộc, mình chạy vì điều gì?
Mỗi người chúng ta lao vào cuộc đời và bị cuốn theo cuộc tranh giành cơm áo gạo tiền, khi đã đạt được thì con người hướng đến danh lợi, quyền lực… Ta cứ chạy, chạy mãi trên một con đường không có điểm cuối. Ta nhận lấy những stress, mong muốn xả stress để rồi lại nhận thêm càng nhiều stress.
Cứ mãi như thế, chúng ta bắt đầu cảm thấy sợ hãi khi phải ở một mình, thậm chí là sợ cả những lúc “nhàn rỗi”. Ta cứ phải làm một việc gì đó, giống như mở Tivi chỉ để cho có tiếng động, lướt Facebook nhưng chẳng chủ đích xem cái gì.
Rồi ta tìm tới rượu bia, tiệc tùng, sàn nhảy để giải thoát bản thân, để tìm lấy niềm vui dù là giả tạo trong chốc lát; dù biết sau cơn say bản thân vẫn bị đẩy về với hiện thực càng đau đớn hơn gấp trăm lần.Đến một thời điểm nào đó, chúng ta sẽ len lén tự hỏi: “Ta là ai trong cuộc đời này?”
Câu hỏi này nghe có vẻ là điên rồ, thế nhưng đằng sau nó là cả một sự cay đắng và bi phẫn. Con người ta đã bị đánh mất đi cái tôi của mình, điều này có nghĩa là con người chỉ có thể đảm bảo cho sự tồn tại của bản thân bằng cách sống theo sự mong đợi của người khác, sống theo số đông dù đúng dù sai ta cũng không muốn biết nữa.
Chỉ đến khi sức cùng lực kiệt, lúc về già, có nhiều thời gian nhìn lại… Chúng ta bắt đầu than vãn những câu “giá như… giá như… và giá như…”. Ta mang điều tiếc nuối đó nói lại cho con cháu mình nghe, mong chúng không đi vào vết xe đổ của mình. Nhưng ai đó đã bảo rồi, nếu như biết trước mọi thứ thì tôi đã giàu to.
Cuộc đời này sẽ cứ tiếp diễn mãi trong vòng lặp nhàm chán đó, bởi vì phải chơi hết trò chơi mới biết nó chán, và những người chưa chơi thì không ai nhận ra điều đó cả.
Nhiều lắm những người nghĩ rằng tuổi trẻ phải làm việc để tuổi già an nhàn, hưởng phúc? Không đâu. Nếu hạnh phúc không ở đây, ngay lúc này thì nó sẽ chẳng ở đâu khác cả. Nếu ta để tuổi trẻ lao đi như một mũi tên thì về già ta cũng chẳng an nhàn nổi đâu, ta vẫn phải lo, vẫn phải làm, và thậm chí vẫn chẳng biết mình lo gì, làm gì.
Quay trở lại câu chuyện linh dương, sử tử, chúng đều sẽ vắt chân lên cổ chạy khi chúng đói khi chúng bị xua đuổi; nhưng khi đã no, khi nguy hiểm qua đi chúng lại bắt đầu nhàn nhã thong thả bước đi trên đồng cỏ. Là động vật nhưng chúng biết rõ những gì chúng làm được và cũng biết hưởng thụ những gì, chúng biết chắc chắn lý do khiến chúng chạy bạt mạng như thế.
Còn con người chúng ta thì sao? Mấy ai hiểu rõ bản thân, mấy ai chắc chắn được mục tiêu của mình, mấy ai biết chắc mình đang sống và làm việc vì điều gì? Hay là cho đến khi gặp được những câu hỏi này mới len lén suy nghĩ cho mình một lý do, một cái cớ hoàn hảo nào đó.
Mỗi khi bình minh ló rạng, chúng ta đều biết muốn sống là phải chạy, chạy thật nhanh, nhưng để sống tốt thì phải hiểu rõ khi nào chạy, lúc nào dừng, và quan trọng nhất là: “Ta đang chạy vì điều gì?”.
Theo Tri thức trẻ