Xây dựng cầu Doumer 1898 – 1902(Nay là Cầu Long Biên – Hà Nội)

Xây dựng cầu Doumer 1898 – 1902

(Nay là Cầu Long Biên – Hà Nội)
Trong cuộc đấu thầu tổ chức năm 1897 cho việc xây dựng cây cầu này, có mặt các nhà thầu xây dựng chủ chốt của Pháp. Đồ án của nhà thầu Daydé andamp; Pillé 272 ở Creil (Oise) đã được chọn. Viên đá đầu tiên được đặt và việc thi công bắt đầu vào mùa khô, từ tháng Chín năm 1898.
Công trình cần được hoàn tất này đóng một vai trò đặc biệt, cả về tầm quan trọng của nó lẫn những khó khăn phải khắc phục, và nó xứng đáng được cả thế giới chú ý đến. Đồ án thiết kế đã được phê chuẩn và sau đó được thi công một cách trọn vẹn mà không bị chậm trễ cũng không có sơ sẩy nào, theo đó công trình gồm một cây cầu thép đặt trên mố và trụ bằng bê tông. Chiều dài cây cầu, khoảng cách hai mố cầu ở hai bên bờ sông, là 1.680 mét. Cây cầu có 19 nhịp liên hoàn được tạo thành từ các dầm thép kiểu dầm chìa. Hai mươi cột trụ xây nề, gồm các trụ và mố cầu, để đậu được trên nền đất cứng, đã phải hạ xuống độ sâu 30 mét so với mực nước thấp nhất của sông Hồng. Các trụ và mố cầu này nhô cao 13,5 mét so với mức nước; do đó chiều cao tổng thể của chúng là 43,5 mét. Không gian nằm giữa các rầm chính của cầu được dành cho đường sắt; các tuyến đường bộ được xây nhô ra hai bên. Ở bên hữu ngạn của sông, ngay trong thành phố Hà Nội, cây cầu được nối dài bằng một cầu dẫn bê tông dài hơn 800 mét; do đó, chiều dài tổng cộng của công trình lên tới hai cây số rưỡi.
Đây là một trong những cây cầu lớn của thế giới, và là công trình đáng kể nhất cũng như đáng chú ý nhất đã được thi công ở Viễn Đông cho tới nay.
Đây là tác phẩm của các kỹ sư, đốc công và thợ cả Pháp cùng các nhân công An Nam. Công trình này vinh danh tất cả họ. Trên thực tế, toàn bộ phần trụ mố đã được xây và phần thân cầu bằng thép được các công nhân châu Á, trong đó chủ yếu là người An Nam với sự hỗ trợ của một số người Hoa, lắp ráp. Tất cả các cột trụ bằng đá, các mố cầu bên bờ sông và các trụ cầu chạy ngang qua sông, có trụ móng được ép bằng khí nén ăn sâu xuống 32 mét dưới mực nước vào mùa khô là những phần công trình mà việc thi công rất gian nan, chưa từng có tiền lệ tại một nơi như Bắc Kỳ, vốn có khí hậu khắc nghiệt và thời tiết xáo trộn dữ dội.
Tháng Chín năm 1898 viên đá đầu tiên được đặt khởi công cho cây cầu tại Hà Nội tại mố cầu phía tả ngạn, nằm thẳng hàng với một dãy những chiếc cọc dài có cắm cờ ở trên, đánh dấu địa điểm nơi các trụ cầu sẽ mọc lên. Trong số những người Pháp có mặt tại buổi lễ, từ Tổng Tư lệnh Bichot, Đô đốc de Beaumont, Tư lệnh Hạm đội, cho tới những người lính thường, từ kỹ sư trưởng cầu đường cho tới giám sát thi công, rất nhiều người tỏ ra hoài nghi và không tin rằng công trình đồ sộ này có thể hoàn tất. Còn những người bản xứ khi được biết dự án của người Pháp, họ cho nó là điên rồ. Bắc một cây cầu qua sông Hồng ư? Thật là điên! Chẳng khác gì nói rằng người ta muốn chồng các quả núi lên nhau để leo lên trời. Một dòng sông rộng như một eo biển, sâu hơn 20 mét, với mực nước còn dâng lên thêm tám mét nữa vào mùa mưa, có đáy sông liên tục biến đổi, bồi lên chỗ này, lõm sâu xuống ở chỗ kia – một dòng sông như thế không thể bị khuất phục, chế ngự, khống chế bằng một cây cầu cắm xuyên vào lòng nó, tìm chỗ đứng dưới đáy những con sóng mạnh mẽ không thể cưỡng nổi của nó.
Những công nhân thi công đang xây nên cấu trúc đẹp đẽ của các trụ cầu dưới sự chỉ đạo của các đốc công Pháp. Thoạt tiên, họ ngồi vào các thùng ketxon 273 bằng kim loại có thể di chuyển như một chiếc thuyền đến vị trí mố trụ cần thi công, và thùng ketxon này sẽ chìm dần theo tiến độ trụ đá được xây lên trong nó; rồi với khí nén được cấp vào trong khoang thùng ketxon bên dưới trụ đá, họ đào đến tận đáy sông để từ từ đẩy thùng ketxon này cùng với trụ đá bên trong nó vào sâu lòng đất. Và thùng ketxon này càng ngày càng lún xuống sâu hơn. Khi nó xuống sâu tới 20 mét dưới mặt nước, với áp suất khí nén tương đương hai át-mốt-phe, rồi 25 mét, rồi 30, với áp suất khủng khiếp tới ba át-mốt-phe, và cuối cùng là 31, 32, đôi khi là 33 mét, trong điều kiện này việc thi công trở nên cực kỳ khắc nghiệt. Những công nhân An Nam bé nhỏ can đảm đã sống dưới độ sâu này mà không sợ hãi, không phản đối.
Những người chỉ đạo công trình đã biết cách chăm lo đội ngũ nhân công và gắn bó với họ. Các công nhân sau khi làm việc bốn giờ trong không khí nén và được đưa từ từ lên không khí ngoài trời sẽ nhường chỗ lại cho một kíp khác, rồi lập tức được đưa tới một lán nghỉ, tại đó người ta cho họ uống thuốc bổ, xoa bóp cho họ, và cứ mỗi ca làm việc lại có một bác sĩ tới kiểm tra sức khỏe cho họ. Cách đối xử nhân ái này đã khiến danh tiếng các công trường xây dựng vang xa, người đến xin làm tại đó ngày càng đông.
Việc xây dựng cầu tại Hà Nội được tiến hành với sự huy động phương tiện và nỗ lực liên tục đáng ghi nhận. Khi các trụ cầu được lần lượt hoàn tất, các rầm thép được chuyển từ Pháp tới, và việc lắp đặt lập tức bắt đầu. Người ta chứng kiến cây cầu dần dần vươn qua sông. Vẫn các nhân công bản xứ lắp ráp các phần rầm kim loại, vận hành các thiết bị cẩu nặng, tán các đinh ri-vê. Ban đầu, các thợ tán đinh ri-vê chủ yếu được tuyển mộ từ cộng đồng người Hoa, vốn khỏe mạnh hơn người An Nam; nhưng dần dà, người An Nam đã gạt người Hoa ra. Nếu họ không khỏe bằng, họ sẽ tích cực và khéo léo đến mức tạo ra năng suất cao hơn, nên họ được các kỹ sư ưa thích hơn.
Ba năm sau khi khởi công, cây cầu đồ sộ đã hoàn tất. Nhìn gần, bộ khung rầm bằng thép của nó thật ấn tượng. Chiều dài của cây cầu trông như vô tận. Nhưng khi người ta chiêm ngưỡng cây cầu từ dưới dòng sông, nó chỉ còn là một tấm lưới mắt cáo nhẹ, một dải đăng ten vắt ngang bầu trời. Dải đăng ten bằng thép này xoàng ra cũng đã tiêu tốn của chúng ta hơn sáu triệu phờ-răng.
Cây cầu được khánh thành vào tháng 2 năm 1902 với tên gọi Doumer. Ban đầu chỉ gồm đường sắt ở giữa và hai đường bộ hành rộng 1m ở hai bên, đã hoàn thành và khánh thành lần đầu sau 3 năm thi công xây dựng (1899-1902), dưới thời Toàn quyền Paul Doumer. Sau này phần mở rộng thêm hai bên cầu cho xe ô tô qua lại đã hoàn thành dưới thời Toàn quyền Merlin vào ngày 23-4 1924.
Trích trong Hồi ký Xứ Đông Dương của Paul Doumer





Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *