Một quan điểm về sự ra đời của vương quốc Champa (Phần 1)

Một quan điểm về sự ra đời của vương quốc Champa
(Phần 1)
Tác giả: Đồng Thành Danh
  1. Đặt vấn đề
Đối với những nhà nghiên cứu sử học cổ – trung đại và những người quan tâm đến lịch sử, tên gọi Champa hiện vẫn còn chứa đựng nhiều điều bí ẩn. Hầu hết những diễn ngôn gần đây của giới học giả đều nhìn nhận Champa như một vương quốc tập hợp nhiều tiểu quốc ở miền Trung (đôi khi cả khu vực Tây Nguyên), chưa có tư liệu nào chứng minh Champa là “một quốc gia” (Po Dharma, 1999; Lafont, 1999, Lafont, 2011; Lương Ninh, 2006). Trong suốt thời gian dài, các học giả không ngừng lý giải về thể chế chính trị của Champa như là một quốc gia liên bang, liên hiệp (Po Dharma, 2012; Southworth, 2001; Vickery, 2005; Schweyer, 2010), một chính thể thuộc dạng Mandala (Wolter, 1999; Momoki, 2011; Lâm Thị Mỹ Dung, 2017; Đỗ Trường Giang 2018), một chính thể thuộc cấu trúc liên quần đảo (Taylor, 1992)… Tất cả những lý giải này đều dựa trên các giả định, các phân tích của những người đi sau hàng mấy thế kỷ. Tuy nhiên, bản chất thật sự của nguồn gốc, bối cảnh hình thành, cách thức mà chính thể này liên kết, tồn tại, phát triển và suy vong vẫn chưa được luận giải một cách tỉ mỉ và toàn diện. Khái niệm Champa và vị trí của nó trong bối cảnh quá khứ, trong diễn trình lịch sử cũng cần được định vị lại trên nhiều chiều cạnh tiếp cận khác nhau. Để làm được điều đó, chúng ta không chỉ dựa vào nguồn sử liệu Trung Hoa, các thuyết, giả định, mà còn phải dựa vào các cứ liệu có tính kiểm chứng (khảo cổ học) và các sử liệu mang tính tự sự (bia ký).
Bài viết này là một phần nhỏ trong nỗ lực tái định vị lại quan niệm về Champa thông qua việc luận giải những quan điểm, những cách nhìn nhận trước kia về Champa còn chưa hoàn chỉnh. Tuy vậy, bài viết này không mang tính phê phán đối với các học giả Champa tiền bối, mà là sự kế thừa và gợi mở một số tiếp cận mới trong quan niệm về Champa.
  • Những chính thể tiền Champa: Nhìn từ bia ký
Trong quan điểm của nhiều nhà Champa học, Lâm Ấp là chính thể khởi đầu của Champa, điều này dẫn đến những suy luận tiếp theo của họ rằng những gì thuộc về Lâm Ấp ắt hẳn cũng thuộc về Champa: sự khởi đầu của Lâm Ấp là khởi đầu của Champa, lãnh thổ Lâm Ấp là lãnh thổ Champa và sự phát triển của Lâm Ấp hiển nhiên là sự tiến hóa của Champa. Lập luận này bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi các nguồn sử liệu Trung Hoa, khi mà nghiên cứu về bia ký chưa xuất hiện. Ngay cả khi Vickery (2005) và Southworth (2011) đã chỉ ra các hạn chế của sử liệu Trung Hoa và nhược điểm của việc sử dụng các nguồn sử liệu ấy để xác định lại lịch sử Champa, nhiều học giả vẫn xem Tây Đồ (chính thể ở sông Thu Bồn), một chính thể nằm ở phía Nam Lâm Ấp, mới là Champa.
Đối với tác giả, Champa chỉ hiện hữu khi chủ nhân của nó ý thức về Champa: khi họ gọi đất nước của mình là Campadésa[1] hay Campapura[2], gọi vua của mình là vua hay người cai trị Champa (Campésvara[3],Campaprthivibhujas[4]…), tất nhiên để có một quốc gia Champa như vậy phải có những thể chế tiền đề, tạo ra từ những sự kiện tiền đề, dựa trên những bối cảnh địa – chính trị tiền đề. Điều đó không có nghĩa rằng những gì thuộc về tiền đề phải bị đánh đồng với chính thể ấy. Chúng tôi quan điểm rằng, Champa không phải là Lâm Ấp, càng không phải là Tây Đồ. Đổng Thành Danh (2018) đã đặt ra một kết luận rằng, Lâm Ấp hay kể cả Tây Đồ đều là “sản phẩm” của các nhà viết sử Trung Hoa, nó không thể phản ánh cái bản chất đầy đủ của các chính thể tiền Champa và do đó càng không thể phản ánh đầy đủ bản chất của Champa. Có thể thấy, những nguồn tư liệu khảo cổ học mới nhất kết hợp với những bia ký cổ có thể làm rõ hơn điều này.
Vậy thì, để nhìn lại diện mạo ban đầu của Champa, thay vì tập trung vào Lâm Ấp, thông qua các sử liệu Trung Hoa, hãy tập trung vào các diễn biến khảo cổ học cho thấy sự xuất hiện của những chính thể Champa sớm. Bia ký là một khối dữ liệu quan trọng để tìm hiểu lịch sử Champa. Tuy nhiên, những nhà nghiên cứu bia ký Champa luôn phải “đau đầu” khi sử dụng nguồn tư liệu này. Thực tế, bia ký Champa còn lại rất ít ỏi, nội dung của các văn bia lại đa dạng về văn tự, nội dung mang nhiều ẩn nghĩa do đó muốn xâu chuỗi, sắp xếp, tổng hợp các văn bia lại để viết sử Champa quả thật không phải là điều dễ dàng. Có 2 bia ký quan trọng nhất cho thấy chỉ dấu về những chính thể hay nhà nước sớm ở miền Trung Việt Nam: Võ Cạnh (C.40) thế kỷ II – III (Finot, 1915, tr. 3 – 5; Majumdar, 1927, tr. 1 – 3; Filliozat, 1969, tr. 107 – 116; Jacques, 1969, tr. 117 – 124), Đông Yên Châu (C174) gần Trà Kiệu có niên đại khoảng thế kỷ IV (Schweyer, 1999, tr. 321 – 344).
Bia ký quan trọng nhất trong giai đoạn này là Võ Cạnh (Nha Trang, Khánh Hòa), nhắc đến một danh xưng Sri Mara, mà Maspero đồng nhất với Khu Liên (trong các ghi chép của Trung Hoa). Võ Cạnh là bia ký thu hút được nhiều sự chú ý nhất của giới học giả, riêng về vấn đề chủ nhân hay nguồn gốc của tấm bia này đã có nhiều quan điểm khác nhau. Coedes (2011) cho rằng bia ký này thuộc Phù Nam với lập luận rằng Sri Mara chính là Phạm Sư Mạn (vua Phù Nam được nhắc đến trong các văn bản Trung Hoa). Ngược lại, Filliozat (1969) và Jacques (1969) cho rằng nó không được dựng nên bởi hậu duệ của Sri Mara, mà là một người con rể kết hôn với dòng tộc mẫu hệ đang thống trị và dòng tộc này là dòng tộc của một người phụ nữ là cháu nội của Sri Mara. Điều này được làm rõ hơn bởi Southworth (2001), và được sự ủng hộ của Vickery (2005), khi ông lý giải bia ký này thể hiện một đặc trưng của chế độ mẫu hệ điển hình của một xã hội bản địa Nam đảo, tức là dù nhắc đến vua Phù Nam nhưng chủ nhân của nó là một vị thủ lĩnh bản địa (Đổng Thành Danh, 2018, tr. 47 – 52).
Như vậy, nội dung của tấm bia Võ Cạnh ở Nha Trang đặt ra một khả năng rằng chủ nhân của nó là một người thuộc dòng họ mẫu hệ thống trị hay một vị thủ lĩnh ở vùng địa phương. Đặc trưng mẫu hệ của dòng họ này thể hiện qua nội dung trên bia ký phản ảnh dấu ấn bản địa điển hình của nhóm người Mã Lai – Đa Đảo (trong đó có người Chăm). Tấm bia cũng phần nào cho thấy mối liên kết hay bị ảnh hưởng bởi Phù Nam của vị thủ lĩnh hay dòng tộc dựng nên tấm bia này, nhất là khi nơi dựng tấm bia khá gần với Phù Nam – một đế chế mà thời điểm ấy vẫn đang rất hùng mạnh trong khu vực. Mặt khác, khi dựng một tấm bia có sử dụng văn tự Ấn Độ, với những nội dung tôn giáo mang ảnh hưởng Ấn Độ, chủ nhân của tấm bia kỳ rõ ràng đang xây dựng một thể chế Ấn Độ hóa như phần lớn các thể chế trong khu vực thời bấy giờ. Chính thể là chủ nhân của văn bia Võ Cạnh với những điều kiện trên rất có thể đã là một chính thể mang tính nhà nước hay nhà nước sơ khai phát triển từ các chính thể tiền nhà nước bản địa đang trong quá trình Ấn Độ hóa ở phía Nam Champa sau này.
Xa hơn về phía Bắc, ở Quảng Nam, ngoài Đông Yên Châu, 3 tấm bia có niên đại muộn hơn một chút (khoảng thế kỷ V) cho thấy thuộc về một vị thủ lĩnh hay tiểu vương ở vùng Quảng Nam: Bhadravarman[5]. Maspero (1928, tr. 63–64) đánh đồng Bhadravarman I này với Phạm Hồ Đạt (vua Lâm Ấp trong sử liệu Trung Hoa), trong khi Coedes (2011) lại cho đây là Phạm Phật, giả định của 2 “bậc thầy” này dựa trên lập luận Champa là nhất thể và đánh đồng Lâm Ấp với Champa, các nhận định này là kết quả của việc tìm ra sự đồng nhất giữa sử liệu Trung Hoa và các văn bia. Ngược lại, các quan điểm gần đây, của Vickery (2005, tr. 27) và Schweyer (2010, tr. 109 – 111), mà tác giả phần nào ủng hộ, cho rằng Bhadravarman là vua của một chính thể ở Quảng Nam, mà Schweyer (2001) xác định rõ tên gọi là Tây Đồ, một chính thể mà Southworth (2001, tr. 291 – 293) định vị tại lưu vực sông Thu Bồn. Quan điểm của Schweyer (2001), một lần nữa phần nào bị ảnh hưởng tư duy đánh đồng giữa các ghi chép trong bia ký và tài liệu Trung Hoa, cố gán ghép các địa danh của 2 nguồn sử liệu khác nhau.
Một tấm bia khác quan trọng không kém gắn với Bhadravarman là bia C41 được tìm thấy xa hơn về phương Nam nay thuộc Chợ Dinh, ven biển tỉnh Phú Yên. Sự xuất hiện của văn bia mang tên Bhadresvara (vị thần Shiva ở Mỹ Sơn mà Bhadravarman dựng nên và tôn thờ) trong giai đoạn này khiến cho Finot lầm tưởng rằng Champa là một thể thống nhất từ Bắc chí Nam cho dù quan điểm ấy ngày nay đã không còn đứng vững trước “hình ảnh” Champa đa tiểu quốc đã được giới học giả thừa nhận rộng rãi (Finot, 1902, tr. 185 – 186). Tuy vậy, sự xuất hiện một bia ký có mối liên hệ với vị thủ lĩnh thuộc một chính thể ở Quảng Nam cho thấy 2 khả năng, một là đó là bia ký do chính Bhadravarman dựng lên, hay là do một thủ lĩnh địa phương, người chịu ảnh hưởng bởi Bhadravarman dựng nên, ta không thể trả lời chính xác chủ nhân thật sự của văn bia này nhưng ít ra ta có thể đi đến nhận định rằng tấm bia này cho thấy một sự ảnh hưởng (trực tiếp hoặc gián tiếp) của chính thể ở Quảng Nam mà Bhadravarman xây dựng đã vươn đến vùng đất Phú Yên bây giờ: đó là tiền đề mở đầu cho việc xác lập một Champa sau này. Dù vậy, vẫn không hề có một cứ liệu nào cho thấy tầm ảnh hưởng của chính thể mà Bhadravarman xây dựng lan tỏa hơn nữa về phương Nam đến vùng đất Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận hiện nay.
  • Dấu vết khảo cổ của các nhà nước sớm
Đó là những phán đoán dựa vào những ghi chép đầu tiên của bia ký Champa, trong những năm gần đây, các phát hiện mới nhất về khảo cổ học ở miền Trung Việt Nam củng cố hơn cho những giả thuyết ấy. Những cuộc khai quật khảo cổ học đã chỉ ra rằng ngay từ thế kỷ thứ I đã xuất hiện những di chỉ cư trú có quy mô lớn ở nhiều vùng thuộc tỉnh Quảng Nam như Trà Kiệu, Gò Cấm (Duy Xuyên), Hậu Xá, Hồ Điều Hòa (Hội An)… đến các giai đoạn muộn hơn xuất hiện trung tâm cư trú Thành Lồi (Huế), Cẩm Phô (Hội An), Cổ Lũy – Phú Thọ ở Quảng Ngãi (thế kỷ III – IV)… Đặc điểm chung của các di chỉ cư trú giai đoạn sớm là đều được phát triển từ nền móng các di chỉ thời Sa Huỳnh (sơ sử), tập trung quanh lưu vực các con sông lớn, qua các hiện vật, dấu vết di tích có thể thấy có ảnh hưởng và giao lưu với Trung Hoa. Nổi bật trong số các di chỉ thời kỳ này là Trà Kiệu, không chỉ lớn về quy mô, đa dạng về loại hình di vật, di tích, và trải dài liên tục về mặt niên đại, trải dài trên nhiều tầng văn hóa, Trà Kiệu còn là một phức hợp cư trú gắn với thành lũy. Do vậy, không còn nghi ngờ gì nữa, Trà Kiệu, từ thế kỷ thứ 3, đã hội đủ các yếu tố để trở thành trung tâm của một nhà nước sớm ở khu vực Quảng Nam (Lâm Thị Mỹ Dung, 2017, tr. 211 – 290).
Muộn hơn về niên đại, khoảng thế kỷ III –IV, di chỉ Cổ Lũy – Phú Thọ, là một phức hợp di chỉ lớn, đa chức năng không thua kém gì Trà Kiệu, ở đây có dấu tích các đền, tháp, các thành lũy quân sự, các di chỉ cư trú lớn, rất có khả năng là trung tâm chính trị – hành chính của một nhà nước sớm ở khu vực Quảng Ngãi hiện nay (Lâm Thị Mỹ Dung, 2012, tr. 45 – 62; Lâm Thị Mỹ Dung, 2017, tr. 262 – 271). Muộn hơn, khoảng thế kỷ thứ IV, trên lưu vực sông Hương (Huế), các chuyên gia khảo cổ cũng phát hiện một dấu tích thành lũy lớn và khá nguyên vẹn – Thành Lồi, ngoài dấu tích thành quân sự muộn này, người ta chưa phát hiện một di chỉ lớn nào quy mô hơn, sớm hơn ở Thừa Thiên Huế. Dù chưa thể kết luận xem Thành Lồi có phải là trung tâm của một chính thể nhà nước sớm, nhưng dấu tích Thành Lồi có thể được xem như là một thành lũy quân sự có vai trò phòng thủ quan trọng ở phía Bắc lãnh thổ Champa sau này (Lâm Thị Mỹ Dung, 2016, tr. 58 – 71; Lâm Thị Mỹ Dung, 2017, tr. 211 – 215).
Những khám phá khảo cổ học đã soi sáng một phần quá khứ không được các văn liệu ghi lại ở các thế kỷ đầu Công nguyên tại khu vực miền Trung Việt Nam. Trên cơ sở tiếp nối những trung tâm, những lãnh địa của cư dân Sa Huỳnh, các di chỉ cư trú mới được ra đời, các di chỉ này liên kết với nhau qua các hoạt động giao thương, buôn bán, qua các hoạt động quân sự thôn tính hoặc sáp nhập để rồi hình thành những di chỉ phức hợp cư trú thành lũy, hội đủ các điều kiện biến thành các trung tâm hành chính – quân sự – kinh tế của những chính thể dạng nhà nước sớm (Lâm Thị Mỹ Dung, 2008; Lâm Thị Mỹ Dung, 2015, tr. 1 – 15; Lâm Thị Mỹ Dung, 2017, tr. 400 – 409). Trong đó, Trà Kiệu đáp ứng đủ các nhu cầu để trở thành trung tâm hành chính – quân sự – kinh tế của một dạng chính thể nhà nước tiền Champa ở Quảng Nam, sự trùng khớp về niên đại lẫn không gian địa lý cho phép chúng ta đồng nhất chính thể tiền Champa này với chính thể nhà nước mà Bhadravaman I đã tạo dựng, được ghi lại trong bia ký.
  • Lâm Ấp, Tây Đồ và các chính thể tương đương trong các sử liệu Trung Hoa
Đến đây ta có thể quay lại với các sử liệu Trung Hoa, nhưng hãy xem chúng như những nguồn thông tin mang tính đối chiếu với các nguồn thông tin ở trên và luôn dè dặt với từng chi tiết được ghi chép bởi các sử gia “phương Bắc”. Đối với hầu hết các học giả xem sử liệu Trung Hoa như là nguồn đầu tiên để phác họa lại lịch sử Champa, cái tên Lâm Ấp luôn được định vị đầu tiên trong các công trình nghiên cứu trước đó của họ. Lâm Ấp xuất hiện đầu tiên trong Thủy kinh Chú, sau đó lần lượt được ghi tên trong các bộ sử lớn của Trung Hoa như Tấn thư, Tống thư, Nam Tề thư, Lương thư, Tùy thư, Cựu Đường thư và Tân Đường thư… Hầu hết các sử liệu này mô tả Lâm Ấp là quốc gia lập nên từ thời Hán mạt, sau cuộc nổi dậy của Khu Liên chống lại nhà Hán, quốc gia này ở cực Nam Trung Hoa thường xuyên là mối đe dọa với biên cương của các triều đại phương Bắc. Các sử liệu này cũng đề cập đến tình hình Lâm Ấp, các kinh thành, đời sống người dân và đặc biệt là danh sách các vị vua kéo dài luôn mở đầu bằng họ Phạm (Phạm Hùng, Phạm Văn, Phạm Hồ Đạt, Phạm Phật, Phạm Dương Mại…[6].)
Lần sâu hơn về quá khứ, cũng có các nguồn sử liệu cổ hơn nói về các nhóm tộc người ở phương Nam Trung Hoa đó là hậu Hán thư. Các tài liệu này ghi nhận những sự kiện quan trọng trước thời Lâm Ấp, như các cuộc nổi dậy của người phương Nam chống lại nhà Hán năm 100, 137, 144, 178, tư liệu đó còn ghi nhận về một quốc gia ở phương Nam Trung Hoa thường đem quân tràn qua biên giới, kết hợp với cư dân tại chỗ chống lại “triều đình”, dù vị trí của nó chưa được xác định cụ thể nhưng quốc gia này không phải là Lâm Ấp. Muộn hơn một chút (khoảng thế kỷ IV – V), sau khi các bộ sử Trung Hoa ghi nhận về Lâm Ấp, một nguồn sử liệu khác, là sách Thông điển, ghi nhận về một loạt các quốc gia phía Nam Lâm Ấp như: Tây Đồ, Ba Liêu, Khuất Đồ Kiển,… (Stein, 1947, tr. 116 – 117). Bằng những ghi chép về đơn vị địa lý trong văn liệu này, Southworth (2001, tr. 293 – 294) phán đoán rằng, Tây Đồ ở khu vực sông Thu Bồn, Ba Liêu ở Tam Kỳ (Quảng Nam), trong khi Khuất Đồ Kiền thuộc tỉnh Nha Trang, Khánh Hòa ngày nay.
Những ghi chú liên tục trong sử liệu Trung Hoa từ thế kỷ thứ I đến thế kỷ thứ V cho thấy một tình trạng điển hình, làm cơ sở củng cố cho các nguồn khảo cổ và văn bia, ở miền Trung Việt Nam trong những thế kỷ đầu công nguyên: đó là sự hình thành và tồn tại của một loạt các quốc gia, mà Lâm Ấp và Tây Đồ chỉ là một trong số những quốc gia ấy. Dù vậy, tác giả vẫn muốn bảo vệ lập luận của mình rằng những ghi chú ấy chỉ mang tính gợi ý chứ không thể căn cứ của bất kỳ một nhận định nào mang tính khả dĩ. Chúng ta không nên đánh đồng hay cố gán ghép những ghi chú ấy với bất kỳ một thực thể nào, một niên đại, sự kiện hay một vị trí địa lý cố định nào với các dữ liệu khảo cổ và bia ký. Do đó cần từ bỏ hay thận trọng trong việc đánh đồng Lâm Ấp với thực thể ở Bắc Hải Vân sau đó mở rộng về phương Nam (Coedes, 2011, tr. 93; Stein, 1947, tr. 241 – 245; Po Dharma, 1999, tr. 10; Lafont, 1999, tr. 42; Lafont, 2011, tr. 140 – 141), hay định vị Lâm Ấp ngay tại Quảng Nam, Quảng Ngãi (Pilliot, 1904, tr. 184 – 186; Đào Duy Anh, 1998, tr. 186 – 189), càng không thể định vị Tây Đồ là một thực thể nổi lên ở vùng Thu Bồn và đồng hóa các nhà nước khác, kể cả Lâm Ấp và trở thành Champa (Southworth, 2001, tr. 318; Schweyer, 2010, tr. 102 – 117).
Điều duy nhất mà chúng ta có thể đưa ra lúc này là bối cảnh chính trị phức tạp, đa quốc gia ở miền Trung Việt Nam trong suốt năm thế kỷ đầu công nguyên, điều đó làm tiền đề quan trọng cho sự hình thành Champa sau này, để chúng ta có thể định vị các nhà nước này là những nhà nước tiền Champa. Đến đây vấn đề tiếp theo mà chúng ta cần phải thực hiện là đi tìm sự lý giải cách thức mà các chính thể đa dạng này liên kết và tập hợp, đó là câu trả lời của một câu hỏi Champa được hình thành như thế nào?
(Còn tiếp phần 2)
Có thể xem thêm phần tiếp theo và các bài viết khác tại đây:
https://chamblogger.wordpress.com/2020/06/20/mot-quan-diem-ve-su-ra-doi-cua-vuong-quoc-champa/
Nguồn: Chamblogger.wordpress.com


Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *